Lớp học Cầu Vồng
Những ngày cuối tuần, thay vì đi chơi, xem phim, uống trà sữa với bạn bè thì một nhóm học sinh giỏi tiếng Anh của Trường THPT Ngô Quyền và Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh đã lập nhóm The Wonder Project cùng nhau đi dạy tiếng Anh và vui chơi với những trẻ em mồ côi.
Các tình nguyện viên nhóm The Wonder Project đang kèm môn tiếng Anh cho các em ở Trung tâm bảo trợ huấn nghệ cô nhi Biên Hòa. Ảnh: A. Nhiên
Ấp ủ ước mơ thiện nguyện cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhóm The Wonder Project đang khởi động hành trình chia sẻ kiến thức, nhân lên yêu thương với những trải nghiệm thú vị…
* Sẻ chia kiến thức, lan tỏa yêu thương
Buổi chiều cuối tuần, Trung tâm bảo trợ huấn nghệ cô nhi Biên Hòa (thuộc Trung tâm công tác xã hội, Sở Lao động – thương binh xã hội) khá buồn bởi sự tĩnh lặng. Song, ở Lớp học Cầu Vồng do nhóm The Wonder Project tổ chức ở đây lại rất sôi nổi bởi tiếng cười đùa, tiếng đọc ngoại ngữ và cả những lời thoại clip tiếng Anh vui nhộn mà mấy “thầy, cô” giáo trẻ cùng “học trò” của mình đang cùng nhau trải nghiệm.
Bà Vũ Thị Thêu, Phó giám đốc Trung tâm công tác xã hội, Phụ trách Trung tâm bảo trợ huấn nghệ cô nhi Biên Hòa cho biết, các tình nguyện viên Lớp học Cầu Vồng đến dạy kèm môn tiếng Anh cho các em của trung tâm là việc rất đáng hoan nghênh. Các em mới học được gần tháng, bà chưa thể đánh giá được kết quả của các em đối với môn học này. Nhưng thấy các em chăm chỉ, vui vẻ cùng anh chị của Lớp học Cầu Vồng là bà thấy vui rồi.
Được đánh giá là thành viên học giỏi tiếng Anh nhất Lớp học Cầu Vồng, giờ đây em Đỗ Thị Bích Ngọc, một trẻ mồ côi nhiều năm sống ở trung tâm này trở nên vui vẻ, năng động hơn trong những giờ học tiếng Anh với “cô giáo” Nguyễn Thị Thanh Hương, học sinh lớp 11 chuyên Toán Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh. Trước đây, Ngọc rất nhút nhát, thường tự ti, mặc cảm về số phận bị bỏ rơi của mình, nhưng từ khi được học và được vui đùa cùng các anh chị trong Lớp học Cầu Vồng, Ngọc thấy yêu đời hơn và rất quý “cô giáo” nhỏ của mình. Thanh Hương là “dân” chuyên Toán, nhưng trình độ tiếng Anh của em rất tốt nên đã được tuyển làm tình nguyện viên dạy kèm tiếng Anh trong Lớp học Cầu Vồng. Hương cho biết: “Nhà em ở xã Phước Thái (huyện Long Thành), trưa cuối tuần em có thể về sớm với gia đình hoặc đi chơi với bạn bè, nhưng em thấy cuối tuần ý nghĩa hơn khi chia sẻ kiến thức, yêu thương với những em có hoàn cảnh thiệt thòi”. Nói về sự tiến bộ của cô “học trò” Đỗ Thị Bích Ngọc, Hương cho biết, trước đây Ngọc gần như mất căn bản môn tiếng Anh, qua 1 tháng, hai chị em “đào” lại từ căn bản, giờ lên lớp Ngọc đã hiểu bài tốt hơn.
Video đang HOT
Các thành viên trong nhóm The Wonder Project. Ảnh: A. Nhiên
Cuối tuần, chạy hơn chục cây số để đến Lớp học Cầu Vồng, Lê Minh Quân, học sinh lớp 12 của Trường THPT Ngô Quyền nhận kèm cho em Nguyễn Văn Huy đang học lớp 9. Quân tâm sự: “Hoàn cảnh của Văn Huy khá tội nghiệp, mẹ bỏ đi từ khi em còn rất nhỏ, sống với cha một thời gian rồi cha cũng bỏ em đi lấy vợ xa không về. Không còn ai nương tựa, Văn Huy được đưa vào trung tâm đến nay đã 7 năm. Em rất thương em ấy, cũng là một người trẻ, nhưng em có gia đình, có tất cả, còn Văn Huy thiệt thòi đủ thứ nên em quyết tâm dạy tiếng Anh cho Văn Huy thật tốt. Hy vọng sau này ra đời em có thêm cơ hội để hòa nhập và tiến thân”. Không phụ lòng “anh giáo” Quân, Văn Huy học rất nghiêm túc, chịu khó làm bài tập cũng như chăm chỉ luyện nói. Nhìn hai anh em cùng nhau học, cùng xâu những mảnh giấy từ vựng bỏ túi, nụ cười tươi sáng bừng trên khuôn mặt các em, tôi thấy sống mũi mình cay cay. Quân cho biết, năm cuối của bậc phổ thông, việc học của em rất bận rộn, nhưng đi kèm tiếng Anh cho các em nhỏ là một đam mê, giúp Quân xả stress sau 1 tuần học tập.
