Mô hình lớp học “kỷ luật tích cực”: Phải kiềm chế được cơn cáu giận
Áp dụng các biện pháp kỷ luật tích cực để thực sự có hiệu quả, trước hết giáo viên phải nhận thức đúng và ủng hộ việc sử dụng các biện pháp này.
Kỷ luật tích cực giúp HS thay đổi tiến bộ. Ảnh minh họa
Điều này đòi hỏi mỗi thầy cô phải thay đổi nhận thức về giáo dục và kỷ luật học sinh. Tuy nhiên đây là việc không dễ làm.
Giáo viên phải cởi bỏ được áp lực
Thực tế, phần lớn GV còn phải đương đầu với nhiều vấn đề trong cuộc sống đời thường, trong lớp học như: Sĩ số HS quá đông, điều kiện cơ sở vật chất và phương tiện giảng dạy thiếu thốn; áp lực phải hoàn thành nhiệm vụ; thái độ thiếu quan tâm của một số phụ huynh; vi phạm kỷ luật của HS… nên dễ bị căng thẳng, sinh ra cáu gắt. Điều này khiến GV không đủ kiên nhẫn và không có thời gian để áp dụng các biện pháp kỷ luật tích cực (KLTC) mà nôn nóng giải quyết các vấn đề xảy ra bằng cách trách phạt, la mắng…
TS Hoàng Trung Học – Trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục nhận định: Về nguyên lý giáo dục, trừng phạt, quát mắng, miệt thị không mang lại giá trị tích cực, thậm chí để lại hậu quả tiêu cực. Trừng phạt, bạo hành có thể gây hậu quả nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần, tạo sự thay đổi không bền vững (sự thay đổi giả tạo) về nhận thức, thái độ và hành vi.
Theo TS Học, GV cần nhận thức được việc tự giải tỏa áp lực để không ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, giáo dục HS. Đồng thời, các thầy cô cần trang bị cách thức phù hợp với từng hoàn cảnh, đối tượng HS để có biện pháp KLTC hiệu quả, khiến học trò “tâm phục, khẩu phục” và thay đổi, tiến bộ.
Cách kiềm chế những cơn cáu giận mà cô Nguyễn Hiền Lương – GV Trường THCS Thăng Long, quận Ba Đình, Hà Nội áp dụng là “hít thở sâu từ 3 – 5 giây rồi gọi tên cảm xúc của mình. Đó thực sự là 3 giây kì diệu. Nó khiến cho tâm chúng ta lắng lại, cơn cáu giận được dồn xuống. Tiết học trôi qua vui vẻ, nhẹ nhàng, thay vì bực dọc, quát mắng, trách phạt những HS chưa thực hiện tốt quy định trường, lớp học. Nhờ sự chia sẻ, lắng nghe giữa cô và trò, HS mạnh dạn trình bày quan điểm của mình mà không sợ sai, nền nếp kỷ luật cứ thế tiến bộ dần lên.
Thấu hiểu và chia sẻ giúp cô trò đến gần nhau hơn. Ảnh minh họa
Hiểu đúng về kỷ luật tích cực
Theo TS Hoàng Trung Học, nhiều người đang hiểu sai về nhiệm vụ, vai trò của nhà giáo. Nhiều phụ huynh, HS hiểu sai về quyền và nghĩa vụ của HS với nhà trường. Để thực hiện chức năng giáo dục, nhà trường tất yếu phải có kỷ cương, nền nếp trong giáo dục HS. Tuy nhiên, không thể tạo lập kỷ cương bằng trách phạt, bạo lực với HS. Khi vi phạm quy định của nhà trường, HS phải bị xử lý nghiêm nhưng vẫn trên tinh thần nhân văn, tôn trọng để các em hiểu được sai mà sửa đổi.
