Loay hoay cách triển khai chương trình mới
Chỉ còn hơn 1 tháng, các quận, huyện tại TP HCM phải đồng loạt công bố kế hoạch tuyển sinh lớp 1. Năm học tới sẽ bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới
Yêu cầu bắt buộc của chương trình phổ thông mới là toàn bộ học sinh (HS) lớp 1 phải được học 2 buổi/ngày. Tại TP HCM, do sĩ số HS quá đông, mỗi quận đều có một phương án sắp xếp học riêng để bảo đảm yêu cầu của chương trình.
Thiếu 443 phòng học cho chương trình mới
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, để chuẩn bị cho chương trình mới, cấp tiểu học trên địa bàn TP dự kiến có 6.313 giáo viên (GV)/3.550 lớp học. Số này bảo đảm tỉ lệ và đủ số lượng GV dạy lớp 1 năm học sắp tới; trong đó có 3.683 GV dạy nhiều môn.
Trong khi đó, TP hiện nay có 551 trường tiểu học, trong đó có 484 trường công lập, tăng 4 trường so với năm trước. Tuy nhiên, do số dân tăng cơ học cao nên việc đáp ứng chỗ học 2 buổi/ngày gặp rất nhiều khó khăn. Theo Sở GD-ĐT TP HCM, số phòng học của HS lớp 5 ra trường là 3.107 phòng so với số phòng học dự kiến cho lớp 1 năm học 2020-2021 là 3.550 phòng, như vậy còn thiếu 443 phòng.
Học sinh lớp 1 năm tới sẽ học theo chương trình giáo dục phổ thông mới Ảnh: TẤN THẠNH
Theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới, HS lớp 1 phải được học tối thiểu 35 tiết/tuần. Thế nhưng, theo số liệu báo cáo từ các trường tiểu học đến ngày 31-3, chỉ có 475 trường với 99.836 HS được học đủ số tiết 35 tiết/tuần theo quy định. Còn lại, khoảng 18 trường với gần 5.000 HS lớp 1 chỉ thực hiện được 25 tiết/tuần, hơn 20.000 HS học 26-29 tiết/ tuần…
Chia lớp, giảm tiết
Theo số liệu từ các quận, huyện trên địa bàn TP, để tổ chức cho 100% HS vào lớp 1 được học 2 buổi/ngày là thách thức không nhỏ, nhất là đối với những nơi lâu nay có số HS tăng dần đều theo từng năm.
Video đang HOT
Quận Bình Tân có khoảng 12.000 HS sắp tới vào lớp 1. Quận 12, năm học 2020-2021, dự kiến có gần 11.000 HS vào lớp 1, vì vậy cần có hơn 300 phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày với sĩ số 35 HS/lớp. Trong khi đó, số HS học xong lớp 5 trong năm học tới chỉ tương ứng với 122 phòng học; phân bố không đồng đều giữa các phường.
Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Tân, cho biết: Phòng đang tính toán, tham mưu UBND quận xem xét thực hiện theo 2 phương án, nơi nào đủ khả năng sẽ tổ chức học 2 buổi/ngày, có thể nâng sĩ số lên 45 hoặc 50 HS/lớp; nơi nào không đủ phòng tổ chức được 2 buổi/ngày có thể tổ chức học 6 buổi/tuần, tức học cả thứ bảy.
Tại quận Tân Phú, hằng năm trung bình HS vào lớp 1 của quận từ 9.000-10.000 HS, song theo thông tin từ Phòng GD-ĐT quận, năm học tới chưa có dự án trường tiểu học mới nào được đưa vào sử dụng. Vì vậy, việc bảo đảm toàn bộ HS lớp 1 học 2 buổi/ngày với sĩ số 35 em/lớp trong năm học 2020-2021 khó khả thi.
Theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, chủ trương quận cho đến thời điểm này là tập trung ưu tiên trường, lớp để bảo đảm cho 100% HS lớp 1 được học 2 buổi/ngày; sau đó giảm dần ở các năm tiếp theo, thực hiện theo hình thức cuốn chiếu.
Tại huyện Bình Chánh, hiện có hơn 10.000 HS lớp 1, tổ chức thành 286 lớp. Tỉ lệ bình quân mới đạt 182 phòng học/10.000 dân, vẫn còn thiếu 82 phòng học theo chủ trương của TP. Trong đó một số xã như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B áp lực tăng dân số cơ học cao nên chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày. Phương án mà Phòng GD-ĐT huyện kiến nghị là xây thêm trường, nếu không được, trước mắt sẽ cố gắng dạy cuốn chiếu cho HS lớp 1, tức là ưu tiên lớp 1 học 2 buổi/ngày, các khối lớp còn lại học 1 buổi/ngày.