Mang theo laptop với những clip tiếng Anh vui nhộn để giúp cậu “học trò” nhỏ của mình luyện nghe, “cô giáo” Lê Đặng Bảo Trân, học sinh lớp 10 chuyên Anh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh đang kèm cậu học sinh lớp 9 Lê Gia Huy. Bảo Trân cho biết, Gia Huy mất căn bản tiếng Anh nên em ấy chán học môn này. Hơn 1 tháng giúp em ấy học lại căn bản, giờ Gia Huy đã tự tin trong mỗi giờ tiếng Anh trên lớp. Chăm chỉ, ngoan và rất đúng giờ, Gia Huy luôn được “chị giáo” Bảo Trân thưởng kẹo.
* Ấp ủ nhiều dự án thiện nguyện
Lớp học Cầu Vồng là một trong nhiều hoạt động thiện nguyện của nhóm The Wonder Project hướng về những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Ý tưởng lập nhóm bắt nguồn từ một buổi đi thăm các trẻ mồ côi của cô học trò nhỏ Nguyễn Phương Thảo, lớp 12 chuyên Anh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh. Giải thích cái tên “Lớp học Cầu Vồng”, Thảo nói: “Mỗi trẻ em trong thế giới này là một phần sắc màu. Cầu vồng có màu sáng, màu tối, trẻ em cũng có người may mắn, có số phận hẩm hiu nhưng dù là ai thì mỗi em cũng đều xứng đáng là một phần của cầu vồng, của cuộc sống đầy sắc màu này”.
Thành lập từ tháng 8-2018 với 15 thành viên, hơn 1 năm qua, The Wonder Project đã có khá nhiều hoạt động chia sẻ và lan tỏa yêu thương đến với những trẻ em kém may mắn ở những trung tâm, mái ấm, nhà mở trên địa bàn Đồng Nai. Trong năm qua, The Wonder Project đã tổ chức nhiều chuyến đi đem yêu thương, niềm vui và chia sẻ một phần đồ dùng, thực phẩm cho các em ở những cơ sở từ thiện vào các dịp trung thu và giáng sinh.
Em Phạm Ngọc Quỳnh Ngân, thành viên của The Wonder Project cho biết, mỗi khi cùng các bạn đến với những em có hoàn cảnh đặc biệt, em rất xúc động. Cũng là một phận người, dù được các cô chú trong những trung tâm, mái ấm, nhà mở yêu thương, chăm sóc, nhưng các bạn, các em ấy vẫn rất thiệt thòi khi thiếu một mái ấm của riêng mình. Những lần đến thăm, nhóm của Quỳnh Ngân cùng các em tổ chức múa hát, kể chuyện, làm con rối giấy, hoa giấy, chụp ảnh hay bế ẵm, cho các em bé uống sữa, ăn cháo, giúp các cô tắm rửa, giặt giũ đồ dùng của các bé… Sau 1 ngày gắn bó, mệt nhưng các thành viên trong nhóm ai cũng vui.
Nhóm The Wonder Project đến thăm các trẻ ở Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi – khuyết tật. Ảnh: A. Nhiên
Để có kinh phí hoạt động, Phương Thảo cho biết: “Do tụi em còn đang đi học nên không có tiền. Nhóm đã cùng nhau làm quạt giấy, móc khóa, hoa giấy handmade để bán, bản thân mỗi bạn trong nhóm cũng tự tiết kiệm từ bữa ăn sáng, bớt đi vài ly trà sữa, nhịn xem vài bộ phim… để lấy tiền gây quỹ. Với mong ước ngoài việc đi thăm, vui chơi với các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt, dạy tiếng Anh cho các em ở Trung tâm bảo trợ huấn nghệ cô nhi Biên Hòa, nhóm The Wonder Project đang hướng tới việc mở rộng Lớp học Cầu Vồng xuống các trung tâm, mái ấm… ở các huyện và dạy kèm cho các em không chỉ mô tiếng Anh mà còn cả môn Văn và Toán nữa. Ngoài ra, The Wonder Project cũng đang ấp ủ “dự án” rất nhân văn và đầy tâm huyết là dạy tiếng Anh và chia sẻ kỹ năng ứng phó cho trẻ em đường phố, nhằm giúp các em biết cách phòng tránh nguy cơ bị xâm hại, bạo hành hoặc bị lợi dụng vào những việc phạm pháp.
Làm thủ lĩnh nhóm, Phương Thảo tâm sự: “Em thấy ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, những nhóm thiện nguyện được tài trợ rất nhiều, có quỹ để thực hiện các dự án hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Hiện nay, tụi em có kiến thức, có sức khỏe, nhiệt huyết và có thời gian nhưng nhiều việc phải cần đến tiền mà tụi em còn đang đi học, chưa có điều kiện nên ước mơ nhiều, thực hiện chưa được bao nhiêu. Hy vọng, những việc làm của The Wonder Project sẽ tìm được nhà tài trợ, số tiền cần không nhiều, 1 năm chỉ khoảng vài triệu đồng”.
