Mô hình quản trị đại học có Hội đồng trường: Hay thật hay và dở rất dở
Dù đã được quy định tại Luật 34 và Nghị định 99, nhưng thực tế không phải trường nào cũng thực hiện một cách suôn sẻ mô hình quản trị đại học có Hội đồng trường.
Giáo dục đại học Việt Nam trải qua lịch sử hình thành và phát triển với rất nhiều biến động. Đến nay, có rất nhiều mô hình tổ chức, hoạt động khác nhau như Đại học Quốc gia, Đại học vùng; đại học công lập trực thuộc các bộ, ngành hay ủy ban nhân dân các tỉnh; đại học công lập tự chủ, đại học tư thục,… Có trường được thành lập cách đây trên 100 năm, nhưng cũng có trường mới ra đời.
Từ khi Luật Giáo dục đại học 2018 hay còn gọi là Luật số 34 có hiệu lực từ 1/7/2019, thì tất cả các trường dù mới dù cũ đều chuyển đổi sang mô hình quản trị có Hội đồng trường. Tuy nhiên, tưởng chừng như Luật 34 sẽ “cởi trói” cho các trường đại học để tiến lên tự chủ như mục tiêu của Đảng và Nhà nước, nhưng trong thực tế thì rất “muôn màu, muôn vẻ”.
Có trường chủ động phát huy ưu điểm của mô hình quản trị mới, nhưng cũng có trường loay hoay chẳng biết phải làm gì. Thậm chí có nơi còn có tư duy “chờ cho Luật 34 sửa đổi và bãi bỏ mô hình Hội đồng trường như mô hình đại học đại cương một thời trước đây”?
M ô hình quản trị đại học có Hội đồng trường : Hay thật hay
Luật 34 ra đời với mục tiêu hướng đến tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường đại học. Đây được xem là một bước tiến về quản trị đại học nhằm cụ thể hoá Nghị quyết 29-NQ/TƯ (2013) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết 19-NQ/TƯ (2017) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lí, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị công lập .
Tại Điều 16 của Luật 34: “Hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan” với 3 nhóm chức trách chủ yếu là ban hành các quy chế và chiến lược phát triển; quyết định các vấn đề quan trọng theo thẩm quyền; giám sát việc thực hiện.
Cũng theo Luật này, tại điều 20 quy định Hiệu trưởng ” là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học”.
Về nguyên tắc, đảng uỷ lãnh đạo toàn diện các hoạt động của trường đại học. Trên cơ sở luật pháp, nghị quyết, quy chế, quy định,… Hiệu trưởng chỉ đạo các bộ phận tham mưu, giúp việc của trường tổ chức soạn thảo, lấy ý kiến các bên liên quan, thậm chí thông qua các hội đồng tư vấn (nếu cần), để dự thảo quy chế, chiến lược, đề án, đề xuất,… trình hội đồng trường quyết định theo thẩm quyền.
Hội đồng trường thẩm định các tờ trình dựa vào các văn bản luật và dưới luật liên quan; nghị quyết của Đảng; các quy chế (đã ban hành); chiến lược phát triển Nhà trường thông qua và ban hành nghị quyết. Căn cứ vào nghị quyết của hội đồng trường, hiệu trưởng điều hành thực hiện và báo cáo kết quả cho hội đồng trường để hội đồng trường căn cứ giám sát.
Phó Giáo sư Võ Văn Minh – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng có những chia sẻ về việc “tổ chức tôn vinh trí thức”. Ảnh: An Nguyên
Video đang HOT
Như vậy, nếu trường đại học có quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ và chiến lược phát triển được soạn thảo và thẩm định bài bản; triển khai thực hiện nghiêm túc, dựa trên cơ sở phối hợp nhịp nhàng giữa hội đồng trương và hiệu trưởng, thì chắc chắn mọi việc diễn ra suôn sẻ, quản trị hiệu quả và trường sẽ phát triển bền vững.
