Minh bạch trong việc phát hành, tiêu thụ sách giáo khoa là điều rất khó!
Tại sao Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không chi thù lao hàng tháng cho những người biên soạn sách giáo khoa mà lại chi cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo?
Chuyện một số lãnh đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhận tiền thù lao nhiều năm nay của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khiến cho dư luận dậy sóng nhiều ngày qua.
Bởi, những năm tới đây thì ngành Giáo dục sẽ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, có nhiều nhà xuất bản cùng tham gia thị trường sách giáo khoa phổ thông.
Việc “bắt tay” này sẽ mở ra một tương lai cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để họ chiếm nhiều lợi thế trong việc phát hành sách giáo khoa vào thị trường lớn nhất nước và sẽ làm bàn đạp để chiếm lĩnh các thị trường lân cận.
Đây thực sự là một tính toán “đường xa” sẽ đem lại hiệu quả lớn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Sách giáo khoa vẫn ẩn chứa nhiều góc khuất (Ảnh minh họa: TTXVN)
Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong mấy chục năm qua, chúng ta thấy đơn vị này đã làm khá tốt nhiệm vụ chính trị của mình.
Song, thực tế thì những năm gần đây Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã để lại quá nhiều những điều thị phi cho xã hội khi “một mình một chợ” cùng những sản phẩm “độc quyền” liên tục xuất hiện trong nhiều nhà trường theo nhiều dự án của ngành Giáo dục.
Những năm qua, chúng ta đã nghe nói rất nhiều về chuyện độc quyền sách giáo khoa, vấn đề này không chỉ ở trên các diễn đàn báo chí mà còn được tranh luận khá gay gắt trong các phiên họp của Quốc hội.
Nhiều loại sách bài tập, sách giáo khoa được dùng một lần rồi bỏ đi, gây ra lãng phí lớn cho toàn xã hội. Mỗi năm, người dân bỏ ra cả ngàn tỉ đồng mua sách giáo khoa cho con em mình học tập rồi cuối năm phải bỏ vì nhiều cuốn sách được thiết kế điền từ, làm bài trực tiếp trên sách.
Nhiều tác giả sách giáo khoa tham gia viết sách bài tập, sách giải bài tập và đương nhiên phần lớn những sản phẩm này cũng do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành.
Video đang HOT
Khi bước vào đầu năm học, một số nhà trường định hướng cho phụ huynh mua cả sách giáo khoa, sách bài tập, thậm chí một số nhà trường còn kiêm luôn cả việc bán sách cho học sinh ở những năm trước đây.
Mỗi cuốn sách giáo khoa, đi kèm sách bài tập, sách nâng cao, sách giải…thành ra sách giáo khoa không đáng bao nhiêu tiền mà sự định hướng của nhà trường khiến cho phụ huynh phải mua thêm nhiều loại sách khác nhau nên gánh nặng ngày càng lớn cho phụ huynh.
Tất nhiên, điều mà chúng ta đều biết là một khi mà Ban giám hiệu nhà trường đứng ra bán sách cho học sinh thì không ai đi làm không công cho các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách bao giờ.
Sách VNEN, sách tiếng Anh, Mĩ thuật…có giá rất cao
Khác với sách giáo khoa truyền thống (năm 2002) thì những năm qua, ngành Giáo dục đưa vào một số sách giáo khoa, tài liệu mới để giảng dạy ở một số địa phương. Trong đó, nổi bật hơn cả là sách VNEN được dạy thí điểm rồi mở rộng rầm rộ sang nhiều tỉnh, thành khác nhau trong cả nước.
Cái khác của sách VNEN là từ nội dung của sách giáo khoa truyền thống, dự án VNEN đã biên soạn lại, bố cục lại nhưng giá thành thì đắt gấp nhiều lần sách giáo khoa truyền thống.
