Lương không đủ sống, áp lực bủa vây khó níu người giỏi gắn bó nghề giáo
Lương không đủ sống, áp lực bủa vây nên học sinh giỏi ít mặn mà với nghề giáo, thầy cô trẻ xin nghỉ việc, giáo viên có thâm niên lại xin về hưu trước tuổi.
Năm học mới sắp bắt đầu, tuy nhiên nhiều địa phương dù đã đăng thông tin tuyển dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn không thể tuyển đủ giáo viên.
Hiện nay, việc thiếu giáo viên giảng dạy chủ yếu là các môn Nghệ thuật, Thể dục, Tin học, Tiếng Anh đã và đang làm khó nhiều trường học trong việc điều tiết chuyên môn nhà trường. Nhiều thầy cô giáo dạy quá tải và học sinh cũng bị ảnh hưởng bởi chất lượng giáo dục.
Hiện nhiều trường học trên cả nước đang thiếu giáo viên trầm trọng (Ảnh minh họa: Lã Tiến)
Nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao giáo viên bỏ việc nhiều? Vì sao học sinh giỏi không mặn mà với nghề giáo? Đã có nhiều nguyên nhân chỉ ra, bài viết xin được góp thêm một cách nhìn của người trong cuộc.
Lương thấp và gánh nặng nhiều khoản đóng góp
Một đồng nghiệp của tôi có con gái tốt nghiệp sư phạm tiểu học tâm sự, để xin cho con đi dạy hợp đồng cũng không hề đơn giản nhưng để được nhận vào dạy hợp đồng rồi thì với mức lương khởi điểm cũng chỉ vài triệu đồng.
Có người nói rằng nếu dạy môn Toán, tiếng Anh thì cũng cố. Nhưng dạy những môn Nghệ thuật, môn học cho là phụ thì biết đến bao giờ mới có thu nhập tốt?
Một đồng nghiệp trẻ của tôi đi dạy với mức lương 3.700.000 đồng/tháng. Thế nhưng, số tiền này mới chỉ là trên giấy.
Ngoài những khoản trừ cố định như công đoàn phí, các loại bảo hiểm còn có nhiều khoản trừ trên danh nghĩa tự nguyện như quỹ khuyến học, chữ thập đỏ, quỹ mái ấm, quỹ phòng chống thiên tai, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ chất độc da cam, phụ nữ nghèo, vì trẻ thơ, “sóng và máy tính”…
Có địa phương để giáo viên ủng hộ trên tinh thần tự nguyện nhưng có nơi lại ấn định trừ một ngày lương mỗi loại quỹ. Một năm, tính bình quân ra mỗi tháng giáo viên bị trừ một ngày lương.
Cuối cùng, đồng lương cũng chỉ còn gần 3 triệu đồng/tháng.
Với đồng lương như thế, nếu không làm thêm thì sẽ chẳng bao giờ đủ tiền ăn, tiền nhà trọ nói gì đến chăm lo cho gia đình.
Mà giáo viên có thể làm thêm được gì? Đi dạy cả ngày chắc chắn không thể làm thêm được việc gì khác ngoài việc tổ chức dạy thêm vào buổi tối hoặc tranh thủ bán hàng online lúc rảnh. Đời sống nhà giáo quá khó khăn cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến giáo viên phải dạy thêm.
Tiền thưởng lễ Tết chỉ gọi là cho có
Có nhiều ngành nghề mức lương trần thua giáo viên nhưng họ lại có các loại tiền thưởng, tiền ngày lễ của ngành và tiền lương tháng 13. Riêng giáo viên, ngày lễ 20/11 không có một đồng tiền thưởng.
Công đoàn nhà trường thường trích quỹ hỗ trợ lại cho các thầy cô nhiều nhất cũng chỉ 200 ngàn đồng. Nói là công đoàn nhưng thực chất là tiền của công đoàn viên đóng góp, giáo viên thường nói vui là “mỡ nó rán nó”.
Dịp Tết trong khi nhiều người hồ hởi khoe được thưởng hàng chục triệu hoặc chí ít cũng năm bảy triệu đồng thì có nơi giáo viên ngậm ngùi nhận bịch hạt dưa hay cân đường, hộp sữa.
