“Mắc bẫy” khi mua đồ trả góp
Mua hàng trả góp dễ dàng, vợ chồng anh Mạnh Quân liên tục thay tivi, điện thoại, xe máy… Họ không có tích lũy sau hơn chục năm đi làm. Dưới đây là chia sẻ của anh Quân, 37 tuổi, hiện sống tại TP HCM.
Vợ chồng tôi thu nhập khoảng 25-30 triệu/tháng. Chúng tôi có một dãy 10 phòng trọ, được bố mẹ cho để làm ăn từ khi tôi cưới vợ, mỗi tháng thu được 15 triệu. Hai vợ chồng mở một cửa hàng tạp hóa ngay tại nhà, thu lời tầm 10-15 triệu nữa. Trước đây, chúng tôi cùng làm công nhân trong một công ty của Đài Loan. Sau khi sinh liền tù tì hai đứa con, vợ tôi quyết định nghỉ việc ở nhà để trông con. Tôi làm công nhân thêm khoảng 5 năm nữa cũng nghỉ vì chán cảnh chuyển công ty, chán cảnh làm ca đêm, trái giờ giấc sinh hoạt với cả nhà nên rất bất tiện, trong khi lương chỉ 4-5 triệu/tháng.
Chúng tôi mở cửa hàng vào giữa năm 2013, lúc đó vét hết tiền trong nhà được 50 triệu, vay thêm người quen 100 triệu nữa để nhập hàng về bán. Từ đó đến giờ, cuộc sống cứ tiếp diễn, tiền làm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu. May mắn là đầu năm nay, chúng tôi đã trả được hết tiền vay khi mở cửa hàng.
Nhà có sẵn, thu nhập gấp đôi những gia đình công nhân sống xung quanh, chỉ nuôi 2 đứa con nhưng từ hồi kết hôn đến giờ chúng tôi gần như chả tích lũy được gì. Thời mới cưới cách đây cả chục năm, tất nhiên thu nhập của chúng tôi không cao như bây giờ. Sau đó sinh con, tiêu tốn cả mớ tiền, rồi vài lần đổi việc, thất nghiệp tạm thời, cũng không tích lũy được. Tuy nhiên, kể từ lúc mở hàng tạp hóa, cuộc sống ổn định, đi vào quỹ đạo mà tiền cứ đi đâu hết.
Hiện giờ, chúng tôi không có một đồng nào để gửi tiết kiệm, tiền mặt trong nhà thường chỉ tầm 10 triệu, chúng tôi vẫn có những món nợ nhỏ (không phải tiền hàng) phải thanh toán hàng tháng. Bây giờ, Sài Gòn đang mùa mưa và mùa triều cường cao nhất trong năm, mấy hôm nay, khu nhà trọ của tôi bị ngập mà tôi chưa biết tìm đâu ra tiền để sửa chữa.
Video đang HOT
Hôm qua, vừa đi đóng tiền trả góp cái tủ lạnh kỳ thứ hai về, gặp cậu bạn học cũ nói chuyện đời chuyện việc, tôi nhận ra một trong những lý do khiến chúng tôi không tích lũy được là do mắc bẫy của việc mua hàng trả góp.
Do nhà chúng tôi ở và dãy phòng trọ vẫn chung sổ đỏ với cha mẹ, công việc bán tạp hóa chỉ là kinh tế hộ gia đình, chúng tôi không thể vay tiền ngân hàng, chỉ có thể vay tiền của các tổ chức tài chính (như các công ty bảo hiểm) với lãi suất cao hơn hẳn ngân hàng. Trong khi đó, tiền phòng trọ là đều đặn, nhưng khách thuê trọ đóng lắt nhắt từ ngày 1-15 hàng tháng. Tiền bán hàng cũng toàn món nhỏ lẻ, nên chúng tôi rất khó để tích thành một món lớn. Khi cần tiêu một món gì lớn, chúng tôi đều phải đi vay, rồi trả dần. Có những việc cần gấp, không thể chờ tiết kiệm đủ thì phải đi vay là điều có thể chấp nhận được. Khổ nỗi, nhiều khi đi shopping, nhìn những món đồ đẹp lại muốn mua ngay. Không có tiền sẵn, chúng tôi nghĩ ngay đến mua trả góp để có thể nhận hàng về sớm.
