Microsoft đang có ý định gì khi tung ra Surface?
Surface không chỉ là một chiếc máy tính bảng để giải trí. Nó là một chiếc máy tính với khả năng làm việc gần như laptop.
Sau nhiều đồn đoán về một chiếc tablet “được tích hợp Xbox”, cuối cùng, Microsoft lại gây ngạc nhiên cho mọi người với chiếc Surface. Tuy nhiên, đây là một sự ngạc nhiên tích cực, với nhiều phản hồi tốt về thiết bị này. Kiểu dáng hấp dẫn, khả năng sử dụng như một chiếc máy tính xách tay, bàn phím tích hợp, phiên bản dùng Windows 8 RT có giá tương đương với các tablet khác. Những thông tin ban đầu rất hấp dẫn, nhưng không ít người phải đặt ra câu hỏi, Microsoft có ý định gì khi tung ra Surface.
Cần nhớ lại rằng Microsoft nổi danh như một công ty phần mềm. Hệ điều hành Windows của họ vẫn là hệ điều hành thông dụng nhất thế giới, với hơn 90% máy tính sử dụng Windows. Những phần mềm quan trọng khác như Microsoft Office hay các ứng dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp và điện toán đám mây của hãng đều được đánh giá cao.
Ngược lại, ở khía cạnh phần cứng, Microsoft khó có thể tự hào. Ngoại trừ trường hợp của Xbox 360, máy chơi game thành công nhất tại sân nhà Mỹ, các thiết bị do Microsoft sản xuất đều không có được thành công, thậm chí là chết yểu. Zune, máy nghe nhạc được làm ra để cạnh tranh với iPod, bị khai tử sau 5 năm và chỉ với 4 thế hệ. Kin, dòng điện thoại dành cho giới trẻ của hãng thậm chí không tồn tại nổi 3 tháng. Những thiết bị gần nhất lấy thương hiệu Microsoft đều thất bại, khiến người ta dần lãng quên và mất niềm tin vào khả năng sản xuất phần cứng của Microsoft.
Chính vì vậy Microsoft rất cần những đối tác sản xuất phần cứng, mà quan trọng nhất là những nhà sản xuất máy tính. Trong số 600 triệu bản quyền Windows 7 đã được bán, phần lớn đến từ những chiếc máy tính được cài sẵn Windows do những công ty như HP, Dell, ASUS hay Toshiba bán ra. Tại Computex diễn ra vào đầu tháng, nhiều đối tác của Microsoft như Asus hay Acer đã công bố hàng loạt máy tính bảng và máy tính xách tay sử dụng hệ điều hành Windows 8. Động thái ưu tiên phần mềm diệt virus của các hãng thứ ba nhằm tăng lợi nhuận cho các hãng máy tính giống như sự đền đáp của Microsoft.
Nhưng sẽ chẳng có hãng máy tính nào hạnh phúc với việc ra mắt Surface của Microsoft.
Surface của Microsoft ra mắt sáng nay.
Động thái ra mắt chiếc Surface của Microsoft – với kiểu dáng đẹp và nhiều tính năng độc đáo hơn cả thiết bị của những đối tác – chẳng khác nào cách Microsoft nói “các anh cần phải làm như tôi đây này”. Có thể yếu tố giá cả sẽ khiến người dùng lựa chọn sản phẩm từ những đối tác chứ không phải Microsoft, nhưng sự sốt sắng của hãng không thể nào khiến đối tác hài lòng.
Video đang HOT
Surface không chỉ là một chiếc máy tính bảng để giải trí. Nó là một chiếc máy tính với khả năng làm việc gần như laptop. Với kiểu dáng và tính năng như vậy, không có gì ngạc nhiên nếu Surface sẽ cạnh tranh trực tiếp với những chiếc ultrabook từ các công ty sản xuất máy tính. Mà tất cả những ultrabook từ trước tới nay đều được cài sẵn hệ điều hành Windows 7. Lại là một chiêu “tự mình đánh mình” của Microsoft?
Vậy tại sao Microsoft lại phải vội vàng đưa ra Surface đến như vậy, đưa ra một dòng sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với các đối tác của mình, khi mà những đối tác vừa vui vẻ trưng bày máy tính dùng Windows 8 chỉ hai tuần trước, khi mà hãng đang cần sự ủng hộ lớn nhất từ đối tác để ra mắt Windows 8 vào cuối năm nay? Điều gì khiến Microsoft bất chấp cả hậu quả khi làm mếch lòng đối tác, để rồi có thể ảnh hưởng tới doanh thu của chính họ?
Có lẽ là vì thị phần thiết bị di động là miếng bánh quá hấp dẫn mà hãng này không muốn bỏ qua.
