Mối lo khác của người dân Rome ngoài Covid-19
Người dân Rome khi ra ngoài đang đối mặt với nguy cơ bị tấn công từ nhiều con quạ trên bầu trời, trong nỗ lực nhằm bảo vệ đàn con của chúng.
Ở Rome những ngày này, người dân ra đường phải dùng ô và mũ áo khoác che chắn, một số còn cầm gậy gỗ để đề phòng mối lo từ đàn quạ hung hăng, theo New York Times .
Dọc theo một tuyến phố, hai con quạ đen bất chợt sà xuống đầu một phụ nữ. Chúng dùng mỏ kéo mạnh mái tóc, móc vào áo cô bằng bộ vuốt sắc nhọn. Trong khi đó, người phụ nữ cố gắng xua túi đồ trên tay để đuổi hai “kẻ tấn công”.
Quạ tấn công đang là một mối lo thường trực của người dân Rome. Ảnh: Flickr.
“Chúng ở khắp mọi nơi,” cô Paola Amabile, một cư dân Rome, cho biết.
Sau mỗi mùa xuân, khi đàn quạ con đang trong thời kỳ cai sữa, một số khu vực trong thành phố Rome trở thành nơi loài động vật này tấn công người qua lại. Vì muốn bảo vệ đàn con, các con quạ trưởng thành xem người đi đường là một mối đe dọa.
Flavia Tomassini, một học sinh 18 tuổi, người vừa bị tấn công cho biết: “Tôi không thể đến trường bằng cửa chính vì quá sợ hãi”.
Ở khu vực Esposizione Universale (EUR) của thành phố, những người dân địa phương sống gần một tổ chim lớn cho biết họ đã phải yêu cầu chính quyền cắt tỉa cây cối để ngăn chim trú ngụ.
Trong những tuần gần đây, một số người dân ở Rome đã phàn nàn với các nhóm bảo tồn chim, rằng trong khi họ dành nhiều năng lượng để bảo tồn chúng, “không ai quan tâm đến con người”.
Đáp lại, đại diện các nhóm bảo tồn cho rằng con người cần chú ý hơn đến hành vi của mình. Trên thực tế, nhiều con quạ đến Rome trú ngụ vì ở đây có nhiều rác và chuột, những thứ chúng có thể ăn được. Bên cạnh đó, việc người ta hay cho chim ăn cũng là một nguyên nhân dẫn đến vấn nạn trên.
Giống như các loài chim khác, quạ không sống trong tổ như cách con người sống trong nhà. Thay vào đó, chúng xây dựng nơi ở dành cho mục đích sinh sản.
Quạ con được bảo vệ kỹ càng trong khoảng một tháng đầu tiên chào đời. Sau từ 30 đến 40 ngày, chim non sẽ rời tổ. Trong thời gian đó, quạ bố mẹ rất hung hăng.
Cô Francesca Manzia, người đứng đầu trung tâm cứu hộ của Liên đoàn Italy về Bảo vệ chim (LIPU), nói rằng quạ thường khá dũng cảm và dám tấn công những con vật to lớn hơn chúng.
Cô tin tưởng rằng một vài điều chỉnh đơn giản sẽ giúp con người tạo ra sự hòa hợp với loài chim này. Theo đó, khi ra đường, người dân Rome không nên mang mang túi, đội mũ hoặc sử dụng đồ vật có màu đen, vì quạ có thể nghĩ rằng người ta đang bắt đồng loại của chúng, cô cho biết.
Bên cạnh đó, cô Manzia cũng đề cập một thực tế, rằng số lượng quạ tấn công con người chỉ chiếm một phần nhỏ và các thương tích thường chủ yếu là “trầy xước”.
Người dân Rome đã đối mặt nhiều vấn nạn về mòng biển và chim sáo trước đây. Nhiều nơi ở thủ đô Italy từng tràn ngập phân chim sáo khi chúng dừng chân tại nghỉ lại trong chuyến di cư từ Bắc Âu hàng năm.
Phát hiện hang động chứa hài cốt người cổ đại 100.000 năm
Bên trong hang động Guattari ở Italy, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra 9 bộ hài cốt hoàn chỉnh của người Neanderthal cổ, xen lẫn cùng tàn tích các loài động vật.
Báo hoa mai bị bắn thuốc mê vẫn phản kháng mạnh mẽ: 'Xé lưới' tấn công 2 người, kết cục bi thảm Báo hoa mai là loài động vật có thói quen ăn trộm gia súc hay gia cầm của con người vì đây là những con mồi dễ bị hạ gục, lần này con báo đã bị phát hiện và bị người dân vây bắt. Tại một cánh đồng thuộc Amar Colony, quận Pauri, bang Uttarakhand, Ấn Độ, những người dân trong làng đã...