Tiền thưởng sau khi đạt các danh hiệu thi đua thì cao nhất (chiến sĩ thi đua…) cũng được hơn triệu đồng nhưng cả trường chỉ khoảng vài người. Số còn lại nhận lao động tiên tiến cũng chỉ có tiền thưởng vài trăm ngàn.
Video đang HOT
Nhận kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” 20 năm, giáo viên cũng chỉ nhận được số tiền thưởng 200 ngàn đồng. Buồn tủi nhất là làm tiệc tiễn đồng nghiệp về hưu cả trường phải góp tiền trả phần ăn.
Mỗi mùa hè tới, khi các cơ quan, xí nghiệp thưởng cho cán bộ nhân viên những chuyến du lịch hè thì ngành giáo dục muốn đi đâu cũng phải móc hầu bao chi trả. Ai không có tiền thì ở nhà.
Công việc ngập đầu, áp lực bủa vây tứ phía
Chế độ đãi ngộ, lương bổng luôn tỷ lệ nghịch với áp lực công việc. Nhà giáo ngoài cả ngày lên lớp theo quy định thì còn phải xử lý nhiều công việc không tên khác chiếm rất nhiều thời gian, sức lực như hồ sơ sổ sách, hết lên kế hoạch này lại đến giải pháp kia.
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giảm tải khá nhiều nhưng giáo viên vẫn phải tham gia đủ các hoạt động: dự giờ thao giảng, các hội thi giáo viên giỏi, hội thi phong trào. Đến hội thi của học sinh nhưng lại áp lực thành tích lại đổ lên giáo viên.
Chương trình mới, phương pháp dạy học mới, mô hình trường học mới kéo theo tập huấn, làm bài thu hoạch. Rồi học hết chứng chỉ này đến chứng chỉ kia, tiền bỏ ra đến vài chục triệu đồng cũng chưa xong.
Giáo viên bị tước quyền cho học sinh lưu ban, bị cột chỉ tiêu cao ngất ngưởng dẫn đến áp lực trong việc giảng dạy. Nhà giáo chẳng khác gì người làm dâu trăm họ nên sơ sẩy một chút là bị lên án bởi dư luận hoặc bị cho thôi việc ngay.
Có thầy cô trong cơn nóng giận mắng trò hoặc đánh vào mông học trò nghịch ngợm cũng bị phụ huynh phản ứng, làm đơn kiện.
Khi mọi chuyện bị công khai, người thầy trở nên cô độc nhất vì ngay lãnh đạo trường cũng chiều theo dư luận để kỷ luật.
Lương không đủ sống, áp lực bủa vây nên học sinh giỏi ít mặn mà với nghề giáo, thầy cô trẻ xin nghỉ việc, giáo viên có thâm niên lại xin về hưu trước tuổi. Nếu ngành giáo dục không có những giải pháp hữu hiệu nhất thì e rằng khan hiếm nguồn nhân lực giáo dục sẽ đến mức báo động.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Môn KHTN, Lịch sử và Địa lý ở THCS do giáo viên nào dạy là phù hợp nhất?
Người viết cho rằng rất khó để tìm được giáo viên nào sau khi bồi dưỡng nắm được kiến thức chuyên sâu của cả 3 phân môn để giảng dạy cho học sinh.
Năm học 2022-2023 là năm thứ 2 triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp trung học cơ sở.
Trong các môn học mới xuất hiện trong chương trình cấp trung học cơ sở có 2 môn nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận đó là môn Khoa học tự nhiên (tích hợp 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học); Lịch sử và Địa lý (tích hợp môn Lịch sử, Địa lý).
Ảnh minh họa:Vtv.vn
Đến năm thứ 2 vẫn "rối tung rối mù" với 2 môn tích hợp
Đến năm học 2022-2023 các trường trung học cơ sở vẫn vô cùng rối rắm khi thực hiện bố trí, phân công giáo viên dạy tích hợp.
