Mô hình Đại học Quốc gia hiện đang là một chiếc áo chật, khó mà phát triển thêm
Nếu phát triển thành một Đại học Quốc gia đúng nghĩa, phải tập trung nhiều vào nghiên cứu, đào tạo sau đại học, nhất là mang tính chất liên ngành.
LTS: Bỏ qua giai đoạn Nho Giáo với Quốc Tử Giám, mô hình đại học đa lãnh vực ở Việt Nam trải qua gần 100 năm lịch sử không suôn sẻ nếu không muốn nói rất truân chuyên.
Đọc loạt bài về mô hình đại học quốc gia ở Việt Nam trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, hôm nay, Phó Giáo sư Lưu Tiến Hiệp có gửi tới tòa soạn quan điểm của ông về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết của Phó Giáo sư Lưu Tiến Hiệp.
Mô hình đại học dưới ảnh hưởng của Pháp
Trường đa lãnh vực đầu tiên ra đời năm 1917 là Trường Cao đẳng Đông Dương gồm 7 ngành. Sau đó được đổi tên thành Viện Đại học hỗn hợp Việt-Pháp, rồi Viện Đại học Hà Nội, rồi Viện Đại học Quốc gia Việt Nam, và cuối cùng đổi tên là Viện Đại học Saigon khi Viện Đại học Huế được thành lập (1957).
Viện Đại học Saigon gồm các Trường Đại học Luật khoa, Trường Đại học Y khoa, Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Văn khoa, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Dươc khoa, Trường Đại học Nha khoa và Trường Cao đẳng Kiến trúc.
Trường Đại học Kỹ thuật, Trường Đại học Nông Lâm Súc, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật không thuộc Viện Đại học này, mà đứng độc lập.
Tuy gọi các đơn vị thành viên là Trường Đại học, nhưng danh xưng sử dụng là Khoa (Faculté) và các khái niệm Hội đồng Khoa, Trưởng Khoa vẫn dùng trong văn bản tiếng Việt, Pháp, Anh. Như vậy Viện Đại học Saigon là một cơ cấu tích hợp gồm 3 cấp: Viện Khoa Bộ môn [1] theo cơ cấu tổ chức và đào tạo hoàn toàn theo mô hình Pháp..
Mô hình đại học dưới ảnh hưởng của Liên Xô
Ở Miền Bắc sau năm 1954 khi ảnh hưởng của mô hình đại học Pháp được dần thay thế bằng mô hình đại học Liên Xô với sự ra đời của các trường đại học đơn lãnh vực như Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Thủy lợi, Trường Đại học Sư phạm…
Phó Giáo sư Lưu Tiến Hiệp (ảnh: NVCC)
Ở Miền Nam sau 1975 mô hình này cũng dần thay thế mô hình Viện Đại học. Tuy nhiên có mô hình Đại học Tổng hợp chỉ bao gồm Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Xã hội nhân văn.
Trường đại học đơn lãnh vực đáp ứng tốt nhu cầu của một nền kinh tế có kế hoạch. Sinh viên học ngành gì, khi tốt nghiệp làm việc ở đâu đều được quy hoạch nên sinh viên đâu cần thay đổi ngành học, đâu cần học liên ngành, tốt nghiệp được trường bố trí việc làm. Khi đó các ngành học càng ngày càng có chuyên môn hẹp, nếu được làm việc vào đúng ngành hẹp đó thì rất phù hợp nhưng sinh viên ra khỏi ngành hẹp đó rất khó bươn chải, thậm chí trở thành thất nghiệp.
Mô hình đại học theo mô hình của Mỹ
Ở Miền Nam trước năm 1975 do ảnh hưởng của Mỹ, một Viện Đại học công lập thứ hai được quy hoạch ở Saigon lấy tên là Viện Đại học Bách Khoa Thủ Đức.
Viện Đại học này được thiết lập theo mô hình của Mỹ, cụ thể là California State Polytechnic University, nhằm đào tạo đa lãnh vực mang tính chất thực hành. Viện này sẽ sáp nhập những Trường Đại học không thuộc Viện Đại học Saigon như Trường Đại học Kỹ thuật, Trường Đại học Nông nghiệp, Trường Đại học Giáo dục (Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức), mở thêm Trường Đại học Giáo dục, Trường Đại học Kinh – Thương, Trường Đại học Thiết kế Thị – Thôn, Trường Đại học Khoa học Cơ bản, Trường Đại học Cao cấp (College of Graduate Studies).