Microsoft từng có một hệ điều hành cho điện thoại nổi bật, đó là Windows Mobile. Nhưng từ khi iOS và Android tạo nên cuộc cách mạng cho điện thoại di động, Windows Mobile đã lui vào dĩ vãng. Hai hệ điều hành này hiện chiếm khoảng hơn 80% thị phần thiết bị di động, trong khi những cố gắng và đầu tư của Microsoft cho Windows Phone chỉ đem lại cho họ không đầy 5% thị phần. Số người dùng Internet trên thiết bị di động được dự báo sẽ vượt qua người dùng trên máy tính vào năm 2014, và điều đó khiến Microsoft không thể chậm trễ việc nhập cuộc thêm nữa.
Máy tính bảng cũng là một thiết bị đang phát triển rất nhanh mà Microsoft chưa hề có thành công. Trong khi iPad chiếm gần hết miếng bánh, máy tính bảng dùng Android có một phần nho nhỏ, thì những tablet dùng Windows 7 của Microsoft khó có thể nói là đáp ứng được những gì người ta trông chờ ở máy tính bảng. Tất nhiên máy tính bảng dùng Windows 7 có lợi thế về khả năng chạy phần mềm và làm việc, nhưng cồng kềnh, chậm và kém hấp dẫn là tất cả những gì người ta có thể nói về sản phẩm của những Acer, MSI, Gigabyte, Dell hay HP. Microsoft chỉ có thể hi vọng vào Windows 8 cho sản phẩm này.
Một lý do khác cho sự vội vã của Microsoft, đó chính là chiếc Google Tablet được dự báo sẽ ra mắt vào cuối tháng này, tức là chỉ khoảng một tuần nữa. Có lẽ Microsoft muốn tranh thủ ra mắt sản phẩm của mình để vừa tạo ấn tượng sớm hơn, vừa tránh được một đối thủ cạnh tranh.
Người ta có thể lấy một ví dụ tương tự cho Microsoft Surface: Google và hệ điều hành Android. Google đang là đối tác với hàng loạt công ty sản xuất điện thoại, nhưng tự hãng này cũng có một dòng điện thoại Nexus mang thương hiệu của mình (dù Nexus được sản xuất bởi chính các đối tác). Hơn thế, Google còn sở hữu một trong những đối tác cũ: Motorola. Tuy nhiên, nên nhớ Google không hề bán Android, họ chỉ thu lợi từ quảng cáo thông qua việc kiểm soát Android. Dòng điện thoại Nexus của hãng cũng chỉ có tác dụng quảng bá cho Android là chính chứ không đe dọa thị phần của các đối tác, và đến giờ vẫn chưa có gì cho thấy Motorola được ưu tiên nhiều hơn những đối tác khác của Google. Trong khi đó phần lớn doanh thu của Microsoft lại đến từ những bản quyền Windows, khác rất nhiều so với Google và Android.
Cũng có thể Surface sẽ chỉ đóng vai trò như một sản phẩm tiên phong và Microsoft sẽ lấy lòng lại đối tác bằng cách hợp tác để tạo ra những sản phẩm có chất lượng như Surface. Rất khó để nói trước được điều gì, khi mà Windows 8 đến cuối năm mới ra mắt, và những chiếc Surface cũng thế. Nhưng Microsoft sẽ phải tính toán rất kĩ khi muốn nhảy sang chiến đấu ở một thị trường họ không có ưu thế, đặc biệt là khi phải mạo hiểm với thị trường hái ra tiền của mình.
Theo vietbao
Microsoft biến bạn thành thù vì tablet Surface
Nếu như máy tính bảng Surface thành công lớn, các đối tác Windows 8 của Microsoft liệu có còn chỗ đứng?
Không bình luận
Sau sự kiện Microsoft công bố dòng máy tính bảng Surface ngày hôm qua, hầu hết các đối tác phần cứng kỳ cựu, lâu năm của Microsoft đều đưa ra những lời khen lịch sự nhưng vô cùng kiệm lời dành cho sản phẩm này.
Họ còn có thể phản ứng thế nào khác được cơ chứ? Với những công ty như HP hay Acer, vốn lệ thuộc nhiều vào Microsoft và hệ điều hành Windows, sự ra đời của Surface chẳng khác gì một đòn giáng trúng mặt.
Ở cấp nhẹ nhất thì Surface giống như một lời bình luận từ phía Microsoft rằng các nhà sản xuất thiết bị chuyên nghiệp (OEM) hoàn toàn bất lực trong việc xâm nhập thị trường máy tính bảng. Còn ở cấp độ nặng nhất thì Microsoft có ý thâu tóm một vị trí thống trị, gần như không chừa lại chỗ trống cho ai khác.