Sự “chung vai” của chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng thì “gánh nặng” tự chủ và tự chịu trách nhiệm sẽ “nhẹ” hơn. Đó cũng chính là mô hình quản trị đại học chuyên nghiệp, xây dựng nhà trường dân chủ và góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền. Và nếu được như vậy thì đây là mô hình quản trị đại học “hay thật hay”.
… dở rất dở
Dù đã được quy định tại Luật 34 và Nghị định 99, nhưng trong thực tế không phải trường nào cũng thực hiện một cách suôn sẻ mô hình quản trị đại học có hội đồng trường. Điều đó cũng là tất yếu, bởi lẽ như đề cập ở trên, “tuổi trường” khác; xuất phát điểm khác, cơ quan chủ quản khác, tiềm lực khác,…
Song điều đáng quan tâm vẫn là ý chí của lãnh đạo. Nếu vì mục tiêu chung, “chung sức đồng lòng” thì mọi việc sẽ dần quy củ, rõ ràng và lộ trình tự chủ sẽ từng bước thiết lập và vận hành. Dần dần từ chối tư duy phụ thuộc, xin-cho và chờ đợi…
Tất nhiên cũng có trường chưa muốn “độc lập”, rất cần phụ thuộc từ chỉ đạo, hướng dẫn, phân bổ ngân sách,… nếu không sẽ lúng túng vì không đủ năng lực quản trị. Mặt khác, cũng có không ít nơi, trường đại học có tiềm lực tốt nhưng tập thể lãnh đạo không đồng lòng, không muốn phân vai,… làm cản trở tiến trình đổi mới.Tuy nhiên, thật sự “rất dở” là vẫn có một số cơ quan chủ quản chưa quyết tâm đẩy mạnh thực hiện đúng Luật 34 theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, khiến cho các trường trực thuộc có muốn làm đúng cũng không làm được.
Thực tiễn rất muôn màu, nhưng ở đâu né tránh quy luật phát triển vì những lợi ích riêng, thì chắc chắn nơi đó khó phát triển bền vững và sẽ gặp nhiều rủi ro, thách thức. Và mô hình quản trị đại học có hội đồng trường thật sự “dở rất dở”.
Hay dở tuỳ thuộc cách nghĩ và làm, nhưng đã giao quyền vẫn không giao phó…
Giáo dục đại học Việt Nam qua những thăng trầm, đến nay rất đa dạng về mô hình tổ chức hoạt động và đã có nhiều trường hội nhập quốc tế sâu, có khả năng vươn lên đẳng cấp quốc tế.
Mô hình quản trị đại học có hội đồng trường bước đầu đã được “cởi trói”, nhưng hành lang pháp lí của Nhà nước vẫn chưa thực sự “an toàn”. Chính vì vậy rất cần rà soát, nghiên cứu hướng dẫn để tránh hiện tượng “sợ, không dám làm”, hoặc làm quá đà và vấp ngã…
Dù gì thì vẫn đang tồn tại và vẫn là một bộ phận trong hệ thống giáo dục đại học của quốc gia, nên cũng cần phải có sự quan tâm quy hoạch, điều chỉnh và hướng dẫn phát huy vai trò của hội đồng trường, nhằm từng bước phát triển dựa trên những tiềm năng, lợi thế và đặc thù riêng hoặc sát nhập vào các đơn vị khác, đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan cũng như sử dụng hiệu quả công quỹ.Ngược lại, vì nhiều nguyên nhân khác nhau có trường ra đời vì nhu cầu phát triển nhưng cũng có trường phát triển lên đại học từ một điểm xuất phát thấp do ý chí chủ quan của một thời kì.
Xét về quan điểm “tự chủ và tự chịu trách nhiệm” thì tuỳ điều kiện của từng trường mà tự lựa chọn chiến lược phát triển, mô hình tổ chức và hoạt động riêng dựa trên quyết định của hội đồng trường. Nhưng trong thực tế, nhiều nơi vẫn cần hướng dẫn, thanh kiểm tra, giám sát, đôn đốc không chỉ với nhà trường mà cả với cơ quan chủ quản, mới mong hội đồng trường sớm “thực quyền” như tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TƯ của Đảng.