Hiểu được điều này, cô Vũ Thị Ngọc Tình – GV Trường THPT Lưu Hoàng, huyện Ứng Hòa, Hà Nội chia sẻ: Đầu vào tuyển sinh lớp 10 của trường còn nhiều em chưa ngoan, chưa tích cực. Ban đầu, các em có nhiều hành vi, lời nói chưa đúng mực, ảnh hưởng đến việc học của lớp. Không áp dụng ngay những biện pháp kỷ luật để răn đe, cô Tình xác định việc giáo dục đạo đức, kĩ năng sống cho HS mới là quan trọng. Cô đã tìm hiểu, xây dựng các chủ đề giáo dục đạo đức, kĩ năng sống và đưa vào các giờ sinh hoạt như chủ đề về an toàn giao thông, bạo lực học đường, văn hóa ứng xử học đường… Qua cách chuyển tải này, HS dần bỏ được thói quen chưa tốt, khắc phục khuyết điểm của bản thân; phát huy được những điểm mạnh; biết cách thể hiện chính kiến của bản thân; có tinh thần xây dựng tập thể, có kĩ năng làm việc nhóm tốt…
Với cô Phùng Thị Ngọc Thanh – GV Trường THCS Trần Phú, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, để giáo dục HS phải thấu hiểu và chia sẻ với hoàn cảnh của từng em, dẫn dắt các em đi đúng, làm đúng. Cô đã xây dựng mô hình lớp học theo hướng “Dân chủ kết hợp kỷ luật” nhằm khích lệ, mời gọi HS cùng tham gia vào quá trình ra quyết định đối với những điều liên quan tới các em trong môi trường lớp học. Cô kết hợp những đề xuất của các em vào nội quy của lớp và trường, vận dụng những ý tưởng đó như một nguồn hữu ích cung cấp các giải pháp cả trong học tập lẫn các vấn đề xã hội, góp phần xây dựng sự tôn trọng, tinh thần hợp tác và trách nhiệm trong lớp học…
Video đang HOT
Là một GV trẻ (sinh năm 1994), song cô Dương Thị Trang – GV Trường Ha Noi Adelaide school (H.A.S), quận Đống Đa đã mạnh dạn xây dựng mô hình lớp học theo phương pháp KLTC. Dù trải nghiệm sống chưa nhiều nhưng với phương pháp này, cô Trang đã xử lý khéo léo nhiều tình huống khiến HS tâm phục, khẩu phục.
Cô kể, có lần nhận được phản ánh của phụ huynh một bạn HS bị béo phì. Bạn khóc rất nhiều và không muốn đến lớp vì các bạn trêu. Sau khi suy nghĩ, thay vì quát mắng và áp dụng hình phạt, cô Trang đề nghị HS tự vẽ chân dung của mình ra giấy và gắn lên bảng.
Tiếp theo, cô đưa ra đề nghị, mỗi bạn kể ra cho cô một lời nói, hành vi khiến con bị tổn thương. Sau mỗi lời nói, hành vi mà các bạn kể ra, tờ giấy bị bóp lại một phần. Dần dần, tờ giấy bị vo tròn lại như một quả bóng. Cô tiếp tục đặt câu hỏi: Nếu như con rơi vào tình huống này, các con có muốn đến trường nữa không? HS đều lắc đầu.
Cô tiếp tục đặt vấn đề: Làm thế nào để con tìm được niềm vui khi đến trường? Mỗi lời khích lệ, của các bạn đưa ra, mảnh giấy đã bị vo tròn sẽ được duỗi ra một phần. Tuy nhiên, HS đều thấy, sau khi tờ giấy được duỗi thẳng ra vẫn còn đó những nếp gấp. Qua một tờ giấy, cô đã cho HS bài học về việc phải biết suy nghĩ kỹ trước khi nói và biết tôn trọng mọi người xung quanh mình.
Kỷ luật tích cực đòi hỏi GV phải bình tĩnh, kiên trì nhưng mang lại tác động lâu dài và tạo ra môi trường học tập an toàn. – Cô Vũ Thị Ngọc Tình
Kỷ luật nặng không cho học sinh cơ hội sửa sai là thất bại của thầy cô
Giáo dục bằng tình thương sẽ giúp trẻ nhận ra lỗi lầm, hoàn thiện và thay đổi bản thân một cách tích cực.
Xử lý học sinh vi phạm như thế nào? Liệu những biện pháp kỷ luật nặng có thật sự giúp các em thay đổi nhận thức, nhận ra lỗi lầm và hành động đúng đắn?
Biến sai lầm thành cơ hội giúp học sinh trưởng thành hơn
"Bất cứ ai cũng có thể mắc sai lầm, với học sinh, sai lầm là cơ hội để các em trưởng thành từ suy nghĩ, nhận thức đến hành động".
