Mẹ Hà Nội chi hàng trăm triệu đồng thay đổi tư duy quý tử
Chị Thọ không ngần ngại ký bản hợp đồng ‘cố vấn cuộc sống’ giá trị cao nhất cho con trai, với hy vọng con hoàn thiện tốt các kỹ năng.
Sau gần một năm ký hợp đồng cố vấn cuộc sống cho con trai 16 tuổi, chị Nguyễn Thọ, sinh năm 1978, ở Thanh Xuân, Hà Nội, hiện làm ở một công ty thiết bị y tế, hài lòng với những gì nhận được sau khi bỏ ra cả khoản tiền lớn đầu tư. Dưới đây là chia sẻ của chị:
Con trai tôi hiện học lớp 10 tại một trường tư thục quốc tế tại Hà Nội. Cháu là con một, đích tôn, nên từ nhỏ đã được cả gia đình quan tâm. Từ lớp một cho tới lớp 6, con học trường công, điểm tổng kết luôn trên 9 phẩy, được đánh giá là ngoan ngoãn, thông minh.
Năm con học lớp 6, tôi chuyển cho con sang trường tư, để có thể tham gia nhiều hoạt động hơn. Trường này chú trọng việc giáo dục nhân cách song song với phát triển trí tuệ và phát huy sở trường của bản thân. Ở đây con được trao cơ hội tham gia rất nhiều cuộc thi tranh biện trong nước và quốc tế, hay hội nghị mô phỏng liên hợp quốc…
Nhưng chính khi phải phối hợp đội nhóm, làm việc tập thể, điểm yếu của con mới lộ ra. Bạn nhắn tin, gọi điện con ít khi trả lời, phân công việc con nhận nhưng không hoàn thành theo đúng cam kết… Nếu con cứ học công lập, có lẽ cả đời tôi không biết con mình có vấn đề về giao tiếp, bởi con cứ học xong là đi về, không tham gia hoạt động gì, thi thố cũng chỉ về kiến thức môn học…
Sau 2-3 năm học ở trường mới con đã gặt hái khá nhiều thành công, tuy nhiên sự thiếu chủ động trong công việc, thiếu tính bao quát vẫn còn. Năm lớp 9, con và các bạn vô địch giải tranh biện tiếng Anh Hà Nội mở rộng, nhưng con ngủ quên, để các bạn cả đêm thức làm thay phần việc của mình.
Người mẹ trăn trở làm sao con có thể hợp tác tốt với mọi người, hoàn thiện kỹ năng. Ảnh minh họa: StraitsTimes.
Sau những chuyện đó tôi đã nói chuyện với con nhiều lần, thậm chí đã tính tới khả năng cho con về học công lập vì thấy con không thay đổi. Biết đâu cú sốc này sẽ kích hoạt những bản năng sinh tồn của con, vì từ trước tới giờ cuộc đời của con êm đềm quá.
Khi tôi thổ lộ suy nghĩ, mọi người cứ nghĩ tôi quá khắt khe với con, “muốn con trở thành người hoàn hảo hay sao?”, nhưng điều tôi cần không phải vậy. Tôi muốn con biết chia sẻ, hợp tác với mọi người, có trách nhiệm với việc mình làm, chủ động trong cuộc sống. Ước mơ của con là trở thành một nhà ngoại giao. Nhưng con sẽ không thể trở thành một người thành công, có ích nếu như con không thay đổi những tồn tại về các kỹ năng của mình.
Tôi kể cho con nghe những câu chuyện thực tế mình từng chứng kiến. Tôi từng tuyển những nhân viên tốt nghiệp trường đại học thuộc top đầu về y, dược với hy vọng với kiến thức họ có sẽ đáp ứng tốt công việc. Nhưng tôi đã không thể làm việc lâu dài với họ vì sự thiếu chủ động, kỹ năng làm việc teamwork kém….
Video đang HOT
Tôi muốn con hiểu rằng trong cuộc sống, chỉ có kiến thức không là chưa đủ, con phải không ngừng rèn luyện các kỹ năng mềm, phát triển EQ. Tôi thực sự muốn tìm một người có thể giúp con mình thay đổi tư duy lối sống, và không ngần ngại tìm các khóa học, giúp con có thể hoàn thiện kỹ năng.
Tháng 8/2018, một người bạn đã giới thiệu cho tôi một tổ chức giáo dục mới của Mỹ tại Việt Nam. Các thầy có kiến thức sâu rộng và nhiều kinh nghiệm trong việc giáo dục cũng như tư vấn về cuộc sống… Tôi đã kể hết các vấn đề con gặp phải. Các thầy cho rằng điều quan trọng bây giờ không cần truy tìm sâu xa nguồn gốc, điều tối ưu là khắc phục, cải thiện cho con từng kỹ năng.