Video đang HOT
Tuy tên là Bách Khoa nhưng nội hàm của Bách Khoa này khác hẳn Trường Đại học Bách Khoa bây giờ. Cấu trúc của Viện là một thể thống nhất, các trường thành viên chỉ là một Khoa (College Mỹ tương đương Faculty Anh) mà không phải là một trường đại học độc lập.
Khuôn viên của Viện Đại học này chính là khuôn viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bây giờ. Tuy nhiên Viện này giải thể sau 1975. Nếu Viện Đại học này thành lập, đây sẽ là mô hình đại học đa ngành, đa lãnh vực của một University [4] .
Mô hình Đại học Quốc gia tại Việt Nam
Lịch sử hình thành hai trường Đại học Quốc gia sau 1975 đã được trình bày ở nhiều bài báo [ 2], [3], [5] , từ đó đến nay đã có nhiều bài góp ý về sự chậm phát triển của mô hình này. Mô hình này đã đi trật hướng của mô hình University mà những nhà thiết kế ban đầu mong đợi [3] nên qua thời gian, những nhược điểm càng bộc lộ.
Ngoài những điều kiện ban đầu không phù hợp của các trường đơn ngành thành viên khi các trường này tập hợp lại thành hai Đại học Quốc gia, tôi còn có thể kể ra đây 2 yếu tố mà theo tôi cũng là hai điều kiện quan trọng đã không hiện hữu khi Đại học Quốc gia ra đời.
Tôi còn nhớ sau 1975 tôi có dịp tiếp xúc với nhiều thầy cô từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vào dạy ở Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi nhiều lần muốn trao đổi với các thầy từ miền Bắc về mô hình University của các nước Anglo-Saxon. Nhưng đều thất bại vì các thầy nghĩ làm gì có chuyện một trường Đại học Bách khoa lại có chung một Hiệu trưởng với Trường Đại học Y, Trường Đại học Luật.
Tôi có thể võ đoán khi suy rộng ra các giảng viên ở các trường khác, lúc đó phần lớn từ các trường Miền Bắc, chắc cũng có chung tâm trạng như vậy. Các thầy cô đã quá quen thuộc hàng chục năm với mô hình đơn lãnh vực, mô hình này đâu có vấn đề gì lớn và lại được các nước xã hội chủ nghĩa áp dụng. Cái gì tốt sao lại phải thay đổi, tạo nên ức chế tâm lý, dẫn đến không toàn tâm toàn ý với mô hình mới. Đấy là chưa nói đến các cấp lãnh đạo nay bị mất quyền lực [3].
Một yếu tố tưởng ít quan trọng nhưng lại rất cần thiết để tạo lực kết nối các trường đại học thành viên là Đại học quốc gia là không có một khuôn viên chung như các University trên thế giới. Ví dụ Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thì các trường thành viên vẫn rải rác khắp thành phố, sau này có khuôn viên lớn ở Thủ Đức nhưng vẫn còn những trường lưu lạc ở địa điểm cũ và không biết bao giờ mới tập trung tất cả lên Thủ Đức. Một không gian tách rời khó tạo nên lực kết nối.
Sự phát triển của Đại học Quốc gia
Thời gian trôi qua, sinh viên và tập thể sư phạm tăng nhanh. Các giảng viên và nhà quản lý đại học đã bước sang thế hệ thứ hai, thứ ba. Phần lớn đã tiếp cận với các nền đại học khác nhau trên thế giới trong đó ở các nước phát triển nơi mô hình University đang áp dụng.
Tuy nhiên rất nhiều các thầy cô đã qua 3-4 năm học tiến sĩ ở các đại học này, nhưng theo suy nghĩ của tôi trong suốt thời gian học này họ đều rất bận rộn với việc chuẩn bị luận văn, không có hay ít có thời gian quan sát cách vận hành của một University hoàn chỉnh như thế nào, học xong là hồi hương. Những nhà quản lý khi đi tham quan các University trong một thời gian ngắn, e rằng cũng không có nhiều thời gian để xem một Unversity vận hành. Muốn thấm nhuần những lợi ích của một Unversity đúng nghĩa chắc cũng cần khoảng 6-7 năm. Dĩ nhiên những nhận xét này không hẳn là những yếu tố quyết định.
Tôi còn nhớ lại khi Đại học Bách khoa Thủ Đức ở giai đoạn hình thành (trước 1974) tất cả lãnh đạo điều hành của Viện Đại học mới này là những người Việt tốt nghiệp Tiến sĩ Quản trị Đại học (không phải từ những những người thuần túy chuyên môn học thuật) từ các đại học Mỹ.
