Lớp học xóa mù cho phụ nữ bản Mông nơi biên giới
Lớp học do Đồn Biên phòng Tri Lễ (BĐBP Nghệ An) phối hợp Trường Tiểu học Tri Lễ 4 tổ chức tại bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong.
Lớp học xóa mù chữ ở bản Huồi Mới xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Clip: Đặng Cường
Từ 7 giờ tối thời tiết vùng cao lạnh giá và nhiều sương mù, địa hình phức tạp, đường đi lại khó khăn, vất vả nhưng chị em phụ nữ người Mông ở bản Huồi Mới (xã Tri Lễ) vẫn rủ nhau tới lớp học xóa mù để học cái chữ. Bản Huồi Mới có 130 hộ, 812 khẩu, trong đó phần lớn phụ nữ không biết chữ. Ảnh: K.L
Khóa học có 53 học viên chủ yếu là phụ nữ dân tộc Mông ở bản Huồi Mới đăng ký tham gia được chia làm 2 lớp, một lớp do cán bộ biên phòng Đồn Tri Lễ (BĐBP Nghệ An) trực tiếp giảng dạy. Ảnh: K.L
Lớp khác do thầy giáo Lương Văn Xuyên – giáo viên Trường tiểu học Tri Lễ 4 điểm trường Huồi Mới giảng dạy. Chương trình học gồm 2 môn Toán (60 tiết) và Tiếng Việt (180 tiết). Ảnh: K.L
Để không ảnh hưởng nhiều đến lao động sản xuất và sinh hoạt của bà con, lớp học được tổ chức vào các tối từ thứ Hai đến thứ Năm hàng tuần. Lớp học khai giảng từ ngày 5/12 và sẽ được triển khai trong vòng 4 tháng. Kết thúc khóa học sẽ kiểm tra đánh giá kết quả và cấp chứng chỉ cho các học viên. Ảnh: KL
Nhiều chị em người Mông có con nhỏ nhưng vẫn cố gắng thu xếp việc nhà, quyết tâm tới lớp để học cái chữ. Các chị đi học đúng giờ và chăm chỉ, nhiều chị chưa nghỉ buổi nào như chị Lỳ Y Xì, Thò Y Xai… Ảnh: KL
Trung úy Lỳ Bá Chùa (Đồn Biên phòng Tri Lễ) quê ở Kỳ Sơn cũng là người dân tộc Mông, được giao phụ trách giảng dạy một lớp gồm 27 học viên cho biết: Lớp học nhằm giúp đỡ đồng bào, nhất là phụ nữ dân tộc Mông tại bản Huồi Mới biết đọc, biết viết, tính toán, góp phần nâng cao kiến thức, thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở khu vực biên giới. Năm ngoái, Đồn biên phòng Tri Lễ cũng đã tổ chức một lớp học xóa mù cho 26 học viên phụ nữ người Mông ở bản Pả Khốm. Ảnh: KL
Được sự hướng dẫn tận tình của thầy giáo mang quân hàm xanh, sau vài buổi học, nhiều phụ nữ Mông ở Huồi Mới đã có sự tiến bộ rõ rệt. Ảnh: KL
Có những học viên chăm chỉ như chị Thò Y Xia dù mới học được vài hôm nhưng đã biết viết nhiều chữ. Chị Xia cho biết ngày đi rẫy, tối chị tranh thủ nhờ chồng trông 2 đứa con để đến lớp xóa mù, những hôm không tới lớp, chị tranh thủ học ở nhà. Ảnh: KL
Trong lớp của thầy giáo quân hàm xanh Lỳ Bá Chùa có một học viên đặc biệt là anh Thò Bá Và (SN 1979), học viên nam duy nhất đi học cùng vợ là chị Lỳ Thị Bi. Anh Thò Bá Và cho biết vì anh muốn học cái chữ để thi lấy bằng lái xe thuận tiện cho việc tham gia giao thông. Ảnh: KL
Bình thường lớp học bắt đầu từ lúc 7 giờ và kết thúc vào 9 giờ nhưng cũng có khi, học viên say sưa học đến 10h tối. Ảnh: K.L
Lính biên phòng vượt núi mang con chữ lên bản vùng cao
Ngày nào cũng vậy, dù mưa hay nắng, Trung uý người dân tộc Mông Vàng Lao Lừ, cán bộ thuộc Đồn biên phòng Mường Lạn (Sơn La) cùng chiếc xe máy cà tàng vẫn vượt núi, băng rừng hàng chục cây số đến lớp dạy xoá mù chữ tại các bản vùng cao nơi đây.