Dễ dàng mua đồ trả góp, chúng tôi bị nghiện lúc nào không hay. Dù đồ cũ chưa hỏng nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng thay đồ mới. Tính ra trong mấy năm gần đây, hai vợ chồng mua 2 cái xe tay ga trả góp (xe cũ vẫn để ở nhà, thỉnh thoảng dùng chở hàng), mua hai cái máy lạnh, một cái tủ lạnh, một cái máy giặt, mua một cái tivi 50 triệu, một cái 12 triệu và trung bình mỗi năm thay điện thoại một lần. Có những tháng, chúng tôi mua tới 4 món đồ trả góp, tuần nào cũng phải đi trả nợ.
Vì ngay từ đầu đã nghĩ đến chuyện mua trả góp nên chúng tôi chỉ tính số tiền mình phải đóng hàng tháng mà ít quan tâm đến tổng số tiền. Lúc ngồi nói chuyện với cậu bạn, tôi mới giật mình vì tiếng là mua lãi suất 0 đồng nhưng chúng tôi luôn bị mua đắt hơn người trả hết một lần, vì còn chịu khoản đóng bảo hiểm cho khoản tiền trả góp. Chưa kể, để được mua trả góp chúng tôi thường phải đến các trung tâm mua sắm lớn, chi phí mặt bằng, nhân viên đắt đỏ đã được chia vào các sản phẩm bán cho khách hàng. Ví dụ cái tivi tôi mua 12 triệu, bạn tôi mua ở một cửa hàng điện tử giá chỉ 10,7 triệu, dù hai sản phẩm đều được bảo hành chính hãng như nhau.
Nhận ra nguyên nhân tốn tiền là một chuyện, còn khắc phục lại là chuyện khác. Tôi đã bàn với vợ sau đợt này hạn chế hẳn việc mua trả góp, vợ ậm ừ nhưng cũng chỉ để đó, có lẽ cô ấy chưa thực sự nhận ra vấn đề.
Theo webphaidep.com
Sai lầm khi mua hàng online khiến bạn tiêu sạch tiền của gia đình
Dưới đây là những chia sẻ của chị Phạm Thanh Hằng, 36 tuổi, về tác hại khi mua hàng online không kiểm soát của mình.
Thời chưa biết đến mua sắm qua mạng, vợ chồng tôi mỗi tháng để dành được một nửa thu nhập, khoảng 20 triệu đồng, do bận đến mức không có thời gian tiêu tiền.
Làm cho một công ty nước ngoài, 8h, tôi phải có mặt ở công ty và làm việc nghiêm túc luôn chứ không có chuyện quẹt thẻ check-in rồi ra ngoài ăn sáng, chiều 17h30 mới nghỉ. Nhà ở quận 9, hàng ngày tôi đi xe buýt vào trung tâm quận 1 làm việc, mất khoảng 80 phút, vì thế không có cơ hội tạt vào các cửa hàng trên đường đi làm.
Sau khi cai sữa cho bé thứ hai, tôi đăng ký lớp tập yoga và gym vào các buổi trưa ngay tại tòa nhà văn phòng. Sáng thứ 7, công ty tôi vẫn làm việc. Tôi chỉ rảnh chiều thứ 7 và ngày chủ nhật thì lại dành hết cho gia đình con cái. Tôi thường đi siêu thị vào chiều thứ bảy và mua tất cả những gì mình cần cho tuần tới.
Chồng tôi là giảng viên một trường đại học. Anh về sớm đón con và nấu nướng vì vợ về muộn. Cuối tuần, chồng tôi mới đi dạy thêm bên ngoài hay tham gia các chương trình ngoại khóa vì lúc đó đã có tôi chăm con.
Không có thời gian tiêu tiền, nên chúng tôi tiết kiệm khá nhanh. Cộng thêm sự hỗ trợ của bố mẹ, năm 2013, chúng tôi mua được một miếng đất 80m2 ở quận 9, lúc đó có 1 tỷ, xây được ngôi nhà một trệt một lầu có một khoảnh vườn ở trước cửa. Đến năm 2016, chúng tôi không còn nợ bố mẹ tiền mua đất làm nhà nữa, thì các cụ lại gợi ý cho vay tiền mua ô tô. Lúc này, chúng tôi có một sổ tiết kiệm 100 triệu, hai vợ chồng dự định khi nào tích lũy được 300 triệu thì sẽ vay tiền bố mẹ để mua một chiếc ô tô khoảng 500 triệu.
