Lý do gây sốc thỏa thuận tàu ngầm mới của Australia chỉ lãng phí tiền
Tàu ngầm là “kẻ săn mồi” thống trị đại dương trong nửa thế kỷ qua. Nhưng những ngày huy hoàng của nó có thể sớm kết thúc – theo dự báo của các chuyên gia Australia.
Tàu ngầm lớp Virginia SSN của Hải quân Mỹ.
Mất tới 20 năm để hoàn tất bản hợp đồng ước tính 100 tỷ AUD mà Australia phải đánh đổi cả quan hệ với Pháp để theo đuổi, nhưng giới chuyên gia cảnh báo viễn cảnh với đội tàu ngầm mới sẽ còn tệ hơn.
Theo trang News.com (Australia), một học giả hàng đầu Australia đã thả “quả bom” vào giấc mơ tàu ngầm năng lượng hạt nhân của Australia khi gọi đó chỉ là những “chú khủng long dưới biển sâu”. Jamie Seidel, Giáo sư danh dự Khoa học Hệ thống phức tạp tại Đại học Quốc gia Australia, mới đây cho rằng thỏa thuận ước tính 100 tỷ AUD sẽ không tránh khỏi đầu ra lãng phí và không thiết thực.
Thời điểm giao hàng 20 năm là một mốc lạc quan, và nhiều khả năng là quá muộn. “Những chiếc tàu ngầm chỉ có một ngón nghề lớn. Chúng tàng hình. Nhưng nếu, trong một cuộc xung đột, con tàu có thể bị phát hiện, thì nó sẽ chết chắc”, ông Bradbury nói.
Trong một bài viết được đăng tải bởi Defense Connect, Giáo sư Bradbury đã chỉ ra điều này có ý nghĩa như thế nào đối với những cỗ máy vô cùng phức tạp và đắt tiền này.
Bradbury cho biết ông và một nhóm các nhà phân tích đã xác định được một loạt các xu hướng công nghệ có thể ảnh hưởng đến chiến tranh tàu ngầm. Theo đó, những công nghệ được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ khiến các đại dương trở nên “trong suốt” vào thập niên 2050.
Giáo sư Gladbury cảnh báo: “Một đại dương ‘trong suốt’ sẽ là kết quả sự tích hợp trong tương lai của các hệ thống cảm biến hiện chưa được phát triển và nó có khả năng kết hợp với nhau một cách nhanh chóng. Kỷ nguyên tàu ngầm sẽ kết thúc bằng một tiếng nổ, chứ không phải tiếng than vãn”. Nói một cách đơn giản: “Ngón nghề lớn” của tàu ngầm sẽ không còn hiệu quả nữa.
Sự kiện “tuyệt chủng” vào giữa thế kỷ
Thật không may cho Australia, Giáo sư Bradbury tin rằng sự kiện “tuyệt chủng” này sẽ xảy ra vào năm 2050. Đó là một thời điểm cú sốc vì trúng với thời gian dự kiến bàn giao các tàu ngầm cho Australia theo dự án quốc phòng tốn kém nhất của nước này trong lịch sử.
Đầu tháng 9 này, Australia đã hủy bỏ thỏa thuận trên 65 tỷ USD mua loạt tàu ngầm diesel điện từ Pháp, để chuyển sang tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân như một phần của Hiệp ước an ninh ba bên mới AUKUS với Mỹ và Anh.
Tàu ngầm lớp Virginia, North Dakota của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy
Tám tàu ngầm mới của Australia sẽ không hề rẻ. Tờ Sydney Morning Herald đưa tin rằng mỗi tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ sẽ tốn khoảng 5 tỉ AUD để đóng, và cộng thêm các chi phí khác, hóa đơn có thể kết thúc ở con số 100 tỉ AUD.
Những “quái thú” khó tiến hóa
Trong khi đó, các công nghệ mới đang chống lại tàu ngầm với tốc độ nhanh chóng. Giống như dự án chiến đấu cơ tàng hình F35 đã bị trì hoãn nhiều lần trước đây, các tàu ngầm hạt nhân của Australia cũng đối mặt nguy cơ xuất hiện trong một thế giới tương lai hoàn toàn không còn phù hợp.
