Môn công nghệ quá lạc hậu
Nói đến công nghệ là cập nhật và ứng dụng nhưng chương trình và sách giáo khoa môn này hiện nay ở trường phổ thông quá xa rời thực tế.
Không chỉ chương trình quá cũ, thiếu tính ứng dụng, tư duy đây chỉ là môn phụ khiến môn học này là môn tập trung những giáo viên kiêm nhiệm. Kiến thức chuyên môn còn yếu, có thực trạng giáo viên còn dùng tiết học này để dạy các môn khác còn dang dở… Thực tế đó khiến học sinh thờ ơ, không còn hứng thú với môn học.
Sử dụng số liệu của năm 2004
Dẫn chứng về sự lạc hậu của môn công nghệ, giáo viên một trường THPT tại quận Tân Bình (TP HCM) cho biết trong chương trình công nghệ lớp 10 học về nông nghiệp, sách giáo khoa (SGK) vẫn còn sử dụng số liệu của những năm 1995 đến 2004.
Chẳng hạn, ở bài “Ngành nông lâm ngư nghiệp có vai trò quan trọng trong sản xuất hàng hóa xuất khẩu”, SGK lấy nguồn từ Tổng cục Thống kê để dẫn chứng nhưng số liệu này có từ những năm 1995, 2000 và 2004.
Nghiêm trọng hơn, ở phần biểu đồ thể hiện về cơ cấu lực lượng lao động xã hội ở nước ta lại tiếp tục dùng số liệu của những năm 1995 đến 2000. Rõ ràng cơ cấu lao động hiện nay tại các ngành nghề ở nước ra đã khác rất nhiều. Số liệu lạc hậu sẽ dẫn đến những phân tích sai và cách hiểu sai.
Tương tự, bài học về tầm quan trọng của sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trong nền kinh tế quốc dân yêu cầu học sinh dựa vào biểu đồ trong sách để nhận xét về đóng góp của ngành nông, lâm, ngư nghiệp trong cơ cấu tổng sản phẩm nội địa. Biểu đồ sử dụng số liệu của 3 năm là 1995, 2000 và 2004 để yêu cầu học sinh nhận xét
“Nếu các em nhận xét theo số liệu cách đây hơn 10 năm thì vô hình trung chúng ta đang gieo vào đầu các em những tư duy lạc hậu vì số liệu này không phản ánh được thực tế ngành nghề hiện nay” – giáo viên này bức xúc.
Một giáo viên khác dẫn chứng trong chương trình môn công nghệ lớp 12, ở bài máy thu hình, SGK ghi khái niệm về máy thu hình là thiết bị nhận và tái tạo âm thanh và hình ảnh của đài truyền hình. Âm thanh và hình ảnh được xử lý độc lập trong máy thu hình.
Video đang HOT
Tiếp sau đó, SGK có hình mô phỏng nhưng vẫn còn sử dụng khái niệm ăng-ten. Ăng-ten là thiết bị thu sóng nhưng hiện nay rất ít gia đình còn sử dụng. Hầu hết đã sử dụng đầu thu và các thiết bị kỹ thuật số. Chưa kể, sắp tới sẽ chuyển hoàn toàn sang việc sử dụng đầu thu, không còn ăng-ten nữa. Vậy học sinh học về ăng-ten thì cũng như không, trong khi đó đầu thu lại không biết sử dụng.
Một bằng chứng lạc hậu của sách giáo khoa môn công nghệ lớp 12 . Ảnh: Người Lao Động.
Cập nhật không đúng chỗ
Ông Đỗ Ngọc Thịnh, giáo viên môn công nghệ Trường THPT Bà Điểm (TP HCM), cho biết trong vài năm trở lại đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có cập nhật một số chuyên đề bổ sung trong SGK công nghệ.
Đơn cử như chuyên đề về kinh doanh, dạy học sinh các kỹ năng về tài chính, gọi chung là các chuyên đề về kỹ năng sống. Nhưng có bất cập là những giáo viên chuyên về công nghệ thì được đi tập huấn về những thay đổi, còn những giáo viên kiêm nhiệm thì không. Trong khi đó, hầu hết hiện nay giáo viên dạy môn công nghệ là giáo viên kiêm nhiệm.
