Lý do châu Âu vẫn chưa sẵn sàng đánh vào “huyết mạch” kinh tế Nga
Châu Âu cam kết sẽ chuẩn bị áp thêm các lệnh trừng phạt cứng rắn nhằm vào Nga nhưng liệu các biện pháp này có thực sự hiệu quả khi EU vẫn chưa sẵn sàng chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng Nga – vốn là huyết mạch của nền kinh tế nước này?
Châu Âu chưa sẵn sàng đánh vào “huyết mạch” kinh tế Nga
Mỹ và các quốc gia khác đã áp lệnh trừng phạt kinh tế được cho là chưa từng có lên Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine cách đây hơn 1 tháng. Phương Tây nhắm vào các ngân hàng, giới siêu giàu, các nghị sĩ Nga và thậm chí cả Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Hiện nay, châu Âu đang chuẩn bị áp thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Mỹ cũng đang lên kế hoạch tiến hành nhiều biện pháp trừng phạt hơn trong tuần này. Ngoại trưởng Anh Liz Truss muốn một “làn sóng trừng phạt cứng rắn mới” từ các nước G7 và NATO. Bà Liz Truss cho biết, Ngoại trưởng Nhật Bản cũng đã nhất trí cần tăng cường sức ép lên Tổng thống Putin. Pháp ủng hộ lời kêu gọi nhắm vào dầu mỏ và than đá của Nga. Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis cho biết các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra và “đó chắc chắn là một lựa chọn”.
Các nguồn tin ngoại giao cũng cho biết một loạt biện pháp đang được cân nhắc bao gồm lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu máy bay phản lực. Tuy nhiên, một số quốc gia có lập trường cứng rắn hơn như Ba Lan và các nước vùng Baltic đang hoài nghi về việc các biện pháp mới sẽ đi xa đến đâu.
EU đã thực hiện 4 vòng trừng phạt nhắm vào các cá nhân, trong đó có Tổng thống Nga Putin và hàng trăm nghị sĩ Nga, cho tới các ngành năng lượng và tài chính. 27 nước thành viên EU lên kế hoạch cắt giảm sử dụng 2/3 khí đốt Nga vào cuối năm nay và sau đó khiến châu Âu hoàn toàn độc lập với nhiên liệu hóa thạch Nga vào năm 2030.
Đã có một cuộc tranh luận ở Đức về việc thực hiện lệnh cấm vận hoàn toàn năng lượng Nga nhưng chính phủ nước này cảnh báo điều đó sẽ gây ra sự suy thoái và thất nghiệp trên quy mô lớn, do đó, nước này đã bác bỏ kế hoạch trên trong thời điểm hiện tại.
Khí đốt Nga chiếm khoảng 55% lượng khí đốt nhập khẩu của Đức vào năm ngoái trong khi con số này của EU là 40%. Các chuyên gia đều cho rằng những biện pháp trừng phạt của phương Tây hiện tại là chưa từng có.
Ông Eddie Fishman, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, nếu so sánh với năm 2014 khi phương Tây áp lệnh trừng phạt lên Nga nhằm phản ứng trước việc Nga sáp nhập Crimea thì các biện pháp trừng phạt hiện tại nằm ở mức 7 hoặc 8 trên thang số 10.
Video đang HOT
Tuy nhiên, ông Fishman cho rằng: “Dầu mỏ vẫn là huyết mạch của nền kinh tế Nga. Nga đã kiếm được hàng tỷ USD từ dầu mỏ kể từ khi chiến tranh bắt đầu và doanh thu từ dầu mỏ của Nga vẫn rất mạnh”.
Ngoài ra, mặc dù hầu hết các ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT nhưng 2 ngân hàng lớn của Nga vẫn chưa bị loại khỏi hệ thống này. Một lần nữa, điều này lại liên quan đến vấn đề năng lượng. Sberbank và Gazprombank hiện đang tạo điều kiện để các khoản thanh toán năng lượng từ châu Âu tới Nga có thể diễn ra.
Litva thông báo đầu tháng này rằng nước này sẽ dừng nhập khẩu tất cả khí đốt từ Nga.
Tuy nhiên, với châu Âu nói chung, cái giá của trừng phạt không hề đơn giản. Đã có những cảnh báo về việc phải đóng cửa các nhà máy, tình trạng thất nghiệp và sự bất mãn trong xã hội gia tăng như là cái giá của lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga.