“Luôn luôn có một cuộc chạy đua vũ trang giữa các hệ thống vũ khí đối lập, buộc mỗi hệ thống phải tiến hóa hoặc bị khai tử. Đôi khi sự tiến hóa diễn ra từ từ, nhưng có những lúc đó là một sự tuyệt chủng đột ngột”, Giáo sư Bradbury viết.
Ông nói, sự khác biệt giữa tiến hóa và tuyệt chủng của công nghệ thường liên quan đến sự chuyên môn hóa. “Nếu hệ thống được chuyên môn hóa cao, thì có thể không có những con đường tiến hóa để chúng có thể tồn tại trong một thế giới đang thay đổi.”
Video đang HOT
Theo ông, tàu ngầm, với độ phức tạp lớn và thời gian chế tạo lâu, là những “quái thú” có tính chuyên môn hóa cao. Hiện tại, chúng là “những kẻ săn mồi đỉnh cao”. Không ai nhìn thấy, không nghe thấy, nhưng đầy chết chóc. Trong thế giới mênh mông và đa dạng của các đại dương, điều đó mang lại cho tàu ngầm một lợi thế tự nhiên.
Một tàu ngầm có thể hạ gục cả một hạm đội tàu chiến mặt nước lớn hơn và mạnh hơn nhiều. Chúng cũng hữu ích trong thực hiện các nhiệm vụ do thám, tình báo, dò mìn và hỗ trợ lực lượng đặc biệt.
Khi nói đến tính năng tàng hình, tàu ngầm là “kẻ săn mồi” thống trị trong nửa thế kỷ qua. Nhưng những ngày huy hoàng của nó có thể sớm kết thúc – theo dự báo của các chuyên gia Australia.
Lợi thế giảm trước những mối đe dọa mới
Tàu ngầm là một mối đe dọa đặc biệt. Lý tưởng nhất là chúng lặng im mai phục ở các vị trí chiến lược, chờ cơ hội tấn công. Chúng có tiềm năng tiếp cận các tuyến đường biển huyết mạch và có thể bóp nghẹt các nền kinh tế.
Nhưng nếu chúng không thể làm vậy thì sao? Khi đó, nền tảng của tư duy hải quân hiện đại sẽ được định hình lại.
Vào năm 2017, Giáo sư về chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, James Holmes cũng đã đưa ra một lời cảnh báo như vậy. “Một chiếc tàu có thể nhìn thấy được là một con tàu dễ tổn thương. Việc tìm ra những dấu vết như vậy về sự hiện diện của một tàu ngầm, và chia sẻ thông tin đó thành dữ liệu theo dõi và mục tiêu, sẽ làm mất đi toàn bộ lợi thế cốt lõi của con tàu, cụ thể là khả năng ‘tàng hình’ trong làn nước”.
Một trong bảy tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Astute của Hải quân Hoàng gia Anh. Ảnh: Getty Images
Hiện nay đã có rất nhiều dự án chống tàu ngầm đang được triển khai. Một thế hệ radar mới đang được triển khai, là một chiếc khoang khổng lồ, có thể gắn bên dưới máy bay chống ngầm P8 Poseidon của Mỹ. Nó có thể quét mặt biển bằng radar độ phân giải cao. Sau đó, trí tuệ nhân tạo có thể quét những hình ảnh này để tìm ra các dấu vết nhỏ về tàu ngầm.
Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Mỹ DARPA cũng đang áp dụng cách tiếp cận dữ liệu lớn. Họ tìm cách nghiên cứu hành vi của sinh vật biển, như tôm và thực vật phù du để suy ra sự hiện diện của tàu ngầm.
Nhưng mối đe dọa lớn nhất là sự phát triển của máy bay không người lái, các tàu lượn không người lái dưới nước, ca nô tự động chạy trên mặt nước. Chúng rẻ và ngày càng đáng tin cậy. Tất cả có thể hoạt động trong nhiều tuần liên tục, báo cáo về khi bộ cảm biến của chúng tìm thấy thứ gì đó đáng quan tâm.
Tiếp đến là những chiếc máy bay không người lái lớn. Chúng có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ của một chiếc tàu ngầm toàn năng, mà không cần phải mạo hiểm tới tính mạng của thủy thủ đoàn.