Do nhiều địa phương chưa có giáo viên bồi dưỡng 2 môn tích hợp và các trường sư phạm cũng chưa có sinh viên các môn tích hợp ra trường, nên cũng giống như năm học 2021-2022 nhiều trường vẫn lúng túng trong phân công, sắp xếp, bố trí giáo viên giảng dạy, việc phân công mỗi nơi mỗi kiểu.
Các trường có 3 cách phân công giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên thì cách nào cũng rối rắm, bất cập. Cụ thể gồm:
Cách 1: Có nơi phân công 3 giáo viên dạy song song chia ra các môn Vật lý (1 tiết/tuần); Hóa học (1 tiết/tuần); Sinh học (2 tiết/tuần) nhưng rất khó phân công cho cả 2 lớp 6, 7 trong khi lớp 8, 9 vẫn tổ chức các môn riêng lẻ. Tuy nhiên, việc dạy song song sẽ không phải là tích hợp, không đảm bảo mạch kiến thức liên thông.
Cách 2: Có nơi phân công giáo viên dạy theo tuần tự, ví dụ chủ đề 1 của môn Sinh học thì giáo viên Sinh học dạy với 4 tiết/tuần, đến chủ đề 2 của bộ môn Vật lý, giáo viên Vật lý dạy 4 tiết/tuần,... nhưng khi sắp xếp như vậy thời khóa biểu phải đổi liên tục, nếu sắp cả 2 khối 6, 7 thì phó hiệu trưởng sẽ không thể sắp thời khóa biểu và sẽ có tình trạng giáo viên dạy 30 tiết/tuần, có giáo viên dạy chỉ 4-5 tiết/tuần, vẫn rất bất cập.
Cả 2 cách trên còn gặp khó khăn trong việc ra ma trận, đề kiểm tra định kỳ, giữa kỳ, chấm bài, vào điểm, vào phần mềm, nhận xét từng học sinh,... rất phức tạp.
Cách thứ ba, phân công "liều" cho một giáo viên chưa được bồi dưỡng "ôm" cả 3 phân môn, cách này dễ cho nhà trường sắp xếp thời khóa biểu, dễ cho giáo viên chấm điểm, vô điểm,...nhưng lại khó khăn là giáo viên không đủ kiến thức để giảng dạy, một khi giáo viên thiếu kiến thức giảng dạy thì sẽ dạy qua loa, chiếu lệ, người học lãnh đủ.
Cả 3 cách đều rối rắm, bất cập nhưng hiện nay chưa có cách giải quyết, khiến giáo viên khổ sở, gây thiệt thòi cho học sinh.
Môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý chia thành 2, 3 phần tách biệt, tích hợp ở đâu?
Ở môn Lịch sử và Địa lý lớp 6 chia ra 2 phần Lịch sử, Địa lý riêng biệt, phần I là Lịch sử, phần II là Địa lý, phần Lịch sử và Địa lý do 2 nhóm biên soạn khác nhau.
Ở môn Khoa học tự nhiên 6, nội dung chia thành các chủ đề các chủ đề thuộc các môn khác nhau đan xen nhau như chủ đề 1, 2 thuộc phân môn Vật lý; chủ đề 3, 4, 5 thuộc phân môn Hóa học; chủ đề 6, 7, 8 thuộc môn Sinh học; chủ đề 9, 10, 11 thuộc phân môn Vật lý.
Ở môn Khoa học tự nhiên 7 đã phân rõ 3 phần thuộc 3 phân môn khác nhau, cũng giống như chia làm 2 phần đối với môn Lịch sử và Địa lý vì chủ đề 1, 2 thuộc phân môn Hóa học (dự kiến dạy trong 30 tiết); chủ đề 3, 4, 5, 6 thuộc phân môn Vật lý (dự kiến 40 tiết); chủ đề 7, 8, 9, 10, 11 thuộc phân môn Sinh học (dự kiến 65 tiết), còn 5 tiết thuộc phần mở đầu.
Sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên 7- Bộ sách Chân trời sáng tạo. Ảnh: Minh Khoa
Như vậy, đến lớp 7 môn Khoa học tự nhiên đã chia gần như thành 3 phần riêng biệt, và các chủ đề của các phân môn Hóa học, Vật lý, Sinh học gần như không có liên quan nhau trong mạch kiến thức.