Lệnh trừng phạt có thực sự hiệu quả?
Ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt hiện tại có thể cảm nhận được ở khắp nước Nga. Một nghiên cứu hồi tháng 3 của Viện Tài chính Quốc tế cho thấy nền kinh tế Nga đã giảm 15% quy mô vào năm 2022 – một thực tế có thể xóa sổ 15 năm tăng trưởng kinh tế của nước này. Và các lệnh trừng phạt này vẫn chưa phát huy tối đa tác động của nó, điều có thể sẽ “cảm nhận được trong quý 2 của năm nay”, Clay Lowery, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu và chính sách của Viện Tài chính Quốc tế cho hay.
“Một số lệnh trừng phạt, đặc biệt là các lệnh trừng phạt nhắm vào những sản phẩm công nghệ cao, sẽ có ảnh hưởng sau một thời gian”, Jeffrey Schott, học giả cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho hay.
Tuy nhiên, nền kinh tế Nga đang có dấu hiệu hồi phục ban đầu. Đồng rúp giảm gần 30% so với đồng USD ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2, gần đây đã ổn định trở lại. Các khoản nợ chính phủ của Nga cũng chưa đối mặt với tình trạng vỡ nợ và hầu hết các công ty của nước này đều có thể tự chi trả các khoản nợ của mình. Một phần của điều đó là bởi Nga vẫn có thể trao đổi ngoại tệ bằng cách bán thật nhiều dầu mỏ, Ben Coates, giáo sư chuyên nghiên cứu về lịch sử các biện pháp trừng phạt trong thế kỷ 20 tại Đại học Wake Forest nhận định.
Chính Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thừa nhận về những hạn chế của các lệnh trừng phạt cách đây 1 tuần, thậm chí ngay sau khi ông thông báo về gói trừng phạt mới.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ không thể ngăn chặn chiến dịch quân sự đang diễn ra của Nga và việc duy trì chúng là nhằm đảm bảo rằng “chúng tôi sẽ tiếp tục những gì mình đang làm không chỉ trong tháng tới, tháng sau nữa mà còn là cả năm nay”.
Mặc dù chiến tranh chưa dừng lại nhưng Tổng thống Biden cho rằng những biện pháp trừng phạt bổ sung từ liên minh nhiều quốc gia có thể được tiến hành với mục tiêu “gia tăng áp lực” lên Tổng thống Putin. Tuần trước, Mỹ đã có động thái mới nhằm vào các cá nhân và thực thể liên quan đến mạng lưới giúp Nga tránh khỏi các lệnh trừng phạt. Tổng thống Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã trao đổi về khả năng áp lệnh trừng phạt bổ sung lên Nga.
Hầu hết các nước châu Âu vẫn chưa “nối gót” Mỹ bởi sự phụ thuộc nặng nề vào dầu mỏ và khí đốt Nga. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, khoảng 60% dầu mỏ Nga xuất sang các nước châu Âu là thành viên của Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế.
Nhà quan sát Lowery cho rằng nhìn chung các gói trừng phạt hiện tại mặc dù khắc nghiệt nhưng “chủ yếu mang tính biểu tượng” và không phải là động thái có thể tạo nên bước ngoặt.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Điều gì xảy ra tiếp theo hiện vẫn chưa rõ ràng. Các nhà phân tích phương Tây cho rằng có một danh sách các biện pháp trừng phạt vẫn chưa được áp lên Nga. Đây có lẽ là những biện pháp có thể khiến Nga hứng chịu cú sốc tài chính nặng nề nhất. Mặc dù vậy, tổn thất đó cũng có thể gây ra thiệt hại cho nhiều bên chứ không chỉ riêng Nga. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt này có thể gây ra những hậu quả không mong muốn khi việc can thiệp vào các tổ chức tài chính toàn cầu có thể ảnh hưởng tới hệ thống kinh tế thế giới vốn liên kết chặt chẽ với nhau.
Vì thế, phương Tây đang đối mặt với câu hỏi liệu các biện pháp tiếp theo sẽ là gì và liệu chúng có thực sự thực hiện được hay không?
Theo nhà phân tích Schott, các cuộc trao đổi đa phương diễn ra gần đây ở Brussels tập trung vào việc “làm thế nào để nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt Nga ở châu Âu”. Một kế hoạch đã được Cơ quan Năng lượng Quốc tế thúc đẩy, tập trung một phần vào khí tự nhiên hóa lỏng để giảm sự phụ thuộc vào Nga, ít nhất là trong tương lai gần. Chuyên gia này cũng cho rằng điều đó chỉ bù đắp khoảng 20 – 30% lượng khí đốt châu Âu nhập khẩu từ Nga.