Với người dân nơi vùng cao biên giới xa xôi Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, trung úy Vàng Lao Lừ, cán bộ Đồn biên phòng Mường Lạn thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đứng chân trên địa bàn thực sự là thầy giáo của bản Mường. Không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, mà anh còn là thầy giáo quân hàm xanh góp sức mang con chữ về cho dân bản.
Trung úy Vàng Lao Lừ chia sẻ về những khó khăn khi tất cả học viên đều là những người chưa bao giờ biết đến cái chữ, con số và phần đa học viên lại lớn tuổi nên khả năng tiếp thu cũng hạn chế. Nhưng cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào, anh cảm nhận rõ được sự vất vả, bất cập của bà con khi không biết chữ. Và điều đó càng thôi thúc anh vượt qua mọi khó khăn để xóa mù chữ bằng được cho bà con.
"Với trách nhiệm của một người cán bộ, đảng viên trẻ, tôi nhận thức sâu sắc về vấn đề tiên phong gương mẫu trong tất cả các công việc. Đặc biệt, tôi về đây được Đảng uỷ, Ban chỉ huy Đồn rất tin tưởng, giao nhiệm vụ đứng lớp, giảng dạy xoá mù chữ, thế nên tôi luôn suy nghĩ rằng bản thân cần phải cố gắng và làm được nhiều điều cho nhân dân "- Trung uý Vàng Lao Lừ chia sẻ.
Trung uý Vàng Lao Lừ trên đường đi dạy xoá mù chữ.
Mường Lạn là xã vùng cao biên giới, đặc biệt khó khăn của huyện Sốp Cộp. Toàn xã có 16 bản, trong đó có 9 bản biên giới, với trên 54km đường biên giới với nước bạn Lào, đời sống của đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, tỷ lệ mù chữ ở xã còn cao, với trên 1.000 người, tập trung chủ yếu ở nữ giới. Muốn giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo, trước hết phải giúp bà con xóa mù chữ để biết tính toán, làm ăn.
Trăn trở với suy nghĩ đó, cộng với thực tế địa bàn, Trung uý Vàng Lao Lừ đã tham mưu cho Ban Chỉ huy Đồn, phối hợp với chính quyền địa phương, phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Sốp Cộp khảo sát, mở hai lớp học xóa mù chữ tại 2 bản có 100% đồng bào Mông là Co Muông và Noong Phụ, mỗi lớp có gần 40 học viên và anh cũng trong vai thầy giáo quân hàm xanh trực tiếp giảng dạy cho bà con.
Các lớp học của thầy giáo quân hàm xanh - Trung úy Vàng Lao Lừ rất đặc biệt bởi học trò có đủ các lứa tuổi, người ít nhất 15 tuổi, nhiều hơn là các bà, các mẹ đồng bào Mông 50 tuổi cũng hăng hái đến học cái chữ. Để giúp học viên nhanh biết đọc, biết viết, tận dụng lợi thế bản thân là người Mông, anh phiên dịch, dạy song song cả tiếng mẹ đẻ và tiếng phổ để uốn nắn từng cái chữ, con số cho học viên.
Ngoài dạy chữ, các phép tính sơ giản, anh linh hoạt lồng ghép những kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như trồng cây ăn quả trên đất dốc, cách phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, vệ sinh làng bản... nên học viên tiếp thu bài rất nhanh, dễ hiểu và dễ làm theo. Do các lớp xóa mù chữ ở xa đơn vị, đường xá đi lại rất khó khăn, nên nhiều đêm anh ở lại luôn bản để có thêm thời gian dạy học viên đọc, viết, làm phép tính.
Anh Sồng A Lau và chị Giàng Thị Sông, 2 học viên của thầy Vàng Lao Lừ tại lớp học bản Noong Phụ, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp đã tâm sự : "Thầy Lừ lên dậy ở đây còn hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng cây các loại. Bây giờ gà, vịt gia đình nuôi không chết vì dịch như trước kia. Cuộc sống của bà con ở đây đã khấm khá hơn trước rồi".
"Tôi làm Chi hội trưởng phụ nữ. Trước đây, tôi không biết chữ, nhưng bây giờ đã biết chữ rồi, đọc cũng biết, tính toán cũng biết một ít, biết chữ thì làm việc gì cũng dễ hơn. Có văn bản, giấy tờ ở xã gửi lên, việc triển khai công việc đến chị em hội viên phụ nữ trong bản thuận lợi hơn. Cảm ơn thầy Lừ rất nhiều".