Người viết khó tìm thấy phần tích hợp trong khi dạy các chủ đề của các phân môn khác nhau.
Ví dụ trong sách Khoa học tự nhiên 7- Bộ sách Chân trời sáng tạo, ở chủ đề 1, 2 thuộc phân môn Hóa học là Nguyên tử, nguyên tố, phân tử đến chủ đề 3 Tốc độ thuộc phân môn Vật lý, trình bày về chuyển động cơ học, đứng yên của vật và cả chủ đề 4, 5, 6 của phân môn Vật lý là Âm thanh, Ánh sáng và Từ cũng không có liên quan, tích hợp gì với chủ đề của phân môn Hóa học.
Học sinh học xong chủ đề 6 Từ thuộc phân môn Vật lý thì chuyển sang chủ đề 7 Trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở sinh vật cũng khó tìm thấy phần liên quan, tích hợp với chủ đề Từ hay các của đề thuộc phân môn Vật lý, Hóa học.
Sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý đã chia thành các phần khác nhau, tách biệt, rất khó tìm thấy phần nội dung tích hợp.
Việc dạy những phân môn tách biệt trong 1 quyển sách, gọi là môn tích hợp, dự kiến giao cho 1 giáo viên giảng dạy rõ ràng là việc gây khó cho nhà trường và giáo viên, làm khổ học sinh.
Học sinh học xong các chủ đề hóa học ở đầu lớp 7 trong khoảng 5 - 6 tuần, sau đó bỏ hẳn không học gì về kiến thức hóa học đến năm lớp 8 thì liệu các em có còn nhớ gì về kiến thức của phân môn Hóa học đã học ở lớp 7, học sinh khi đó lại phải học lại từ đầu. Người viết cho rằng chưa ổn trong việc tiếp thu kiến thức liên tục của học sinh.
Giáo viên bồi dưỡng xong liệu đủ kiến thức dạy được 2, 3 phân môn trong môn tích hợp?
Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT được ban hành ngày 21/7/2021 cho phép người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng được học thêm từ 20-36 tín chỉ để dạy môn tích hợp, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở.
Hai quyết định trên đều quy định: " Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Lịch sử và Địa lý và Khoa học tự nhiên."
Và trong các hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện chương trình mới về môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý đều nêu " Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học".
Như vậy, không sớm thì muộn, 1 giáo viên sẽ đảm nhận cả 2 phân môn Lịch sử, Địa lý của môn Lịch sử và Địa lý; đảm nhận cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học của môn Khoa học tự nhiên.
Tuy nhiên, người viết có nhiều băn khoăn sau khi bồi dưỡng, giáo viên liệu có đủ kiến thức để dạy môn tích hợp, nếu giáo viên sau bồi dưỡng không đạt kiến thức thì học sinh sẽ vô cùng thiệt thòi.
Trong bài viết "Dạy môn tích hợp: Giáo viên Vật lý, Sinh mất bao lâu để nhớ được bảng nguyên tố?" đã nêu giáo viên đang giảng dạy với rất nhiều công việc tại trường sau khi bồi dưỡng sẽ rất khó đủ kiến thức để giảng dạy được cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học.
Người viết cho rằng rất khó để tìm được giáo viên nào sau khi bồi dưỡng nắm được kiến thức chuyên sâu của cả 3 phân môn để giảng dạy cho học sinh theo kiểu biết 10 dạy 1.
Các tiết dạy minh họa đa số của phân môn nào do giáo viên đó dạy, người viết chưa tìm thấy các tiết minh họa cả 3 phân môn do 1 giáo viên dạy.
Chỉ riêng cách đọc tên Hóa học theo tiếng Anh đã làm khó không chỉ cho giáo viên Vật lý, Sinh học mà cả giáo viên Hóa học trước đây.
Người viết trao đổi với thầy H. hiện là tổ trưởng tổ Hóa - Sinh về cách đọc tên nguyên tố hóa học, hợp chất về tên gọi các nguyên tố hóa học thì bất ngờ thầy cho biết thầy cũng không biết đọc.