Trong khi đó, tại quận Gò Vấp, sắp tới dự kiến có khoảng 8.000 HS vào lớp 1. Trưởng Phòng GD-ĐT quận, ông Nguyễn Thanh Thủy, cho biết nếu tập trung cho lớp 1, khả năng sẽ phải cắt 2 buổi/ngày và bán trú ở các khối lớp trên nhưng đây không phải là giải pháp căn cơ, lâu dài. Vì thế, nếu được, có thể chia đôi khối lớp 1, mỗi khối học 3,5 ngày, một nửa khối học vào thứ hai, tư, sáu và một nửa vào ba, năm, bảy.
“Thực tế HS lớp 1 mỗi ngày chỉ học 7-8 tiết, mỗi tiết 35 phút. Kéo dài thời gian học mỗi ngày thêm vài tiết cũng không sao. Giờ hoạt động, vui chơi có thể bố trí xen kẽ. Như vậy vừa hoàn thành chương trình, không bỏ phí trường, lớp ngày thứ bảy mà vẫn không xáo trộn các khối khác trong tình hình trường, lớp chưa xây kịp” – ông Thủy đề xuất.
Biên soạn nội dung giáo dục địa phương
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, sở đã triển khai kế hoạch biên soạn, thẩm định và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương cấp tiểu học theo yêu cầu trong chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2018-2019. Trên cơ sở nhóm tác giả bộ tài liệu “Cùng em tìm hiểu lịch sử địa phương TP HCM”, Sở GD-ĐT đang mời bổ sung một số chuyên gia, GV tham gia ban biên soạn và dự kiến hội đồng thẩm định trình UBND TP.
Tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội: Nóng trường điểm, lớp chất lượng cao
Năm học 2020-2021, Sở GDĐT Hà Nội chủ trương giữ ổn định phương thức tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 trên địa bàn thành phố như năm học trước.
Tuy nhiên, do số học sinh (HS) tăng thêm nên dự kiến công tác tuyển sinh đầu cấp vẫn không không bớt căng thẳng.
Theo số liệu khảo sát trẻ trong độ tuổi ở Hà Nội, tổng số trẻ dự kiến tuyển vào các trường mầm non trên địa bàn TP năm học 2020 - 2021 là hơn 623.000 trẻ. Các trường tiểu học tuyển vào lớp 1 khoảng 167.000 HS, tăng 9.500 HS. Các trường THCS tuyển vào lớp 6 khoảng 135.000 HS, tăng 6.200 HS so với năm học 2019 - 2020.
Tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội luôn là câu chuyện nóng. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Hạn chế trái tuyến
Năm nay, mỗi trẻ chuẩn bị vào tiểu học, THCS sẽ được nhà trường cấp mã số tuyển sinh cho cha mẹ học sinh trước ngày 1/7 có mật khẩu. Các trường tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến lớp 1, phụ huynh nộp hồ sơ từ ngày 1 đến 3/8; tuyển sinh trẻ 5 tuổi vào các trường mầm non từ ngày 4 đến 6/8; nộp hồ sơ cho HS vào lớp 6 từ ngày 7 đến 9/8.
Phụ huynh đã nộp hồ sơ tuyển sinh trực tuyến cho con, sau đó có thể đối chiếu hồ sơ tuyển sinh tại trường để xác nhận hồ sơ của con được nộp thành công (trước ngày 15/8). Sau khi hết đợt tuyển sinh trực tuyến, có thể nộp hồ sơ trực tiếp đến trường từ ngày 13 đến ngày 15/8.
Riêng các trường ngoài công lập, sẽ tuyển sinh ngay sau khi năm học này kết thúc, tức là từ sau ngày 11/7. Chậm nhất đến ngày 15/8, các trường này phải cập nhật danh sách HS trúng tuyển vào phần mềm sổ điểm điện tử. Trường nào tuyển chưa đủ chỉ tiêu trong thời gian đó, căn cứ tình hình cụ thể, Phòng GDĐT sẽ cho phép tuyển sinh bổ sung đến hết ngày 20/8.
Đối với lớp 1, trẻ vào học phải đủ 6 tuổi, tuyệt đối không được đưa trẻ thiếu tuổi vào lớp 1. Riêng trẻ khuyết tật, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nước ngoài về có thể học lớp 1 từ 7-9 tuổi. Đối với lớp 6, đa số các trường công lập vẫn tuyển sinh theo tuyến tuyển sinh do UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt.
Năm học 2020-2021, Hà Nội yêu cầu kiểm soát chặt việc thực hiện của các trường về đối tượng tuyển sinh, đảm bảo số HS trên lớp để đẩy mạnh kế hoạch công nhận trường chuẩn quốc gia. Hạn chế tối đa việc tuyển sinh trái tuyến...
Hiện nay, toàn TP Hà Nội có 772 trường tiểu học với gần 762.000 HS. Tỉ lệ HS học 2 buổi/ngày tiếp tục tăng với 96,5%; sỹ số trung bình học sinh/lớp là 40 HS. Phòng GDĐT các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đang rà soát mạng lưới trường học, tăng cường cơ sở vật chất, đề xuất phân tuyến tuyển sinh hợp lý để tránh quá tải cục bộ ở một số địa bàn tăng dân số cơ học và những nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh.
Lưu ý điểm cộng
Đối với các trường THCS được UBND TP Hà Nội công nhận trường chất lượng cao, tuyển sinh vào lớp 6 không theo tuyến và có số HS đăng ký vượt quá chỉ tiêu, việc tuyển sinh sẽ thực hiện theo phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực (gọi chung là kiểm tra), căn cứ vào điểm tuyển sinh để tuyển sinh. Điểm tuyển sinh được xác định bằng: điểm xét tuyển điểm kiểm tra (tính hệ số 2). Theo Sở GDĐT Hà Nội, các trường lựa chọn thời gian kiểm tra, đánh giá năng lực hợp lý, đảm bảo hoàn thành tuyển sinh chậm nhất ngày 7/8. Phụ huynh cũng cần lưu ý mỗi trường có những yêu cầu riêng về tuyển sinh...
Một trong những quan tâm của nhiều phụ huynh trên địa bàn thủ đô là chương trình đào tạo quốc tế học chương trình song bằng THCS quốc gia Việt Nam và chương trình giáo dục nhận chứng chỉ trung học quốc tế IGCSE. Đây là năm thứ 3 Hà Nội triển khai thí điểm đào tạo chương trình song bằng ở cấp THCS. 7 trường THCS công lập được triển khai thí điểm vẫn giống như 2 năm trước là: Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ), Trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm), Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) và lớp 6 THCS của THPT chuyên Hà Nội Amsterdam.
Để tham gia dự tuyển, HS phải thực hiện 2 bài kiểm tra đánh giá năng lực, gồm bài kiểm tra môn tiếng Anh và môn Toán (bằng tiếng Anh). Điểm tuyển sinh là tổng điểm các bài kiểm tra năng lực. Mỗi HS được đăng ký nguyện vọng vào 2 trường nhưng phải xếp theo thứ tự ưu tiên trường nguyện vọng 1 và trường nguyện vọng 2. HS nhận Phiếu đăng ký nguyện vọng tại cơ sở giáo dục nơi các em học lớp 5.
Trong năm học 2019-2020, số chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 6 chương trình song bằng của Hà Nội là 350 HS. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình đào tạo song bằng tại các trường công lập. Sau khi hoàn thành bậc THCS, HS sẽ có bằng tốt nghiệp THCS; đạt trình độ tiếng Anh B1 (theo chuẩn CEFR); nắm bắt được kiến thức các môn Toán, Khoa học, Tin học bằng tiếng Anh; có khả năng thi lấy chứng chỉ IGCSE và các chứng chỉ quốc tế khác nếu có nhu cầu.
Công bố chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021
Ngày 25/5, Sở GDĐT Hà Nội đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của 123 trường THPT công lập và 100 trường THPT ngoài công lập, năm học 2020-2021.
Những trường THPT tuyển sinh vào lớp 10 có chỉ tiêu (CT) nhiều là: Trần Phú - Hoàn Kiếm 720 CT, Việt Đức 720 CT, Yên Hòa 720 CT, Đoàn Kết - Hai Bà Trưng 675 CT, Nguyễn Trãi - Ba Đình 640 CT, Phan Đình Phùng 600 CT...
Các trường THPT chuyên có CT tuyển sinh cụ thể là: Hà Nội - Amsterdam 645 CT (hệ chuyên 595 CT, hệ song bằng tú tài 50 CT); Chu Văn An 670 CT (hệ chuyên 350 CT, hệ không chuyên 270 CT, hệ song bằng tú tài 50 CT), Nguyễn Huệ 525 CT, Sơn Tây 585 CT (hệ chuyên 315 CT, hệ không chuyển 270 CT).
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2020-2021 tại Hà Nội diễn ra trong 2 ngày 17 và 18/7/2020. Thí sinh sẽ thi 3 môn là Ngữ văn, Toán thi theo hình thức tự luận và Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. - Lam Nhi
Infographic: Lịch thi vào lớp 6 các trường tại Hà Nội Cùng với kế hoạch tuyển sinh đầu cấp mà Sở GD&ĐT Hà Nội công bố mới đây, các trường trung học cơ sở (THCS) dân lập cũng đã nhanh chóng thông báo về việc tuyển sinh, lịch thi vào lớp 6. Theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp do Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố, phương thức tuyển sinh vào lớp 1,...