Mắc bệnh hiểm nghèo, thầy giáo vùng biên Hà Tĩnh vẫn miệt mài gieo chữ
Nỗ lực chiến thắng bệnh hiểm nghèo, thầy Hà Trung Hiếu (SN 1977) – giáo viên môn Địa lý, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên ( TTGDNN-GDTX), huyện Hương Sơn vẫn miệt mài gieo chữ ở miền biên giới Hà Tĩnh, thắp lửa cho ước mơ của bao học trò rộng cánh bay xa.
Trong ngành GD&ĐT Hương Sơn, hầu như không mấy ai không biết về thầy giáo Hà Trung Hiếu – người được Bộ GD&ĐT xét tặng danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu năm 2022. Điều khiến đồng nghiệp ngưỡng mộ hơn ở thầy chính là nghị lực vươn lên không ngừng, bởi suốt 5 năm qua, thầy mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác.
23 năm dạy học là bấy nhiêu năm thầy Hiếu nỗ lực vượt lên khó khăn.
Nhớ về quãng thời gian “chiến đấu” với bệnh tật, thầy Hiếu tâm sự: “Vào giữa năm 2017, tôi nhận được thông báo mắc bệnh ung thư đại tràng. Với nhiều người, khi nhắc đến bệnh ung thư thì chẳng khác nào là “án tử”, không ít người có tâm lý buông xuôi. Nhưng khi nghe tình trạng bệnh từ bác sỹ, tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất là không được bỏ cuộc, không được đầu hàng. Với tôi, căn bệnh đó như một “nốt lặng” trong cuộc đời. Có buồn nhưng tôi quyết không bỏ cuộc.
Trong câu chuyện kể về cuộc đời mình, thầy Hà Trung Hiếu chia sẻ với chúng tôi nhiều về hai chữ “học trò”, bởi với thầy, các em học sinh chính là niềm tự hào, là động lực lớn giúp thầy vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, nhất là sau ngày thầy biết mình mắc bệnh nan y.
Thời điểm kết thúc năm học 2016 – 2017 cũng là lúc thầy Hiếu ra Hà Nội, tiến hành phẫu thuật và xạ trị tại Bệnh viện K – cơ sở Tân Triều.
“Thời gian điều trị cũng là thời điểm học sinh nghỉ hè nên tôi yên tâm hơn để chữa bệnh. Kết thúc 3 tháng nghỉ hè, mặc dù được lãnh đạo trung tâm cùng các đồng nghiệp tạo điều kiện để phục hồi hẳn sức khỏe rồi quay trở lại trường nhưng tôi rất nhớ nghề, nhớ các em học sinh. Thế nên, khi năm học mới bắt đầu được 1 tháng, nhận được sự đồng ý của bác sỹ, tôi đã trở lại giảng dạy. Thời gian đó, tôi vẫn phải ra Hà Nội xạ trị 1 tháng 2 lần” – thầy Hiếu kể.
Thầy Hiếu vừa là người thầy dạy kiến thức, vừa là người dạy kỹ năng sống cho học sinh.
Đến nay, sau 5 năm mắc bệnh, trải qua 12 đợt xạ trị cùng chế độ ăn uống khoa học, kết hợp tập luyện thể dục, thể thao, tình hình sức khỏe của thầy Hiếu đã ổn định.
Nói về động lực để bản thân vượt qua bạo bệnh, thầy Hiếu chia sẻ: “Tôi tâm niệm phải lắng nghe bệnh của mình và tinh thần luôn lạc quan để chiến thắng bệnh tật. Nhưng hơn hết, chính gia đình đã truyền động lực để tôi quên đi những đau đớn của bệnh tật. Và, các em học sinh là những “liều thuốc quý” giúp tôi có thêm ý chí, sức mạnh vượt qua khó khăn. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể từ bỏ công việc giảng dạy. Khi chân còn đi được, mắt còn thấy, tay vẫn cầm được phấn để viết thì khi ấy tôi còn muốn được đứng trên bục giảng”.
