Malaysia phong tỏa – hỗn loạn, lo âu hay là lúc thử hẹn hò trực tuyến?
Malaysia ra lệnh phong tỏa toàn quốc, sẵn sàng phạt tù bất kỳ ai vi phạm các quy định cấm ra khỏi nhà để ngăn chặn dịch virus corona lan rộng. Dù vậy, người dân vẫn lạc quan.
Người Malaysia đón ngày mới 18/3 với bầu không khí lo âu và mơ hồ về tương lai khi cả nước bước vào ngày đầu tiên của lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài hai tuần. Những nhà ga và tuyến đường thường xuyên đông đúc bỗng thưa người qua lại. Chỉ những ai có các công việc thiết yếu, như dịch vụ y tế và liên quan đến chính phủ, được phép ra đường đi làm.
Nhà hàng chỉ được bán thức ăn giao tận nhà. Kinh doanh nhỏ giọt. Siêu thị được mở cửa trong suốt 2 tuần tới nhưng vẫn yên ắng trong ngày đầu tiên vì những đợt mua hàng tích trữ trong hoảng loạn trước đó đã gom sạch đồ.
Người dân phải ở nhà cho đến cuối tháng 3. Họ chỉ ra đường vì những nhu cầu thiết yếu như mua nhu yếu phẩm, chăm sóc y tế và công vụ. Bất kỳ ai vi phạm có thể đối diện án phạt 6 tháng tù giam, xử phạt hành chính hoặc cả hai mức phạt cùng lúc.
Một buổi càu nguyện tại thánh đường Hồi giáo Sri Petaling, tâm điểm của chuỗi lây nhiễm đang bùng phát ở Malaysia. Ảnh: Reuters.
Cố gắng lạc quan những ngày phong tỏa
Nhiều người đã bối rối trước những thông điệp mâu thuẫn từ cơ quan chức năng trong vài ngày qua về biện pháp phong tỏa. Người lao động trong một số ngành nghề chịu tác động lớn nhất của dịch bệnh, điển hình là du lịch, vẫn không biết tương lai sẽ về đâu.
“Đến nay, chúng tôi chưa nghe bất kỳ thông báo nào về hỗ trợ từ chính phủ cho doanh nghiệp nhỏ và các nhà khởi nghiệp. Tôi sẽ dành phần lớn thời gian để suy nghĩ kế hoạch ứng phó, chuẩn bị cho các kịch bản khác nhau”, Danny Mahes, một người điều hành du lịch ở bang Penang, chia sẻ.
“Tôi cố gắng lạc quan bằng cách dành thời gian bên gia đình và liên lạc với người thân qua công cụ trực tuyến. Tôi cũng học thêm được nhiều kỹ năng mới. Dù vậy, những lo âu và cảm giác mơ hồ luôn hiện hữu”, anh chia sẻ.
Dù chính phủ hạn chế người dân đi lại trừ những trường hợp thật sự cần thiết, nhiều người Malaysia vẫn giữ tinh thần lạc quan.
“Thật ra thì lệnh phong tỏa được đưa ra thật đúng lúc. Tôi vừa có thông báo chấm dứt hợp đồng từ chỗ làm cũ vào tuần trước. Phong tỏa cho tôi thời gian để chuẩn bị đơn xin việc và học thêm vài kỹ năng mới. Hy vọng lệnh phong tỏa sẽ giải quyết tình hình trong hai tuần nữa, nếu không thì tìm việc sẽ khá khó đấy”, Daniel Subramaniam chia sẻ.
Lancelot Theseira, một người làm việc tự do (freelance), lại chọn cách giết thời giờ bằng những ứng dụng hẹn hò trực tuyến.
“Nhưng dĩ nhiên là thời điểm này tôi sẽ không trực tiếp gặp ai dù liên kết trên ứng dụng. Chỉ là, thật dễ chịu khi có thể trò chuyện với người khác và làm quen thêm người mới khi bạn phải chôn chân ở nhà”, anh chia sẻ.
Melissa Louis, một giáo viên ở Malaysia, nói cô sẽ dành thời gian để cập nhật thêm kiến thức cho công việc của mình.
“Như thể có ai đó vừa bấm nút tái khởi động nguồn và cho tôi được thở một tí. Nhưng tôi cũng cảm thấy bất lực khi không thể giúp đỡ các bậc phụ huynh, những người vẫn phải làm việc nhưng không có nơi nào để gửi con”, cô cho biết.
Nhân viên an ninh tuần tra trong một trung tâm mua sắm ở Malaysia sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực từ ngày 18/3. Ảnh: Reuters.
Hỗn loạn trước “giờ G”
Các tuyến đường và địa điểm công cộng ở thủ đô Kuala Lumpur ngày 18/3 trở nên vắng vẻ. Mật độ giao thông chỉ vào khoảng 10% ngày bình thường, theo các ước tính của cảnh sát thành phố.
