Món ăn không thể thiếu với người Sài Gòn
Hiếm có món kho nào được ăn lai rai kéo dài từ trước đến hết tết như nồi thịt kho tàu của người miền Nam. Trong cơn bão giá thịt heo tăng phi mã, nồi thịt kho tàu ăn tết của người Sài Gòn có “teo tóp” không?
Với người Sài Gòn, thiếu gì thì thiếu, không thể thiếu nồi thịt heo kho tàu trong ngày tết cổ truyền
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Hương vị Tết miền Nam
Có thể nói, thịt kho tàu là món ăn phổ biến, quen thuộc nhất với người Nam bộ. Nó hiện diện thường ngày trong bữa ăn gia đình, ở những quán cơm bình dân hay nhà hàng sang trọng, trong đám cúng giỗ… hầu như không thiếu.
Đặc biệt, đây là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm tết. Đọc tên món ăn, nhiều người liên tưởng đó là món của người Hoa du nhập vào Việt Nam. Nhưng thực chất, chính người vùng sông nước miền Nam từ xưa đã chế biến ra món này. Nếu miền Bắc có thịt đông, thì miền Nam lại có món thịt kho tàu.
Có nhiều “giai thoại” xung quanh nồi thịt kho này. Thịt kho tàu được nhiều người truyền tai nhau kể lại rằng ngày xa xưa, khi các tàu thuyền ra khơi, người ta thường nấu một nồi thịt kho có thể ăn được nhiều ngày khi lênh đênh trên tàu nên người ta đặt tên cho món thịt này là thịt kho tàu. Chữ “tàu” trong món ăn chính là “tàu thuyền” chứ không phải là “lạt” như lý giải của nhiều người.
Dù trải qua năm tháng, bao nhiêu thế hệ thì thịt kho tàu, cùng với bánh tét, dưa hấu, canh khổ qua dồn thịt luôn trở thành món không thể thiếu trong thực đơn ngày tết của người Nam bộ
Nhà văn Nam bộ Bình Nguyên Lộc từng giải thích chữ “tàu” ở trong món ăn này với cách lý giải của người dân là “lạt”. Giống như miền Nam có sông Cái Tàu Thượng, Cái Tàu Hạ… là những con sông nước lợ. Vậy đây là món thịt kho lạt nên dù kho đi kho lại nhiều lần cũng không bị mặn.
Chị Thanh Renau (Việt kiều Pháp), cũng là chuyên gia ẩm thực gốc người Sài Gòn, bộc bạch lấy chồng xa quê đã 32 năm, về Việt Nam ăn tết đúng 4 lần, nhưng nỗi nhớ quay quắt về hương vị nồi thịt kho tàu do má kho thì khôn nguôi.
“Tôi gốc người miền Nam mà, nếu hỏi tôi món ngon ngày tết cổ truyền đáng nhớ nhất, tui kể ngay món thịt kho tàu lên hàng đầu. Vị ngọt, thanh, bùi, béo ngậy và thơm lừng của thịt, mỡ, nước dừa quyện vào nhau “mê” lắm”, chị chia sẻ và kể lại rằng nồi thịt kho tàu in đậm trong ký ức tuổi thơ của chị đồng hành với ý niệm sum vầy, hạnh phúc, giàu có trong hoàn cảnh khốn khó của cả xã hội.
Sang Pháp, ngày mẹ chị còn sống, chị Thanh đã hỏi công thức để làm món ăn này, nhưng chưa bao giờ ra được đúng vị như mẹ kho ngày trước. “Cũng có thể khi khốn khó, ăn món gì cũng thấy ngon. Tuy nhiên, với tôi, một nồi thịt kho tàu có màu nâu vàng sóng sánh trong ngày tết rất quan trọng. Nó là hương vị kỷ niệm, là cảm giác quây quần, một miếng thịt to để nguyên không cắt, cắn phập răng cảm nhận vị bùi béo ngậy ngụ ý cho một năm mới sung túc, đầy đủ”, chị chia sẻ.
Nguyên liệu để nấu nồi thịt kho tàu gồm thịt heo đùi hoặc ba rọi, phải có khúc mỡ béo ngậy, nạc và da mỏng. Đi kèm đó là trứng vịt, ít trứng cút và nước dừa
Bà Phan Thị Hoa, ngụ đường Trần Quang Diệu (P.14, Q.3), năm nay đã 76 tuổi, có thói quen làm một nồi thịt kho tàu với trứng vịt từ tối 29 tết. Cả nhà bà ăn lai rai có năm đến mùng 4 tết mới “vét sạch nồi”.
“Hâm nhiều lần thịt càng mềm, càng thơm phức à, ăn với cơm nấu từ gạo Nhật hết nồi. Đi chơi về mệt “mần” tô cơm với hai cục thịt cùng cái trứng là căng bụng”, bà Hoa miêu tả “món ngon” một cách sôi nổi.