Vẫn chỉ là những thiếu niên ở lứa tuổi “ăn chưa lo, no chưa tới”, nhưng nhóm The Wonder Project đang từng ngày âm thầm nỗ lực chia sẻ kiến thức, gửi yêu thương đến những trẻ em có hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống. Điều này thật đáng trân trọng.
Theo baodongnai
Khoa Ngôn ngữ Anh (ĐH KD&CN Hà Nội) chính thức là thành viên của VietTESOL
Ngày 17/10, Khoa Ngôn ngữ Anh (Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) vinh dự đón nhận Quyết định trở thành thành viên chính thức của Phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh (VietTESOL).
Lễ ra mắt Chi hội VietTESOL Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: Huy Thuyết
Phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh trực thuộc Hội Ngôn ngữ học Việt Nam là một tổ chức xã hội nghề nghiệp gồm các hội viên là các giáo viên dạy tiếng Anh các cấp trên toàn quốc và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Phân hội được xây dựng dựa trên nền tảng tri thức, chuyên môn đáng tin cậy về nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam, hoạt động chuyên nghiệp, tạo cơ hội cho hội viên học tập suốt đời và bảo đảm sự công bằng, đa dạng và hội nhập. Phân hội được xây dựng dựa trên nền tảng tri thức, chuyên môn đáng tin cậy về nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh ở Việt Nam, hoạt động chuyên nghiệp, tạo cơ hội cho hội viên học tập suốt đời và bảo đảm sự công bằng, đa dạng và hội nhập.
GS. Nguyễn Hòa, Phân Hội trưởng VietTESOL phát biểu tại buổi Lễ. Ảnh: Huy Thuyết
Tham dự sự kiện, đại diện VietTESOL có: GS. Nguyễn Hòa, Phân hội trưởng cùng các chuyên viên của Hội. Đại diện Ban Giám hiệu nhà trường có PGS.TS. Đỗ Minh Cương, Phó Hiệu trưởng cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng. Về phía Khoa Ngôn ngữ Anh có: PGS.TS. Phan Văn Quế, Chủ nhiệm Khoa cùng các Phó Chủ nhiệm Khoa: PGS.TS. Nguyễn Đăng Sửu, Ông Nguyễn Ngọc Hùng, TS. Hoàng Hồng Trang và các cán bộ, giảng viên trong Khoa.
PGS.TS. Phan Văn Quế, Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ Anh phát biểu tại buổi Lễ. Ảnh: Huy Thuyết
Phát biểu khai mạc sự kiện, PGS.TS. Phan Văn Quế, Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ Anh cảm ơn sự giúp đỡ của VietTESOL đã dành cho Khoa Ngôn ngữ Anh trong suốt thời gian qua. Phó Giáo sư Phan Văn Quế cũng khẳng định sẽ quyết tâm hoàn thành thật tốt các nhiệm vụ mà VietTESOL giao cho, đồng thời xây dựng và phát triển Chi hội VietTESOL Khoa Ngôn ngữ Anh trở thành một thành viên tích cực của VietTESOL, hỗ trợ những người nghiên cứu, giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường.
Thay mặt cho Ban lãnh đạo VietTESOL, GS. Nguyễn Hòa, Phân Hội trưởng đánh giá cao những kết quả hoạt động trong giảng dạy tiếng Anh của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Giáo sư Nguyễn Hòa cũng bày tỏ sự vui mừng khi Khoa Ngôn ngữ Anh Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã trở thành viên chính thức của Phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh và mong muốn Chi Hội Khoa Ngôn ngữ Anh sẽ tiếp tục phát huy vai trò cũng như giữ vững thành tích giảng dạy ngoại ngữ cho sinh viên trong thời gian tới. VietTESOL sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ Khoa Ngôn ngữ Anh trong những hoạt động dạy - học và nghiên cứu sắp tới.
Đại diện Ban lãnh đạo Khoa Ngôn ngữ Anh, Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chủ nhiệm Khoa nhận Quyết định của Phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh. Ảnh: Huy Thuyết
Tham gia vào VietTESOL là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước nhảy vọt của Khoa Ngôn ngữ Anh trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu tiếng Anh. Tập thể cán bộ, giảng viên của Khoa rất vinh dự và tự hào khi được trao Quyết định trở thành thành viên của Phân hội, Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ Anh chia sẻ.
Hương Thu
Theo nguoilambao.vn
Nữ giáo viên mang triết lý văn hóa dạy tiếng Anh "Đã qua rồi cái thời các em là thần tượng của học trò. Sau buổi học, phải làm sao để học trò cảm thấy tự tin và thần tượng chính bản thân mình. Khi đó, buổi học mới được gọi là thành công". Cô giáo Nguyễn Thị Hoa, nhà sáng lập IMAP với sứ mệnh giúp 10 triệu người Việt nói tiếng Anh...