Trung uý Vàng Lao Lừ vận động người dân xoá mù chữ.
Chỉ trong 2 năm 2019, 2020, cán bộ, chiến sĩ thuộc đồn Biên phòng Mường Lạn và Đội sản xuất số 1 thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 326 đứng chân trên địa bàn xã Mường Lạn đã tổ chức được 7 lớp xóa mù chữ cho trên 200 học viên với đủ các lứa tuổi. Ngoài những giờ giảng trên lớp xoá mù, anh Lừ còn trực tiếp phụ đạo, giúp đỡ 05 học sinh đơn vị nhận nuôi tại Đồn theo chương trình "Nâng bước em tới trường'. Biết chữ, việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới đồng bào cũng thuận lợi hơn. Đồng bào thêm tin yêu Đảng, Chính phủ và các anh bộ đội, bảo vệ đường biên, mốc giới, yên tâm lao động sản xuất, làm ăn trên mảnh đất quê hương mình. Và kết quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của Trung úy - Thầy giáo quân hàm xanh Vàng Lao Lừ.
"Mặc dù không qua đào tạo về kỹ năng sư phạm, nhưng với tâm huyết tất cả vì nhân dân phục vụ, những người thầy giáo khoác trên mình màu áo lính đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình, ân cần chỉ bảo, uốn nắn từng nét chữ, từng con số cho học viên. Các anh thực sự đã trở thành những tấm gương sáng trong cuộc sống đời thường, được nhân dân kính trọng, thu hút được đông đảo học viên, duy trì được sĩ số ổn định".
"Bản thân đồng chí không ngại khổ, ngại khó trong bất cứ nhiệm vụ nào. Tất cả các công việc Đảng uỷ, Ban chỉ huy và các cấp giao cho thì đồng chí Lừ nhận và hoàn thành rất tốt, với tinh thần ý thức, trách nhiệm rất cao". - Đây là những đánh giá của Bí thư Đảng uỷ xã Mường Lạn Tòng Văn Hoà và Trung tá Nguyễn Tiến Hiếu, đồn trưởng đồn biên phòng Mường Lạn thêm khẳng định đóng góp của trung uý-thầy giáo quân hàm xanh Vàng Lao Lừ với công tác xoá mù chữ ở địa bàn.
Với những đóng góp tích cực trong bảo vệ an ninh biên giới và xóa mù chữ cho nhân dân, Trung uý Bộ đội biên phòng Vàng Lao Lừ đã được trao tặng nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương. Năm 2017, anh vinh dự là một trong 60 thầy giáo quân hàm xanh toàn quốc dự Lễ tuyên dương các cán bộ, chiến sỹ, thầy giáo quân hàm xanh tại Hà Nội và đạt danh hiệu "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc", "Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân" năm 2018.
Lớp học xoá mù chữ của thầy giáo Vàng Lao Lừ.
Vui vì được các cấp và bà con ghi nhận, nhưng trung úy - thầy giáo quân hàm xanh Vàng Lao Lừ vẫn không nguôi trăn trở bởi đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi vùng cao biên giới còn nhiều gian nan, vất vả, vẫn còn nhiều bà con chưa biết cái chữ.
"Tôi luôn mong muốn những con chữ tôi đem đến cho bà con có thể giúp họ học được, áp dụng được. Thế nên chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ dừng lại công việc này, với hy vọng tương lai bà con sẽ có cuộc sống ấm no hơn. Từ đó sẽ là chỗ dựa vững chắc cho bộ đội biên phòng và cùng bộ đội biên phòng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới tốt hơn trong tình hình mới"- Trung uý Vàng Lao Lừ tâm sự.
Anh nguyện được góp sức trẻ nhiều hơn nữa với công tác xoá mù chữ, để cái chữ sẽ giúp bà con có thêm kiến thức xóa đói giảm nghèo./.
"Bệnh tật chỉ là cơn đau nhất thời, dạy chữ là sứ mệnh cả cuộc đời" Chồng đau yếu rồi mất sớm, mang trong mình bệnh tật đau đớn nhưng cô giáo Lô Thị Thủy vẫn cần mẫn nắn từng nét chữ cho học trò vùng sâu Nậm Nhoóng và chăm sóc 4 đứa con nhỏ. 15 năm làm giáo viên trên mảnh đất chắt chiu từng hạt gạo Nói về Nậm Nhoóng (Quế Phong, Nghệ An) là nói...