Ông Thịnh cũng cho rằng việc giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh là yêu cầu cần thiết, trách nhiệm của tất cả môn học, giáo viên song nếu bỗng dưng xây dựng thành chuyên đề rồi cập nhật vào SGK công nghệ thì rất khiên cưỡng. Giống như môn học thập cẩm, có thể ghép bất kỳ môn nào còn thiếu vào. Lâu dần tạo tâm lý cho học sinh tư tưởng học lệch vì là môn phụ, có hay không cũng không ảnh hưởng gì.
Hiệu trưởng một trường THPT thống kê trong 10 giáo viên dạy môn công nghệ thì có tới 8 giáo viên là kiêm nhiệm từ môn sinh học. Từ thực tế này dẫn đến tình trạng nếu giáo viên nào dạy quen thì biết SGK chỗ nào hạn chế, chỗ nào cần cập nhật để bổ sung kiến thức cho học sinh. Ngược lại, nếu là giáo viên không chuyên thì bám sách, dạy theo phân phối chương trình (thiếu sự cập nhật) cho đủ tiết.
Giáo viên không có hứng thú dạy
Giáo viên một trường THPT tại quận Bình Thạnh (TP HCM) cho biết số liệu lạc hậu, không những khiến học sinh không hứng thú, thờ ơ với môn học mà chính bản thân người dạy cũng không còn cảm hứng để dạy. Mặt khác, SGK cung cấp những số liệu, kiến thức quá cũ thì mục đích cung cấp trở thành sự không nghiêm túc. Chưa kể công nghệ mà lạc hậu dễ dẫn đến học sinh học sai, hiểu sai và không thể thực hành, áp dụng trong thực tế được thì rất nguy hiểm.
Theo Đặng Trinh/Người Lao Động
Tâm thư của thầy giáo dành cho những sinh viên lười
'Các em mất cả gốc lẫn rễ rồi, nhưng thầy có thể giúp đi lên từ con số 0 nếu có thái độ học tập tốt. Vậy mà các em thờ ơ, có em bất cần, có em hứa thật nhiều và thất hứa cũng thật nhiều', thầy Nguyễn Quốc Vỹ viết.
Sau gần 4 năm rời xa phấn trắng, bảng đen để đi học và nghiên cứu, học kỳ này quay trở lại trường, thầy chỉ dạy một môn với số giờ có lẽ là ít nhất trường. Thầy tham gia dạy với mong muốn xem các em giờ thế nào, có khác với những sinh viên của thầy trước đây. Có cơ hội để chia sẻ những gì thầy biết đến với các em thì đó là niềm vui của thầy. Nếu không truyền đạt, không trao đổi và cứ giữ khư khư những điều mình biết thì với thầy sẽ không còn ý nghĩa gì nữa. Thầy cũng hiểu rằng, truyền đạt cho các em thì cũng sẽ học được từ chính các em.
Học môn này, các em làm bài tập nhiều đúng không? Trừ buổi đầu chúng ta dành thời gian để làm quen, giới thiệu chung, nhắc lại quy định, trao đổi cùng nhau thì 14 tuần còn lại là 14 bài tập. Học thực hành thì phải làm bài tập và chỉ có như vậy mới "khá" lên. Để có một bài tập phát cho các em thực hiện trong 3 tiết, thầy phải đầu tư thời gian và công sức cả ngày. Chỉnh sửa, in ấn, photo... cũng tốn thời gian nữa chứ.
Thầy làm như vậy vì muốn các em tiết kiệm tiền do không phải photo cả cuốn giáo trình dày cộm mà không đọc và cũng là để cho bài tập phù hợp với trình độ của các em. Bài tập mà các em nhận là "đứa con tinh thần" của thầy. Nhưng, các em "đối xử" thế nào? Các em thực hiện chưa xong đã vứt và hôm sau chẳng có bài tập để làm. Em nào thực hiện xong rồi cũng... vứt luôn mà chẳng cần lưu giữ hay ghi chú gì thêm trong đó.
Một tuần thầy giao tiếp hơn 200 em. Mệt mỏi với các em trong những tuần đầu vì hầu hết quên những kiến thức cơ bản nhất. Nhưng, khi các em đã biết một ít kiến thức rồi thì lại nghĩ rằng đã đủ, đã có thể thi đậu và thậm chí là đã giỏi. Từ đó, các em muốn về sớm mà chẳng bao giờ chịu hỏi thêm dù thầy luôn khuyến khích hỏi.