Ở nước ta, tư duy làm theo kinh nghiệm và quyết định cảm tính còn ăn sâu, bám chặt trong hoạt động lãnh đạo, quản lí và đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho tự chủ đại học. Tự chủ đại học không chỉ đổi mới mô hình quản trị mà còn là đổi mới tư duy. Tư duy tự chủ không chỉ đòi hỏi đối với bí thư đảng uỷ, với chủ tịch hội đồng trường, với hiệu trưởng mà là với toàn xã hội. Chỉ có như vậy, mới có thể thay đổi “căn bản và toàn diện”. Tất nhiên thay đổi tư duy số đông bao giờ cũng chậm, nếu không có động lực thúc đẩy, mà trước hết phải từ những người đứng đầu các cấp.
Tóm lại, ngày nay thế giới có nhiều thay đổi, và thời kì hậu Corona, giáo dục đại học trên thế giới cũng sẽ có rất nhiều biến động đáng kể. Giáo dục đại học Việt Nam ngày nay đã hội nhập, chắc chắn không tránh khỏi những tác động chung và từng bước cũng phải cạnh tranh với thị trường giáo dục toàn cầu.
Mặt khác, trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định “Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư cho giáo dục và đào tạo gắn với đổi mới cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo. Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế”.
Để đạt được mục tiêu trên, chắc chắn quản trị đại học phải thực sự chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp trong quản trị đại học không chỉ góp phần phát triển đại học bền vững mà còn hiện thực triết lí giáo dục khai phóng.
Đại học đa ngành: Đích đến phải là chất lượng
Đại học (ĐH) đa ngành, đa lĩnh vực là phương tiện, không phải là mục tiêu để các trường phấn đấu. Chất lượng nghiên cứu, tỷ lệ việc làm sinh viên... mới là mục tiêu cần nâng tầm giá trị.
Đó là quan điểm của TS Phạm Hiệp - Giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục Edlab Asia trước xu thế nhiều trường ĐH của Việt Nam đang hướng tới trở thành ĐH đa ngành, đa lĩnh vực.
Chất lượng nghiên cứu, tỷ lệ việc làm cho sinh viên mới là mục tiêu cần hướng đến.
Không phải để cho oai
Ở Việt Nam, ĐH đa ngành có thể coi là một thiết chế mới của Luật Giáo dục ĐH 2018, trong đó mô hình ĐH bao gồm nhiều trường thành viên ở trong, không phải là trường ĐH, không phải ĐH quốc gia, ĐH vùng. Quan điểm của chuyên gia độc lập này là nếu được quay trở lại trước thời điểm 2018, ông phản đối cơ chế này vì "không giống ai". Khi giải thích cho người nước ngoài, mãi họ mới hiểu mô hình trường ĐH trong ĐH của ĐH Quốc gia, ĐH vùng.
Cho rằng đó không phải là câu chuyện câu chữ khi trường ĐH và ĐH, nhưng với xã hội nhìn nhận thì sẽ khá rối ở góc độ hệ thống. Trong một hệ sinh thái giáo dục ĐH đang tồn tại quá nhiều loại hình trường: ĐH Quốc gia, ĐH vùng, ĐH tự chủ theo Nghị quyết 77, ĐH thuộc UBND quản lý... Không có nước nào nhiều mô hình ĐH như ở Việt Nam.
Nay Luật đã có hiệu lực, nhiều trường mong muốn để trở thành một ĐH đa ngành, đa lĩnh vực là mong muốn chính đáng, thể hiện các trường muốn tự chủ hơn, muốn hội nhập quốc tế hơn. Điều đó không phải để giải quyết khâu oai như ai đó nói mà vấn đề là đi đúng theo xu hướng thế giới. Đó là cơ sở giáo dục ĐH đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực.
Thứ hai, khi thành ĐH, quyền tự chủ cũng sẽ cao hơn so với trường ĐH. Trường thành viên cũng sẽ nhiều quyền tự chủ hơn so với nếu chỉ là khoa... Điều đó cũng tốt cho các trường, các giảng viên của họ khi được phát triển chuyên môn tuyệt đối so với nếu chỉ là trường ĐH.
