‘Mạnh tay’ chi tiền tỷ thu hút giáo sư về dạy trường THPT chuyên của tỉnh
Bắc Ninh, Hòa Bình đề xuất, hỗ trợ chi cả tỷ đồng để mời giáo sư, phó giáo sư về công tác tại trường THPT chuyên của tỉnh.
Ảnh minh họa.
Năm 2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành Nghị quyết số 02 về việc “Quy định một số chế độ chính sách đối với trường THPT Chuyên Bắc Ninh, 8 trường THCS trọng điểm và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ quản lý, chuyên gia, giáo viên, học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh (đối với THCS) cấp quốc gia, khu vực, quốc tế”.
Theo đó, có rất nhiều chính sách nhằm thu hút giáo viên chất lượng, ưu đãi với giáo viên công tác ở trường. Đặc biệt, các thầy cô có học hàm giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) hoặc Tiến sỹ ở ngoài tỉnh Bắc Ninh được tiếp nhận giảng dạy tại trường THPT Chuyên Bắc Ninh và có cam kết lâu dài (ít nhất 10 năm) thì được hỗ trợ kinh phí nhà ở trị giá 1 tỷ đồng (tương đương giá trị 1 căn nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Bắc Ninh có diện tích khoảng 70 m2).
Tương tự, UBND tỉnh Hòa Bình vừa trình lên HĐND tỉnh dự thảo nghị quyết thu hút, khuyến khích giáo viên công tác tại trường THPT chuyên với nội dung hỗ trợ 1 tỷ đồng cho Giáo sư, Phó giáo sư và 300 triệu đồng cho tiến sĩ cam kết công tác trong 10 năm.
Chia sẻ với báo chí về vấn đề trên, PGS Phạm Huyền, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng GS, PGS là những người nghiên cứu chuyên sâu ở một lĩnh vực nào đó nên việc giảng dạy tại trường phổ thông là không phù hợp.
Theo PGS Phạm Huyền, nếu muốn thu hút đội ngũ GS, PGS, Hòa Bình có thể mời họ thỉnh giảng cho học sinh để nâng cao chất lượng đào tạo, thay vì tuyển GS, PGS về làm giáo viên. GS, PGS về làm giáo viên phổ thông có thể dẫn đến sự lãng phí nguồn lực chất xám. Đó là chưa kể GS, PGS ở ngạch giảng viên cao cấp/chuyên viên cao cấp nhưng giáo viên phổ thông thì không thể ở ngạch đó. Vậy mức lương, thu nhập của GS, PGS ở trường phổ thông sẽ thế nào?
Tương tự, Phó giáo sư Đặng Thị Oanh (nguyên trưởng khoa Hóa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, với chính sách thu hút giáo viên là PGS, GS có chế độ đãi ngộ cao nhưng vẫn sẽ có rất ít người về, bởi lẽ họ đều có công việc, cương vị tương đối ổn định trong các cơ sở giáo dục đại học. Trong khi đó, nếu về trường THPT chuyên, việc nghiên cứu cũng sẽ khó khăn.
Từ đây, PGS Đặng Thị Oanh nhận định, thạc sỹ, tiến sỹ về công tác tại trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ sẽ hợp lí hơn. “Theo tôi, tiến sĩ với thạc sỹ phù hợp với trường THPT chuyên, còn PGS và GS thì khó thu hút được đội ngũ này”, bà Oanh chia sẻ.
Video đang HOT
Đồng quan điểm của PGS Đặng Thị Oanh, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến- Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay, đối với trường chuyên thì không nhất thiết phải có GS, PGS, tiến sĩ mà chỉ cần thạc sĩ về công tác giảng dạy trường chuyên là phù hợp.
“Nếu tỉnh Hòa Bình thành lập viện nghiên cứu thì dùng chính sách thu hút PGS, GS về sẽ hợp lí. Tôi thấy nhiều giáo viên nổi tiếng ở trường chuyên đâu cần là tiến sĩ trở lên”, Tiến sĩ Khuyến cho hay.
