Lớp học miễn phí của bà lão bán vé số
Chiều đến, sau khi bán hết xấp vé số, bà Nguyễn Thị Ba, 72 tuổi, ở TP Thủ Dầu Một, đi bộ đến lớp tình thương để dạy kèm học trò nghèo.
Bà Nguyễn Thị Ba, ở phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương là giáo viên tiểu học đã về hưu được 7 năm nay.
Chỉ vào tấm ảnh cũ có mặt mình chụp năm 1974 ở Đại học Sư phạm Sài Gòn, bà nói: “Tôi chụp cùng bạn học trong lớp tu nghiệp giáo chức tiểu học. Hồi đó ai cũng đôi mươi mà giờ đều về hưu hết rồi, có người đã sang nước ngoài định cư hoặc không còn nữa”, bà nói.
Năm 2003, bà về hưu, vì không có chồng con nên chuyển về Vĩnh Long sống cùng gia đình anh trai một thời gian. Nhưng vì nhớ quê hương, bạn bè và học trò nên bà về lại Bình Dương thuê trọ, sống bằng khoản lương hưu và tiền dạy kèm.
“Năm năm trước tôi đã tính vào viện dưỡng lão sống. Sau khi đến tham quan tôi nhận ra nếu vào đây thì mình sẽ buồn chán vì chẳng biết làm gì nữa”, bà Ba kể. Từ đó, bà chọn đi bán vé số cho đỡ phải ngồi không ở nhà.
Mỗi ngày, bà lấy khoảng 100 tờ vé số, đi bán ở các quán cà phê, nhà hàng… quanh khu phố, từ sáng đến chiều.
Trong lúc đi bán, bà cụ 72 tuổi gặp nhiều em nhỏ phải mưu sinh sớm, phần lớn đều học hành dang dở hoặc không biết chữ. Nghĩ mình là giáo viên lại vẫn còn sức khoẻ, bà xin vào dạy học miễn phí cho một lớp học tình thương trong phường Phú Cường.
Khoảng 15h sau khi bán xong vé số, bà Ba về lại phòng trọ soạn sơ giáo án trước khi đến lớp học tình thương lúc 16h30.
Lớp tình thương cách nhà gần 2 km, bà thường đi bộ đến, chỉ khi nào mệt mỏi mới gọi xe ôm chở. Lớp học bắt đầu lúc 17h30 nhưng bà giáo già thường đến sớm khoảng một tiếng để chuẩn bị bữa ăn chiều, do mạnh thường quân tài trợ cho các bé.
Trước giờ vào học, bà Ba cùng lớp trưởng điểm danh sĩ số. Lớp hiện tại có 19 học sinh nhưng rải đều từ lớp 1 đến lớp 5. Hầu hết học trò đều có hoàn cảnh khó khăn, học không đúng lứa tuổi, có bé phải đi làm thêm từ sớm.
Video đang HOT
Sau phần điểm danh, bà giáo về hưu nhận xét từng bài kiểm tra của học trò. “Từng bài tôi đều có lời phê kỹ càng và nhận xét cụ thể. Em nào làm bài tốt, thể hiện sự tiến bộ tôi đều đề nghị cả lớp vỗ tay động viên”, bà Ba nói.
Lớp học tình thương rộng chừng 15 m2, có bàn cao thấp khác nhau vì học trò ở nhiều lứa tuổi. Bà Ba đảm nhận dạy tiếng Việt và những môn khoa học xã hội, trong khi môn khoa học tự nhiên do một thầy khác giảng dạy.
Ba chị em Yến Nhi (16 tuổi, góc phải) chăm chú trao đổi sau khi được giao bài tập. Cả ba chị em đều học hành dang dở, đang theo học chương trình lớp 5, ban ngày đi phụ bán quán phở. Ngoài ra, em trai của Nhi cũng đang học lớp 3 tại đây.
“Mấy chị em theo học lớp cô Ba từ năm lớp một đến giờ rồi. Cô dạy tận tình, chỗ nào không hiểu cô đều chỉ cặn kẽ. Trong giờ học cô nghiêm khắc lắm, không chỉ dạy kiến thức mà còn chỉ bọn em biết điều hay lẽ phải”, Yến Nhi cho biết.