Điều oái oăm nhất là sách VNEN không được bán ở các nhà sách mà đều bán qua đường nội bộ. Cuối năm học, nhà xuất bản và các công ty thiết bị trường học gửi email cho các địa phương, các trường yêu cầu đăng ký, tổng hợp số lượng để họ in ấn. Đầu năm học là chuyển về các trường theo đơn đã đặt hàng.
Trước những bất bình của nhiều phụ huynh và một số lãnh đạo tỉnh nên giờ đây chương trình VNEN không còn được mở rộng mà đã thu hẹp lại. Một số trường học bỏ chương trình VNEN quay lại sách giáo khoa và phương pháp truyền thống.
Bộ cũng chỉ đạo “không bắt buộc” và tùy vào tình hình của các nhà trường. Tuy nhiên, phía sau dự án tốn kém hàng chục triệu USD còn là sự lãng phí của phụ huynh, của các nhà trường đã theo, đã đầu tư cho chương trình VNEN….
Không chỉ sách VNEN mà sách tiếng Anh, sách Mĩ thuật…mới cũng được bán riêng với giá rất cao. Chỉ riêng bộ sách tiếng Anh cũng có giá thành bằng cả bộ sách giáo khoa truyền thống. Sách Mĩ thuật theo hướng phát triển năng lực đang thực hiện mấy năm nay cũng đắt hơn nhiều lần so với sách Mĩ thuật năm 2002.
Điều đáng nói nhất là tất cả các loại sách này đều là sản phẩm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Nhưng có nhiều năm khi kêu lỗ thì các lãnh đạo của đơn vị này đều lấy sách giáo khoa truyền thống để minh họa cho giá thành mà không bao giờ lấy sách VNEN, sách tiếng Anh, Mĩ thuật ra so sánh…
Và, bây giờ là sách giáo khoa của chương trình mới
Theo lộ trình, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng ở lớp 1 vào năm học 2020-2021 tới đây. Thế nhưng, ngay từ khi manh nha bộ sách giáo khoa mới thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chi tiền cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2015 đến nay.
Dù lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần lên tiếng về khoản tiền này, dù biện minh như thế nào đi chăng nữa thì đây cũng là điều không phù hợp chút nào.
Tại sao Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lại không chi thù lao hàng tháng cho những người biên soạn sách giáo khoa mà lại chi cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua?
Câu trả lời rất dễ bởi ai cũng có thể trả lời được. Bởi, cho dù năm học 2020-2021 các trường tự chọn sách giáo khoa lớp 1 thì đến năm học 2021-2022 quyền lựa chọn sách sẽ thuộc về Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố.
Lúc ấy, ai có quyền lựa chọn sách giáo khoa, ai tham mưu và tiếng nói của ai có trọng lượng nhất với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nếu không phải là lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo?
Những nhà kinh doanh không bao giờ họ bỏ tiền đầu tư mà không tính toán đến lợi nhuận nên việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chi nhiều tỉ tiền thù lao cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tất nhiên là họ đã có mục đích cụ thể.
Phương châm: “Thả con săn sắt, bắt con cá rô” trong việc chi tiền thù lao cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh rõ ràng nằm trong kế hoạch dài hạn để chiếm lĩnh thị trường sách giáo khoa phía Nam là điều mà những người kinh doanh đã hạch toán rất kĩ.
Chính vì thế, đi tìm sự minh bạch trong việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa ở ngành Giáo dục trong những năm qua và có lẽ cả trong những năm tới là điều vô cùng khó khăn bởi những gì mà chúng ta đã và đang chứng kiến đã phản ánh khá đầy đủ bản chất của sự việc này.
Theo giaoduc.net.vn
Minh bạch sách giáo khoa
Với mục đích đa dạng sách giáo khoa (SGK), nhiều nhà xuất bản (NXB) có thể biên soạn SGK thay vì chỉ riêng NXB Giáo dục Việt Nam độc quyền như trước.
Đây là chủ trương xã hội hóa đúng đắn, tiến bộ giúp học sinh được tiếp cận nhiều chương trình mới, ưu việt hơn. Tuy nhiên, không ít bất cập đã nảy sinh.