Thủ tướng Scott Morrison tại sự kiện công bố AUKUS, cùng với Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/9/2021. Ảnh: AAP
Tàu ngầm sẽ thành “tàu sân bay dưới nước”
Dự án Răn đe dưới biển, thuộc Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Đại học Quốc gia Australia gần đây đã công bố một báo cáo mới của nhà nghiên cứu Mỹ, Sebastian Brixey-Williams.
Ông Brixey-Williams lập luận rằng các cuộc tấn công gây lo lắng trong “đại dương trong suốt” đã phổ biến trong những thập kỷ gần đây. Nhưng ông cảnh báo các tàu ngầm phải theo dõi tình hình khi tốc độ thay đổi nhanh chóng.
Máy bay không người lái, công nghệ AI và các cảm biến mới “có thể sẽ là những nhân tố thay đổi cuộc chơi, giúp nâng cán cân có lợi cho ASW (chiến tranh chống tàu ngầm”. Trong số đó, tàu ngầm vẫn có vai trò, nhưng chúng sẽ phải thay đổi theo thời gian.
Thế giới có thể sẽ chứng kiến những hình dạng kỳ lạ mới thay thế cho các thiết kế tàu ngầm hình trụ tương đối đơn giản hiện đang được sử dụng. Ngoài ra, công nghệ để giảm thêm tiếng ồn mà tàu tạo ra khi di chuyển trong nước hay khi “thức giấc” cũng rất cần thiết. Và, giống như chiến đấu cơ tàng hình, tàu ngầm tương lai có thể sẽ sử dụng những vật liệu composite mới lạ, đắt tiền để tăng hấp thụ và làm chệch hướng các cảm biến thăm dò.
Giáo sư Holmes lập luận rằng các tàu ngầm mang theo ngư lôi và tên lửa hành trình đã qua thời hoàng kim của mình. Trong tương lai, tàu ngầm có thể được sử dụng để vận hành các thiết bị không người lái dưới nước (UUV). Các tàu ngầm trở thành tàu mẹ, chúng có thể trụ an toàn ở một nơi, đảm bảo khoảng cách an toàn với mục tiêu, và các thiết bị không người lái sẽ lãnh các nhiệm vụ rủi ro.
Theo giáo sư, khi đó tàu ngầm sẽ như “tàu sân bay dưới nước”. Nó cần mang theo một số lượng đáng kể các loại thiết bị không người lái. Nhưng hiện tại không có thiết kế tàu ngầm nào, cả hạt nhân và thông thường, của cả Mỹ, Anh, Pháp cung cấp vai trò đó. Và đây có thể là nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của chúng.
Dù thế nào đi nữa, tàu ngầm có thể sẽ vẫn an toàn hơn nhiều so với các tàu mặt nước lộ thiên hoàn toàn trong một thời gian tới. Nhưng mọi thứ đang thay đổi.
“Nói tóm lại, các tàu ngầm sẽ không còn đặc biệt như trước nữa”, Giáo sư Holmes nói. “Chúng sẽ phải học những thói quen mới. Chúng sẽ giống các máy bay hơn, vận hành các phi đội máy bay để mở rộng phạm vi chiến đấu. Và tàu ngầm sẽ không còn là những kẻ độc hành, được cử đi để làm nên những điều tuyệt vời một cách độc lập nữa”.
So sánh công nghệ tàu ngầm mới nhất của Mỹ, Anh, Pháp
Tại thời điểm này, vẫn chưa rõ liệu Australia sẽ theo đuổi công nghệ tàu ngầm của Anh, Mỹ hay kết hợp cả hai.
Dựa trên những so sánh công nghệ của các tàu ngầm Mỹ, Anh và Pháp, có thể hiểu một phần lý do Canberra ngừng thỏa thuận với Paris.
Tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia, USS North Dakota (SSN 784) của Mỹ đi qua sông Thames khi trên hành trình trở về căn cứ ở Groton, bang Connecticut vào tháng 1/2019. Ảnh: US Navy
Quan hệ đối tác tàu ngầm mới của Australia với Mỹ và Anh đồng nghĩa với việc Canberra hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm trị giá trên 65 tỷ USD với Pháp. Australia sẽ theo đuổi tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, thay vì tàu ngầm chạy diesel-điện thông thường như thỏa thuận với công ty Naval Group của Pháp.
Quyết định đột ngột của Australia hủy bỏ thỏa thuận mua tàu ngầm thông thường từ Pháp để theo đuổi tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với Mỹ và Anh đã khuấy động căng thẳng với Paris.