Vậy là hợp đồng “cố vấn cuộc sống” đã được ký kết, với một khoản tiền lên tới vài trăm triệu một năm. Có thể nói tôi là một trong những trường hợp đầu tiên ở Việt Nam ký hợp đồng dạng này ở mức cao nhất cho con. Các thầy sẽ theo sát các hoạt động của con hàng ngày, chỉ ra những điều chưa được, nhắc nhở con phải làm những gì…
Ví dụ, để cải thiện việc con không hay trả lời tin nhắn, cuộc gọi của bè bạn, thầy yêu cầu con 30 phút – 1 tiếng phải kiểm tra điện thoại một lần. Nếu con không làm, con sẽ bị phạt thích đáng, ví như phải chống đẩy hay hoạt động thể chất… theo đúng tinh thần trong quân đội. Khi con hợp tác teamwork không tốt, thầy sẽ phân tích rõ ràng cho con hiểu, rằng con thử đặt mình trong địa vị của đồng đội, để hiểu cảm giác của họ thế nào…
Con cũng được các thầy hướng dẫn tập luyện thể chất, tham gia các hoạt động dã ngoại nâng cao sức khỏe. Dần dần, con đã rèn cho mình thói quen tốt, con khoẻ mạnh hơn, thon thả gọn gàng hơn, có trách nhiệm hơn và đặc biệt chủ động hoàn toàn việc học, sinh hoạt. Sau gần một năm, từ một cậu bé mũm mĩm, con đã cao 1,78 m, cơ thể gọn gàng, săn chắc hơn rất nhiều. Khi con nói TOEFL con được 111/120, tôi mới sững sờ vì con chưa từng luyện thi hay học TOEFL trước đây.
Tháng 4 vừa qua, con tiếp tục vô địch giải tranh biện tiếng Anh Hà Nội mở rộng. Năm ngoái con cũng vô địch nhưng tôi không vui vì còn nhiều tồn tại trong việc chịu trách nhiệm và hợp tác đội nhóm… Nhưng năm nay con đã khác, con đã chủ động mọi thứ, phối hợp với những đồng đội mới và gánh đỡ cho người khác. Con thực sự khiến tôi rất tự hào.
Tôi nghĩ, thay vì mua cho con những chiếc xe cả trăm triệu, những bộ quần áo hàng hiệu, những món đồ chơi đắt tiền, thì đầu tư cho con các kỹ năng, để con dần hoàn thiện, tự tìm hướng đi cho cuộc đời mình trong tương lai là tốt nhất.
Chị Nguyễn Thị Anh Thư, chuyên viên tại một tổ chức tư vấn du học và đào tạo các kỹ năng tại Hà Nội cho biết số lượng các bậc cha mẹ đăng ký, tìm cố vấn cho con hoàn thiện các kỹ năng, phát triển EQ, có xu hướng tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Nhiều bậc phụ huynh không ngần ngại chi số tiền lớn, hàng trăm triệu đồng, với mong muốn ngoài kiến thức, con có thể tự xây dựng những thói quen tốt trong cuộc sống, khám phá thế giới bên ngoài, khơi dậy đam mê…
Chuyên gia tâm lý Trần Thị Kim Thành cho biết những biểu hiện của con trai mà người mẹ kể trong bài là có thể chấp nhận được ở tuổi của cháu, chưa có gì nghiêm trọng. Tuy vậy, việc người mẹ sát sao, nhìn nhận ra điểm còn yếu của con, tìm người cố vấn giúp đỡ con trong quá trình phát triển là rất quý, và cần làm.
“Đây là cách nhìn tiến bộ, cho thấy mẹ thực sự quan tâm tới việc giáo dục con. Đó là cách cho con khôn ngoan, vì sự phát triển lâu dài của con chứ không chỉ thỏa mãn niềm vui vật chất tức thời”.
Mộc Miên ghi
Theo VNE
Làm đàng hoàng, trường tư sẽ vượt mặt trường công
"Trường tư phải tự đầu tư và hoạt động theo năng lực của mình còn trường công thì bị gò bó và ràng buộc nhiều hơn. Tôi thấy lo cho trường công, coi chừng sẽ thua trường tư, bởi vì bị giới hạn kinh phí được cấp thành ra chi phí đào tạo thấp".
PGS.TS Đỗ Văn Xê - người có kinh nghiệm trải nghiệm từ giáo dục công sang tư, đưa ra cảnh báo như thế tại tọa đàm Giáo dục tư thục và định hướng phát triển giáo dục tư thục tại Việt Nam do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội tổ chức chiều 6/5 tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.
PGS.TS Đỗ Văn Xê cho rằng trường tư có lợi thế vì tự chủ và hoạt động theo năng lực của mình
PGS-TS Đỗ Văn Xê, Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, chia sẻ: "Trải qua 15 năm làm Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ và mới về trường tư; từ trường công qua trường tư, tôi như đi qua một thế giới khác. Hiện nay nhiều trường tư thục đã đủ tạo ra một thị trường cạnh tranh hoàn hảo trong giáo dục. Trong môi trường đó, vấn đề sống còn sẽ phụ thuộc vào bản thân của mỗi trường đồng thời tạo cho sinh viên cơ hội lựa chọn học tập tùy theo năng lực mỗi người.