Đó là quan điểm của cô Nguyễn Hiền Lương, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học cơ sở Thăng Long (Ba Đình - Hà Nội), đồng thời là chuyên viên tư vấn tâm lý giáo dục tâm huyết với học trò.
Theo cô Lương, mục đích của giáo dục kỷ luật tích cực là giúp học sinh nhận ra và tự sửa lỗi lầm. Giáo viên kỷ luật học sinh trên tinh thần xây dựng để giúp các em hoàn thiện bản thân.
"Trước đây những hình thức kỷ luật mạnh được áp dụng phổ biến, chỉ cần học sinh mắc lỗi là áp dụng ngay hình phạt một cách cứng nhắc. Thầy cô nên nhìn nhận sai lầm của học sinh ở những góc nhìn, khía cạnh khác nhau", cô Lương tâm sự.
Ngày trước, mỗi khi học sinh không hoàn thành bài đầy đủ, cô Hiền Lương đã phê bình và yêu cầu các em phải viết bản kiểm điểm.
Thế nhưng bây giờ, những bản kiểm điểm ấy đã được thay bằng những lời tâm sự của học trò. Học sinh vi phạm sẽ lấy một mẩu giấy và viết ra lý do các con không làm bài tập.
Cô Nguyễn Hiền Lương vừa dạy học, vừa làm công tác tư vấn tâm lý cho học sinh (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Cô Hiền Lương chia sẻ: "Tôi luôn đi tìm nguyên nhân thay vì chỉ xử lý hiện tượng, câu chuyện thật sự phía sau là gì? Tôi cũng cho phép các em trong 1 học kỳ có thể thiếu bài từ 1 đến 2 lần nếu có lý do chính đáng.
Tuy nhiên, bài tập đó các em vẫn phải hoàn thành vào buổi học sau, tiết sinh hoạt các em sẽ lên trình bày, giảng lại bài trước lớp".
Đối với học sinh đi muộn, cô Lương chưa vội kỷ luật mà cuối giờ học sẽ dành thời gian nói chuyện, tâm sự với học trò: "Đôi khi lý do các em đi muộn không phải là câu chuyện về ý thức. Có những vấn đề giữa bố mẹ, gia đình lại là nguyên nhân dẫn đến việc học sinh vi phạm nội quy.
Nếu giáo viên không tìm hiểu thì chẳng bao giờ biết thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ. Và hậu quả là học sinh phải nhận những tổn thương liên tiếp từ gia đình đến trường học".
Cô giáo Nguyễn Hiền Lương (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Những lá thư tay đặc biệt
Vào một buổi chiều như mọi ngày, khi đến phòng tham vấn tâm lý của trường, cô Hiền Lương thấy một lá thư tay được nhét qua khe cửa.
Lá thư ấy là dòng tâm sự của một nữ học sinh lớp 9 đang đứng trước áp lực lớn khi bố mẹ luôn ra sức áp đặt việc học tập của em. Cô bé có đam mê ca hát nhưng bố mẹ bắt buộc em phải học giỏi Toán, Lý, Hóa.
Sức ép quá lớn từ phía gia đình đã khiến nữ sinh ấy từng có hành vi tự tử với ý định kết thúc cuộc đời mình.
"Những dòng chữ của em khiến trái tim tôi thắt lại, giống như lời kêu cứu của một đứa trẻ tội nghiệp khi không được thấu hiểu, sẻ chia, khi một mình chịu đựng đau khổ và chìm sâu trong nỗi tuyệt vọng. Nhưng lá thư không tên ấy khiến tôi càng lo lắng. Tôi không biết em là ai để giúp đỡ", cô Hiền Lương tâm sự.
May mắn thay, trong lần chấm bài cho học sinh, cô giáo đã nhận ra nét chữ của chủ nhân bức thư. Cô mời học trò đến phòng tham vấn tâm lý của trường để nói chuyện.
Những lá thư là cách cô kết nối cảm xúc với học trò, chia sẻ và giáo dục học sinh (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
"Cuộc trò chuyện giữa tôi và em không đề cập đến lá thư đặc biệt đó. Tôi chỉ chia sẻ với em về ước mơ thuở nhỏ của mình, về những môn tôi học yếu kém. Và vì tôi cũng yêu ca hát, tôi hát cho em nghe, chia sẻ với em về âm nhạc, về những ca sĩ mà tôi thích.
