Lớp học trường làng ở Nghệ An có 37 em đạt trên 26 điểm thi THPT quốc gia
Không phải là trường chuyên danh tiếng, nhưng Kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, Trường THPT Tân Kỳ có một lớp học đạt tỷ lệ điểm xét tuyển đại học rất cao. 37/44 học sinh đạt điểm xét tuyển 3 môn trên 26 điểm.
Đó là lớp 12C9 do thầy Phạm Công Thành làm giáo viên chủ nhiệm. Lớp có 10 nam và 34 nữ. Trong Kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua có 29 em đạt điểm xét tuyển đại học khối D01 (Văn, Toán, Tiếng Anh) trên 26 điểm. Nổi bật là em Nguyễn Thị Nguyệt với 29,25 điểm, em Nguyễn Thị Như Hảo với 28,45 điểm, em Nguyễn An Chi với 28,2 điểm…
Thầy Thành chụp ảnh cùng một số em trong lớp. Ảnh: NVCC
Lớp có 2 em được tuyển thẳng vào Học viện Ngoại giao là em Nguyễn An Chi và Đào Thị Cẩm Ly; Ngoài ra, có nhiều em đạt điểm xét tuyển các khối thi rất cao như khối C03 (Văn, Toán, Lịch sử) có em Phạm Quang Huy với 29,1 điểm; Khối C00 (Văn, Lịch sử, Địa lý) có em Nguyễn Thị Hậu đạt 28,25 điểm; Khối D14 (Văn, Lịch sử, Tiếng Anh) có em Nguyễn Thị Thanh Phương đạt 29,01 điểm; Khối D78 (Văn, Khoa học xã hội, Tiếng Anh) có em Trần Quỳnh Trang với 36 điểm (Ngữ văn nhân đôi); Khối D66 (Văn, Giáo dục công dân, Tiếng Anh) có em Lê Thị Hạnh Nguyên đạt 27,2 điểm…
Ngoài ra, có 2 bạn đạt điểm 10 gồm: Ngô Thị Yến (môn Giáo dục Công dân) và Nguyễn An Chi ( môn Tiếng Anh); Lớp cũng có 1 em đạt Thủ khoa Ngữ văn của tỉnh là em Nguyễn Thị Huyền Thương đạt 9,75 điểm.
Video đang HOT
Lớp học này cũng có đến 26 em đạt điểm từ 9 trở lên môn Ngữ văn và 25 em đạt từ 9 điểm trở lên môn Tiếng Anh. Điểm trung bình môn Ngữ văn của lớp rất cao, đạt 8,9375 điểm.
Tập thể lớp 12C9. Ảnh: NVCC
Là người có thành tích cao nhất trong lớp, em Nguyễn Thị Nguyệt chia sẻ: “Em khá bất ngờ với kết quả đạt được, trước khi thi, tâm lý khá thoải mái vì em nghĩ ngoài khả năng của bản thân còn có yếu tố may mắn. Lúc biết điểm em phấn khởi lắm. Để đạt được điểm số này, em muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả các thầy, cô giáo và đặc biệt là thầy Thành chủ nhiệm đã tận tình dạy bảo, không chỉ riêng em mà cả lớp 12C9″.
Lớp 12C9 có 44 học sinh, là một tập thể vững mạnh, trong Kỳ thi Học sinh giỏi tỉnh năm 2021, đã đạt được nhiều thành tích: Môn Văn (3 giải Ba), môn Tiếng Anh (2 giải Ba), môn Giáo dục Công dân (3 giải Nhì). Tổng kết năm học lớp 12, tất cả các em học sinh của lớp đều được xếp học lực loại giỏi.
Trong lớp nhiều em là tấm gương vượt khó học giỏi, điển hình là em Phan Thị Quỳnh, bố bị tai nạn giao thông liệt nửa người phải điều trị dài ngày ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, mẹ phải chăm bố. Kinh tế gia đình đã cạn kiệt, Quỳnh đi học về phải thay mẹ lo lợn, gà, cơm nước và chăm em rất vất vả nhưng Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia vừa qua, Quỳnh đã rất cố gắng và đạt được 26,8 điểm.
Thầy Phạm Công Thành không giấu nổi niềm tự hào: “Để có được thành tích đó, đặc biệt là điểm xét tuyển các khối thi của lớp 12C9 khá cao trong Kỳ thi THPT Quốc gia, trước hết là nhờ vào ý thức học tập, tinh thần vượt khó của các em học sinh; sự quan tâm của nhà trường, của tổ nhóm chuyên môn trong việc lên kế hoạch, định hướng ôn tập; giáo viên bám sát việc rèn luyện kỹ năng làm bài cho học sinh, tổ chức thi thử nhiều lần với những đề thi được đầu tư cao về chất xám; thực hiện chia nhóm trong lớp để học, thi, tạo nên không khí thi đua sôi nổi giữa các nhóm, qua đó các em cũng có thể giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau để tiến bộ nhanh hơn…”.