Giá heo tăng, lo nồi thịt kho tàu ngày Tết
Chưa năm nào, người Việt nói chung và người miền Nam nói riêng lo nồi thịt kho tàu ngày tết như năm nay. Bởi 2 tháng trước tết, giá heo đang tăng phi mã. Những dự báo thiếu thịt heo ngày tết, giá heo còn tiếp tục tăng khiến nhiều gia đình nhấp nhổm không yên. Với người Sài Gòn, thiếu gì thì thiếu, không thể thiếu nồi thịt heo kho tàu trong ngày tết cổ truyền.
Video đang HOT
Bà Hoa cho biết mỗi cái tết, bà kho tới 5 nồi cho con cháu… “Mấy đứa đi làm cả ngày, làm biếng lắm, cứ nói má kho cho con. Má kho ngon, con nghiền ăn thịt kho trứng của má… Nghe tụi nó nói vậy, cứ bùi tai, lại lụi hụi ra chợ từ sớm, tìm thịt ngon kho cho tụi nó. Nhưng năm nay giá thịt cao quá, chắc kho 1 – 2 nồi thôi. Con cháu đứa nào thích ghé nhà ông bà ăn. Vừa tiết kiệm, vừa dụ chúng nó tới chơi với ông bà. Ngày thường con cháu đi học, đi làm hết, nhà buồn hiu”, bà Hoa chép miệng.
Chị Thu Kim (Q.7, TP.HCM) tâm sự bình quân mỗi tháng cũng sẽ có ít nhất một lần nấu món thịt kho tàu cho cả nhà ăn kèm dưa giá tự muối chua ở nhà. Thông thường chị sẽ kho khoảng 0,6 – 0,7 kg thịt đùi và 4 – 5 trứng vịt và chia làm hai bữa. Nhưng từ khi thịt heo tăng giá vùn vụt chị cũng giảm bớt món thịt kho tàu, tăng cá, tôm, thịt gà hơn.
“Thịt đùi heo đã gần 120.000 đồng/kg, sườn non lên 235.000 đồng/kg… là quá cao. Trong khi tôm thẻ là 165.000 – 170.000 đồng/kg, nửa ký ăn 2 bữa chưa hết. Tính ra ăn tôm rẻ hơn thịt heo”, chị tính toán và nói thêm: “Tết nào tui cũng phải nấu một nồi thịt kho tàu với khoảng 2 – 3 kg thịt và chục cái trứng hột vịt để ăn thay đổi trong mấy ngày. Năm trước một nồi thịt kho tàu với 3 kg thịt chắc chỉ khoảng 300.000 đồng là đủ, nhưng với giá cả thế này thì năm nay phải giảm xuống còn 2 kg thịt”, chị Thu Kim than thở.
Với chị Ngọc An (Q.10, TP.HCM), gốc miền Trung nhưng đã vào TP.HCM sinh sống lâu năm nên món thịt kho tàu cũng quá quen thuộc. “Năm nay giá thịt heo tăng vùn vụt, sát tết sẽ tăng “dày” hơn, đó là chưa nói khó tìm được thịt ngon kho đúng kiểu. Ngày tết ăn món có chút béo cũng tăng thêm collagen tốt cho da, nhưng thôi, giảm bớt cho nó lành. Thịt đắt quá mà không ngon thì chuyển qua món khác”, chị Ngọc An nói và cho biết có thể ngâm bắp bò với nước mắm, bắp bò hấp gừng…
Nhưng cũng có nhiều người cho rằng dù thịt heo tăng giá thì cũng không thể “cắt giảm” món này dịp tết được. Vì thiếu thịt kho tàu, tết sẽ không còn hương vị đúng nghĩa của nó nữa.
Theo Thanhnien
Từ A-Z cách gói bánh tét "chuẩn không cần chỉnh" của mẹ đảm Sài Gòn chia sẻ để ai cũng gói được
Nếu ở miền Bắc có bánh chưng là không thể thiếu thì ở miền Nam mỗi độ xuân về Tết đến lại có món bánh tét thân thương. Mời bạn cùng tham khảo cách làm bánh tét thật chuẩn dưới đây nhé!
Nguyên liệu làm bánh tét:
- 1kg nếp ngon
- 250g đậu xanh
- 2 củ hành tím
- 300g thịt heo có mỡ
- 1 bó rau ngót, nữa bó lá dứa
- Muối, tiêu, đường, hạt nêm.
- Lá chuối
- Dây lạt dùng để gói bánh
Cách làm bánh tét:
- Gạo nếp vo sạch, ngâm qua đêm hoặc 8 tiếng
- Dây lạt ngâm qua đêm cho mềm.
