Mẹ dạy học trực tuyến, con nằm ngủ cạnh chân
Không ít cô giáo tiểu học đối mặt áp lực khi dạy trực tuyến với khối lượng công việc kéo dài từ sáng đến gần nửa đêm mỗi ngày, cùng lúc phải chăm sóc con nhỏ cũng đang học trực tuyến.
‘Mắc cỡ’ vì cô giáo cũng quên nộp bài tập cho con
Hiện giáo viên tiểu học vẫn phải dạy trực tuyến đủ tất cả môn học từ tiếng Việt, toán cho đến tự nhiên- xã hội, lịch sử, địa lý, đạo đức…
“Việc thiết kế mỗi bài giảng bằng ứng dụng PowerPoint cho từng môn tiêu tốn rất nhiều thời gian vì giáo viên phải đảm bảo yếu tố bắt mắt, đúng chương trình nhưng quan trọng là giúp học học sinh dễ tiếp thu. Trong khi mỗi tuần giáo viên tiểu học phải dạy rất nhiều môn”, cô Nguyễn Trọng Ngọc Minh Vân, giáo viên – tổ trưởng khối 4 Trường tiểu học Nguyễn Văn Kịp (Q.Tân Bình, TP.HCM), chia sẻ.
Chưa kể giáo viên phải soạn bài tập cho học sinh theo hình thức giao bài qua các ứng dụng trực tuyến để có thể đánh giá và nhận xét mỗi ngày. Do đó, cô Vân làm việc trên máy tính gần như cả ngày, thường là kết thúc vào 23 giờ. “Hai ngày cuối tuần, tôi gần như không có thời gian dành cho gia đình vì phải chuẩn bị bài giảng bằng PowerPoint cho tuần tới”, cô Vân chia sẻ.
Song song với việc dạy trực tuyến thì bản thân cô Vân cũng là một phụ huynh nên phải dành thời gian vào buổi chiều tối để hướng dẫn cho con trai (đang học lớp 2) tập viết, làm bài tập về nhà, rồi chụp ảnh, quay clip bé tập đọc để gửi lại cho giáo viên. Cô Vân nói: “Sau khi hỗ trợ con học xong, tôi mới quay sang chấm bài, đánh giá học sinh của mình và chuẩn bị giáo án cho hôm sau”.
Là giáo viên, cô Vân cảm thấy buồn nếu học sinh vì một lý do nào đó không nộp bài tập cho mình. “Trong khi đó, bản thân tôi cũng có ngày vì quá bận rộn nên quên nộp bài cho con của mình. Tôi cảm thấy ‘mắc cỡ’ khi cô giáo của con trai nhắc nhở về việc không nộp bài tập về nhà”, cô Vân chia sẻ.
Cô Nguyễn Trọng Ngọc Minh Vân, giáo viên – tổ trưởng khối 4 Trường tiểu học Nguyễn Văn Kịp (Q.Tân Bình, TP.HCM) và con trai – NVCC
Dù được chồng hỗ trợ hết mình trong việc nhà nhưng đôi lúc cô Vân do quá bận rộn với công việc nên cô rất căng thẳng khi dạy con học ở nhà.
“Chồng tôi từng nhắc khéo tôi bằng cách nói với con trai: ‘Con có biết rằng không khí giờ học buổi chiều ở nhà với mẹ là rất căng thẳng’. Lúc đó, tôi mới nhận ra rằng mình có thể kiểm soát cảm xúc, giữ bình tĩnh, đảm bảo chuẩn mực sư phạm khi dạy học trò, nhưng lại không làm được điều đó với con của mình dù biết rõ học trò lớp 1,2 rất hiếu động, khó ngồi yên tập trung học”, cô Vân chia sẻ.
Video đang HOT
Với kinh nghiệm của bản thân, cô Vân khuyên các bậc cha mẹ – giờ đây phải đảm nhận thêm vai trò “trợ giảng cho giáo viên” – nên cố giữ bình tĩnh khi kèm cặp con nhỏ ở nhà.
Mẹ dạy học, con nằm ngủ ngay cạnh chân mẹ
Là mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ 4 tuổi và 8 tuổi, cô Nguyễn Minh Thúy An, giáo viên chủ nhiệm lớp 2 Trường tiểu học Nguyễn Văn Triết (TP.Thủ Đức, TP.HCM), phải nỗ lực hết sức mình để cân bằng giữa việc gia đình và dạy trực tuyến.
“Buổi sáng, nhà trường sắp xếp thời gian biểu hợp lý nên tôi có đủ thời gian cho hai con ăn sáng rồi học trực tuyến. Còn lúc mẹ dạy thì con cũng học nên không thể hỗ trợ nhiều cho con. Đến khi dạy xong, tôi phải kiểm tra lại bài của con, đồng thời cho con làm bài tập. Còn bé 4 tuổi sẽ ngồi bên cạnh, vẽ tranh hoặc xem điện thoại trong lúc tôi đang dạy”, cô An chia sẻ.
Cô Nguyễn Minh Thúy An (góc phải) với con nhỏ bên cạnh trong một giờ dạy trực tuyến – NVCC
Tuy nhiên, trong lúc cô An đang dạy trực tuyến vào buổi trưa, con nhỏ tỉnh giấc mà không thấy mẹ đâu thì òa khóc. “Nhiều lần, tôi buộc phải cho học sinh tiếp tục sửa bài, xin phép tắt mic, camera để bế bé nhỏ sang ngủ dưới bàn, nằm cạnh chân mẹ”, cô kể.