"Nước cờ này giống như một sự phủ quyết niềm tin, và các đối tác của Microsoft cảm thấy họ bị thách thức", nhà phân tích Jan Dawson của hãng nghiên cứu Ovum bình luận.
Bom tấn hay bom xịt?
Với một lịch sử phần cứng phức tạp của Microsoft với những bom tấn như Xbox 360 xen lẫn bom xịt như Zune, thật khó để đoán định về tương lai cho Surface. Nhưng công bằng mà nói, mẫu máy tính bảng trang bị màn hình góc rộng 10,6 inch, vỏ ma-giê kim loại, có giá đỡ tích hợp và vỏ bảo vệ bàn phím siêu mỏng đi kèm... này đã tạo được sự phấn khích lớn và thích thú từ giới truyền thông, điều mà bình thường chỉ có các sự kiện của Apple mới làm được.
Một số chuyên gia cho rằng, có thể Microsoft quyết định tự mình nhảy vào thị trường tablet chỉ xuất phát từ việc cơ hội kinh doanh tại đây là "quá lớn để có thể bỏ qua", và đại gia phần mềm đã bắt đầu thừa nhận cái gọi là kỷ nguyên hậu PC. Thay vì để cho các hãng khác ăn lẹm vào mảng kinh doanh PC truyền thống của mình, Microsoft cho thấy họ sẵn lòng tự làm việc đó thì hơn.
Những dự báo về tăng trưởng càng củng cố thêm sự nhiệt tình nhập cuộc của đại gia phần mềm. Đến năm 2013, gần một nửa số người dùng Internet tại Mỹ sẽ sở hữu máy tính bảng, so với con số gần 1/3 hiện nay. Dù iPad hiện vẫn là sản phẩm nổi bật nhất nhưng giới phân tích đều tin rằng, bom tấn của Apple sẽ sớm mất thị phần vào tay các tân binh mọc lên như nấm sau mưa.
Vấn đề lớn nhất mà Microsoft gặp phải hiện nay chính là tình thế tiến thoái lưỡng nan của các đối tác phần cứng. Hiện tại, gần như tất cả các tablet đối đầu với iPad trên thị trường đều đang dùng hệ điều hành Android, nhưng cũng từng ấy khuôn mặt chưa có được sự thành công nào đáng kể.
Bạn hay thù?
Motorola Xoom đã xịt hơi một cách thảm hại với tư cách tablet Android 3.0 đầu tiên lên kệ. TouchPad dùng hệ điều hành WebOS của HP cũng bị khai tử ngay trước khi có cơ hội tự đứng trên hai chân của mình. RIM buộc phải đại hạ giá BlackBerry PlayBook để tăng doanh số. Tính năng nổi bật nhất của Amazon Kindle Fire không phải là thiết bị này có thể làm-được-gì, mà là ở mức giá 200 USD của nó. Nhưng ngay cả mức giá này cũng không đủ để duy trì cho đà tiêu thụ Kindle Fire được lâu. Asus Transformer Prime là một mẫu máy tính bảng thú vị, nhưng nó lại thiếu đi sức hấp dẫn đối với số đông.
Trong bối cảnh ấy, nhiều hãng đã từng đặt trọn hy vọng vào Windows 8. Nhưng giờ đây, khi chứng kiến Surface ngấp nghé lên kệ, liệu sự nhiệt tình đó còn được bao nhiêu?
Một số tin đồn cho hay LG đã hoãn mọi nỗ lực tablet của mình để dồn sức cho mảng smartphone. Acer, HP từ chối bình luận, Samsung và HTC chưa đưa ra bất cứ ý kiến nào, chỉ có Lenovo và Dell là tuyên bố sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ Windows 8 mà thôi.
Có vẻ như các hãng sẽ giữ thái độ im lặng chừng nào họ chưa "tiêu hóa" nổi thông tin về Surface.
Một lập luận khả thi mà các đối tác phần cứng có thể đưa ra là việc Microsoft chưa có uy tín hay chứng tỏ được mình trong lĩnh vực phần cứng. Vì vậy, người dùng và doanh nghiệp vẫn nên mua phần cứng từ các nhà sản xuất chuyên nghiệp và sử dụng phần mềm do Microsoft phát triển, một chuyên gia bình luận.
Theo vietbao
Nokia phát triển smartphone Lumia giá siêu rẻ Trong hội thảo với các nhà đầu tư, CEO của Nokia khẳng định đang sản xuất điện thoại chạy hệ điều hành Windows Phone với giá còn rẻ hơn cả model 610 (giá 5 triệu đồng ở VN) để cạnh tranh với các đối thủ Android. "Chúng tôi cần phải cạnh tranh với Android một cách quyết liệt và cuộc chiến giá rẻ...