Video đang HOT
Được biết, thầy Hiếu đã có 23 năm gắn với với nghề bảng đen phấn trắng.
Năm 1999, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Địa lý – Trường Đại học Sư phạm Huế (Thừa Thiên Huế), thầy được phân công về dạy tại Trường THPT Đức Thọ. Đến năm 2006, thầy chuyển về công tác tại TTGDNN-GDTX huyện Hương Sơn và tiếp tục sự nghiệp “trồng người” cho đến nay.
Thầy Hiếu cho biết: “Ban đầu khi được phân công về giảng dạy tại TTGDNN-GDTX, tôi có chút hồi hộp, lo lắng bởi xuất phát điểm của các em tại đây thấp hơn các bạn THPT, làm sao để cải thiện thành tích của học trò, định hướng được nghề nghiệp cho các em khiến tôi trăn trở”.
Để giải quyết bài toán khó cũng như hiểu hơn học sinh của mình, thầy Hiếu đã đi sâu, đi sát vào tâm tư, thấu hiểu hơn về hoàn cảnh của các em. Từ đó, thầy vừa là người dạy kiến thức, vừa là người dạy kỹ năng sống, “chữa lành vết thương” về tâm lý cho những em học sinh kém may mắn, đồng thời động viên, khích lệ học trò cố gắng hơn trong học tập.
Từng bài học được thầy Hiếu chỉ dạy cặn kẽ, giúp học sinh ngày một tiến bộ.
Nhằm nâng cao kiến thức cho học sinh, thầy Hiếu đã tham gia nhiều lớp học về đổi mới phương pháp và kĩ thuật dạy học hiện đại, phát triển chất lượng chuyên môn, tạo hứng thú, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của các em.
Chính sự tận tâm, tình thương yêu của thầy đã giúp học sinh ngày càng tiến bộ, các em có hoàn cảnh khó khăn luôn cố gắng trong học tập. Nhờ sự dạy dỗ tận tình của thầy Hiếu, nhiều thế hệ học sinh tại TTGDNN-GDTX luôn cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức, nhân cách tốt, kết quả học tập tiến bộ, được nhà trường ghi nhận, phụ huynh yên tâm, tin tưởng.
Các em học sinh chính là niềm tự hào, là động lực giúp thầy Hiếu vượt lên bệnh tật, tiếp tục sự nghiệp trồng người.
Em Hồ Thị Ngọc Loan (SN 2004, cựu học sinh lớp 12C, TTGDNN-GDTX huyện Hương Sơn) tâm sự: “Trong suốt 3 năm học, chúng em không những được thầy truyền dạy kiến thức mà còn được dạy kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp. Thầy Hiếu luôn thấu hiểu và lắng nghe học sinh, từ đó, đưa ra những lời khuyên bổ ích cho cả lớp. Nhờ vậy, nhiều bạn đã có được những công việc tốt, góp sức mình cho sự phát triển của xã hội. Khi nghe tin thầy lâm bệnh nặng, chúng em rất lo lắng. Song, chứng kiến quá trình thầy nỗ lực không ngừng nghỉ, chúng em lại có thêm bài học mới về tinh thần vươn lên trong cuộc sống”.
Thầy Hiếu thường xuyên tham gia nhiều hoạt động đoàn thể với học sinh.
Với những nỗ lực truyền cảm hứng trong công tác giảng dạy, thầy Hiếu và các thế hệ học trò đã đạt nhiều thành tích tốt, chất lượng dạy và học môn Địa lý được nâng lên rõ rệt theo từng năm. Đặc biệt, năm học 2021 – 2022, điểm thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý do thầy Hiếu giảng dạy đạt kết quả điểm trung bình cao nhất tỉnh trong hệ GDTX cấp THPT (điểm trung bình 7.3 điểm).