Tuy nhiên, hiện giờ thì tôi chẳng còn đồng nào để dành mua ô tô cũng như bất kỳ tài khoản tiết kiệm nào, do đã tìm ra cách tiêu tiền rất dễ dàng: mua sắm qua mạng.
Đầu tiên, tôi chỉ mua mấy món thực phẩm đặc sản vùng miền, mấy bộ quần áo, mỹ phẩm.. ủng hộ bạn bè rao bán trên mạng. Sau đó, thấy tiện lợi, tôi bắt đầu tham gia các nhóm mua bán, mặc dù chả bán gì, chỉ mua thôi. Rồi những trang bán hàng cứ liên tục xuất hiện mỗi khi tôi vào mạng cũng khiến nảy sinh nhu cầu mua sắm.
Mua hàng trực tuyến, tôi thích trả tiền qua thẻ hơn tiền mặt do tôi có một thẻ tín dụng của một ngân hàng quốc tế. Thẻ của tôi có hạn mức 50 triệu và được tích điểm sau mỗi lần mua sắm. Số điểm thưởng này khi đủ 800 có thể quy đổi thành tiền 800 nghìn đồng và tôi có thể tiêu dùng tiếp. Ngân hàng thường xuyên có những chương trình giảm giá khi mua sắm trên một số trang thương mại điện tử. Vậy là mua cho mình không đủ, tôi rủ chồng vào mua cùng. Gia đình tôi mua từ đồ tiêu dùng ít tiền như kem đánh răng, nước rửa chén, sữa tươi đến các món đồ gia dụng đắt tiền hay đồ điện tử. Thấy khuyến mại, hai vợ chồng đổi nốt cả máy lạnh và máy giặt đã có dấu hiệu hỏng hóc ở nhà thay vì đi sửa. Chúng tôi còn mua cả một số hàng trên các website nước ngoài.
Đợt sale cuối năm vừa rồi, tối nào tôi cũng ôm điện thoại, lướt hết trang này đến trang khác. Hậu quả là tôi vừa nhận được bản sao kê của ngân hàng với tổng chi tiêu gần 100 triệu. Hóa ra, do tôi là khách hàng tiềm năng, ngân hàng đã tự động tăng hạn mức tín dụng cho tôi lúc nào tôi không hay.
Cả năm mải mê mua sắm, vợ chồng tôi chẳng tăng được số tiền tiết kiệm, lại còn phải tất toán sổ cũ để trả nợ thẻ tín dụng nếu không muốn bị phạt lãi cao. Trong khi đó, do mua sắm nhiều, có khá nhiều thứ chúng tôi không dùng đến, như cái máy nướng bánh mới chỉ được sử dụng một lần, nhiều bộ quần áo mua xong tôi mặc một lần vì ngoài thật không đẹp như ảnh mẫu. Rồi không được hướng dẫn sử dụng đầy đủ, chồng tôi phải đổi tới đổi lui cục phát wifi và cái máy hàn, rất mất thời gian.
Hôm qua vừa ngồi tổng kết tài chính một năm của gia đình, hai vợ chồng đều giật mình vì khả năng tiêu vô tội vạ của mình. Tạm thời, tôi đã tạm khóa thẻ tín dụng. Ăn tối xong, tôi cũng cất ngay điện thoại đi để không còn lang thang vào mạng mua sắm nữa.
Theo webphaidep.com
Cách mua sắm giúp bạn tiết kiệm nhiều tiền nhất Tất cả chúng ta đều biết tầm quan trọng của tiết kiệm tiền. Các cụ ngày xưa đã đúc kết "Buôn thúng bán bè không bằng ăn dè hà tiện". Để có tiền tiết kiệm cho lúc nghỉ hưu và tiền mặt dự phòng cho những trường hợp ốm đau bệnh tật... bạn cần phải biết hy sinh một số thú vui. Số...