Cảnh tượng trái ngược với đêm trước, khi người sinh sống và làm việc tại thủ đô Malaysia hối hả tìm trở về quê nhà hoặc sang Singapore cho kịp lệnh phong tỏa toàn quốc. Các đồn cảnh sát đêm 17/3 chật kín người chờ xin giấy phép đi lại. Không chỉ người lao động, sinh viên ở Kuala Lumpur cũng chật vật tìm đường rời thủ đô sau khi Thủ tướng Muhyiddin Yassin thông báo ký túc xá đại học phải tạm đóng cửa.
Cơ quan cảnh sát quốc gia trước đó thông báo di chuyển giữa các bang sẽ bị cấm, trừ một số trường hợp ngoại lệ. Một tiếng trước khi lệnh cấm có hiệu lực, đại diện cảnh sát Malaysia báo tin đã thu hồi quyết định và chờ cuộc họp chính thức vào ngày 18/3. Trong khi đó, một số hãng tin lại tiết lộ lệnh vẫn có hiệu lực, gây nên tâm lý hoang mang trong xã hội.
Sự mơ hồ tăng cao khi Hội đồng An ninh Quốc gia Malaysia cùng ngày bất ngờ thông báo người dân di chuyển giữa các quận trong cùng địa phương cũng cần xin phép cảnh sát. Điều này khiến người dân sống trong khu vực Kuala Lumpur và bang Selangor, bao quanh thủ đô, thêm hoang mang về tương lai.
Các trạm xe buýt đông nghịt với hàng nghìn người chen chúc mua vé về quê. Cùng với đó, khoảng 10.000 người Malaysia có công việc ở Malaysia phải chạy đua với thời gian để sang đảo quốc láng giềng trước khi biên giới đóng cửa vào nửa đêm.
Trên mạng xã hội, một số ý kiến chỉ trích chính phủ Thủ tướng Muhyiddin Yassin đã tạo ra tình cảnh tập trung đông người, kéo theo đó là nguy cơ lây nhiễm virus corona.
Một số bình luận bày tỏ lo sợ cuộc tháo chạy hoảng loạn khỏi Kuala Lumpur và Selangor sẽ khiến dịch bệnh lan rộng đến những vùng nông thôn, nơi người dân khó tiếp cận hệ thống y tế hơn ở thành thị.
Người dân xếp hàng chờ qua cầu vượt biển Causeway từ Johor đến Singapore trước khi biên giới đóng cửa. Ảnh: Reuters.
Trong đêm 18/3, Air Selangor, cơ quan cung cấp nước địa phương, bất ngờ thông báo một số khu vực tại thủ đô và cả bang sẽ đối diện tình trạng cúp nước ngoài dự kiến vì nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Người dân lập tức kéo đến siêu thị mua xô, chậu tích trữ. Đến khuya cùng ngày, chính quyền bang mới thông báo sự cố đã được khắc phục.
Biện pháp phong tỏa toàn quốc, được chính quyền Malaysia gọi tên là “Lệnh Hạn chế Di chuyển”, cũng vấp phải một số chỉ trích từ giới chuyên gia xem đây là phản ứng thái quá.
Một số khác lại tranh cãi chiến lược về bản chất vẫn hợp lý, nhưng cách thực thi và đưa ra quyết sách của chính phủ lại khó lường và khiến họ phải hối hả trấn an dư luận.
Việc đại diện của 5 bang có lãnh đạo thuộc phe đối lập không được tham dự buổi báo cáo về dịch virus corona của chính quyền liên bang cũng khiến nhiều người bức xúc.
Một số ý kiến trên mạng xã hội chỉ trích chính phủ đặt tính mạng của người dân tại các bang này vào tình thế hiểm nghèo. Mukhriz Mahathir, một chính trị gia đảng đối lập, phẫn nộ nhận định người dân ở các bang Kedah, Selangor, Negeri Sembilan, Penang và Sabah dường như “không đủ điều kiện nhận sự bảo vệ trước dịch bệnh chỉ vì yếu tố chính trị”.
Tính đến chiều 19/3, tổng số ca bệnh Covid-19, căn bệnh gây nên bởi chủng virus corona mới (SARS-CoV-2), tại Malaysia đã lên đến 900 trường hợp. Phần lớn có liên quan đến lễ cầu nguyện Hồi giáo ở thánh đường Sri Petaling, ngay thủ đô Kuala Lumpur. Giới chức y tế nước này cũng ghi nhận 2 ca tử vong dương tính với virus và 20 trường hợp khác đang phải hồi sức tích cực.
Theo news.zing.vn
Covid-19: Số người chết ở Pháp tăng kỷ lục, Đức có gần 12.000 ca nhiễm
Trong vòng 24 giờ, nước Pháp có thêm 264 ca thiệt mạng, trong khi đó số ca nhiễm tại Đức là gần 12.000 trường hợp.