Thử đề nghị một giải pháp cho Đại học Quốc gia
Đại học Quốc gia đã đi qua những chặng đường dài, thành tích cũng nhiều nhưng theo quan điểm của nhiều chuyên gia thì đều có chung nhận xét là các đại học này đáng lẽ còn phát triển hơn nhiều tương ứng với sự phát triển kinh tế, làm đầu tàu cho một mô hình đại học tiên tiến. Nhưng tôi có suy nghĩ mô hình hiện nay đang là một chiếc áo chật, khó mà phát triển thêm.
Mô hình Đại học Quốc gia hiện đang là một chiếc áo chật, khó mà phát triển thêm (Ảnh website nhà trường)
Hiện nay thành viên của Đại học Quốc gia đang phát triển thành các đại học độc lập. Mô hình ban đầu các đại học thành viên là những Khoa (theo danh pháp Anh, Mỹ, Pháp). Ngày nay Đại học Quốc gia tự cho mình là “Hệ thống các trường đại học” vì mỗi trường thành viên là một trường đại học.
Càng để lâu mỗi trường này phát triển quy mô và học thuật đến lúc tính tự chủ cộng với quán tính của mỗi trường trở thành một lực cản cho bất kỳ cố gắng hợp nhất thành University. Sự hợp nhất bây giờ, nếu làm được, thuận lợi hơn nhiều về mặt tâm lý. Thành phần quản lý và tập thể giảng viên nay đã quen với mô hình University, nên dễ chấp nhận mô hình hiệu quả này.
Đơn cử, quy mô sinh viên (đại học và sau đại học) của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là trên 60.000. Con số này không phải là lớn, nhưng tối ưu để hình thành một University.
Úc có 43 University, quy mô của nó dao động từ 35.000 đến 60.000 theo mô hình 4 cấp quản lý: University Faculty School Department. Do đó với một quyết tâm muốn làm xoay chuyển bậc giáo dục tinh hoa này, việc thay đổi mô hình Đại học Quốc gia thành University là nên làm.
Mô hình Đại học Quốc gia đã được thảo luận, góp ý từ nhiều năm nay. Do hoàn cảnh khách quan và chủ quan các trường đại học thành viên phát triển độc lập với nhau, ít có mối tương tác liên ngành, tuy vậy nó vẫn phát triển nhưng chậm. Ngược lại nếu phát triển thành một Đại học Quốc gia đúng nghĩa, phải tập trung nhiều vào nghiên cứu, đào tạo sau đại học, nhất là mang tính chất liên ngành. Đó là một University tinh hoa, chức năng duy nhất của Đại học Quốc gia trên thế giới. .
Tài liệu tham khảo
[1] Universite de Saigon 1966, Guide de l’Etudiant 1966′, Rectorat, Saigon
[2] https://giaoduc.net.vn/tin-hiep-hoi/2-dai-hoc-quoc-gia-chua-phat-trien-duoc-nhu-ky-vong-post218863.gd
[3] https://giaoduc.net.vn/tin-hiep-hoi/viec-phat-trien-2-dai-hoc-quoc-gia-khong-theo-dung-nhu-thiet-ke-post218938.gd
[4] Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức, Wikipedia 2021
[5] Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Website, 6/2021
Mô hình quản trị đại học có Hội đồng trường: Hay thật hay và dở rất dở
Dù đã được quy định tại Luật 34 và Nghị định 99, nhưng thực tế không phải trường nào cũng thực hiện một cách suôn sẻ mô hình quản trị đại học có Hội đồng trường.
Giáo dục đại học Việt Nam trải qua lịch sử hình thành và phát triển với rất nhiều biến động. Đến nay, có rất nhiều mô hình tổ chức, hoạt động khác nhau như Đại học Quốc gia, Đại học vùng; đại học công lập trực thuộc các bộ, ngành hay ủy ban nhân dân các tỉnh; đại học công lập tự chủ, đại học tư thục,... Có trường được thành lập cách đây trên 100 năm, nhưng cũng có trường mới ra đời.
Từ khi Luật Giáo dục đại học 2018 hay còn gọi là Luật số 34 có hiệu lực từ 1/7/2019, thì tất cả các trường dù mới dù cũ đều chuyển đổi sang mô hình quản trị có Hội đồng trường. Tuy nhiên, tưởng chừng như Luật 34 sẽ "cởi trói" cho các trường đại học để tiến lên tự chủ như mục tiêu của Đảng và Nhà nước, nhưng trong thực tế thì rất "muôn màu, muôn vẻ".
