Lớp cho trẻ từ 3 tháng tuổi: Nhiều khó khăn, trở ngại
Bộ GD&ĐT đang tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, Điều 25 quy định: “ Trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 3 tháng đến 6 tuổi”.
Tiết tạo hình của cô và trò tại một trường mầm non.
Nên hay không cho trẻ đến lớp từ 3 tháng tuổi?
Ngay khi dự thảo được đưa ra lấy ý kiến đã vấp phải nhiều tranh cãi. Trong khi nhiều ý kiến cho rằng, nếu dự thảo đưa vào thực hiện sẽ “cởi trói” cho công nhân nghèo thì ngược lại nhiều người không đồng tình vì chưa phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế.
Chị Trần Kim Huệ hiện đang làm công nhân tại một nhà máy ở Gia Lâm, Hà Nội cho rằng, khi nghỉ sinh con chị phải lo rất nhiều khoản cho một đứa trẻ nên nếu nghỉ lâu dài sẽ rất khó khăn; trong khi ông bà nội, ngoại đều đã già yếu không thể giúp đỡ. “Tôi muốn con đến lớp sớm để có thời gian đi làm kiếm thêm chút tiền lo sinh hoạt gia đình. Tôi tin khi quy định này có hiệu lực những công nhân lao động sẽ rất vui và yên tâm làm việc”, chị Huệ cho hay.
Chị Lê Hải Hiền (làm việc tại một xưởng may đo quần áo ở Hà Nội) lo lắng sau khi hết thời gian nghỉ sinh sẽ gửi con ở đâu để đi làm. “Gia đình nội ngoại đều ở xa, điều kiện khó khăn, không thể đến trông giúp cháu. Ở các trường mầm non thì không nhận trẻ non tháng tuổi, các cơ sở mầm non tư nhân (theo hộ gia đình mở ra) thì không yên tâm. “Tôi nghĩ cần có quy định cho các trường công lập nhận chăm sóc trẻ từ nhỏ để tạo điều kiện cho các mẹ đi làm. Bởi thực tế không phải gia đình nào cũng có ông, bà trông giúp con để đi làm hoặc có điều kiện để thuê người trông con ở nhà”, chị Hiền tâm sự.
Còn chị Nguyễn Kim Thoa và nhiều người khác cũng đang nuôi con nhỏ tại quận Ba Đình (Hà Nội) cho rằng, trẻ mầm non phải có quyền của mình, đó là được ở bên bố mẹ, gia đình, người thân ít nhất trong 6 tháng đầu tiên. Hơn nữa, trẻ 3 tháng tuổi có sức đề kháng yếu, hoàn toàn phụ thuộc người lớn nên việc chăm sóc rất khó và vất vả. Theo chị Thoa, việc giao trẻ mầm non 3 tháng tuổi đến lớp là không nên. Lúc này, trẻ thường bú mẹ hoàn toàn và cần sự bảo vệ, chở che trong vòng tay của mẹ.
Video đang HOT
Giáo viên phải tốt nghiệp đại học ngành mầm non và có bằng y tá
Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Mầm non (Bộ GD&ĐT) cho rằng, vì hoàn cảnh khó khăn nên có những bà mẹ sẽ phải xin đi làm sớm để tăng thêm thu nhập hoặc sức khỏe yếu nên đã nghỉ trước sinh 1 – 2 tháng, vì thế Bộ GD&ĐT dự thảo quy định trên.
Ông Nguyễn Bá Minh cho biết, hiện một số nhà máy, công ty thành lập các nhà trẻ nhận trông con của công nhân để tạo điều kiện cho họ đi làm. Do đó, dự thảo luật quy định nhận trẻ 3 từ tháng tuổi. Tuy nhiên, ông Minh cũng nhận định rằng việc này sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Theo TS Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, với công nhân thu nhập thấp, họ phải có sự chuẩn bị trước khi sinh con, phải đủ điều kiện như: Có một khoản tiền nhất định trong ngân hàng và được nghỉ ít nhất 6 tháng để chăm sóc con. “Đặc biệt, lớp mầm non nhận trẻ từ 3 đến 6 tháng tuổi đi học cần đảm bảo tiêu chí 1 cô giáo trông từ 2 đến 5 trẻ. Thông thường từ 12 tháng tuổi trở lên, 1 giáo viên sẽ trông từ 5 đến 8 trẻ, đó là chưa kể đội ngũ phục vụ nấu ăn và dọn dẹp vệ sinh riêng. Ngoài ra, giáo viên phải tốt nghiệp đại học ngành mầm non, có bằng y tá, cơ sở phải có giấy phép”, TS Vũ Thu Hương nêu quan điểm.
Ngoài ra, nhiều giáo viên mầm non cho rằng, quy định trường mầm non nhận trẻ từ 3 tháng tuổi là không thực tế, “đánh đố” giáo viên và chính các trường. Cô Nguyễn Thị Thảo, giáo viên Trường Mầm non Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, mấu chốt hiện nay không chỉ là thiếu cơ sở vật chất trường lớp mà đáng lo ngại nhất là thiếu đội ngũ để chăm sóc trẻ từ 3 tháng tuổi. Thực tế, chương trình đào tạo của khối mầm non trong các trường sư phạm hiện không đề cập đến nội dung chăm sóc trẻ từ 3 tháng tuổi. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên mầm non ra trường đi làm mà chưa từng làm mẹ thì khó có kỹ năng chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi. Ngoài ra, trong độ tuổi này, trẻ cũng cần có chế độ ăn riêng, bú sữa mẹ và cần được đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Hiện cả nước mới chỉ có TP. Hồ Chí Minh là đơn vị duy nhất triển khai thí điểm đề án nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi tại trường công lập từ năm 2014 đến nay, nhưng việc thí điểm cũng đang bộc lộ nhiều bất cập. Lý do là hầu hết các trường chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, số lượng và trình độ chuyên môn của giáo viên còn hạn chế để chăm sóc trẻ độ tuổi này.