Triển lãm sách giáo khoa lớp 1 mới nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Bất cập nảy sinh lại xảy ra khi nhiều lãnh đạo đương chức của các sở ngành địa phương tham gia công tác biên soạn các bộ SGK này. Hậu quả là dù được quyền lựa chọn nhưng liệu các hiệu trưởng (người có quyền lựa chọn SGK) có dám loại bỏ các cuốn SGK mà lãnh đạo của mình tham gia biên soạn? Nhiều phụ huynh cũng băn khoăn rằng việc lãnh đạo sở giáo dục nhận tiền để biên soạn SGK rồi lãnh đạo các trường (trực thuộc sở) bỏ phiếu chọn lựa thì có công bằng, minh bạch hay không?
Mập mờ tiền chỉ đạo biên soạn
Mấy ngày gần đây, dư luận đang rất quan tâm đến việc NXB Giáo dục Việt Nam có quyết định chi tiền thù lao hang tháng từ 3, 5 đến 6 triệu đồng cho 11 cán bộ thuộc Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh. Đó là Giám đốc Sở GDĐT TP HCM Lê Hồng Sơn cùng phó giám đốc, một số cán bộ chuyên viên thuộc sở này. Trong đó, ông Sơn nhận mức thù lao lớn nhất là 6 triệu đồng/tháng. Việc chi tiền thù lao hàng tháng bắt đầu tư 5/2015 và kéo dài liên tục đến nay. Tính sơ bộ, các cá nhân này đã nhận hàng trăm triệu đồng cho việc biên soạn bộ SGK mới này.
Ngoài ra, từ năm 2018, NXB Giáo dục Việt Nam cũng chi tiền thù lao hàng tháng cho 15 cá nhân (gồm 14 người là chuyên viên các môn học thuộc phòng, ban của Sở GDĐT TP HCM) với mức tiền 2,5 triệu đồng/tháng/người. Giải thích về các khoản chi lên đến hàng tỷ đồng này, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cho biết việc này hoàn toàn đúng và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Tiền mà NXB chi cho các cá nhân là để họ giúp NXB biên soạn, chỉ đạo biên soạn nội dung sao cho phù hợp với từng vùng miền khác nhau. Các khoản chi này cũng được NXB tự cân đối tuỳ theo năng lực, đóng góp của các cá nhân khác nhau trong bộ sách.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiếu- Phó Giám đốc Sở GDĐT TP HCM (cũng nằm trong nhóm nhận được tiền của NXB Giáo dục Việt Nam) cho biết, một số người của Sở này có tham gia biên soạn, chỉ đạo biên soạn bộ SGK lớp 1 mang tên "Chân trời sáng tạo". Đây là một trong số các bộ SGK đã được Bộ GDĐT thẩm định, sẽ xuất hiện trong chương trình dạy và học của các trường từ năm 2020. Tuy nhiên, việc các trường có lựa chọn hay không lại là vấn đề khác. Với việc biên soạn bộ sách này, ông Hiếu cho biết các cán bộ, chuyên viên của Sở GDĐT TP HCM đã dành nhiều tâm huyết, công sức để biên soạn, chỉ đạo biên soạn vì bản thân họ cũng là các nhà chuyên môn, có kiến thức và am hiểu trong lĩnh vực này. Mấy năm qua, Sở này đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên trên địa bàn thành phố để trao đổi, lấy ý kiến cũng như đánh giá về bộ sách này.
Nhiều câu hỏi
Về bản chất, việc các cá nhân thuộc Sở GDĐT TP HCM nhận tiền của NXB Giáo dục Việt Nam giúp biên soạn, chỉ đạo biên soạn nội dung bộ SGK mới là không sai quy định của pháp luật. Đây gần như là việc "làm thêm" của các lãnh đạo, chuyên viên vậy.