Thầy H. tâm sự, thầy đã dạy gần hơn 30 năm, đọc theo ký hiệu thông thường đã quen, với lại trước đây thầy học ngoại ngữ tiếng Pháp nên giờ thấy các nguyên tố hóa học đọc bằng tiếng Anh thầy cũng chưa biết cách đọc, và thầy cũng cho biết thầy còn 5 năm nữa về hưu thầy cũng sẽ khó tiếp thu và nhớ những ký hiệu, hợp chất theo tiếng Anh.
Tên gọi hóa chất đều được viết bằng tiếng Anh. (Ảnh: Bùi Điện Bàn)
Khi được hỏi về việc thầy có định học chứng chỉ tích hợp không, thầy cho biết, thầy đã lớn tuổi, chỉ mong nhà nước tạo điều kiện cho nghỉ hưu trước tuổi, thầy không thể học được nữa khi sức khỏe, trí nhớ giảm sút, nhiều bệnh tật.
Bản thân người viết có thâm niên 20 năm giảng dạy, chỉ chuyên môn Vật lý, kiến thức Hóa học, Sinh học không còn nhớ gì, giờ vừa công tác, vừa gia đình, vừa sức khỏe giảm sút nên cũng khó có thể thu xếp thời gian để bồi dưỡng và cho rằng với các Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT với vỏn vẹn 3 tháng học để nắm kiến thức dạy được tốt cả 3 phân môn, điều này khó khả thi.
Nghịch lý là một giáo viên có bằng cử nhân chuyên ngành chỉ 1 môn, thời gian học tập trung đã từ 4-5 năm, khi ra trường vừa dạy vừa bồi dưỡng thường xuyên, vừa cập nhật kiến thức mà vẫn còn sai sót, còn chưa hài lòng về bài dạy của mình.
Trong khi đó, Quyết định 2454 lại quy định giáo viên học thêm 2 phân môn khác, vừa học vừa làm chỉ trong vòng 3 tháng ngắn ngủi mà yêu cầu dạy cả 3 phân môn thì khó có thể có giáo viên nào đáp ứng.
Khi khó có giáo viên đáp ứng thì học sinh sẽ là người chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Do đó, người viết xin tha thiết kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu cẩn thận về các Quyết định 2454, 2455 về bồi dưỡng môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý vì hiệu quả của nó chưa được kiểm chứng nhưng lại tốn thời gian, kinh phí quá lớn (có thể từ ngân sách hoặc do người học tự đóng góp).
Một giáo viên đã học và có chứng chỉ tích hợp Khoa học tự nhiên cho biết sau khi học xong thì cũng như chưa học vì chương trình học dạy theo giáo trình chuyên sâu bậc đại học trong khi kiến thức phổ thông giáo viên đã quên gần hết, nên việc học như "cưỡi ngựa xem hoa", học xong rất khó để vận dụng.
Người viết cho rằng, phương án tốt nhất là ở môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên lớp 8, 9 vẫn để 2, 3 phân môn trong 2, 3 quyển sách khác nhau, phần tích hợp thuộc nội dung nào thì do giáo viên đó dạy, cho điểm riêng và nhập điểm trên phần mềm theo tỷ lệ phần trăm bộ môn, phần mềm sẽ tổng hợp điểm của 3 môn và đánh giá năng lực tự nhiên, chuyên biệt.
Đối với lớp 6, 7 vẫn để như hiện hành nhưng ưu tiên những giáo viên đã bồi dưỡng và những giáo viên trẻ có khả năng tự bồi dưỡng, có kiến thức dạy cả 2, 3 phân môn, tiến tới vài năm sau có các em sinh viên ngành Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở các trường đại học ra trường để giảng dạy mà không cần bồi dưỡng thêm cho giáo viên hiện tại vì có thể tốn kinh phí lớn, khó hiệu quả.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Các Bộ, ngành phải giải quyết vấn đề giáo viên, quỹ đất xây trường Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 14/CT-TTg về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông. Trong đó những vấn đề nóng đặt ra đầu năm học 2022 - 2023 như thừa thiếu giáo viên cục bộ, trường học qua tải, phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho...