Luật Giáo dục 2019: 4 quy định mới mọi giáo viên cần lưu tâm
Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14/6. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Ngoài quy định chung về chính sách giáo dục và hệ thống giáo dục quốc dân, Luật Giáo dục 2019 còn có nhiều nội dung đáng chú ý khác liên quan đến giáo viên.
1. Nghiêm cấm ép buộc học sinh học thêm để thu tiền
Tại Điều 22, Luật quy định 06 hành vi bị nghiêm cấm trong trường học, trong đó có một số hành vi giáo viên cần lưu ý như: Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền; Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể của người học; Xuyên tạc nội dung giáo dục…
Đây là những quy định lần đầu tiên được đưa vào Luật Giáo dục 2019, trước đây Luật Giáo dục 2005 không hề đề cập đến mà chỉ được đề cập đến trong các văn bản dưới luật.
2. Yêu cầu cao hơn về trình độ chuẩn của giáo viên
Một thông tin quan trọng của Luật Giáo dục 2019 mà giáo viên cần lưu ý là kể từ ngày Luật này có hiệu lực (năm 2020), trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên được yêu cầu cao hơn so với hiện nay.
Ảnh minh họa.
Điều 72 của Luật này quy định như sau:
- Giáo viên mầm non: Phải có bằng cao đẳng sư phạm (trước đây chỉ yêu cầu bằng trung cấp sư phạm)
- Giáo viên tiểu học: Phải có bằng cử nhân sư phạm (trước đây chỉ yêu cầu bằng trung cấp sư phạm)
- Giáo viên trung học cơ sở: Phải có bằng cử nhân sư phạm (trước đây chỉ yêu cầu có bằng cao đẳn sư phạm hoặc bằng cao đẳng ngành khác nhưng có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm)
- Giáo viên trung học phổ thông: Phải có bằng cử nhân sư phạm (trước đây có bằng đại học ngành khác và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cũng được chấp nhận)
- Giảng viên đại học: Phải có bằng thạc sĩ (trước đây chỉ yêu cầu có bằng đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm)…
3. Tiền lương, phụ cấp của giáo viên được quy định cụ thể hơn
Video đang HOT
Điều 76 quy định về tiền lương của giáo viên như sau: Giáo viên được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp. Đồng thời, được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.
So với quy định trước đây tại Luật Giáo dục 2005, chính sách tiền lương và phụ cấp của giáo viên đã được quy định cụ thể và rõ ràng hơn, đặc biệt là bổ sung quy định giáo viên được xếp lương “ phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp”.
4. Làm trái ngành sau 2 năm tốt nghiệp phải hoàn trả học phí
Trong quá trình học, Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học cho sinh viên sư phạm.
Tuy nhiên, sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp, cử nhân sư phạm không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn lại khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.
Đây là quy định tại khoản 4 Điều 85 của Luật, cũng là quy định đáng chú ý nhất đối với những người đang là sinh viên sư phạm hoặc có ý định thi vào ngành sư phạm.
Theo Luatvietnam.vn
Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi còn nhiều bất cập về tính hệ thống
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị dự thảo Luật Giáo dục cần được chỉnh sửa theo hướng quy định phân hệ các trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân.
Ngày 15/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giáo dục sửa đổi. Tại đây, nhiều đại biểu quốc hội cũng đã bày tỏ ý kiến của mình quanh một số vấn đề còn vướng mắc tại dự thảo luật này.
Mở đầu phiên làm việc, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) cho rằng:
"Qua nghiên cứu luật Giáo dục (sửa đổi) tôi nhận thấy có nhiều vấn đề lớn mang tính bao trùm hệ thống giáo dục, khi luật Giáo dục (gốc) được ra đời sau luật chuyên ngành và luật Giáo dục (sửa đổi). Ở đây, tôi góp ý 2 vấn đề về dự án luật Giáo dục (sửa đổi) lần này như sau:
Thứ nhất, luật Giáo dục quy định các vấn đề chung của giáo dục, các luật chuyên ngành phải được xây dựng trên cơ sở luật Giáo dục.
Hiện dự án luật Giáo dục (sửa đổi) còn nhiều vướng mắc về luật Giáo dục đại học như mục tiêu giáo dục đại học, hội đồng trường tư thục, hoạt động không vì lợi nhuận...
Qua rà soát tôi nhận thấy Luật Giáo dục có ít nhất 16 nội dung được sửa đổi, bổ sung có liên quan mật thiết đến Luật Giáo dục đại học.
Cụ thể tại các điều: 4, 6, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 46, 51, 52, 53, 54, 59 và 60. Ngoài ra, nếu Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua, Luật Giáo dục đại học phải chờ đến khi Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực mới thực hiện được, nếu không sẽ trái luật. Tôi kiến nghị xem xét lại vấn đề này.
Thứ hai, về hệ thống giáo dục tại Điều 5. Tôi bắt đầu bằng nội dung nêu trong Nghị quyết 29.
Cụ thể nghị quyết nêu: "Đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ giữa các phương thức giáo dục, đào tạo, hội nhập quốc tế". Tuy nhiên, quy định như dự thảo Luật Giáo dục tôi thấy chưa thể chế hóa được nội dung rất quan trọng này".
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) nêu ý kiến (Ảnh: quochoi.vn)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh chỉ ra 3 nội dung. Cụ thể:
Một là chưa hội nhập quốc tế về giáo dục đào tạo. Phân loại giáo dục theo chuẩn quốc tế của UNESCO viết tắt là ISCED 2001 thì các trình độ sơ cấp và trung cấp quy định cho giáo dục nghề nghiệp trong dự thảo Luật Giáo dục là không tương ứng với bất kỳ một cấp độ nào của phân loại này.