Quan tâm đến tiêu chí mở ngành mới
Cho rằng mô hình ĐH chỉ là cái áo, còn từng ngành cụ thể phải đảm bảo chất lượng. ĐH đa ngành, đa lĩnh vực nhưng không có nghĩa ĐH nào cũng là ĐH "quả mít" hay "con nhím", tức là ngành nào cũng mạnh. Sẽ phải tập trung vào một số ngành, thông thường là các ngành có yếu tố gần nhau và lan dần ra làm thế mạnh.
Để mở một ngành mới, đều có những tiêu chuẩn riêng. Riêng với ngành y và sư phạm là ngành đặc thù, cần có can thiệp sâu của nhà nước trong việc yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ hơn các ngành khác, đồng thời phải kiểm soát rất chặt ngay cả khi đã cấp phép đào tạo.
Chia sẻ thêm, TS Phạm Hiệp cho rằng nhu cầu mở ngành y của nhiều trường hiện nay có một nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu bác sĩ. Số lượng bác sĩ trên đầu người của Việt Nam đang thấp. Đi từ sức ép lớn của thị trường, của xã hội, các trường cũng tính toán để mở các ngành phải tuyển sinh được chứ không phải mở ồ ạt, mở bừa...
Dù chúng ta mong số lượng ít nhưng chất lượng cao đối với những ngành đặc thù này nhưng ở bài toán ngược lại, bác sĩ và cả người dân cũng sẽ rất khổ. Ở các thành phố lớn có đủ bác sĩ nhưng ở địa phương hay vùng sâu, vùng xa thì rất thiếu y bác sĩ.
Khẳng định đa ngành, đa lĩnh vực là phương tiện, không phải là mục tiêu để phấn đấu, TS Phạm HIệp cho rằng chất lượng nghiên cứu, tỷ lệ việc làm sinh viên... mới là mục tiêu. Trở thành ĐH đa ngành để vực sẽ giúp cho chất lượng đào tạo được nâng lên, sinh viên được học các thầy bộ môn giỏi nhất. Các trường trong ĐH đa lĩnh vực, không chỉ đào tạo đơn môn mà còn có những chương trình liên môn rất "hot", dễ kiếm việc làm.
Trả lời câu hỏi về tiêu chí để trở thành ĐH đa ngành, đa lĩnh vực có cần siết hơn không để không thể trăm hoa đua nở, TS Phạm Hiệp cho rằng, qua nghiên cứu Luật thì thấy tiêu chuẩn cũng chặt, không dễ để trường nào cũng có thể ngay lập tức trở thành ĐH đa ngành.
Nhưng vấn đề lo ngại, theo TS Hiệp lại là việc rối ở hệ thống quá phức tạp.... Điều này, cần được tính toán và có hướng giải quyết phù hợp để thúc đẩy quá trình này phát triển, phù hợp với xu thế thế giới hiện nay.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin hiện trường đang hướng tới thành ĐH đa ngành, đa lĩnh vực khi thực hiện tự chủ toàn diện. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ trở thành ĐH đa ngành với 6 trường ĐH thành viên: Điện - điện tử; Cơ khí; Hóa học - sinh học - thực phẩm - môi trường; Kinh tế quản lý, Công nghệ thông tin - Toán tin; Vật lý - khoa học vật liệu.
Trong kế hoạch phát triển 5 năm tới, trường ĐH Kinh tế quốc dân có định hướng trở thành ĐH đa ngành với ít nhất 3 thành viên là trường ĐH Kinh tế, trường ĐH Kinh doanh và trường Khoa học công nghệ.
Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cũng đang làm đề án thành ĐH có các trường ĐH như Công nghệ - Kỹ thuật, Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Cơ sở Học viện tại TP HCM.
Hội đồng trường Đại học: Vẫn hữu danh vô thực Một trong những vấn đề liên quan đến tự chủ đại học đó là cuộc chuyển giao quyền lực từ cơ quan sở hữu sang Hội đồng trường (đối với các trường ĐH công lập). Nhưng thực tế cho thấy Hội đồng trường hiện nay vẫn chỉ là hữu danh vô thực. Theo GS. TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Học...