Mô hình ‘chất lượng cao’ bóp méo trường công – Kỳ 2: Chỉ mới cao dịch vụ
Từ năm 2006, TP.HCM đã có trường công ‘ chất lượng cao’. Sau gần 10 năm, mô hình này vẫn chưa chứng tỏ được những ưu thế về chất lượng ngoài việc đảm bảo cung ứng dịch vụ cao.
Một lớp học trong Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), một trong 3 trường thực hiện mô hình “chất lượng cao” – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Chưa thực hiện đúng cam kết
Năm học 2006 – 2007, Sở GD-ĐT TP.HCM chọn Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3) thí điểm mô hình trường “chất lượng cao”. Đến năm học 2012 – 2013, Sở tiếp tục mở rộng thí điểm mô hình này ở Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) và Nguyễn Hiền (Q.11). Các trường áp dụng mức học phí từ 850.000 – 900.000 đồng/học sinh (HS)/tháng. Trong khi học phí thời điểm đó cho bậc THPT tại TP.HCM là 30.000 đồng/HS/tháng (năm học này tăng lên 90.000 đồng/tháng).
Từ khi trường được “mang tiếng” là “chất lượng cao”, những HS giỏi nhưng có hoàn cảnh khó khăn không dám đăng ký dự thi vào trường, vì lỡ đậu các em không biết lấy tiền đâu đóng học phí
Hiệu trưởng một trường thực hiện mô hình “chất lượng cao”
Theo bà Đỗ Thị Bích Duyên, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, trường vận hành theo 5 tiêu chí mà Sở đề ra bao gồm: không dạy thêm học thêm, không thu các khoản tiền nào khác ngoài học phí, đảm bảo tốt các chương trình của Bộ GD-ĐT, thực hiện tốt phương pháp dạy học tiên tiến, phát huy năng khiếu của từng HS.
Trên cơ sở này, các trường phải tự hoạch định nội dung đổi mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Với mức học phí đang áp dụng, theo bà Duyên, HS được học phụ đạo, bồi dưỡng và cả luyện thi ĐH tại trường mà không hề mất thêm bất kỳ lệ phí nào. Bà Duyên cũng cho rằng do được tăng thêm nguồn thu nhập, giáo viên sẽ toàn tâm toàn ý cho việc giảng dạy.
Ngoài ra, ông Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT (tác giả của mô hình này), cho rằng sự khác biệt thể hiện ở chỗ sĩ số lớp chỉ 30 HS (các trường khác từ 45 – 50 HS), học ngày 2 buổi, trang thiết bị được ưu tiên loại tốt nhất. Mỗi phòng học có một máy vi tính nối mạng, một máy chiếu, một màn hình, một máy in, 2 máy lạnh…
Tuy nhiên với những gì diễn ra trong thực tế, các trường theo mô hình này chưa thực hiện được hết những cam kết của một trường “chất lượng cao” theo các tiêu chí đã đề ra.
Chẳng hạn với mức học phí cao gấp 30 lần các trường công lập khác (thời điểm trước năm học 2013 – 2014), những trường này đảm bảo không thu bất kỳ khoản tiền nào khác. Thế nhưng tại Trường THPT Lê Quý Đôn, vào đầu năm học 2007 – 2008, tức sau một năm triển khai mô hình này, ban đại diện cha mẹ HS đã đứng ra huy động phụ huynh đóng từ 80.000 – 120.000 đồng/HS để mua máy chấm thi trắc nghiệm giúp giáo viên không còn vất vả khi chấm bài. Khi đó, nhiều phụ huynh đã phản ứng vì cho rằng điều này đã đi ngược với cam kết lúc đầu của Sở.
Lãnh đạo các trường cho rằng đảm bảo HS theo học “chất lượng cao” sẽ không phải học thêm, luyện thi ĐH. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế của PV Thanh Niên, rất đông HS ở các trường này vẫn đi học thêm bên ngoài sau giờ học. Khảo sát hơn 10 HS của Trường THPT Lê Quý Đôn thì tất cả đều cho biết các em có học thêm bên ngoài từ 1 – 3 môn. “Em học thêm bên ngoài vì chủ yếu muốn luyện thi vào ĐH”, một HS của trường này nói. Trả lời PV Thanh Niên, bà Đỗ Thị Bích Duyên nói: “Thật sự, trường trang bị rất tốt kiến thức cho HS nhưng cũng phải thừa nhận có nhiều em còn đi học thêm bên ngoài. Trường cũng đành chịu vì đó là chọn lựa riêng của phụ huynh và HS”!