Australia muốn thay thế các tàu ngầm tấn công lớp Collins của nước này. Kế hoạch ban đầu là mua 12 tàu ngầm diesel-điện Shortfin Barracuda của Pháp, nhưng Australia đã từ bỏ kế hoạch đó và hợp tác với Mỹ và Anh để mua công nghệ tàu ngầm hạt nhân thông qua liên minh an ninh ba bên mới, AUKUS.
Tại thời điểm này, vẫn chưa rõ liệu Australia sẽ theo đuổi công nghệ tàu ngầm của Anh hay Mỹ hoặc cả hai. Dưới đây là so sánh công nghệ tàu ngầm của Mỹ, Anh và Pháp trên tờ Insider
Tàu ngầm tấn công lớp Virginia - Mỹ
USS Virginia, tàu ngầm lớp Virginia quay trở lại xưởng đóng tàu General Dynamics Electric Boat sau khi hoàn thành chuyến đi thử nghiệm trên biển vào 30/7/2014. Ảnh: US Navy
Tàu ngầm tấn công nhanh lớp Virginia là một trong những tàu ngầm mới nhất của Hải quân Mỹ. Chúng hoạt động bằng năng lượng hạt nhân, được trang bị 4 ống phóng ngư lôi Mk-48, tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa chống hạm UGM-84 Harpoon. Tàu ngầm này được chế tạo phục vụ cả các sứ mạng đại dương và ven biển.
Các model Block V mới dài hơn, với 137 mét và lượng choán nước hơn 10.000 tấn. Model mới hơn này sẽ không chỉ to hơn so với những mẫu tiền nhiệm, mà còn sở hữu năng lực vũ khí tăng lên đáng kể, với khoảng 65 vũ khí cỡ ngư lôi. Các tàu ngầm này cũng có khả năng hỗ trợ cho các lực lượng đặc nhiệm.
Các tàu ngầm lớp Virginia có tầm hoạt động không giới hạn, trang bị lõi lò phản ứng sử dụng urani làm giàu cao, không cần tiếp nhiên liệu cho vòng đời của con tàu là trên 3 thập kỷ.
Tàu ngầm lớp Virginia cũng nằm trong số những tàu chạy êm nhất, được trang bị các cảm biến cao cấp, mang lại cho Hải quân Mỹ sự vượt trội về "tàng hình" âm thanh trong các trận địa dưới biển.
Tàu ngầm tấn công lớp Astute - Anh
Một trong bảy tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Astute của Hải quân Hoàng gia Anh di chuyển ở lối vào Holy Loch và Loch Long gần Kilcreggan, Scotland. Ảnh: Getty Images
Tàu ngầm lớp Astute của Hải quân Hoàng gia Anh là tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể mang tới 38 vũ khí cỡ ngư lôi, bao gồm tên lửa hành trình Tomahawk và ngư lôi hạng nặng Spearfish.
Theo nhà sản xuất BAE Systems, những con tàu này dài 97 mét và có lượng choán nước hơn 7.000 tấn.
Tàu ngầm lớp Astute của Anh có tốc độ nhanh hơn một chút so với các tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ và có tầm hoạt động không giới hạn. Giống như tàu ngầm Mỹ, lò phản ứng trên các tàu của Anh được thiết kế để không cần tiếp nhiên liệu trong cả vòng đời của con tàu, khoảng 25 năm. Nó cho phép tàu đi vòng quanh thế giới mà không cần phải nổi. Ngoài ra, các tàu ngầm này cũng có hệ thống hỗ trợ cho lực lượng đặc biệt của Anh.
Các tàu ngầm mới lớp Astute là loại tàu chiến đắt nhất từng được hạ thủy với tổng chi phí khoảng 2,2 tỷ USD mỗi chiếc. Để phát hiện tàu và tàu ngầm của đối phương, tàu lớp Astute được trang bị Sonar 2076 - hệ thống sonar tốt nhất thế giới, có thể phát hiện tàu nổi và tàu ngầm cách xa tới 5.555km, mang lại mức độ nhận biết tình huống mà ít đối thủ nào có được.
Tính năng đáng chú ý nhất của tàu ngầm lớp Astute là sự yên tĩnh của chúng, với mức độ tiếng ồn thấp chưa từng có đối với tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân do phương Tây chế tạo và có thể so sánh với các tàu tấn công điện-diesel.
Giới chuyên gia cho rằng, về nhiều mặt, tàu ngầm lớp Astute của Anh có thể sánh với tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ.
Tàu ngầm tấn công lớp Suffren Barracuda - Pháp
Một nhân viên của Naval Group (Pháp) đứng trên nóc tàu ngầm hạt nhân mới có tên "Suffren" tại nhà máy đóng tàu ở Cherbourg, tây bắc nước Pháp vào ngày 12/7/2019, trước lễ hạ thủy tàu. Ảnh: AFP qua Getty Images
Tàu ngầm Barracuda - hay tàu lớp Suffren - của Hải quân Pháp là tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân do tập đoàn đóng tàu Naval Group của Pháp thiết kế, chế tạo. Tàu trang bị 4 ống phóng ngư lôi và 20 giá treo vũ khí có thể mang ngư lôi hạng nặng, tên lửa chống hạm, tên lửa hành trình và thủy lôi.
Barracuda là những tàu ngầm hoạt động ở đại dương mở, dài 99,4 mét, lượng choán nước khoảng 5.200 tấn. Là tàu ngầm hạt nhân, các tàu ngầm lớp Suffren có tầm hoạt động không giới hạn, nhưng các lò phản ứng phải được tiếp nhiên liệu khoảng 10 năm một lần.
Bryan Clark, cựu sĩ quan tàu ngầm Hải quân Mỹ nay là một chuyên gia quốc phòng, nói với Insider: "Về hiệu suất, tàu lớp Virginia có hiệu suất tổng thể tốt nhất. Astute có lẽ đứng ngay sau nó, và tiếp đến Barracuda sẽ đứng thứ ba trong số ba lớp tàu này."
Tuy nhiên, thỏa thuận giữa Pháp và Australia lại không nhắm tới tàu ngầm lớp Suffren chạy bằng năng lượng hạt nhân mà là một biến thể diesel-điện thông thường.
Biến thể này sẽ có tốc độ chạy chìm tối đa chỉ bằng một nửa so với tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân, kém linh hoạt hơn trên chiến trường, tầm hoạt động giảm và cần phải nổi thường xuyên hơn. Các tàu ngầm này có nhiều khả năng bị kẻ thù tiềm năng phát hiện và theo dõi. Các tàu ngầm Barracuda diesel thích hợp để phòng thủ bờ biển nhưng kém lý tưởng cho các hoạt động xa hơn.
Tàu ngầm Hải quân Hoàng gia Australia, HMAS Sheean thăm cảng Hobart, Australia ngày 1/4/2021. Ảnh: Getty Images
Chuyên gia Clark nói với Insider rằng việc Hải quân Australia chuyển sang theo đuổi tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thay vì tàu ngầm thông thường là hợp lý khi họ muốn thay thế các tàu lớp Collins. Ông Clark nói: "Một tàu ngầm diesel không thực sự có ý nghĩa vì trên đường thực hiện bất cứ điều gì nó muốn làm, nó sẽ bị phát hiện và theo dõi, đặc biệt là với những vùng nhạy cảm về thương mại và quân sự. Nó sẽ bị theo dõi, và khi đến bất cứ nơi nào để hoạt động, đối thủ có thể sẽ đợi sẵn ở đó."
Thomas Shugart, một cựu sĩ quan tác chiến tàu ngầm của Hải quân Mỹ và hiện là trợ lý cấp cao trong chương trình quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, cũng cho biết đó là một kế hoạch hay vì tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ đáp ứng tốt hơn các yêu cầu an ninh của Australia tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. "Tôi nghĩ việc Australia chuyển hướng có ý nghĩa trong bối cảnh cân bằng quân sự đang xấu đi trong khu vực", ông Shugart nói:
Vì sao thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân với Mỹ làm chính người Australia nổi giận Hiện nay, sáu quốc gia - gồm Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Pháp - đã có tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân và nhiều nền kinh tế sử dụng điện hạt nhân. Vậy vì sao người Australia lại cảm thấy phiền vì thỏa thuận an ninh mới với Mỹ và Anh. Tàu ngầm năng lượng hạt nhân lớp Virginia,...