Có trường chủ động phát huy ưu điểm của mô hình quản trị mới, nhưng cũng có trường loay hoay chẳng biết phải làm gì. Thậm chí có nơi còn có tư duy "chờ cho Luật 34 sửa đổi và bãi bỏ mô hình Hội đồng trường như mô hình đại học đại cương một thời trước đây"?
M ô hình quản trị đại học có Hội đồng trường : Hay thật hay
Luật 34 ra đời với mục tiêu hướng đến tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường đại học. Đây được xem là một bước tiến về quản trị đại học nhằm cụ thể hoá Nghị quyết 29-NQ/TƯ (2013) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết 19-NQ/TƯ (2017) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lí, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị công lập .
Tại Điều 16 của Luật 34: "Hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan" với 3 nhóm chức trách chủ yếu là ban hành các quy chế và chiến lược phát triển; quyết định các vấn đề quan trọng theo thẩm quyền; giám sát việc thực hiện.
Cũng theo Luật này, tại điều 20 quy định Hiệu trưởng " là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học".
Về nguyên tắc, đảng uỷ lãnh đạo toàn diện các hoạt động của trường đại học. Trên cơ sở luật pháp, nghị quyết, quy chế, quy định,... Hiệu trưởng chỉ đạo các bộ phận tham mưu, giúp việc của trường tổ chức soạn thảo, lấy ý kiến các bên liên quan, thậm chí thông qua các hội đồng tư vấn (nếu cần), để dự thảo quy chế, chiến lược, đề án, đề xuất,... trình hội đồng trường quyết định theo thẩm quyền.
Hội đồng trường thẩm định các tờ trình dựa vào các văn bản luật và dưới luật liên quan; nghị quyết của Đảng; các quy chế (đã ban hành); chiến lược phát triển Nhà trường thông qua và ban hành nghị quyết. Căn cứ vào nghị quyết của hội đồng trường, hiệu trưởng điều hành thực hiện và báo cáo kết quả cho hội đồng trường để hội đồng trường căn cứ giám sát.
Phó Giáo sư Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng có những chia sẻ về việc "tổ chức tôn vinh trí thức". Ảnh: An Nguyên
Như vậy, nếu trường đại học có quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ và chiến lược phát triển được soạn thảo và thẩm định bài bản; triển khai thực hiện nghiêm túc, dựa trên cơ sở phối hợp nhịp nhàng giữa hội đồng trương và hiệu trưởng, thì chắc chắn mọi việc diễn ra suôn sẻ, quản trị hiệu quả và trường sẽ phát triển bền vững.
Sự "chung vai" của chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng thì "gánh nặng" tự chủ và tự chịu trách nhiệm sẽ "nhẹ" hơn. Đó cũng chính là mô hình quản trị đại học chuyên nghiệp, xây dựng nhà trường dân chủ và góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền. Và nếu được như vậy thì đây là mô hình quản trị đại học "hay thật hay".
... dở rất dở
Dù đã được quy định tại Luật 34 và Nghị định 99, nhưng trong thực tế không phải trường nào cũng thực hiện một cách suôn sẻ mô hình quản trị đại học có hội đồng trường. Điều đó cũng là tất yếu, bởi lẽ như đề cập ở trên, "tuổi trường" khác; xuất phát điểm khác, cơ quan chủ quản khác, tiềm lực khác,...
Song điều đáng quan tâm vẫn là ý chí của lãnh đạo. Nếu vì mục tiêu chung, "chung sức đồng lòng" thì mọi việc sẽ dần quy củ, rõ ràng và lộ trình tự chủ sẽ từng bước thiết lập và vận hành. Dần dần từ chối tư duy phụ thuộc, xin-cho và chờ đợi...
Tất nhiên cũng có trường chưa muốn "độc lập", rất cần phụ thuộc từ chỉ đạo, hướng dẫn, phân bổ ngân sách,... nếu không sẽ lúng túng vì không đủ năng lực quản trị. Mặt khác, cũng có không ít nơi, trường đại học có tiềm lực tốt nhưng tập thể lãnh đạo không đồng lòng, không muốn phân vai,... làm cản trở tiến trình đổi mới.Tuy nhiên, thật sự "rất dở" là vẫn có một số cơ quan chủ quản chưa quyết tâm đẩy mạnh thực hiện đúng Luật 34 theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, khiến cho các trường trực thuộc có muốn làm đúng cũng không làm được.