“Tập thể 12 C9 là một tập thể đoàn kết, năng động, tình cảm và luôn có tinh thần cố gắng trong học tập. Cho đến thời điểm hiện tại các em có thể tự hào vì những kết quả mình đã đạt được” – thầy Lê Khắc Thục – Hiệu trưởng Trường THPT Tân Kỳ khẳng định.
Với nỗ lực và quyết tâm lớn, lớp 12C9 đã đạt kết quả tốt tại Kỳ thi THPT Quốc gia 2021. Bất ngờ nhất là nhiều em lớp 10, 11 lực học rất bình thường, nhưng lớp 12 đã cố gắng vượt bậc đạt điểm cao. Hy vọng, đây là những tín hiệu đáng mừng, là cú hích mạnh mẽ cho các em trên bước đường tương lai.
Nỗi buồn môn Lịch sử
Ngày 26-7, Bộ GD-ĐT công bố kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Theo thống kê, môn Lịch sử tiếp tục có điểm dưới trung bình "đội sổ", điểm thi thấp nhất trong tất cả các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Nỗi buồn môn Lịch sử lặp lại với những ai quan tâm đến môn học này.
Điểm trung bình 9 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1
Không buồn sao được khi đọc hàng loạt những "cái nhất" không tích cực về kết quả thi của môn Lịch sử trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021: số thí sinh có điểm thi dưới trung bình nhiều nhất (52,03%), số điểm liệt nhiều nhất (540 thí sinh), điểm trung bình thấp nhất (4,97).
Không phải riêng năm 2021, những năm học trước đây, môn Lịch sử cũng có điểm trung bình rất thấp: năm 2016 điểm trung bình là 4,49; năm 2017 là 4,6; năm 2018 là 3,79; năm 2019 là 4,3; năm 2020 là 4,5. Tại sao môn Lịch sử luôn có điểm số thấp như vậy?
Có nhiều nguyên nhân, đầu tiên là môn học được ít học sinh lựa chọn để lấy điểm xét tuyển vào đại học. Phụ huynh và học sinh luôn chọn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tiếng Anh để tìm con đường vào đại học vì các ngành học của các tổ hợp môn học đó luôn hấp dẫn, ra trường có thể tìm được công việc có thu nhập cao. Việc học cho có, học lệch, quay lưng với môn Lịch sử là một thực tế.
Bên cạnh đó, nội dung chương trình, sách giáo khoa hiện hành được nhiều giáo viên cho rằng còn nặng nề về kiến thức, có quá nhiều số liệu về sự kiện lịch sử, những con số về kết quả các trận đánh, những chiến dịch, rồi ngày tháng năm... đòi hỏi học sinh phải ghi nhớ. Giáo viên chưa thực sự đổi mới phương pháp dạy học, còn nặng về dạy học theo hướng tiếp cận nội dung, chưa chuyển qua theo hướng phát triển năng lực cho học sinh. Học sinh ngán, chưa hứng thú, không đam mê với môn học là điều dễ hiểu.
Thực tế cho thấy, giảng dạy lịch sử từ cái "móng" ở cấp tiểu học là điều đáng cho ta suy nghĩ. Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT chỉ đạo sát sao việc dạy lịch sử ngay từ lớp 4-5 theo phương pháp dạy học tích cực. Một giáo viên tiểu học chia sẻ, thật lòng mà nói, dạy môn Lịch sử ở cấp tiểu học còn một bộ phận giáo viên chưa chú trọng đầu tư soạn bài giảng. Vì giáo viên tiểu học dạy nhiều môn nên việc cắt xén thời gian của môn Lịch sử để dành cho môn Toán, Tiếng Việt là có. Giáo viên coi nhẹ môn học, giảng dạy thiếu lôi cuốn, khô khan, ít sáng tạo trong sử dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học nên khó lan tỏa ngọn lửa yêu thích, say mê môn học cho học sinh.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đang được triển khai thực hiện theo lộ trình đã xây dựng các môn học nói chung và môn Lịch sử nói riêng chuyển từ tiếp cận nội dung sang hướng tiếp cận năng lực. Hy vọng trong thời gian tới, các trường học sẽ chú trọng hơn trong việc đổi mới, sáng tạo phương pháp dạy và học môn Lịch sử nhằm giúp học sinh yêu thích học môn này hơn, để môn Lịch sử không còn là điệp khúc buồn vào mỗi kỳ thi.
45 học sinh cùng lớp ở Hà Nội được tuyển thẳng đại học Trước khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021, 45 học sinh lớp 12A1 trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội đã được tuyển thẳng vào các trường đại học top đầu. Cô Nguyễn Thị Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội nhận tin 45 học trò trong lớp trúng tuyển...