Huỳnh Thị Kim Hạnh là học sinh lớn tuổi nhất lớp, 33 tuổi. Chị mới đi học khoảng bốn năm nay, đang theo chương trình lớp 5. Chị không được nhanh nhẹn, tư duy chậm nên học yếu hơn bạn bè, mới thành thạo đọc viết.
“Lúc trước có mấy bạn tình nguyện viên đến dạy nhưng mỗi người một kiểu nên tôi học mãi không vô. Nhờ có cô Ba chỉ dạy mà tôi tiến bộ dần, năm nào cũng lên lớp. Cô tốt lắm, học trò nào cũng tìm hiểu hoàn cảnh để tặng quà, thực phẩm, sách vở…”, chị Hạnh nói.
19h, sau khi dạy xong, bà Ba lại đi bộ về phòng trọ. Có những hôm ở nhà buồn, bà tranh thủ bán thêm ít vé số vào buổi tối.
Trong căn nhà trọ rộng 15 m2, nếu hôm nào không phải chấm bài kiểm tra, bà giáo thường ngồi trên ghế coi tivi. Bà cho biết, một tháng kiếm được gần 3 triệu đồng từ bán vé số sẽ dành khoảng một nửa giúp đỡ học trò, người nghèo. Phần lương hưu bà dùng để trả nhà trọ, chi tiêu sinh hoạt cũng như tiết kiệm cho tuổi già.
“Tôi thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại khi được làm công việc mình yêu thích lại không quá lo lắng về tiền bạc. Hơn nữa tôi cũng ít bệnh tật, giờ chỉ mong có sức khỏe để dạy các em biết chữ”, bà giáo già tâm sự.
Thầy giáo công nhân 10 năm mở lớp học miễn phí
Tan ca, anh Hoàng Trọng Khánh, 39 tuổi, ở quận 9 vội vã về phòng trọ để dạy kèm cho những học trò nghèo.
10 năm nay, lớp học miễn phí của anh Hoàng Trọng Khánh, trên đường 22 (phường Phước Long B, quận 9) luôn sáng đèn hàng ngày. Lớp nằm trên tầng lầu của phòng trọ rộng 30 m2, có khoảng 50 học sinh, chủ yếu là con công nhân từ lớp 6 đến lớp 9.
"Thầy giáo" Khánh hiện là công nhân tại công ty thuốc tại TP HCM. Mỗi tối, anh dạy từ 17h30 đến 21h, chia thành hai ca học, mỗi ca hai khối. Các môn học gồm có Toán, Lý, Hóa, Văn, Tiếng Anh.
Trong bộ trang phục công nhân sau giờ làm, anh say sưa giảng Truyện Kiều cho nhóm học sinh lớp 9. "Ngày mới về khu này, tôi thấy đám con nít mặt mũi lấm lem đang đọc sách chăm chỉ mà không ai dạy kèm, nhìn vừa thương lại đáng yêu. Tôi sợ các em sẽ bỏ học vì nghèo nên quyết định dạy miễn phí", nam công nhân quê ở Thừa Thiên Huế cho biết.
Ngày đầu lớp học chỉ vài em, học trong túp lều ở khu đất trống, sau đó được người dân dựng cho căn nhà tạm bợ. Ba năm nay, anh Khánh thuê được nhà nguyên căn, vừa làm nơi ở và dạy học. Chủ nhà thấy việc làm thiện nguyện đã bớt tiền trọ, cho thuê 3 triệu đồng một tháng.
Ngọc Phương (lớp 9, phường Phước Long A) chăm chú nghe thầy giảng trong tiết học Văn. Phương học trong lớp được ba năm, cha làm công nhân, mẹ mất khả năng lao động.
"Các giáo viên đều nhận xét em tiếp thu bài chậm hơn các bạn. Từ khi học lớp chú Khánh nên được củng cố kiến thức vững hơn. Chú dạy cũng dễ hiểu, nhờ vậy ba năm qua em đều được học sinh giỏi", Phương nói.