Thực tiễn rất muôn màu, nhưng ở đâu né tránh quy luật phát triển vì những lợi ích riêng, thì chắc chắn nơi đó khó phát triển bền vững và sẽ gặp nhiều rủi ro, thách thức. Và mô hình quản trị đại học có hội đồng trường thật sự "dở rất dở".
Hay dở tuỳ thuộc cách nghĩ và làm, nhưng đã giao quyền vẫn không giao phó...
Giáo dục đại học Việt Nam qua những thăng trầm, đến nay rất đa dạng về mô hình tổ chức hoạt động và đã có nhiều trường hội nhập quốc tế sâu, có khả năng vươn lên đẳng cấp quốc tế.
Mô hình quản trị đại học có hội đồng trường bước đầu đã được "cởi trói", nhưng hành lang pháp lí của Nhà nước vẫn chưa thực sự "an toàn". Chính vì vậy rất cần rà soát, nghiên cứu hướng dẫn để tránh hiện tượng "sợ, không dám làm", hoặc làm quá đà và vấp ngã...
Dù gì thì vẫn đang tồn tại và vẫn là một bộ phận trong hệ thống giáo dục đại học của quốc gia, nên cũng cần phải có sự quan tâm quy hoạch, điều chỉnh và hướng dẫn phát huy vai trò của hội đồng trường, nhằm từng bước phát triển dựa trên những tiềm năng, lợi thế và đặc thù riêng hoặc sát nhập vào các đơn vị khác, đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan cũng như sử dụng hiệu quả công quỹ.Ngược lại, vì nhiều nguyên nhân khác nhau có trường ra đời vì nhu cầu phát triển nhưng cũng có trường phát triển lên đại học từ một điểm xuất phát thấp do ý chí chủ quan của một thời kì.
Xét về quan điểm "tự chủ và tự chịu trách nhiệm" thì tuỳ điều kiện của từng trường mà tự lựa chọn chiến lược phát triển, mô hình tổ chức và hoạt động riêng dựa trên quyết định của hội đồng trường. Nhưng trong thực tế, nhiều nơi vẫn cần hướng dẫn, thanh kiểm tra, giám sát, đôn đốc không chỉ với nhà trường mà cả với cơ quan chủ quản, mới mong hội đồng trường sớm "thực quyền" như tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TƯ của Đảng.
Ở nước ta, tư duy làm theo kinh nghiệm và quyết định cảm tính còn ăn sâu, bám chặt trong hoạt động lãnh đạo, quản lí và đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho tự chủ đại học. Tự chủ đại học không chỉ đổi mới mô hình quản trị mà còn là đổi mới tư duy. Tư duy tự chủ không chỉ đòi hỏi đối với bí thư đảng uỷ, với chủ tịch hội đồng trường, với hiệu trưởng mà là với toàn xã hội. Chỉ có như vậy, mới có thể thay đổi "căn bản và toàn diện". Tất nhiên thay đổi tư duy số đông bao giờ cũng chậm, nếu không có động lực thúc đẩy, mà trước hết phải từ những người đứng đầu các cấp.
Tóm lại, ngày nay thế giới có nhiều thay đổi, và thời kì hậu Corona, giáo dục đại học trên thế giới cũng sẽ có rất nhiều biến động đáng kể. Giáo dục đại học Việt Nam ngày nay đã hội nhập, chắc chắn không tránh khỏi những tác động chung và từng bước cũng phải cạnh tranh với thị trường giáo dục toàn cầu.
Mặt khác, trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định "Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư cho giáo dục và đào tạo gắn với đổi mới cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo. Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế".
Để đạt được mục tiêu trên, chắc chắn quản trị đại học phải thực sự chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp trong quản trị đại học không chỉ góp phần phát triển đại học bền vững mà còn hiện thực triết lí giáo dục khai phóng.
Đại học quốc gia cần có nhà lãnh đạo chuyên nghiệp, gắn bó lâu dài Dư luận cho rằng Đại học Quốc gia cần nhà lãnh đạo chuyên nghiệp, chứ không phải dành cho những ai xem đây là "chiếu nghỉ" để chuẩn bị thuyên chuyển, thăng tiến. Vào đầu thập niên 1990, khi Chính phủ chủ trương xây dựng một số trường đại học mạnh cho nước ta, Thủ tướng Võ Văn Kiệt yêu cầu Bộ Giáo...