Mọi giá cứu Hy Lạp trước giờ G
Cả Hy Lạp và Liên minh châu Âu (EU) đang cùng nỗ lực chạy đua với thời gian để có thể cứu đất nước của “xứ sở thần thoại” khỏi nguy cơ vỡ nợ cũng như rời khỏi “ngôi nhà chung” Eurozone.
Tia hy vọng mới lại lóe lên ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu diễn ra trong 2 ngày 24 và 25-6. Đó là Chính phủ Hy Lạp đưa ra đề xuất mới nhất nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU, hội nghị được cho là quyết định “số phận” của quốc gia thành viên liên minh đang trong cơn nợ nần khốn khó này.
Chính phủ Hy Lạp cùng đại diện “bộ ba chủ nợ” thảo luận về thỏa thuận
Cụ thể, Chính phủ Hy Lạp đồng ý áp thuế lũy tiến từ 0,7% – 8% đối với thu nhập từ 12.000 euro đến trên 500.000 euro. Thuế giá trị gia tăng vốn là một trong những điểm bất đồng lớn nhất giữa Chính phủ Hy Lạp và “bộ ba chủ nợ” (gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế – IMF, Ngân hàng Trung ương châu Âu – ECB và EU) nay sẽ được Athens áp dụng từ 6 đến 23%, nhằm đạt mục tiêu tăng thu 1% vào ngân sách.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, Hy Lạp không đồng ý tăng một số loại thuế theo yêu cầu, song thay thế bằng cách tăng thuế suất cho pháp nhân, áp thêm một loại phí đặc biệt đối với doanh nghiệp có doanh thu cao, áp thuế xa hoa, giảm chi phí quốc phòng… Theo giới phân tích, những đề xuất mới nhất này của Hy Lạp đã đáp ứng được tới 90% yêu cầu của “bộ ba chủ nợ” nhằm đổi lấy số tiền vay khẩn cấp 7,2 tỷ euro để trả nợ đáo hạn vào ngày 30-6 tới nhằm tránh bị tuyên bố vỡ nợ.
Những đề xuất mới được đánh giá là sự nhượng bộ khá lớn của Chính phủ Hy Lạp do Thủ tướng Alexis Tsipras đứng đầu. Trước đó, tuyên bố của Thủ tướng Tsipras (nhậm chức ngày 26-1-2015) về việc xem xét lại chính sách cải cách “thắt lưng buộc bụng” khắc khổ đã đe dọa phá vỡ thỏa thuận giữa Athens với “bộ ba chủ nợ” để được giải ngân khoản vay 7,2 tỷ euro.
Không có khoản vay này để trả các khoản nợ đáo hạn, Hy Lạp sẽ phải tuyên bố phá sản, đồng thời trở thành quốc gia đầu tiên phải ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gồm 19 thành viên. Viễn cảnh u ám này sẽ mang lại hệ lụy khôn lường cho cả Hy Lạp lẫn Eurozone và EU.
“Chia tay” Eurozone, Hy Lạp sẽ là nạn nhân bị tổn thương nặng nhất, rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề, thu nhập giảm nghiêm trọng và thất nghiệp tăng mạnh… trong khi đó uy tín của khu vực đồng tiền chung cũng bị tổn hại vì các nước sẽ hoài nghi về năng lực liên minh nếu trong tương lai, một cuộc khủng hoảng tương tự lại xảy ra với một nước thành viên khác. Một hệ lụy khác là Hy Lạp sau khi rời khỏi Eurozone rất có thể được Nga và Trung Quốc tung “phao cứu sinh” và khi đó cuộc khủng hoảng kinh tế Hy Lạp sẽ biến thành cuộc khủng hoảng chính trị, bởi không loại trừ khả năng Athens dùng quyền phủ quyết để vô hiệu hóa lệnh trừng phạt của EU chống Nga do vấn đề Ukraine.
Rõ ràng viễn cảnh trên là điều mà cả Athens và EU đều không mong muốn. Chính vì thế, giới quan sát cho rằng các bên liên quan đang tìm mọi cách để giải cứu Hy Lạp khỏi nguy cơ phá sản trước giờ G vào ngày 30-6 tới.
Theo Hoàng Hà
An ninh Thủ đô
Hy Lạp - EU: Bên cần, bên vội
Hội nghị cấp cao mới rồi của EU tuy chưa đưa lại thỏa thuận về gói cứu trợ tài chính tiếp theo cho Hy Lạp nhưng xem ra đã giúp giảm bớt mức độ bi quan về triển vọng sẽ đạt được sự nhất trí cần thiết giữa Hy Lạp, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trước khi nước này vỡ nợ.
Ảnh minh họa
Chính phủ Hy Lạp đã trình bộ ba nói trên kế hoạch cải cách với những nhượng bộ sâu rộng hơn trước và như vậy tạo cớ để họ cũng nhượng bộ thêm cho Hy Lạp mà không bị coi là mất thể diện và yếu thế.
Áp lực từ việc chạy đua với thời gian và mối lo ngại giống nhau về nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ và rời khỏi nhóm các thành viên EU sử dụng đồng euro (Eurozone) khiến cả hai phía buộc phải nhận thức toàn bộ chuyện này thực tế hơn. EU, ECB và IMF không thể không vội vì thời gian không còn nhiều và vì không thể đẩy chính phủ Hy Lạp vào tình thế phải lựa chọn giữa chiều ý cử tri trong nước và ngoan ngoãn chấp nhận điều kiện của các chủ nợ.
Chính phủ Hy Lạp cần sự cứu trợ tài chính của EU, ECB và IMF trước cuối tháng 6 này bởi chỉ như thế mới không bị vỡ nợ. Hy Lạp vỡ nợ thì chính phủ hiện tại cũng sẽ sụp đổ, chính trường mất ổn định và xã hội rối loạn.
Một nhà nước vỡ nợ không thể tiếp tục là thành viên của Eurozone. Hy Lạp ra khỏi Eurozone sẽ tác động tai hại tới sự tồn vong của đồng euro và tới chiến lược đối phó với khủng hoảng tài chính của EU, ECB và IMF.
Thời gian còn lại càng ít thì sức ép càng lớn và mức độ sẵn sàng thỏa hiệp của hai bên càng tăng. Cho nên sẽ khó có chuyện Hy Lạp vỡ nợ.
Thảo Nguyên
Theo Thanhnien
Thị trường thế giới sẽ ra sao với hai kịch bản ở Hy Lạp ? Dù Hy Lạp có đạt được thỏa thuận với các chủ nợ hay không, thị trường thế giới vẫn sẽ chịu biến động rộng khắp với quyết định cuối cùng về vấn đề nợ của nước này. Dù đạt được thỏa thuận hay không, Hy Lạp vẫn là yếu tố ảnh hưởng lớn đến thị trường toàn cầu - Ảnh: AFP Hôm 22.6,...