Trích số tiền lương công nhân dành dùm được, anh Khánh mua bàn ghế, bảng, bút, sách vở... để dạy học. Dù vậy các thiết bị giảng dạy vẫn đầy thiếu thốn. Không có máy chiếu, với những tiết học cần hình ảnh minh họa, anh phải mở những đoạn phim, ảnh, nhạc... trên điện thoại để dạy học trò.
Chỉ học hết lớp 12 nên lúc đầu, anh Khánh chưa có được nghiệp vụ sư phạm bài bản. Thời gian sau, anh tìm gặp giáo viên của các bé học hỏi cách giảng dạy và bổ sung thêm kiến thức mới...
"Khó nhất là môn Tiếng Anh vì tôi không giỏi ngoại ngữ. Những môn khác tôi đã có sẵn kiến thức nền nên tự trau dồi thêm được để dạy các bé theo đúng chương trình mới của Bộ Giáo dục", anh công nhân nói.
Trong giờ dạy môn Vật lý lớp 6, thấy Minh Mẫn ngồi học sai tư thế, thầy giáo liền ngưng giảng, tận tình chi học trò cách ngồi học đúng đắn. Không chỉ truyền đạt kiến thức, anh còn chỉ bảo học trò lễ phép, sống tốt, biết phân biệt điều hay lẽ phải...
Không khí trong lớp học diễn ra vui vẻ, không có khoảng cách thầy trò. Những học sinh cũng đều gọi anh bằng chú một cách gần gũi. Thầy giáo công nhân luôn pha trò, cố tìm những ví dụ thực tế dễ hiểu cho bài giảng của mình.
Thấy Nguyễn Hoàng Tấn Khang (12 tuổi) hết vở viết bài, thầy Khánh liền tặng 10 quyển tập. Những học sinh khác khi thiếu đồ dùng học tập cũng được anh tặng miễn phí.
Tấn Khang là một trong hàng chục học sinh trong lớp có ba mẹ làm công nhân cùng công ty với thầy Khanh. Thấy đồng nghiệp mình mở lớp, họ vui mừng gửi con học mỗi tối.
Khoảng mỗi tháng một lần, thầy Khánh lại trích một phần thu nhập từ đồng lương công nhân mua đồ ăn vặt, bánh kẹo hoặc tổ chức nấu nướng để đãi học trò.
Ngày 21/9, trước giờ học, anh chuẩn bị sẵn khoảng 50 phần trà sữa, là món quà dành cho sự nỗ lực của học trò.
21h15, khi những học sinh cuối cùng rời khỏi lớp, ở tầng trệt của nhà trọ, anh tranh thủ xem thêm các bài giảng khác và chấm bài kiểm tra cho học trò. Người đàn ông 39 tuổi đang sống một mình, chưa lập gia đình vì "duyên số vẫn chưa đến".
Ban ngày, anh Khánh làm công nhân tại công ty thuốc thú y, cách phòng trọ gần 2 km. Anh đã gắn bó với công việc này 10 năm nay, từ ngày đầu mới vào Sài Gòn lập nghiệp.
Thời gian rảnh, anh chăm đàn gà của mình, được nuôi dưới hầm của nhà trọ. Nhờ đàn gà và nghề công nhân, mỗi tháng anh có khoảng 6 triệu đồng để trang trải sinh hoạt và duy trì lớp học.
"Tôi độc thân nên sống sao cũng được, chỉ mong mấy đứa trẻ được học tập đầy đủ, tiến bộ mỗi ngày và thành một công dân có ích cho xã hội là vui rồi", anh công nhân chia sẻ.
Gieo chữ nơi cách trở Thầy Triệu Văn Huynh và cô Lồ Thị Lan là hai gương giáo viên dân tộc thiểu số tiêu biểu, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, cách trở để gieo con chữ cho học trò nghèo vùng sâu vùng xa. Thầy Triệu Văn Huynh (trường THCS Châu Văn Liêm) hướng dẫn đội trống Đội của trường tập luyện Ảnh: Xuân Tùng Vượt...