Lo ngại về quan hệ Mỹ – Trung sau một năm ‘lao dốc’
Chuyên gia bày tỏ nhiều lo ngại sau khi quan hệ Mỹ – Trung năm 2020 ‘lao dốc’, hai bên ngày càng ngờ vực và cạnh tranh trong nhiều vấn đề.
Mỹ và Trung Quốc đã khởi đầu năm 2020 với bước tiến đầy tích cực khi hai bên thống nhất ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một sau nhiều tháng đàm phán, kể từ khi thương chiến giữa hai nước nổ ra vào năm 2018. Thỏa thuận yêu cầu Trung Quốc mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ, đồng thời cải cách các quy tắc về sở hữu trí tuệ và dịch vụ tài chính.
“Đây là thành công đáng kinh ngạc cho cả đất nước chúng ta”, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hồi tháng 1.
Trao đổi với VnExpress , Charles R Hankla, phó giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học bang Georgia ở Atlanta, đồng ý rằng đây có thể được xem là chiến thắng đối với chính quyền Trump. Nhưng ông nhận định nó cũng bắt người tiêu dùng và nhà xuất khẩu Mỹ phải “trả giá đắt”. Trong khi đó, Trung Quốc đến nay chưa hoàn thành các cam kết đã nêu trong thỏa thuận.
“Dường như rõ ràng Trump đã thất bại trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại với Trung Quốc trong suốt 4 năm cầm quyền”, phó giáo sư Hankla cho biết.
Tổng thống Donald Trump (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản năm 2019.
Ảnh: AP.
Điểm sáng được xem là duy nhất trong mối quan hệ Mỹ – Trung năm 2020 này vụt tắt một phần do đại dịch Covid-19 xuất hiện. Washington nhiều lần cáo buộc Bắc Kinh che đậy mức độ nghiêm trọng của đại dịch ban đầu và không cung cấp đầy đủ thông tin, thậm chí đe dọa trừng phạt và buộc nước này bồi thường thiệt hại vì Covid-19. Đáp lại, Bắc Kinh cáo buộc Washington đang chính trị hóa cuộc khủng hoảng nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi cách xử lý đại dịch yếu kém.
Ngoài Covid-19, tiến sĩ Ted Gover, chuyên gia về chính sách đối ngoại và là giám đốc Chương trình Quản trị cho người Mỹ bản địa thuộc Đại học Claremont Graduate ở California, cho biết mối quan hệ Mỹ – Trung “ngày càng lao dốc” do nhiều nguyên nhân khác như luật an ninh Hong Kong, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, những căng thẳng trên khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông, việc Bắc Kinh leo thang căng thẳng với các đồng minh Mỹ như Australia và đụng độ biên giới với Ấn Độ.
“Quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục xấu đi trong năm 2020 một phần do sự cạnh tranh và ngờ vực ngày càng tăng giữa hai nước”, tiến sĩ Ted Gover nói.
Video đang HOT
Những đòn “ăn miếng trả miếng” liên tục của cả Washington và Bắc Kinh trong hàng loạt vấn đề tranh cãi trên đã đẩy mối quan hệ hai nước xuống mức thấp kỷ lục trong năm nay và thậm chí là trong 4 thập kỷ qua. Không ít chuyên gia nhận định căng thẳng Mỹ đã tiến sát ngưỡng “Chiến tranh Lạnh mới”.
Càng về cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Trump càng “giáng đòn” lên Trung Quốc. Từ việc liệt hàng loạt công ty, tập đoàn vào danh sách đen, Tổng thống Mỹ cũng không ngần ngại ra lệnh siết thị thực với nhiều quan chức của Trung Quốc, đồng thời dừng 5 chương trình giao lưu văn hóa giữa hai nước.
Giới quan sát cho rằng tất cả động thái dồn dập gần đây của chính quyền Trump là nỗ lực cuối cùng nhằm chia rẽ thêm quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington, khiến chính quyền tương lai của Joe Biden không còn nhiều lựa chọn và buộc phải tiếp nối chiến lược cứng rắn với Trung Quốc.
Đáp lại các động thái cứng rắn từ Washington, Trung Quốc cũng xây dựng các chiến lược riêng để củng cố sức mạnh và nâng tầm ảnh hưởng, nhằm cạnh tranh với Mỹ, theo tiến sĩ Gover. Một trong số đó là chiến lược “lưu thông kép” nhằm xây dựng nền kinh tế tự chủ, trong đó thúc đẩy tiêu dùng nội địa nhưng vẫn tham gia các hoạt động ngoại thương quốc tế.