- Đậu xanh ngâm 4 tiếng, rửa sạch rồi cho vào nồi cơm điện, đổ ngập nước, thêm hành phi, chút hạt nêm, tiêu, 1 thìa cà phê muối. Nhấn nút nấu.
- Thịt rửa sạch cắt miếng dài, ướp chút hạt nêm, hành, tiêu.
- Lá chuối rửa sạch, nấu 1 nồi nước sôi để trụng lá (bước này giúp lá héo mềm để lá dai và khi gói bánh không bị rách lá).
- Xay lá dứa và rau ngót, lọc lấy nước.
- Gạo nếp sau khi ngâm qua đêm, vớt ra ngâm với nước rau ngót lá dứa thêm 20 phút (bước này tạo màu xanh và thơm cho bánh).
Các bước gói bánh:
- Lựa 2 miếng lá chuối lớn trải ra, để mặt có gân lá chuối ra phía ngoài.
- Tiếp tục trải thêm 1 lớp lá chuối nhỏ hơn úp với chiều ngược lại của lá ban đầu.
- Đổ 1/2 chén nếp lên lá chuối.
- Dàn nếp đều ra và cho 1 lớp đậu xanh lên, tiếp đến là thịt, 1 lớp đậu xanh và cuối cùng phủ 1 phần nếp lớn nữa lên trên.
- Nắm 2 bên lá cuộn chặt hai mép bánh lại với nhau, gấp chặt lại với thân bánh, dùng 1 dây buộc chính giữa thân để định hình.
- Nhẹ nhàng bẻ gập phần góc chiếc bánh dựng đứng lên, lúc này bạn đổ thêm 1 muỗng canh nếp vào cho đều đầu bánh.
- Sau đó bẻ góc cạnh cho bánh, dùng 2 miếng lá chuối hình chữ nhật xếp đối nhau tạo thành hình vuông cho đầu bánh. Dùng 1 sợi dây thun buộc tạm thời, và lật ngược đầu kia làm tương tự.
- Dùng 1 dây dài buộc dọc theo đòn bánh và buộc chéo sợi dây ở đầu bánh, xoắn dây lại thật chắc để dây không bị tuột
- Tiếp theo dùng dây lạt buộc tròn bánh lại và xoắn thành sợi.
- Cứ cách 3cm lại buộc 1 vòng dây lạt cho đến hết bánh. Sau khi bánh đã được quấn kĩ, cắt 2 sợi dây thun bỏ đi.
Cách gói bánh Tét
Luộc bánh:
- Bạn xếp lá chuối còn dư vào nồi, cho nửa nồi nước nấu sôi với lửa lớn, xếp bánh vào và đậy nắp. Nấu bánh ở lửa vừa.
- Bánh trong khi luộc, luôn luôn nước phải ngập bánh, khi nước cạn bạn châm thêm nước sôi vào, không nên thêm nước lạnh sẽ làm sượng bánh.
- Nấu được 2 tiếng, bạn trở mặt bánh cho bánh được chín đều.
- Tổng thời gian luộc bánh là 4 tiếng đối với bánh nhỏ, 8 tiếng đối với bánh lớn.
- Sau khi đủ thời gian luộc, bạn vớt bánh ra rổ để ráo nước. Bánh để ngoài được 1 tuần.
*CHÚ Ý
- Ngày xưa các bà các mẹ mất nhiều thời gian để canh và luộc bánh, ngày nay xã hội phát triển hơn nên bạn có thể rút gọn thời gian và công sức bằng cách luộc bánh bằng nồi cơm điện.
- Nếu làm bánh cho gia đình, bạn nên làm bánh nhỏ vừa ăn, tránh trường hợp làm bánh to quá, thời gian nấu sẽ rất lâu, và khi mở ra ăn không hết để phí.
- Chỉ cần bạn cho bánh vào nồi, đổ nước sôi ngập bánh, nhấn nút hầm trong vòng 2 tiếng là bánh đã chín rồi nhé!
- Hiện nay xu hướng hạn chế dùng dầu mỡ cũng tốt hơn cho sức khỏe của chúng ta, vì vậy bánh nên chiên bánh bằng nồi chiên không dầu, vừa nhanh, vừa giòn, lại giảm rất nhiều dầu mỡ!
Độ ngon của nó không kém gì khi chiên trên chảo dầu, rất tiết kiệm thời gian và gọn gàng trong cách chế biến.
Theo Afamily
Mẹo bảo quản các món ăn ngày Tết Nếu tủ lạnh bị quá tải trong những ngày Tết, bạn hãy áp dụng các cách sau để giữ hương vị cho các món ăn nhé. Bánh chưng Sau khi luộc xong, vớt bánh ra rửa sạch lá trong nước lạnh cho hết nhựa, để ráo. Xếp bánh thành nhiều lớp, dùng vật nặng đè lên để ép bánh cho ra nước, chắc...