Số người chết ở Pháp tăng kỷ lục
Theo cơ quan y tế Pháp, tổng số người chết do Covid-19 tại nước này hôm 18/3 tăng thêm 51%, lên 264 trường hợp. Đây là mức tăng đáng lo ngại khi Pháp đang bước vào ngày thứ 2 của đợt phong tỏa.
Trong khi đó, sau 24 giờ, số ca mắc bệnh từ 7.730 (ngày 17/3) tăng lên 9.134 (ngày 18/3), trong đó có 931 ca nhiễm nặng.
Cảnh sát Pháp hôm 18/3 phạt 4.000 trường hợp vi phạm lệnh phong tỏa. (Ảnh: AP)
Khoảng 100.000 cảnh sát và hiến binh Pháp được triển khai trên toàn quốc để thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà với những lý do bắt buộc như đi làm, mua nhu yếu phẩm hoặc điều trị y tế.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner, ngày 18/3, cảnh sát Pháp phạt 4.000 trường hợp vi phạm lệnh phong tỏa. Hiện mức phạt tăng từ 35 - 135 Euro và có thể tăng lên đến 375 Euro trong thời gian tới.
"Mục đích của chúng ta là bảo vệ người Pháp. Cách tốt nhất để bảo vệ mọi người là hãy ở nhà", ông Castaner nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly cho biết, quân đội Pháp sẽ trao 5 triệu khẩu trang phẫu thuật cho Bộ y tế, nhằm giải quyết phần nào tình trạng thiếu khẩu trang ở các bệnh viện.
Hôm 17/3, Bộ trưởng Tài chính Pháp thông báo gói hỗ trợ trị giá 45 tỷ Euro cho các doanh nghiệp và người lao động trong dịch bệnh.
Đức có gần 12.000 ca nhiễm
Tại Đức, số người mắc bệnh tăng nhanh chóng sau 24 giờ qua. Tính đến tối 18/3, Đức có 28 người chết và hơn 11.979 người nhiễm bệnh.
Trong đó, hơn 4.200 ca nằm ở vùng North Rhine-Westphalia, bang đông dân nhất của nước Đức.
Giường chăm sóc đặc biệt trong một bệnh viện ở Mecklenburg-Tây Pomerania, Đức. (Ảnh: DPA)
Hôm 17/3, Viện Robert Koch, cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Đức cho biết, nguy cơ lây nhiễm virus ở nước này từ mức "trung bình" lên mức "cao", một số khu vực là "rất cao".
Các chuyên gia cho rằng, con số thực tế những người mắc bệnh nhưng không làm xét nghiệm hoặc không biết là mình mắc bệnh có thể cao hơn nhiều con số chính thức. Họ ước tính khoảng 100.000 người Đức đã nhiễm virus và con số này có thể tăng lên 10 triệu người trong 3 tháng tới.
Giống như nhiều nước châu Âu, Đức áp dụng các biện pháp chống dịch trên quy mô lớn, như đóng cửa các trường học, cửa hàng, quán bar, trung tâm mua sắm, các địa điểm công cộng và giải trí khác. Người dân được khuyến cáo ở nhà và hủy bỏ các cuộc tụ tập cũng như kỳ nghỉ.
Video: Pháp những ngày phong tỏa vì Covid-19
Bộ Y tế nước này cũng khuyến cáo các công dân vừa trở về từ Italy, Thụy Sỹ và Áo tự cách ly trong 14 ngày, dù có triệu chứng bệnh hay không.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cảnh báo, hệ thống y tế có thể bị đẩy đến giới hạn do dịch bệnh, giống như những gì đang xảy ra ở Italy.
Đức hiện có khoảng 25.000 giường chăm sóc đặc biệt có khả năng hỗ trợ hô hấp. Chính phủ đang đặt mua hàng trăm nghìn máy hô hấp mới để bổ sung, với mục tiêu là tăng gấp đôi số giường bệnh.
Trong trường hợp khẩn cấp, một số bang ở Đức sẽ chuyển các khách sạn, sảnh hội trường lớn thành khu điều trị Covid-19.
Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây đã gọi đại dịch Covid-19 là " thách thức lớn nhất với nước này kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2".
PHƯƠNG ANH (Nguồn: The Local, France 24)
Theo vtc.vn
Trung Quốc trừng phạt quan chức tự ý thông báo nới lỏng lệnh phong tỏa Vũ Hán Ngày 24.2, Vũ Hán đã thông báo việc nới lỏng lệnh phong tỏa, cho phép những người không phải cư dân thành phố, không có triệu chứng và không tiếp xúc gần với người bệnh, đều có thể rời Vũ Hán ngay lập tức. Tuy nhiên, chỉ 3 giờ sau khi ban hành, thông báo này đã bị rút lại khẩn cấp. Vũ...