Bộ SGK "Chân trời sáng tạo" do nhiều lãnh đạo sở GDĐT TP Hồ Chí Minh chỉ đạo biên soạn.
Theo quy trình chọn lựa SGK sẽ được áp dụng từ năm học 2020 tới thì có nhiều NXB sẽ cùng biên soạn một chương trình. Sau đó NXB trình lên Hội đồng Thẩm định, xét duyệt của Bộ GDĐT. Các bộ SGK qua vòng thẩm định sẽ được in ấn, lưu hành nhưng số lượng bản in này sẽ tuỳ thuộc vào các trường ở từng địa phương. Do có nhiều bộ SGK và việc chọn lựa này do người đứng đầu các trường (hiệu trưởng) chọn lựa. Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh là nếu hàng chục lãnh đạo sở của một địa phương cùng đứng tên tham gia vào biên soạn, chỉ đạo biên soạn thì hiệu trưởng sẽ quyết định chọn bộ sách nào. Thực tế quản lý hiện nay, việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm hay luân chuyển các hiệu trưởng đều phải thông qua các lãnh đạo phòng, ban của sở giáo dục. Đó là lý do dư luận đặt ra nhiều câu hỏi băn khoăn về tính công bằng trong việc chọn lựa các bộ SGK này. Hiệu trưởng các trường sẽ chọn bộ sách có các lãnh đạo trực tiếp của mình biên soạn hay chọn một bộ sách khác, phù hợp với nhu cầu của học sinh? Đặc biệt, việc các lãnh đạo của sở tham gia biên soạn nội dung sách thay vì đội ngũ giáo viên, nhà giáo cũng gần như việc "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Bởi nhiệm vụ của lãnh đạo là làm công tác quản lý, mang đến sự chọn lựa cho các cá nhân khác.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng, việc xã hội hoá in SGK là để tăng thêm các bộ sách khác, nhằm mang đến sự mới mẻ về nội dung, đa dạng về hình thức. Tuy nhiên, NXB Giáo dục Việt Nam chi tiền cho các lãnh đạo sở giáo dục địa phương là thiếu minh bạch. Bởi nếu không phải là địa phương tập trung tới 1,7 triệu học sinh đang theo học bậc phổ thông thì NXB này co bỏ tiền chi thù lao hay không? Ngoài TP HCM, NXB này còn chi thù lao cho bao nhiêu các lãnh đạo địa phương thuộc các sở giáo dục khác?
Đến nay việc chọn lựa và sử dụng bộ SGK mới vẫn chưa chính thức được công bố. Tuy nhiên, việc các NXB bắt tay cùng lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương sẽ khiến các NXB khác rất khó cạnh tranh. Và nếu trong năm học tới, các bộ SGK mới nhưng vẫn do chính NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn như mấy chục năm qua thì e dè rằng việc đổi mới giáo dục sẽ khó có kết quả như kỳ vọng.
Vấn đề nảy sinh là nếu hàng chục lãnh đạo sở của một địa phương cùng đứng tên tham gia vào biên soạn, chỉ đạo biên soạn thì hiệu trưởng sẽ quyết định chọn bộ sách nào. Thực tế quản lý hiện nay, việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm hay luân chuyển các hiệu trưởng đều phải thông qua các lãnh đạo phòng, ban của sở giáo dục. Đó là lý do dư luận đặt ra nhiều câu hỏi băn khoăn về tính công bằng trong việc chọn lựa các bộ SGK này.
Đoàn Xá
Theo daidoanket
Tiền làm sách giáo khoa: Cần giám sát khoản vay Trước những thông tin băn khoăn về khoản vay 16 triệu USD viết sách giáo khoa (SGK), Bộ GDĐT khẳng định: Do Bộ không biên soạn bộ SGK riêng, 16 triệu USD vốn vay ODA vẫn trong tài khoản của World Bank. Ảnh minh họa Bà Trần Thị Mỹ An, chuyên gia giáo dục cao cấp của World Bank (WB) cũng khẳng định,...