Bây giờ đâu ai khẳng định chất lượng trường công sẽ cao hơn trường tư! Trường công do Nhà nước đầu tư, còn trường tư phải tự đầu tư và hoạt động theo năng lực của mình do đó cũng không cần thay đổi để làm rối ren. Trường công còn gò bó, bị ràng buộc nhiều bởi các quy định, trường tư được tự chủ học phí. Vấn đề hiện nay tôi càng thấy lo cho trường công, coi chừng sẽ thua trường tư, bởi vì bị giới hạn kinh phí được cấp thành ra chi phí đào tạo thấp".
Theo ông Xê, xu hướng chung các nước phát triển đều có 3 lớp: tốp cao là trường tư bởi biết tận dụng sự tự do của mình, tốp giữa là trường công, tốp cuối là "thượng vàng hạ cám" trường tư.
PGS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội phát biểu
PGS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, đồng tình: "Thế giới có 3 loại hình trường. Trường dẫn dắt là những trường hàng đầu thế giới; trường tạo sức "kéo" là trường biết xu hướng phát triển như thế nào để phát triển theo hướng đó; trường kế đến là "đẩy" nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Ở Việt Nam còn có thêm loại thứ 4 là làm rối ren thêm tình hình phát triển: trường kém chất lượng, xảy ra chuyện này chuyện kia...".
PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho rằng giáo dục Việt Nam đang chịu ảnh hưởng bởi xu thế toàn cầu hóa, công nghệ số. ĐH bây giờ không còn là đại học tinh hoa nữa mà là ĐH của đại chúng. Do đó, trường công lập đã hết sức cố gắng nhưng để cung cấp một nguồn nhân lực lớn như hiện nay là không thể và cần phải giao nhiệm vụ này cho trường tư. Cơ hội này là phải đầu tư, nhà đầu tư hết sức vất vả và khó khăn, phải tự thân mọi thứ.
TS Kiều Tuân, Chủ tịch HĐQT trường ĐH Công nghệ TPHCM cũng cho rằng nếu thực hiện được công bằng thì các trường tư thục phát triển nhanh hơn công lập
"Vì vậy, tôi cần nói sự công bằng trên yếu tố chất lượng và chỉ có con đường này mới phân định rành ròi được trường mạnh, trường yếu. Mô hình tam giác có 3 đỉnh (Đại học - Công nghiệp - Chính phủ), 3 cái này phải hài hòa sẽ giúp cho đại học phát triển. Nếu có được đỉnh thứ 3 thì trường tư không ngại gì nữa vì mỗi bên có một hướng phát triển riêng. Tôi tin tương lai ĐH tư thục phát triển mạnh mẽ vì được tự chủ", ông Phong nhấn mạnh.
Tương tự, PGS.TS Nguyễn Văn Áng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Văn Lang cũng nhìn nhận: Trong lĩnh vực giáo dục ĐH, nếu không có giáo dục ĐH tư thục thì hàng trăm ngàn thanh niên không tiếp cận giáo dục đại học. Nếu không phát triển giáo dục tư thục thì không để huy đồng được nguồn lực lớn giáo dục đại học và sẽ không có sự cạnh tranh.
"Các trường ĐH công làm tốt hay trung bình đều được hưởng lương như nhau, do đó không tạo nên động lực trong khi với trường tư thì không thể như thế. Người làm trường tư họ phải nỗ lực vươn lên nên tôi cho rằng việc xuất hiện các trường tư thục tạo môi trường cạnh tranh, và bây giờ là giai đoạn cạnh tranh quyết liệt, các trường công không thể ngồi yên được nữa. Riêng ở TPHCM, hệ thống các trường ĐH tư ở đây rõ ràng đã tạo ra động lực để các trường công lập đã không thể ngồi yên và đang cố gắng phấn đấu", ông Áng nói.
Tọa đàm Giáo dục tư thục và định hướng phát triển giáo dục tư thục tại Việt Nam do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội tổ chức thu hút ý kiến nhiều chuyên gia giáo dục
TS Kiều Tuân, Chủ tịch HĐQT trường ĐH Công nghệ TPHCM cũng cho rằng nếu thực hiện được công bằng thì các trường tư thục phát triển nhanh hơn công lập. Trường tư là trường có chủ, họ có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, người học. Lâu nay mình nói công bằng rát nhiều nhưng thực hiện không đơn giản, qua từng cấp, từng nấc khác nhau.
PGS.TS Phan Thanh Bình khẳng định hành lang pháp lý đang được chuẩn bị vững chắc cho giáo dục tư thục phát triển trong 10 năm tới. Các trường tư thục sẽ cạnh tranh trên thước đo chất lượng, hiệu quả đào tạo.
Lê Phương
Theo Dân trí
Lấy quy hoạch để áp chỉ tiêu tuyển sinh, rất nhiều trẻ em Thủ đô sẽ thất học Trường công tuyển cả nghìn học sinh, sĩ số 69, 70 em một lớp thì không thấy phòng giáo dục mang quy hoạch ra xem, nhưng lại dùng quy hoạch bắt chẹt trường tư. Dân số tăng cơ học và sự chậm chễ, lạc hậu của quy hoạch mạng lưới trường lớp đang làm tăng áp lực lên hệ thống trường phổ thông...