Giáo sư về dạy trường chuyên giống như chuyện lấy 'dao mổ trâu để giết gà'
Chẳng lẽ, một tổ trưởng, tổ phó chuyên môn hay phó hiệu trưởng chuyên môn có bằng cử nhân mà lại đi chỉ đạo, kiểm tra chuyên môn giáo sư, phó giáo sư hay sao?
Câu chuyện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình có ý định mời những giáo sư và phó giáo sư về giảng dạy tại trường Trung học phổ thông chuyên của tỉnh đã trở thành đề tài bàn tán khá xôn xao trên nhiều diễn đàn trong những ngày vừa qua.
Nghe qua thì chúng ta thấy đây là một kế hoạch chiêu mộ người giỏi về công tác ở trường phổ thông nhằm đào tạo ra những nhân tài cho địa phương nhưng ngẫm kĩ lại nó có nhiều vấn đề không thực sự cần thiết bởi cho dù có mời được giáo sư, phó giáo sư về giảng dạy cũng chưa chắc phát huy được hiệu quả.
Giáo sư, phó giáo sư về dạy phổ thông không khả thi (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Hơn nữa, những giáo sư, phó giáo sư về công tác ở một trường chuyên làm gì khi mà những người có học hàm như vậy họ sẽ ở lại các trường đại học, học viện sẽ phát huy được thế mạnh và tiện lợi trong việc nghiên cứu chuyên sâu của mình.
Về trường phổ thông là dạy kiến thức phổ thông thì chắc gì những người có học hàm cao dạy hơn giáo viên phổ thông đơn thuần nên việc giáo sư, phó giáo sư về trường phổ thông có khi lại mất đi những uy tín của chính mình.
Mỗi cấp học đều có những đặc trưng riêng
Phần nhiều, những giảng viên đại học có học hàm, học vị cao thì thường giảng dạy và nghiên cứu một phân ngành hẹp trong một môn học. Chẳng hạn, môn Ngữ văn ở các trường đại học được chia nhỏ cho rất nhiều giảng viên cùng đảm trách.
Chỉ riêng phần văn học Việt Nam cũng cũng được chia nhỏ thành nhiều giai đoạn và nhiều người cùng giảng dạy. Rồi, văn học nước ngoài từng nước cũng được phân công cho mỗi giảng viên giảng dạy mỗi nước khác nhau.
Chính vì thế, gần như những giảng viên đại học có kiến thức rất sâu về một chuyên ngành hẹp chứ không đa năng như giáo viên phổ thông phải đảm nhận tất cả các phân môn, các giai đoạn văn học khác nhau.
Chính vì vậy, những giáo sư, phó giáo sư ngành Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội thực sự giỏi thì họ không bao giờ về giảng dạy ở các trường phổ thông - cho dù đó là các trường chuyên của tỉnh vì giáo dục phổ thông chỉ đơn thuần là giảng dạy cho học trò chứ không đề cao việc nghiên cứu khoa học.
Hơn nữa, khi những giảng viên đã được phong hàm phó giáo sư, đặc biệt là giáo sư thì phần lớn tuổi tác họ cũng đã nhiều nên vị trí mà họ đang nắm giữ, điều kiện làm việc của những người này thường đã rất vững vàng thì họ về trường phổ thông làm gì.
Đối với những giáo sư, phó giáo sư không có tiếng tăm thì về trường phổ thông chắc gì đã dạy hơn giáo viên phổ thông có bằng cử nhân, thạc sĩ.
Bởi vì sau khi tốt nghiệp đại học, những giáo sinh này sẽ dạy phổ thông luôn nên họ am hiểu về phương pháp, kiến thức, cũng như tâm lý học trò phổ thông và chắc chắn hiệu quả giảng dạy sẽ khả quan hơn.
Đặc biệt, ở chương trình phổ thông, giáo viên truyền thụ, bồi dưỡng kiến thức phổ thông cho học trò, ít đào tạo chuyên sâu - cho dù là trường chuyên vì chương trình, sách giáo khoa hiện hành trường chuyên cũng giống như học sinh phổ thông không chuyên khác.