Nga đã tiến hành những biện pháp đáp trả nhằm vào những quốc gia áp lệnh trừng phạt lên nước này. Gần đây, Tổng thống Putin yêu cầu các nước châu Âu thanh toán dầu mỏ Nga bằng đồng rúp, điều khiến Đức phải cảnh báo người dân về nguy cơ thiếu nguồn cung khí đốt trong tương lai. Yêu cầu của Tổng thống Putin có thể là một nỗ lực nhằm làm tăng giá trị của đồng tiền này mặc dù gần đây nó đang dần ổn định. Nga cũng thúc đẩy việc buôn bán với những quốc gia sẵn sàng mua năng lượng với giá được chiết khấu, chẳng hạn như với Trung Quốc, nước chiếm khoảng 20% xuất khẩu dầu mỏ Nga.
Theo chuyên gia Lowery, một vòng trừng phạt mới của phương Tây có thể sẽ không hạn chế những biện pháp liên quan đến năng lượng Nga nhưng việc thực hiện các biện pháp này không hề đơn giản khi có thể xuất hiện những lỗ hổng và những hệ quả không mong muốn cho toàn cầu.
Anh cảnh báo về "những ngày nguy hiểm nhất" trong căng thẳng Nga - Ukraine
Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo, những ngày kế tiếp có thể là "thời khắc nguy hiểm nhất" trong căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Thủ tướng Anh Boris Johnson (Ảnh: Reuters).
Ngày 10/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, những ngày tới có thể sẽ trở thành "thời khắc nguy hiểm nhất" trong cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất châu Âu trong hàng thập niên vừa qua. Ông Johnson đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh Nga và Belarus bắt đầu cuộc tập trận chung quy mô lớn.
Trong những tuần qua, phương Tây cáo buộc Nga đưa hàng trăm nghìn quân tới biên giới Ukraine và có kế hoạch hành động quân sự với nước láng giềng. Nga nhiều lần bác bỏ các tuyên bố này, nhưng cảnh báo họ có thể có động thái nếu các yêu cầu về mặt an ninh không được NATO chấp thuận.
Ông Johnson nhận định rằng, Nga hiện có thể vẫn chưa đưa ra quyết định về việc có "động binh" với Ukraine hay không. "Nhưng điều đó không có nghĩa là kịch bản thảm khốc không thể xảy ra", ông Johnson nói.
"Vài ngày tới có lẽ là thời khắc nguy hiểm nhất trong cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất mà châu Âu phải đối mặt trong nhiều thập niên, và chúng ta phải hành động đúng đắn. Tôi nghĩ sự kết hợp của lệnh trừng phạt, quyết tâm quân sự và biện pháp ngoại giao là điều nên làm", Thủ tướng Anh nhấn mạnh.
Trong khi đó, tại Moscow, Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Bà Truss cảnh báo rằng "một cuộc xung đột ở Ukraine sẽ là thảm họa cho người Nga, người Ukraine và cho an ninh châu Âu".
Ông Lavrov nói, ông không hiểu sự lo lắng của Anh về cuộc tập trận của Nga và Belarus. Nhà ngoại giao Nga không hài lòng khi cuộc gặp của ông và bà Truss không đạt được tiến triển. Ông cho biết cuộc trao đổi đã diễn ra mà 2 bên đều không thể tìm thấy điểm chung để trao đổi.
"Không một ai lắng nghe người còn lại, và thật không may các nỗ lực của chúng tôi trong việc đưa ra các lời giải thích đã không được lắng nghe", ông Lavrov nói.
Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh, Moscow không "đe dọa bất cứ ai mà chúng tôi mới là bên đang bị đe dọa".
EU lạc quan về khả năng đạt 'giải pháp lâu dài' với Anh trong vấn đề Bắc Ireland Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Maros Sefcovic ngày 24/1 cho biết tiến trình thảo luận với Anh có thể mang đến một giải pháp lâu dài cho những thách thức hiện nay trong quan hệ giữa hai bên về thương mại liên quan đến Bắc Ireland - vùng lãnh thổ thuộc Anh nhưng lại có chung biên giới với Cộng hòa...