“Nhiều trường khác làm tốt hơn thế”
Video đang HOT
Nếu cứ lấy các tiêu chí theo chuẩn Việt Nam để xét đến yếu tố chất lượng như chuẩn đầu vào, tỷ lệ tốt nghiệp THPT, đậu ĐH… thì những trường đang thực hiện mô hình “chất lượng cao” cũng chưa xứng tầm so với nhiều trường công bình thường khác.
Năm thứ 2 áp dụng mô hình này nhưng theo lãnh đạo hai trường Nguyễn Hiền và Nguyễn Du, trường gặp không ít khó khăn về chất lượng đầu vào. Chẳng hạn tại Trường THPT Nguyễn Hiền, nếu 2 năm trước, điểm chuẩn đầu vào luôn khoảng 33 thì năm học này chỉ còn 27,5. “Điều này cũng dễ hiểu, từ khi trường được “mang tiếng” là “chất lượng cao”, những HS giỏi nhưng có hoàn cảnh khó khăn không dám đăng ký dự thi vào trường, vì lỡ đậu các em không biết lấy tiền đâu đóng học phí”, một lãnh đạo trường “chất lượng cao” cho biết.
Theo báo cáo tổng kết thực hiện mô hình này của Trường THPT Lê Quý Đôn, từ năm học 2007 – 2008 đến nay, trường luôn đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100% và đậu ĐH-CĐ từ 70 – 98%. Tuy vậy, theo lãnh đạo một trường chuyên tại TP.HCM, so sánh với bảng xếp hạng các trường THPT toàn quốc có chất lượng của Bộ GD-ĐT (với tiêu chí điểm thi và quy mô dự thi ĐH-CĐ), có nhiều năm trường này không lọt vào bảng xếp hạng hoặc nếu có thì thứ hạng còn thua mấy trường khu vực ngoại thành học phí thấp hơn mấy chục lần.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2009 của lứa HS đầu tiên theo mô hình “chất lượng cao”, Trường THPT Lê Quý Đôn xếp hạng 123/200 trường, sau các trường như THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), Nguyễn Hữu Cầu (H.Hóc Môn). Đến năm 2010, trường xếp hạng 173 và tiếp tục đứng sau các trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (H.Hóc Môn), Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận), Nguyễn Công Trứ (Q.Gò Vấp), Mạc Đĩnh Chi (Q.6). Đến năm 2011, trường xếp hạng 120…
Trước thực tế này, ông Cao Huy Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc (SIC), thốt lên: “Nếu chỉ tính đến tỷ lệ tốt nghiệp và đậu ĐH thì có lẽ không cần mô hình này với mức học phí cao như vậy, vì nhiều trường khác đã làm tốt hơn thế”.
Ý kiến
Bất công và bất hợp lý
“Hiện nay các trường này mới chỉ thể hiện được ở tiêu chí sĩ số ít, giáo viên có điều kiện quan tâm đến HS, có đầy đủ tiện nghi, trang thiết bị. Còn về chất lượng đào tạo thì trước và sau khi thực hiện không thấy gì khác biệt. Trong khi đó, trường vẫn hưởng ngân sách nhà nước đồng thời thu học phí cao. Điều này tạo sự bất công không chỉ với HS mà còn là sự bất hợp lý với những trường còn lại. Nói chung là mô hình này chưa đủ thuyết phục”.
Ông Võ Anh Dũng
(Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)
Không thấy thuyết phục “Quy trình thực hiện quá vớ vẩn, bất công khó chấp nhận. Đã lấy trường công mà còn lấy ngôi trường đã có bề dày lịch sử hàng trăm năm, điểm chuẩn đầu vào luôn đứng tốp trên, có sẵn uy tín… mà làm mô hình này thì không thấy thuyết phục. Cũng chưa có nghiên cứu thống kê nào cho thấy HS của trường “chất lượng cao” hiện nay năng động hơn, năng khiếu hơn những HS trường khác”.
Hiệu trưởng một trường THPT của H.Củ Chi
Tạo áp lực sĩ số cho trường khác “Với sĩ số giảm gần 20 HS so với sĩ số các trường THPT khác và mức học phí cao, mô hình này đã tạo áp lực sĩ số cho các trường lân cận”.
Ông Cao Huy Thảo
(Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc)
Trường tư khó phát triển “Có thể để trường tư triển khai mô hình này, nhà nước quản lý chặt chẽ chứ cứ ôm đồm như vậy thì trường tư ngày càng khó phát triển”.