“Giữa lúc mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ và Tây Âu suy giảm, quốc gia này tìm cách cân bằng nền kinh tế để bớt phụ thuộc vào thương mại với các đối thủ nước ngoài và đảm bảo phát triển ổn định thị trường nội địa. Bắc Kinh muốn có được một nền kinh tế tự cung tự cấp để ngăn chặn các nỗ lực của Mỹ trong việc kiểm soát các chuỗi cung ứng ảnh hưởng tới Trung Quốc”, tiến sĩ Gover chia sẻ.
Gover thêm rằng một chiến lược đáng chú ý khác của Trung Quốc nhằm đối phó với Mỹ là chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) nhằm giảm bớt can thiệp và hiện diện của Washington trong các vấn đề khu vực, theo Gover.
Joe Biden (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi năm 2013. Ảnh: AFP.
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung lao dốc như hiện nay, giới chuyên gia nhận định mối quan hệ hai nước khó có thể cải thiện trong thời gian tới, bất kể thay đổi lãnh đạo ở Washington. Chuyên gia Ted Gover thậm chí cho cảnh báo tình hình Mỹ – Trung có thể tiếp tục xấu đi.
“Đối đầu Mỹ – Trung sẽ tiếp tục gia tăng và ảnh hưởng tới tất cả lĩnh vực trong mối quan hệ hai nước. Nó bao gồm công nghệ, an ninh quốc gia, không gian, hệ tư tưởng, chiến lược thương mại và kinh tế, cũng như ảnh hưởng địa chính trị trên toàn cầu, trong đó có cả khu vực Đông Nam Á”, Gover nói.
Tương lai quan hệ hai nước sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các quyết sách của chính quyền Biden, sau khi tiếp quản Nhà Trắng vào tháng 1 năm tới.
“Biden nhiều khả năng sẽ duy trì chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của chính quyền Trump, đồng nghĩa tiếp tục tăng cường mối quan hệ đối tác và liên minh của Mỹ để đối phó và cạnh tranh với Trung Quốc trong khu vực này và trên toàn cầu”, Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của trung tâm nghiên cứu chính sách toàn cầu RAND Corporation của Mỹ, nhận định.
Châu Á – Thái Bình Dương được cho sẽ tiếp tục là khu vực quan trọng trong chính sách của chính phủ Mỹ dù tổng thống là ai. Theo nhiều trang tin chia sẻ hồi đầu tháng 12, trong đó có Reuters, chính quyền Biden thậm chí định bổ nhiệm một quan chức đặc trách về châu Á của Nhà Trắng, nhằm đối phó với thách thức từ Trung Quốc. Và Jeff Prescott, cựu quan chức dưới thời chính quyền tổng thống Barack Obama, được xem là lựa chọn hàng đầu cho vị trí này.
“Với những kinh nghiệm ngoại giao với khu vực Trung Đông và châu Á, ông được kỳ vọng có thể đối phó tốt với một trong những khu vực quan trọng nhất đối với ngoại giao Mỹ”, Lucio Blanco Pitlo III, chuyên gia tại Tổ chức Con đường Tiến bộ châu Á – Thái Bình Dương tại Philippines, nói. “Cùng với các đề cử khác từng làm việc dưới thời Obama, Prescott cũng sẽ xem xem trọng các vấn đề như lo ngại về Trung Quốc, ảnh hưởng của nước này trong khu vực, hay làm thế nào để đối phó tốt với các thách thức mà Trung Quốc đặt ra với trật tự đã được thiết lập”.
Tiến sĩ Ted Gover nhận định Trung Quốc lại có niềm tin rằng họ “đang trên đường sánh ngang và vượt Mỹ trong các vấn đề khoa học, công nghệ, kinh tế và an ninh”. Do đó, Gover cho rằng Bắc Kinh sẽ khó thay đổi lộ trình của họ và thậm chí còn đẩy nhanh thời gian hoàn thành mục tiêu này.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng không loại trừ khả năng hai nước Mỹ – Trung thời gian tới sẽ duy trì chiến lược vừa cạnh tranh vừa hợp tác. Họ cho rằng hai bên có thể tiếp tục đối đầu nhau trên nhiều vấn đề như nhân quyền, Biển Đông, chiến tranh thương mại, nhưng đồng thời sẽ tìm cách hợp tác trong một số lĩnh vực có chung lợi ích như không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống biến đổi khí hậu hay chống Covid-19.
Song các nhà phân tích thêm rằng hiện còn quá sớm để có thể nhận định chắc chắn về tương lai quan hệ Mỹ – Trung trong thời gian tới. Bởi “vẫn còn phải xem chính quyền Biden sẽ có những hành động gì”, phó giáo sư Hankla cho hay.