Thầy Hiếu cũng đạt nhiều bằng khen, giấy khen của ngành giáo dục cấp huyện, cấp tỉnh. Vinh dự hơn, trước thềm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) năm nay, thầy Hiếu được Bộ GD&ĐT xét tặng danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu năm 2022.
Giám đốc TTGDNN-GDTX huyện Hương Sơn Nguyễn Thế Toàn cho biết: “Thầy Hiếu là tấm gương yêu nghề, yêu trò. Mặc dù lâm trọng bệnh nhưng thầy vẫn không ngừng nỗ lực vươn lên, vượt qua những khó khăn để tiếp tục “cháy” với ngọn lửa yêu nghề. Những tiết dạy của thầy Hiếu giờ đây không chỉ mang đến cho học trò kiến thức mà còn lan tỏa năng lượng tích cực về tình yêu thiết tha với cuộc sống, về tinh thần mạnh mẽ, chiến đấu không ngừng với những “khúc quanh” của số phận”.
Thầy giáo trẻ và quả ngọt từ bồi dưỡng học sinh giỏi
Trong cuộc đời dạy học, đào tạo được nhiều học sinh giỏi, đạt thành tích quốc gia, quốc tế là một trong những niềm hạnh phúc của người thầy.
Với môi trường không chuyên chọn, nỗ lực của thầy trò để chinh phục các giải thưởng, thứ hạng cao lại càng có ý nghĩa nhiều hơn.
Thầy Nghiêm Xuân Lực, giáo viên trường THPT Thăng Long đã nhiều lần mang về cho học sinh và nhà trường niềm hạnh phúc lớn khi lần đầu tiên THPT Thăng Long có học sinh dự thi và đoạt giải cao tại Kỳ thi Học sinh giỏi cấp quốc gia môn Toán.
Thầy Nghiêm Xuân Lực.
Nỗ lực của thầy, quyết tâm của trò
Năm học 2017- 2018, Ban Giám hiệu trường THPT Thăng Long đã phân công thầy dạy bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi Toán lớp 10 của trường để đi thi cấp cụm. Năm đó, 15 học sinh THPT Thăng Long tham gia kỳ thi này đều đạt giải Nhất, Nhì của cụm. Những thành quả ngọt ngào đầu tiên đó đã tiếp thêm động lực cho thầy giáo trẻ; thúc gịuc thầy không ngừng đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và tìm tòi phương pháp dạy mới, sưu tầm kho dữ liệu đề thi, chương trình để nghiên cứu và truyền dạy hiệu quả cho học sinh.
Năm học 2018 - 2019, thầy Lực tiếp tục được phân công trực tiếp bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi lớp 11 cấp cụm. Kết quả rất đỗi tự hào khi có 15 học sinh tham gia đều đạt giải cao, trong đó có 4 em đạt giải Nhất, 6 em đạt giải Nhì và 3 em đạt giải Ba môn Toán.
Với thành tích giòn giã của đội tuyển trong 2 năm liên tiếp, năm học 2019 - 2020, trường THPT Thăng Long đã tín nhiệm phân công thầy trực tiếp bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi lớp 12 thi cấp TP. Đội tuyển có 3 học sinh nhưng thầy Lực nhận thấy một đặc điểm, đó là học sinh lớp 12 thường có tâm lý ngại đi thi học sinh giỏi do trước mắt các em là nhiệm vụ học tập chính khóa rất nặng nề; cùng với đó, các em đang đứng trước nhiều kỳ thi có tính chất quan trọng và cần thời gian để học tập có hệ thống.
Từ thực tế đó, thầy Lực đã mạnh dạn đề xuất với tổ chuyên môn và nhà trường thay vì chỉ cử học sinh lớp 12 ôn luyện và đi thi thì nhà trường có thể tìm kiếm, tạo điều kiện, trao cơ hội cho học sinh lớp 11 có năng lực và say mê tham gia kỳ thi. Việc chọn lựa đó còn tạo tiền đề và xây dựng đội ngũ kế cận cho năm học tiếp theo.