Bà Hoàng Thị Hồng Hải
(Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Trí Đức, Q.Tân Phú, TP.HCM)
Theo TNO
Mô hình "chất lượng cao" bóp méo trường công: Sự thất bại của giáo dục đại trà
Nhà nước chưa đảm bảo các điều kiện tối thiểu cho chất lượng giáo dục đại trà, trong khi đó lại đầu tư nguồn lực xây dựng trường "chất lượng cao", nên dư luận đặc biệt lo ngại hiệu quả đích thực của mô hình này.
Huyện Từ Liêm (Hà Nội) đầu tư xây Trường THCS Từ Liêm bề thế với mục đích làm trường chất lượng cao - Ảnh: Lê Đăng Ngọc
Chưa đạt mức tối thiểu
Trường công lập "chất lượng cao" thực chất là trò thương mại hóa giáo dục, rất nguy hiểm. Nó làm mất ý nghĩa của trường công, sai lầm hoàn toàn về chính sách tài chính công: thay vì phục vụ toàn xã hội thì chỉ phục vụ một nhóm người giàu
Giáo sư NGUYỄN TIẾN DŨNG (ĐH Toulouse - Pháp)
Năm nào vào mùa tuyển sinh, câu chuyện thiếu trường, thiếu lớp cũng được nhắc đến. Và rồi những hiện tượng xếp hàng trắng đêm hoặc bốc thăm để vào trường mầm non hay học sinh (HS) ép mình vào những lớp sĩ số thậm chí gấp đôi so với quy định... trở nên phổ biến.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội, hiện thành phố này có hơn 1,3 triệu HS, chất lượng giáo dục giữa các vùng miền của thủ đô vẫn còn khoảng cách khá xa. Cơ sở vật chất nhiều trường thuộc các huyện ngoại thành rất thiếu thốn, không đủ phòng học theo đúng yêu cầu, nhiều phòng học tạm, hệ thống nhà vệ sinh trường học, chiếu sáng học đường chưa được đầu tư... Dự báo dân số của Hà Nội đến năm 2020 là 7,4 triệu người 2030 là 9,5 triệu người. Với yêu cầu diện tích tối thiểu 8 m2 mỗi HS nội thành và ngoại thành là 15 m2 thì toàn thành phố cần gần 18 triệu m2 đất để xây thêm 1.014 trường mầm non, 310 trường tiểu học...
Nếu căn cứ vào các văn bản pháp lý hiện hành thì Hà Nội vi phạm rất nhiều quy định về việc đảm bảo môi trường học tập tối thiểu cho HS.
Hai năm gần đây, Hà Nội chỉ đạo không được để xảy ra hiện tượng xếp hàng trắng đêm để mong có một chỗ học ở trường mầm non công lập. Tuy nhiên, giải pháp thay thế là tổ chức... bốc thăm vì nguyên nhân căn bản là thiếu trường vẫn chưa được giải quyết. Hà Nội đã rất chật vật mới xóa được tình trạng phường trắng trường mầm non. Hiện nay Hà Nội đạt tỷ lệ huy động HS ra lớp mẫu giáo khá cao. Nhưng để có được kết quả này, rất nhiều trường mầm non phải chấp nhận sĩ số 60 - 70 HS/lớp trong khi điều lệ quy định tối đa 35 HS/lớp.
Ở các trường tiểu học, sĩ số phổ biến ở các quận nội thành là 50 - 55 HS/lớp, một số trường "điểm" từ nhiều năm nay vẫn chưa giải quyết được tình trạng sĩ số lên tới 60 HS/lớp. Đó là chưa kể tình trạng HS phải bán trú ở nhà dân, nghỉ học luân phiên vì nhà trường thiếu phòng học...
Với cấp THCS, THPT hầu hết trường công lập đều có chung tình trạng là không có đủ phòng để tổ chức học 2 buổi/ ngày, trong khi đó hầu như bố mẹ nào cũng có nhu cầu cho con học bán trú. Để lấp chỗ trống vì chỉ được học một buổi/ngày, phụ huynh lại phải cho con đi học thêm khắp nơi, vừa mệt mỏi, vừa tốn kém...
Thực trạng này không chỉ diễn ra ở Hà Nội mà có ở hầu hết các tỉnh, thành lớn.
Khi hệ thống các trường công còn trong cảnh "giật gấu vá vai" mà Hà Nội và TP.HCM thực hiện mô hình lấy trường công làm "chất lượng cao", thu học phí cao dành cho những HS có điều kiện kinh tế.
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, nguyên tắc số một khi mở trường công "chất lượng cao" là chỉ mở ở những nơi mà nhu cầu học hành cơ bản của con em người dân đã được đáp ứng. Nhưng đáp ứng được nhu cầu cơ bản là thế nào lại là vấn đề cần phải nhìn nhận nghiêm túc. Vì thế, mô hình này là một nghịch lý nếu đối chiếu với nguyên tắc "nhu cầu học hành cơ bản đã được đáp ứng" mà Sở đề ra.