Thầy thấy rằng, trong một lớp chỉ có chừng vài bạn là tích cực học và hỏi. Còn lại, các em vẫn cứ như đang "mơ về nơi xa lắm". Các em mong hết giờ, ngồi học mà mệt mỏi lắm, rồi ngáp, rồi "vọc" điện thoại và nếu có nhắc nhở thì phản ứng lại hoặc làm cho có.
Thầy biết rằng nhiều em học yếu lắm. Phải nói và viết thật như vậy. Các em mất cả "gốc" lẫn "rễ" rồi. Nhưng, thầy nghĩ rằng có thể giúp các em đi lên từ con số 0 nếu có một thái độ học tập tốt. Vậy mà, mong mỏi nhỏ nhất của thầy tìm cũng không thấy. Các em thờ ơ, có em bất cần, có em "hứa thật nhiều và thất hứa cũng thật nhiều".
Thầy dạy bù thì các em không đến dù đã thỏa thuận và nhắc lại trước buổi học. Thầy ghi thời gian lên bảng thông báo việc bồi dưỡng thêm thì các em cũng ghi lại, có em lưu vào điện thoại nhưng đến ngày giờ đó thì để thầy thành "hòn vọng sinh".
Thầy muốn các em yếu phải thực hành thêm để thi tốt. Thầy muốn các em đã khá thì sẽ giỏi. Nhưng, đến cả bạn lớp trưởng mà chỉ cần 5 điểm thì biết nói gì nữa. Các em có thể đạt điểm 5 trong lần thi đầu và nếu không đạt thì còn những lần học và thi sau đó.
Nhưng, học lại phải đóng một mức phí gần bằng học phí cả một học kỳ. Sao các em lại "thích" như vậy? Còn điểm 5 hay điểm 10 mà nếu không làm được, lơ mơ, lơ ngơ, lóng ngóng sau khi "ra đời" thì lại tiếp tục "nhận lương" hàng tháng từ gia đình mà thôi.
Có bạn bảo thầy, nếu học nghề cơ khí thì cần học vài môn, thêm cái búa, cái đục, cái đe... là đủ rồi. Các em đã xem hài kịch "Ru lại câu hò" chưa? Chí Tài vì không muốn cái điệp khúc "như dzầy" của gia đình lặp lại sau 10 năm, 15 năm, 20 năm mà bỏ Hoài Linh ra đi. Còn các em? Lẽ nào các em muốn sau khi tốt nghiệp cho đến ngày về hưu chỉ mãi cầm cái búa, cái đục và cho rằng "một ngày như mọi ngày" là đủ?
Thầy hỏi nhiều bạn, nghe nhiều bạn và biết nhiều bạn cũng đi làm thêm, cũng vất vả từ 15h chiều đến "khi nào hết khách" để nhận được 60 nghìn. Thầy quý các bạn đó lắm. Nhưng số lượng các bạn như vậy ít quá. Nhiều bạn vẫn "sáng đắng, chiều cay" và buộc thầy phải cấm thi dù làm như vậy là biện pháp cuối cùng rồi.
Thầy chưa và sẽ không bao giờ cho rằng mỗi khi truyền đạt sẽ làm hài lòng tất cả các em. Nhưng, mỗi bài giảng sau luôn tốt hơn bài giảng trước là điều thầy có thể làm. Chỉ mong các em thay đổi từ thái độ học tập để có kiến thức và kỹ năng tốt, nhưng điều đó vẫn còn quá khó.
Dù sao đi nữa, thầy vẫn sẽ làm như đã và đang làm. Chỉ cần thêm một bạn chịu hỏi thầy, chịu đến lớp, chịu thực hành nhiều hơn là thầy vui rồi. Những bạn khác, thầy hy vọng "trường đời" sẽ giúp các bạn nên người vì một trường học cũng không thể nào "hô biến" hay "thay da, đổi thịt" hoàn toàn được.
Theo VNE
Bài toán 'tìm tuổi 3 đứa trẻ' Cuộc đối thoại dưới đây diễn ra giữa Amy và Ben trên xe buýt. Amy: Tôi có 3 người con. Giả sử rằng tuổi của chúng là các số nguyên, tích các tuổi là 36, và tổng các tuổi là số xe buýt mà chúng ta đang đi. Ben: Tất nhiên là tôi biết số xe buýt, nhưng tôi vẫn không thể biết...