Do quá bận rộn với công việc nên cô An và hai con cũng thường “làm bạn” với mì tôm, xúc xích lắc, cá hộp. Cô An chia sẻ: “Buổi tối, tôi buộc phải cho con xem ti vi, điện thoại hoặc chơi đồ chơi để có thời gian nhận xét đánh giá học sinh, chuẩn bị giáo án”.
Cũng có những ngày cô An phải họp trực tuyến hoặc thực hiện báo cáo gấp thì con phải tự ăn nên sẽ ăn ít và bỏ bữa là điều không tránh khỏi.
Nữ giáo viên dạy lớp 2 chia sẻ: “Thực sự rất vất vả để làm tốt cả hai vai trò làm mẹ và cô giáo cùng một lúc nhưng tôi nghĩ rằng mình còn khỏe mạnh làm việc trong dịch Covid-19 đã là quá may mắn. So với các y bác sĩ tuyến đầu thì sự vất vả của mình đâu có là gì”.
Ngay sau cuộc phỏng vấn với phóng viên Báo Thanh Niên, cô Nguyễn Minh Thúy An sáng tác bài thơ thể hiện chuyện buồn vui của người phụ nữ vừa làm mẹ, vừa làm cô giáo:
Nào ai biết mẹ em là cô giáo
Giữa đêm khuya giáo án mẹ chong đèn
Đàn con nhỏ cũng phải nhiều phen
Ăn theo mẹ, ngủ cùng với mẹ
Ngồi bên mẹ thẹn thùng em hỏi khẽ
Mẹ thương con sao cứ mãi miệt mài?
Mẹ cười nói vì thế hệ tương lai
Bao bác sĩ còn miệt mài hơn mẹ
Ghé tai con mẹ thì thầm nói khẽ
Mẹ con mình cùng tô vẽ màu xanh…
Cô Nguyễn Minh Thúy An, giáo viên chủ nhiệm lớp 2 Trường tiểu học Nguyễn Văn Triết (TP.Thủ Đức, TP.HCM) chụp ảnh cùng hai con (trái) và học trò – NVCC
Với vai trò người mẹ, điều khiến các cô giáo tiểu học cũng như những bậc phụ huynh khác lo lắng nhất là sự phát triển tâm lý và thể chất của trẻ, nhất là nguy cơ mắc bệnh về mắt hoặc tật cận thị do thiếu sự vận động, lệ thuộc vào thiết bị điện tử quá nhiều khi học trực tuyến kéo dài.
“Tôi chỉ mong tình hình dịch bệnh ổn định để có thể sớm được trở lại trường lớp, nhìn bọn trẻ rộn rã nô đùa”, cô An chia sẻ.
Thêm nhiều địa phương chuyển hướng dạy học trực tuyến, học sinh chưa đến trường
Hiện 31 địa phương trên cả nước tiếp tục tổ chức dạy trực tuyến, chưa vội cho học sinh đến trường do dịch COVID-19 nguy cơ còn cao.
Tính đến ngày 8/10, 23 tỉnh, thành phố dạy học trực tiếp tại trường, 9 địa phương khác kết hợp trực tiếp với trực tuyến và qua truyền hình và 31 tỉnh dạy học trực tuyến do ảnh hưởng của COVID-19. Hầu hết địa phương học trực tuyến thuộc miền Trung và Nam Bộ.
Trước đó, theo thống kê đến ngày 30/9, có 29 địa phương sẵn sàng cho học sinh trở lại trường và 22 địa phương tiếp tục học trực tuyến.
Tình hình tổ chức dạy học ở các địa phương:
Trong công văn gửi các sở ngày 8/10, Bộ GD&ĐT nêu thực tế hiện nay, nhiều học sinh, trẻ em mầm non cùng gia đình từ các tỉnh, thành phố di chuyển về cư trú tại địa phương sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh sớm ổn định, tiếp tục học tập tại địa phương nơi cư trú, Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT tiếp tục thực hiện công văn ngày 17/8 của bộ về việc tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh học tập tại nơi cư trú.
Bộ cũng đề nghị sở chỉ đạo các nhà trường, nơi học sinh chuyển đến, tạo điều kiện thuận lợi tiếp nhận học sinh vào học tập, đồng thời phối hợp nhà trường nơi học sinh chuyển đi sớm hoàn thành thủ tục chuyển trường theo quy định.
Các Sở GD&ĐT chỉ đạo nhà trường chủ động bố trí xếp lớp cho học sinh học tập theo đúng đối tượng, tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh chuyển đến để kịp thời đáp ứng yêu cầu học tập theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các sở GD&ĐT báo cáo Bộ GD&ĐT để được hướng dẫn giải quyết.
Giáo viên bật khóc vì thương hoàn cảnh học sinh Sau cuộc gọi với phụ huynh, cô giáo bật khóc vì thương học sinh của mình phải mất mẹ từ quá nhỏ. Vì thế, dù đang ăn cơm, đang chợp mắt hay làm bất cứ việc gì, hễ có điện thoại của phụ huynh hay học sinh là giáo viên lại dừng mọi việc để hỗ trợ, trả lời thắc mắc... Một lớp...