Ví dụ, đối với trình độ trung cấp, tùy theo trình độ học vấn đầu vào của người học, nếu người học đã tốt nghiệp phổ thông trung học cơ sở thì chỉ đạt cấp độ 2 của phân loại, vì thời gian đào tạo ngắn. Nếu người học đã tốt nghiệp phổ thông trung học thì đã đạt cấp độ 4 của phân loại.
Nhưng theo dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), cả 2 đối tượng nêu trên đều có cùng một trình độ. Ngoài ra, phân loại này cũng quy định trình độ cao đẳng phải thuộc về giáo dục đại học, trong khi dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) thì cao đẳng không được xem thuộc giáo dục đại học.
Hai là chưa có sự phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Thực tế người học không có hướng đi lên cho dù là cao đẳng, vì muốn học lên cao đẳng còn cần có bằng tốt nghiệp phổ thông.
Do đó, nếu quy định như dự thảo luật sẽ giống như từ trước đến nay, tức là sau trung học cơ sở người học có thể đi vào trung học phổ thông, sau trung học phổ thông người học có xu hướng đi vào đại học.
Vì vậy, đi vào cao đẳng sau này sẽ rất khó học tiếp lên đại học do cấu trúc của 2 trình độ này khác nhau.
Điều này có thể được xem là một trong những nguyên nhân tạo ra cơ cấu nguồn lực bất hợp lý, đó cũng là một trong những lý do cử tri cả nước và đại biểu Quốc hội đã chất vấn rất nhiều về việc sinh viên tốt nghiệp đại học mà không có việc làm, gây lãng phí cho xã hội.
Ba là chưa đảm bảo tính liên thông, tính mở của hệ thống giáo dục. Theo phân loại quốc tế về giáo dục cho thấy hầu hết hệ thống giáo dục của các nước phân thành các cấp độ từ 0 đến 8, tương ứng với giáo dục mầm non, tiểu học, trung học bậc thấp, trung học bậc cao, trung học, cao đẳng, cử nhân hoặc tương đương, thạc sĩ hoặc tương đương, tiến sĩ hoặc tương đương.
Từ cấp độ 2 đến cấp độ 4 được coi là cấp độ giáo dục phổ thông, với các trình độ giáo dục được chia làm 2 hướng là giáo dục phổ thông và giáo dục nghề.
Từ cấp độ 5 đến 8 được gọi là cấp độ giáo dục đại học, với các chương trình giáo dục được chia làm 2 hướng, hàn lâm, hướng nghề nghiệp ứng dụng và hướng chuyên nghiệp.
Quy định như vậy tạo sự thuận tiện trong việc chuyển trường cũng như chuyển từ chương trình giáo dục này sang chương trình giáo dục khác hoặc chuyển từ chuyên ngành đào tạo này sang chuyên ngành đào tạo khác.
Nói cách khác là tạo ra cơ chế liên thông trong toàn hệ thống. Nhờ vậy người học có thể dễ dàng học được chương trình phù hợp nhất, tùy thuộc vào sở thích, năng lực cá nhân hoặc biến động trong thị trường nhân lực.
Tuy nhiên, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đang quy định khối giáo dục nghề nghiệp nằm ở vị trí giáo dục trung học, dưới giáo dục đại học, nếu người học muốn dự tuyển vào cao đẳng phải đồng thời vừa có bằng trung cấp, vừa có bằng trung học phổ thông hoặc đã học và đạt đủ điều kiện khối lượng kiến thức văn hóa phổ thông trung học phổ thông.
Các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng trong khối giáo dục nghề nghiệp cũng không có sự liên thông thật sự.
Nếu người học muốn từ cao đẳng chuyển lên đại học cũng gặp nhiều khó khăn vì có sự khác nhau về cấu trúc chương trình đào tạo do hai cơ quan quản lý khác nhau.
Người học đại học, sau đại học không có sự phân biệt rõ bởi trình độ, văn bằng như định hướng đào tạo như các đại biểu đã nêu.
Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến không thực hiện được phân luồng trung học cơ sở trong nhiều năm qua. Việc chưa tạo ra cơ chế liên thông trong toàn hệ thống, làm cho nhiều học sinh thường chọn học lên đại học thay vì con đường khác.
Từ những phân tích nêu trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị dự thảo Luật Giáo dục cần được chỉnh sửa theo hướng quy định tại khoản 2 Điều 5, cụ thể là về phân hệ các trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm:
a. Giáo dục mầm non, có nhà trẻ và mẫu giáo,
b. Giáo dục tiểu học.
c. Giáo dục trung học có trung học cơ sở và trung học toàn phần. Trung học toàn phần bao gồm 2 luồng: trung học phổ thông và trung học hướng nghiệp
d. Giáo dục nghề có dạy nghề sơ cấp, dạy nghề trung cấp và dạy nghề cao cấp.
e. Giáo dục đại học đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ cử nhân và tương đương, trình độ thạc sĩ và tương đương, trình độ tiến sĩ và tương đương.
"Nếu dự thảo luật được quy định theo hướng như vậy thì sẽ thể chế hóa được Nghị quyết 29, Nghị quyết 19. Tạo ra hình hài của một hệ thống giáo dục mở, theo đó thể hiện rất rõ ràng sự phân luồng người học sau trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng như tính liên thông mỗi luồng cho tới trình độ cao nhất. ...", Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Theo giaoduc.net.vn
Tất cả mọi người đều có cơ hội học tập Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Giáo dục 2019 quy định: Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên (GDTX). Việc bổ sung quy định thúc đẩy việc học tập của người lớn thông qua GDTX phù hợp với xu hướng phát triển...