Theo Baodansinh.vn
Tranh cãi gay gắt về dự thảo mới trẻ 3 tháng tuổi được học mầm non
Theo các nhà quản lý giáo dục và giáo viên, Dự thảo Luật Giáo dục quy định cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ, mẫu giáo nhận trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi là quy định không thực tế, thiếu tính khả thi.
Nhiều phụ huynh phấn khởi khi có thể gửi con đi học từ rất sớm (Ảnh minh họa)
Tại khoản 7 Điều 1 Dự thảo 2 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục quy định: " Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 25 như sau:
2. Trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập nhận trẻ từ ba tuổi đến sáu tuổi;
3. Trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi".
Trong đó đáng chú ý là quy định các cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi. Điều khoản này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía phụ huynh và các giáo viên.
Chị Kim Khánh (28 tuổi) - hiện đang làm công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7, TP.HCM) cho biết: "Hai vợ chồng đã từng lên kế hoạch sinh nở lần 2 nhưng nghĩ đến cảnh phải đi làm sớm, con được 3-4 tháng không ai trông nên đành hoãn lại. Nhiều người khuyên cứ đẻ đi rồi tính chuyện thuê người chăm nom nhưng lương công nhân vài triệu đồng làm sao mướn nổi người".
Khi nhắc đến điều luật dự thảo "các trường mầm non giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo nhận trẻ từ 3 tháng tuổi", chị Khánh rất vui mừng và phấn khởi. Bởi nếu quy định trên có hiệu lực, họ sẽ sinh thêm một bé nữa ngay trong năm nay.
Với chị Kiều Trinh (29 tuổi, Quận 2) 3 tháng là độ tuổi quá nhỏ để gửi trẻ. "Theo tôi, độ tuổi để gửi trẻ đi mầm non nên là 6 tháng trở lên. Hiện nay, có nhiều cô giáo chưa có con, không kinh nghiệm chăm sóc mà trông nom bé còn nhỏ sẽ không thực tế. Thậm chí tôi là một bà mẹ đã từng chăm con một mình và cảm thất rất vất vả huống chi là cô giáo".
Nhiều nhà trường cũng lo lắng bởi quy định sẽ tăng áp lực cho giáo viên mầm non. Chị Nguyễn Thị Hòa (33 tuổi) - công tác tại một trường mầm non trên địa bàn quận 10, TP.HCM cho rằng quy định độ tuổi nhận trẻ từ 3 tháng là quá sớm.
"Ở độ tuổi 3 tháng, trẻ cần có sự quan tâm đặc biệt từ người lớn. Thường, ở tháng tuổi này trẻ vẫn quấn mẹ mọi lúc mọi nơi. Vì vậy, nếu quy định trường mầm non nhận thì mỗi giáo viên chỉ có thể trông từ 1-2 cháu. Từ đó kéo theo số lượng giáo viên ở các trường phải tăng lên, đặc biệt chúng tôi phải chịu áp lực nhiều hơn", chị Hòa nói.
Với kinh nghiệm gần 15 năm trong nghề, chị Hòa cho hay thực tế rất ít phụ huynh gửi con đi trẻ ở độ tuổi này và hầu như không có trường nào nhận giữ trẻ nhỏ như vậy. Bởi tùy thuộc vào khả năng chăm sóc, giáo dục và bảo đảm an toàn cho trẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh - chuyên viên phụ trách khối Mầm non Phòng Giáo dục quận 12 quy định này thiếu tính thực tế, các trường sẽ khó có điều kiện để thực hiện. Hơn nữa, Luật lao động cho phép phụ nữ nghỉ sau sinh 6 tháng, vậy cớ sao quy định tháng tuổi gửi trẻ như vậy?
Tuy nhiên nhiều nhà trường lại lo lắng bởi quy định sẽ tăng áp lực cho giáo viên mầm non (Ảnh minh họa)
Trao đổi với chúng tôi, Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết đã đề xuất ý kiến với Đoàn giám sát của Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội nên điều chỉnh độ tuổi giáo dục mầm non thành "từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi" để phù hợp với Luật Bảo hiểm xã hội. Đồng thời, điều chỉnh Điều 25 như sau: "Cơ sở giáo dục mầm non bao gồm: Nhà trẻ, nhóm trẻ nhận trẻ từ 6 tháng tuổi đến 3 tuổi; trường, lớp mẫu giáo nhận trẻ em từ 3 tuổi đến 6 tuổi; trường mầm non là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi".
Theo Giaoducthoidai.vn
'Chúng ta đang lao đao bởi nền giáo dục ứng thí' Theo PGS.TS Trần Kiều, bản chất giáo dục nước ta vẫn là ứng thí khiến Bộ GD&ĐT luôn loay hoay về chuyện thi cử. ảnh minh họa Sáng 15/12, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo...