Lớp 90% học sinh giỏi thì bình thường, 1 trẻ không giấy khen lại thành chuyện
“ Bệnh thành tích” trong giáo dục ở nước ta hiện nay đã trở thành một căn bệnh nan y, rất khó trị dứt điểm.
Ngày 10/9, tại Hà Nội, Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo “Thực trạng bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay – Giải pháp ngăn chặn, đi đến xóa bỏ bệnh thành tích trong giáo dục”.
Tại hội thảo, các nhà khoa học tâm lý giáo dục đã thẳng thắn nhìn nhận “bệnh thành tích” trong giáo dục xảy ra sẽ là mối nguy hại ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.
Hội thảo tập trung khái quát làm rõ thực trạng, những hệ lụy và nguyên nhân của “bệnh thành tích” từ đó đưa ra những giải pháp xử lí phù hợp nhất.
Lớp 90-100% trẻ học sinh giỏi, cha mẹ coi là chuyện bình thường
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ khoa học Trịnh Thị Kim Ngọc cho rằng, bệnh thành tích trong giáo dục là một quốc nạn. Chuyện những lớp tiểu học có tới 90-100% học sinh giỏi là điều có thật và các bậc cha mẹ coi là chuyện bình thường.
Chỉ cần một trẻ không có giấy khen là thành chuyện. Chuyện bố mẹ chỉ hỏi hôm nay con được mấy điểm thay vì hỏi hôm nay học có gì hay không, là câu cửa miệng của không ít các gia đình.
Chuyện cả cô và trò đều diễn trong giờ thao giảng là chuyện bình thường. Cô yêu cầu cả lớp giơ tay, không biết cũng giơ tay, nhưng chỉ gọi các bạn học giỏi, là một thực tế diễn ra ở nhiều nơi.
Vì bệnh thành tích, vì áp lực điểm số, vì học chỉ để thi, vấn nạn dạy thêm – học thêm ngày càng lan rộng.
Cũng vì bệnh thành tích, mà tỉnh thành nào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cũng chót vót 96-97%, nhưng chất lượng thực còn là một khoảng cách cần xem xét.
Video đang HOT
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thị Kim Ngọc (Ảnh: Kim Anh)
Phong trào “Hai không: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” được Bộ Giáo dục – Đào tạo phát động như là hai mục tiêu lớn của ngành từ năm 2006.
Tuy nhiên, đến nay tròn một chu kỳ 12 năm – một thế hệ học sinh đã ra trường, song mục tiêu “hai không” nói trên vẫn đang tồn tại dai dẳng.
Nguyên nhân khuyến khích “bệnh thành tích” tồn tại và phát triển
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Phú – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam nêu, qua tiến hành khảo sát đã rút ra một số nguyên nhân chính khuyến khích “bệnh thành tích” trong giáo dục có điều kiện tồn tại và phát triển.
Thứ nhất là do “Quan niệm 100%” (tức là mọi việc phải đạt 100% hoặc gần 100%) đã gây áp lực không tốt cho nhà trường, cho các cán bộ quản lý giáo dục cho giáo viên.
Thứ hai là do luật pháp, các cơ chế, chính sách… trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo có những khiếm khuyết, kẽ hở dễ tạo điều kiện cho các hành vi gian lận, lừa dối trong đánh giá, thi cử có điều kiện xuất hiện.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Phú (Ảnh: Kim Anh)
Thứ ba là do ý thức chung của toàn xã hội và của các bậc cha mẹ học sinh thấp, đôi khi chủ động gây ra áp lực hoặc “đồng lõa với các hành vi trong gian lận đánh giá, thi cử.
Thứ tư là do các phương tiện kỹ thuật quản lý dữ liệu lạc hậu, kém dễ tạo điều kiện cho các hành vi gian lận, lừa dối nảy sinh.
Thứ năm là do phẩm chất tư tưởng, đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm, tổ chức kỷ luật của một bộ phận cán bộ làm công tác quản lý giáo dục đào tạo nói chung, của một số thầy cô giáo nói riêng còn thấp.
Thứ sáu là do năng lực chuyên môn của không nhỏ đội ngũ thầy, cô giáo, năng lực quản lý lãnh đạo, quản lý các nhà trường còn kém.
Việc nâng kết quả, đồng lõa với các hành vi gian lận, lừa dối trong giáo dục và đào tạo là để bao che cho các khiếm khuyết về năng lực và trình độ chuyên môn của mình.
Thay đổi tư duy của cán bộ quản lý, giáo viên, thay đổi cơ chế quản lý ngành giáo dục
Để khắc phục tình trạng nêu trên, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Dương Quang Hiển, Viện Khoa học Xã hội nhân văn quân sự cho rằng, trước hết cần thay đổi tư duy của cán bộ quản lý, giáo viên, thay đổi cơ chế quản lý ngành giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương cần mạnh dạn phân cấp, phân quyền và làm tốt công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo.
Kiên quyết thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.
Các trường, giáo viên, cán bộ quản lý cần nhìn thẳng vào sự thật để thấy bức tranh của “bệnh thành tích”.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Dương Quang Hiển, Viện Khoa học Xã hội nhân văn quân sự. (Ảnh: Kim Anh)
Bà Ngô Thị Bích Hằng – Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Ngạc B (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, nhà trường cần phải quan tâm nhiều hơn đến đối tượng làm cha làm mẹ, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh.
Bên cạnh đó, thầy cô cần có sự hỗ trợ gần hơn với phụ huynh, có những chia sẻ với phụ huynh về cách nhìn nhận, đánh giá. Đánh giá con người dựa trên năng lực chứ không phải ở học hàm, học vị.
Khi giấy khen được 'phân loại'
Câu chuyện giấy khen không chỉ nóng ở thời điểm kết thúc năm học mà vẫn là mối bận tâm của nhiều người ở thời điểm này. Nhiều cơ quan, đoàn thể tiến hành trao thưởng cho trẻ em.
Trong nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học, thể hiện ở các thông tư 30 và thông tư 22/TT-BGDĐT theo hướng nhân văn hơn: không chạy theo điểm số, danh hiệu.
Cuối học kỳ, năm học, không xét danh hiệu "học sinh giỏi xuất sắc" mà thay vào đó hiệu trưởng các nhà trường sẽ chọn những mặt tích cực của học sinh để khen: khen học toán, tiếng Việt tốt, khen vẽ đẹp, tích cực hoạt động, giúp đỡ bạn bè, thực hiện nề nếp, kỷ luật tốt...
Thậm chí những học sinh có kết quả học tập chưa cao nhưng các em lại tiến bộ vượt bậc so với bản thân ở học kỳ, năm học trước đó thì cũng được nhận giấy khen. Cách khen mới này cũng phù hợp với quan điểm giáo dục hiện đại theo đuổi mô hình cá nhân hóa giáo dục, phát huy những năng lực khác nhau của mỗi cá nhân. Và vì thế, việc "khen" sẽ thực chất hơn là chạy theo các danh hiệu.
Nhưng cũng vì thế mà nhiều người bị gợn khi "giấy khen nhiều như lá rụng mùa thu". Và câu chuyện chỉ trở nên đáng buồn khi nhiều cơ quan đang áp dụng một cách cứng nhắc quy định khen thưởng đối với con em cán bộ, công nhân viên: chỉ khen những trẻ có danh hiệu "Học sinh giỏi xuất sắc", "Học sinh giỏi toàn diện".
Những giấy khen "Con học vượt trội môn toán, tiếng Việt", trẻ có thành tích trong hoạt động của trường, thực hiện nề nếp học tập tốt đã bị loại ngay từ "vòng gửi xe" vì không đúng quy định.
Giấy khen được "phân loại". Có những phụ huynh quay về nhà động viên con bằng cách "tự khen", an ủi mình rằng "cơ quan cứng nhắc thì bố mẹ biết, con có biết đâu mà buồn". Nhưng cũng có người vô tình dội vào con trẻ áp lực khi lại ra sức hò hét bắt con học, đăng ký cho con học thêm để đạt danh hiệu "Học sinh giỏi xuất sắc".
Thước đo giỏi là phải giỏi văn, giỏi toán tưởng đã là vấn đề lịch sử trong hệ thống giáo dục Việt Nam nhưng vẫn không phải. Cản trở của sự đổi mới lại có "góp sức" của nhiều quy định, nhiều quan điểm sai lầm trong ứng xử với con trẻ.
Nhìn từ quy định của Bộ GD-ĐT đến cách hành xử dựa trên các quy định lạc hậu, chậm đổi mới ở nhiều cơ quan, đoàn thể, thấy buồn làm sao. Khi quan điểm đánh giá trẻ con lạc hậu, thiếu nhân văn chưa thấm vào đời sống thì sẽ khó có thể tạo nên những thay đổi thực sự trong các nhà trường.
Sắp hết tình trạng 'mưa giấy khen' cuối năm học? Dịp cuối mỗi năm học, trên mạng xã hội lại tràn ngập hình ảnh những lớp học mà gần như tuyệt đại đa số học sinh đều được khen thưởng. Bên cạnh sự tự hào, niềm vui của các bậc phụ huynh, những hình ảnh này cũng dấy lên không ít những trăn trở cho rằng "bệnh thành tích" trong giáo dục vẫn...