Trái ngọt từ việc khơi dậy niềm tin
Ý tưởng thầy Lực đưa ra đã thuyết phục tổ chuyên môn và làm thay đổi chiến lược lâu dài trong việc bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của trường. Năm đầu tiên theo định hướng của thầy Lực, đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi của thầy có 3 học sinh thì 2 học sinh lớp 12 đạt giải cao cấp TP còn em học sinh lớp 11 không đạt giải. Thấy học trò buồn, thầy Lực đã động viên em hãy coi đó là động lực để cố gắng và bản thân thầy luôn giữ niềm tin vào năng lực của cậu học trò.
Càng tin, càng quyết tâm, hai thầy trò đã biến thành hành động khi ngay sau đó, cả thầy và trò đã lên kế hoạch để chinh phục các kỳ thi tiếp theo. Lần này, không chờ đợi, thầy Lực trực tiếp đề xuất với Tổ trưởng tổ Toán tiếp tục cho thầy dạy đội tuyển học sinh giỏi lớp 12. Thầy lên kế hoạch rõ ràng cho chặng đường ôn tập. Hàng ngày, hàng tuần, thầy và trò đã cùng nhau ôn luyện từng bài toán, từng dạng đề để trau dồi kiến thức.
Chính nhờ sự cặm cụi, kiên trì không ngừng nghỉ suốt một năm học đầy khó khăn bởi dịch Covid-19, học trò của thầy Lực là em Lê Đức Huy đã vươn lên với giải Nhất cấp TP môn Toán. Đây là kết quả chưa từng có đối với học sinh trong nhà trường và trong nhiều trường THPT trên TP.
Tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2020 - 2021, học sinh Lê Đức Huy đã không phụ sự mong mỏi và niềm tin của thầy, gia đình và nhà trường khi em đã xuất sắc vượt qua vòng 2 kỳ thi chọn đội tuyển Quốc gia của TP Hà Nội có tên trong danh sách đội tuyển Toán thi chọn học sinh giỏi cấp Quốc gia và sau đó xuất sắc đoạt giải Ba cấp quốc gia môn Toán.
"Đây là thành tích rất hiếm có với một học sinh trường THPT, đặc biệt là các trường không thuộc hệ chuyên, chọn. Chính niềm tin, sự nỗ lực không ngừng đối với học trò mà tôi đã được em tặng lại món quà rất ý nghĩa..." - thầy Nghiêm Xuân Lực cho hay.
Không chỉ biết đến bởi thành tích bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi TP và học sinh giỏi quốc gia, thầy Nghiêm Xuân Lực còn là một giáo viên chủ nhiệm luôn biết lắng nghe, gần gũi, hòa đồng, thân thiết như những người bạn của học sinh.
Không những vậy, thầy còn gắn kết rất tốt với cha mẹ học sinh (CMHS), động viên được CHMS đồng hành quyết tâm trên chặng đường học tập của con em họ.
Nhờ có được lòng tin yêu của học sinh và phụ huynh nên năm 2021, thầy Lực đã trở thành nhân vật truyền cảm hứng trong tác phẩm dự thi đoạt giải tại cuộc thi viết "Thầy cô trong mắt em" do Bộ GD&ĐT kết hợp Công đoàn ngành Giáo dục tổ chức. Với những thành tích đã đạt được, đặc biệt trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, thầy Nghiêm Xuân Lực đã được tặng nhiều phần thưởng cao qúy, trong đó có nhiều Giấy khen, Bằng khen vì có học sinh đạt kết quả cao trong các kỳ thi cấp TP và quốc gia.
HT Trường Đại học Hồng Đức: Đào tạo thầy thuốc, thầy giáo có đặc thù riêng Các ngành sức khỏe, giáo viên cần những người thầy mẫu mực để làm gương; cơ sở vật chất và trang thiết bị để thực hành; các tình huống thực tế để trải nghiệm. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư ban hành quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học. Theo dự...