Qua những câu chuyện ấy, em đã tự mở lòng, em kể với tôi trong dòng nước mắt những ấm ức, tủi hổ và cả vết sẹo trên cổ tay khi em muốn kết liễu cuộc đời mình", cô Hiền Lương nhớ lại.
Sau khi thuyết phục được học sinh, cô giáo đã có cuộc gặp gỡ với gia đình em, giúp bố mẹ em nhìn nhận lại, biết mở lòng với con theo hướng tích cực nhất. Sau đó gia đình thay đổi, cho em điều trị tâm lý.
"Câu chuyện ở đây là bố mẹ không mở lòng để hiểu con trong khi con cũng không thể chia sẻ với bố mẹ", cô Hiền Lương khẳng định.
Cô Hiền Lương tự nhận mình là một người cổ điển, yêu thích những lá thư tay, cô luôn mượn những lá thư để kết nối cảm xúc với học trò.
Cô giáo chia sẻ: "Ngôn ngữ viết diễn đạt tốt hơn nói chuyện trực tiếp. Những dòng thư lắng đọng cảm xúc giúp chúng ta truyền tải cả những câu chuyện khó nói nhất.
Tôi luôn khuyến khích học trò viết thư cho cô bất cứ khi nào các em mắc lỗi hay có nỗi buồn, tâm sự. Đến bây giờ, tôi đang giữ hàng ngàn lá thư của học trò mình".
Cứ vào thời điểm kết thúc một học kỳ, cô sẽ yêu cầu mỗi học sinh viết ra 2 lá thư. Một lá thư gửi cho cô giáo, một lá thư gửi cho bố mẹ. Nội dung thư nêu nhận xét về cô giáo, bố mẹ, là nêu lên những nguyện vọng, mong muốn của bản thân.
Với lá thư viết cho bố mẹ, cô giáo sẽ giúp các con gửi lại trong những cuộc họp phụ huynh. Cô muốn mình là cầu nối để giúp gia đình thấu hiểu, chia sẻ với các con, để bố mẹ không còn đặt kỳ vọng quá lớn lên đôi vai của con trẻ.
Lá thư dành cho cô giáo chính cô sẽ đọc để hiểu hơn về học sinh và nhìn nhận lại bản thân, tự điều chỉnh chính mình.
"Chính bản thân tôi cũng viết thư, dành lời khen ngợi, động viên các con. Tôi không bao giờ "tiết kiệm" lời khen với học trò của mình. Dù là học sinh yếu kém, khi có những tiến bộ nhỏ, tôi luôn ghi nhận và tạo động lực cho các em cố gắng vươn lên.
Trong lá thư, tôi chia sẻ thêm những điều chưa được của học sinh cùng với sự khích lệ đan cài tình cảm yêu thương của mình", cô Hiền Lương tâm sự.
Theo cô Hiền Lương, để thực hiện giáo dục kỷ luật tích cực, muốn giáo dục trẻ bằng tình thương, thầy cô phải là người biết lắng nghe, thấu hiểu và phải thay đổi cả tư duy, nhận thức, hành vi của mình.
"Giáo dục kỷ luật tích cực cần phải có sự phối hợp giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh. Điều quan trọng là phải biết lắng nghe, thấu hiểu cảm xúc của con trẻ, dùng tình yêu thương để dạy dỗ các em.
Việc kỷ luật quá nặng và không cho học sinh cơ hội sửa sai, đóng lại cánh cửa tương lai tốt nhất của con trẻ phải chăng là thất bại của thầy cô?
Thay vào đó, chúng ta trao cho trẻ cơ hội để các con sửa đổi và trở thành người tốt, đó mới thực sự là sứ mệnh của giáo dục", cô Lương chia sẻ.
Nữ sinh 13 tuổi giành giải ba quốc tế viết thư UPU Sau khi đạt giải nhất quốc gia cuộc thi viết thư UPU, Phan Hoàng Phương Nhi, 13 tuổi, tiếp tục giành giải ba quốc tế với bức thư gửi mệ Sương bán xôi. Sáng 1/12, trong lần thứ hai ra Hà Nội, Phương Nhi, lớp 8/2 trường THCS Duy Tân, tỉnh Thừa Thiên Huế, giản dị trong bộ đồng phục, có mặt tại...