Mỹ đưa hai công ty Trung Quốc vào danh sách đen quốc phòng
Đây được cho là một trong những động thái nhằm củng cố di sản với lập trường cứng rắn nhằm vào Bắc Kinh của Tổng thống Donald Trump trước thời hạn mãn nhiệm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Getty Images
Theo nguồn tin của Reuters, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị đưa hãng chíp Trung Quốc SMIC và Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) vào "danh sách đen" quốc phòng, gồm các công ty được xác định thuộc sở hữu hoặc do quân đội Bắc Kinh kiểm soát.
Theo đó, SMIC và CNOOC sẽ bị hạn chế tiếp cận với các nhà đầu tư Mỹ. Động thái này được dự báo sẽ tiếp tục làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đầu tháng 11, Reuters cũng đưa tin cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đang lên kế hoạch đưa thêm 4 công ty Trung Quốc thuộc sở hữu hoặc do quân đội Trung Quốc kiểm soát vào "danh sách đen", nâng tổng số công ty bị ảnh hưởng lên 35.
Hiện tại, chưa rõ khi nào danh sách đen này sẽ chính thức được công bố. Tuy nhiên, nguồn tin của Reuters cho biết những công ty bị liệt vào danh sách bao gồm Công ty TNHH Công nghệ xây dựng Trung Quốc, Công ty Tư vấn Kỹ thuật Quốc tế Trung Quốc, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC) và Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC).
Đại diện của SMIC cho biết đang tiếp tục tham gia thảo luận với tinh thần xây dựng và cởi mở cùng chính phủ Mỹ, đồng thời khẳng định các sản phẩm và dịch vụ của công ty chỉ dành cho mục đích dân sự và thương mại.
"Công ty chúng tôi không có quan hệ với quân đội Trung Quốc và không sản xuất sản phẩm cho bất kỳ đơn vị hay cá nhân nào có mục đích quân sự", đại diện SMIC nói.
SMIC là hãng sản xuất chíp hàng đầu Trung Quốc và phụ thuộc lớn vào những thiết bị nhập từ các nhà cung cấp Mỹ. Tháng 9/2020, Bộ Thương mại Mỹ ra thông báo yêu cầu các doanh nghiệp nước này phải xin giấy phép trước khi cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho SMIC. Thông báo này được đưa ra sau khi Bộ Thương mại Mỹ kết luận rằng việc cung cấp thiết bị cho SMIC gây ra "rủi ro không thể chấp nhận được", khi các thiết bị này có thể được dùng cho mục đích quân sự.
Theo các nhà phân tích, việc đưa thêm các công ty Trung Quốc vào danh sách quân sự, cùng loạt chính sách thương tự, là động thái nhằm củng cố di sản với lập trường cứng rắn nhằm vào Bắc Kinh của Tổng thống Donald Trump trước thời hạn mãn nhiệm. Những động thái này cũng nằm trong nỗ lực của Washington nhằm ngăn cản Bắc Kinh tận dụng các tập đoàn dân sự cho mục đích quân sự - điều mà chính quyền Mỹ đang cáo buộc.
Tuần trước, Reuters cũng đưa tin cho biết chính quyền Tổng thống Trump chuẩn bị công bố 89 công ty hàng không vũ trụ Trung Quốc cùng các doanh nghiệp khác có liên quan tới quân đội vào "danh sách đen" bị hạn chế mua hàng hóa và công nghệ Mỹ. Đầu năm nay, một số công ty Trung Quốc khổng lồ như Hikvision, China Telecom và China Mobile đã bị liệt vào danh sách này.
Đầu tháng 11, ông Trump cũng ký một sắc lệnh cấm nhà đầu tư Mỹ mua chứng khoán của các công ty trong "danh sách đen", có hiệu lực từ tháng 11/2021. Hiện tại, Quốc hội và chính quyền Washington ngày càng tìm nhiều cách nhằm hạn chế khả năng tiếp cận thị trường vốn Mỹ của các công ty Trung Quốc không tuân thủ quy định, dù việc này có thể ảnh hưởng tới Phố Wall.
Trump gặp khó khi dùng Trung Quốc làm 'lá chắn' Trump muốn mạnh tay với Trung Quốc nhằm đánh lạc hướng chú ý dư luận khỏi những thất bại của bản thân song chiến lược này dường như không phát huy tác dụng. Theo công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục cáo buộc Trung Quốc khiến Covid-19 lây lan toàn cầu hay...