Trong khi đó, những giáo sư, phó giáo sư đang công tác ở các trường đại học, học viện thì quen với đào tạo chuyên sâu cho sinh viên nên đặc trưng của các bậc học này hoàn toàn khác nhau.
Nếu mời giáo sư, phó giáo sư về nói chuyện chuyên đề hay giảng dạy một chuyên đề nào đó thì phù hợp, chứ mời về công tác lâu năm thì có lẽ không phù hợp và gây ra sự khó khăn cho cả người đến công tác và người sử dụng nhân lực có học hàm cao trong trường phổ thông.
Chẳng lẽ, một tổ trưởng, tổ phó chuyên môn hay phó hiệu trưởng chuyên môn có bằng cử nhân mà lại đi chỉ đạo, kiểm tra chuyên môn giáo sư, phó giáo sư hay sao? Trong giảng dạy ở các nhà trường rất ít khi có một quy trình ngược như vậy.
Vì thế, số tiền để "chiêu hiền", trả lương cho các giáo sư, phó giáo sư về trường chuyên thì các địa phương nên để đào tạo, bồi dưỡng những giáo viên phổ thông hiện có sẽ hiệu quả và thiết thực hơn nhiều.
Chuyện giáo sư, phó giáo sư dạy ở trường chuyên có lẽ hiện nay mới dừng lại ở những trường trung học phổ thông chuyên trực thuộc khối trường đại học, còn những trường chuyên trực thuộc quản lý của các sở giáo dục thì không dễ dàng để thực hiện.
Học trò trường chuyên cũng không cần đến giáo sư, phó giáo sư giảng dạy
Thông thường, những học sinh cấp trung học cơ sở khi thi tuyển vào trường chuyên thường qua rất nhiều khâu sàng lọc. Trường trung học phổ thông chuyên nào cũng yêu cầu phải qua sơ tuyển học bạ rồi mới đến bước đăng ký dự thi.
Những học sinh thi vào trường trung học phổ thông thường là những học sinh rất giỏi. Phải giỏi mới đủ điểm để vào trường chuyên vì môn chuyên bao giờ cũng được quy định rất cụ thể ở một ngưỡng điểm nhất định.
Chính vì thế, những em đỗ vào lớp 10 chuyên thường là những em có tố chất thông minh, có động lực tự học rất cao. Vì thế, giáo viên chỉ là những người định hướng, phác thảo vấn đề và định hướng học tập cho học trò.
Vì vậy, chỉ cần những giáo viên phổ thông có trình độ đại học hoặc thạc sĩ có kinh nghiệm giảng dạy, có tâm huyết với nghề và biết khơi gợi sự sáng tạo của học trò là các em sẽ phát huy được tố chất của mình để khẳng định bản thân.
Giáo sư, phó giáo sư về giảng dạy ở trường chuyên không chỉ làm thui chột kiến thức của họ mà cái chính là khó có thể đáp ứng được yêu cầu giảng dạy đa năng của một giáo viên phổ thông.
Hơn nữa, mục tiêu "chiêu hiền, đãi sĩ" của Hòa Bình hay một số địa phương khác muốn người có học hàm cao về giảng tại các trường chuyên là rất khó đạt được mà thực sự thì việc này cũng không thực sự cần thiết.
Chuyện mời giáo sư, phó giáo sư về dạy trường chuyên giống như chuyện lấy "dao mổ trâu để giết gà" vậy. Đâu phải cứ là người có học hàm cao về dạy phổ thông là đào tạo ra nhân tài cho địa phương, là nâng được uy tín, chất lượng cho trường phổ thông.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
TS Trần Nam Dũng: Tôi không ủng hộ việc mở trường chuyên chạy theo số lượng Dù nhà nước hay tư nhân đầu tư vào trường chuyên thì cũng nên hướng đến mục tiêu chung là định hướng và phát triển toàn diện cho học sinh. Hầu hết các địa phương hiện nay đều có chính sách đặc thù cho trường chuyên. Nhiều trường chuyên được các địa phương coi là "con cưng", "trọng điểm" và được đầu tư...