Bộ GD-ĐT đang xây dựng hướng dẫn
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: Theo báo cáo, Hà Nội chủ trương xây dựng trường công lập "chất lượng cao" nhưng vẫn cam kết bảo đảm có đủ chỗ học trong các trường công lập theo yêu cầu phổ cập giáo dục của từng cấp học, đồng thời vẫn bảo đảm miễn giảm học phí cho các đối tượng chính sách theo các quy định chung hiện hành. Việc thành lập các trường công lập "chất lượng cao" là để tăng cường huy động các nguồn lực cho phát triển giáo dục theo chủ trương xã hội hóa các hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội, đáp ứng yêu cầu của một bộ phận dân cư có điều kiện và tự nguyện tham gia. Trong thực tế, khi chưa có mô hình này, một số gia đình đã gửi con đi học nước ngoài hoặc vào học tại các trường quốc tế ở trong nước với mức học phí rất cao. Bộ sẽ xây dựng hướng dẫn về mô hình chất lượng cao trong trường công.
Sai lầm về chính sách tài chính công
Xu hướng xã hội hóa để có đủ nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục là tất yếu nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, nếu trường công lập thu học phí cao cho dịch vụ "chất lượng cao" thì chỉ là thương mại hóa giáo dục.
Giải thích về việc tại sao Hà Nội đầu tư xây dựng mô hình này, đại diện Sở GD-ĐT cho rằng việc cho ra đời các trường công "chất lượng cao" không chỉ để "hứng" nguồn tiền đầu tư cho giáo dục hiện khá dồi dào trong nhân dân mà còn để xây dựng những mô hình hạt nhân có chất lượng cao, tạo sự lan tỏa trong hệ thống, có ảnh hưởng tích cực tới sự vươn lên đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng giáo dục cho những trường công đại trà. Tuy nhiên, nói về điều này, nhà giáo Vũ Thế Khôi, nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ và văn hóa Nga, Trường ĐH Ngoại ngữ (nay là ĐH Hà Nội), bức xúc: "Họ nghĩ có trường "chất lượng cao" thì chất lượng giáo dục lên ư? Tôi không tin. Một vài trường "chất lượng cao" làm sao giải quyết được vấn đề dân trí, nâng mặt bằng giáo dục lên được. Còn về việc tạo sự lan tỏa từ mô hình trường này sang trường thường, tôi càng thấy hoang đường".
Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, ĐH Toulouse (Pháp), thẳng thắn nói: "Trường công lập "chất lượng cao" thực chất là trò thương mại hóa giáo dục, rất nguy hiểm. Nó làm mất ý nghĩa của trường công, sai lầm hoàn toàn về chính sách tài chính công: thay vì phục vụ toàn xã hội thì chỉ phục vụ một nhóm người giàu". Theo Giáo sư Tiến Dũng, ngân sách nhà nước đang hạn hẹp thì cần bàn tới chuyện chi vào những đâu cho hiệu quả nhất. "Theo tôi thì các trường công đang quá tải, diện tích chật hẹp thiếu sân chơi và lớp quá đông. Xây thêm trường, tuyển thêm giáo viên là cách nâng cao chất lượng hữu hiệu", Giáo sư Dũng đề nghị.
Giáo sư Nguyễn Lộc, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, cảnh báo: "Nếu nói rằng chỉ xây dựng trường công lập "chất lượng cao" ở những vùng kinh tế khá giả thì cũng phải hết sức cẩn trọng, bởi điều đó sẽ làm cho khoảng cách chất lượng giáo dục của các địa phương ngày càng rộng ra chứ không thể đạt được mục tiêu rút ngắn khoảng cách này như chúng ta vẫn mong muốn". Theo Giáo sư Lộc, điều này còn có thể gây ra hiện tượng ùn tắc về nhu cầu học tập của những trường "chất lượng cao", trong khi đó những trường khác thì lại vắng vẻ, thưa thớt người học dẫn đến lãng phí về nguồn lực.
Theo TNO
Mô hình chất lượng cao bóp méo trường công Tình trạng thương mại hóa giáo dục ngày càng thể hiện rõ trong chính hệ thống trường công khi một số tỉnh thành có chủ trương thực hiện mô hình trường công lập cung ứng dịch vụ giáo dục chất lượng cao. Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) là một trong những trường sẽ trở thành trường chất lượng cao - Ảnh: Lê...