Lo loạn các kỳ thi riêng
Trao đổi với báo Đại Đoàn Kết, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho rằng ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP HCM đã có kinh nghiệm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) thành công.
Nhưng không phải vì thế mà trường nào cũng nên tổ chức kỳ thi riêng sẽ trở thành áp lực cho các thí sinh.
Thí sinh thi đánh giá năng lực. Ảnh tư liệu.
Theo TS Lê Viết Khuyến, ĐH Quốc gia Hà Nội những năm qua đã tổ chức kỳ thi ĐGNL với kết quả được nhiều trường ĐH sử dụng để xét tuyển là việc làm rất nên khuyến khích. Nhất là qua phân tích phổ điểm thi của trường qua một số năm thì thấy bộ đề ra tiêu chuẩn, phổ điểm đẹp, đáp ứng được việc xét tuyển của chính ĐH Quốc gia và các trường khác có nhu cầu. Ngân hàng câu hỏi đã được xây dựng đảm bảo yêu cầu để có được bộ đề đúng chuẩn, phục vụ cho việc phân loại thí sinh ở các mức khác nhau. Vì vậy, với quy mô như kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội hoàn toàn có thể mở rộng phương thức thi cũng như làm đề theo cách chuẩn hóa để các trường khác có thể áp dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển vào trường mình.
Theo Luật GD ĐH, các trường được tự chủ tuyển sinh với việc lựa chọn các phương thức xét tuyển chung hoặc riêng tùy trường. Có thể dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc xét tuyển bằng học bạ, bằng các chứng chỉ ngoại ngữ… hoặc tổ chức kỳ thi riêng. Thí sinh có nhiều lựa chọn để xét tuyển vào trường mình yêu thích bằng nhiều phương án và cần có sự chuẩn bị từ sớm theo đề án tuyển sinh của mỗi trường.
Tuy nhiên, điều TS Khuyến lo lắng là nếu trường nào cũng tổ chức kỳ thi ĐGNL của riêng mình thì sẽ khó đảm bảo chất lượng và không có lợi cho thí sinh.
Theo ông, không phải trường nào cũng cần tổ chức kỳ thi riêng mà hình thức thi này sẽ cần thiết với các trường, các ngành độ phân hóa cao. Nhìn chung xu hướng thế giới hiện nay đó là nên thúc đẩy việc chọn lọc đầu vào vừa phải mà quan trọng là đánh giá đầu ra, làm sao để đề cao tính công bằng trong tuyển sinh để mọi người có nhu cầu đều có thể được học cái mình muốn, mình cảm thấy thiếu, từ đó thúc đẩy xã hội học tập. Quan trọng là phải để người học hiểu được mình muốn gì, cần gì, từ đó tạo động lực học tập cần thiết cho mỗi người.
Bên cạnh đó là để tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía các trường, không chỉ về mặt nhân lực, kỹ thuật mà phải là tổng hòa của tất cả các yếu tố. Mặc dù trên lý thuyết trường nào cũng có thể tổ chức kỳ thi ĐGNL song tôi cho rằng những trường có bề dày thời gian hoạt động, là trường đa lĩnh vực thì sẽ phù hợp tổ chức kỳ thi ĐGNL hơn là các trường chuyên ngành. Tất nhiên, nếu không có kinh nghiệm tổ chức, không có nhân lực có đủ chuyên môn, các trường cũng có thể đi thuê nhưng như vậy sẽ rất tốn kém và chất lượng khó có thể đảm bảo.
Video đang HOT
Vì vậy, tôi cho rằng về mặt quản lý Nhà nước cần đưa ra các khuyến cáo với các trường để không xảy ra tình trạng loạn thi. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cũng có bộ phận khảo thí chất lượng hoàn toàn có thể hỗ trợ, giúp các trường xây dựng, tổ chức các kỳ thi một cách chuyên nghiệp và đảm bảo. Hoặc liên kết với các trường đã có kinh nghiệm tổ chức các kỳ thi này để có sự chuẩn bị tốt nhất, tránh xảy ra những lỗi sai ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh.
TS Lê Viết Khuyến.
TS Khuyến nhấn mạnh các trường không nên tổ chức tràn lan các kỳ thi ĐGNL. Không nên đẩy các kỳ thi riêng thành phong trào mà nên sử dụng các kết quả kỳ thi chung để bớt vất vả, tốn kém cho người học. Luật không có quy định cụ thể về vấn đề này, cũng không có chế tài để kiểm duyệt song Bộ GDĐT cần có khuyến cáo đối với các trường, đồng thời có cơ chế giám sát để không phát sinh tràn lan các cuộc thi không cần thiết, chỉ có lợi cho một nhóm nhỏ thí sinh còn gây tốn kém, vất vả cho phần lớn thí sinh khác.
Với quan điểm khi các kỳ thi ĐGNL được tổ chức sẽ làm giảm áp lực của kỳ thi tốt nghiệp THPT, TS Khuyến cho rằng điều này đúng nhưng phải với điều kiện tổ chức tốt và có đông trường sử dụng kết quả thi này để xét tuyển. Ngược lại, nếu các trường khác cũng đua nhau tổ chức thi ĐGNL thì thậm chí sẽ làm gia tăng áp lực cho các thí sinh và xã hội. Vì sao?
Khi chỉ có một kỳ thi chung, các em chỉ cần học và thi một kỳ thi và sử dụng kết quả này để đăng ký xét tuyển vào nhiều trường. Nhưng nếu mỗi trường tổ chức kỳ thi riêng của mình thì thí sinh muốn xét tuyển 2, 3 trường phải thi 2, 3 kỳ thi khác nhau. Như vậy sẽ áp lực hơn rất nhiều.
“Kỳ thi tốt nghiệp THPT là cần thiết, điều này đã được thống nhất quan điểm. Nhiều quốc gia giống Việt Nam cũng đang sử dụng kết quả này để xét tuyển vào ĐH. Tôi đã nhiều lần góp ý với Bộ, tức là không cần có điểm sàn, cứ tốt nghiệp THPT là mặc nhiên đủ điều kiện cần để vào học đại học, cao đẳng, còn vào học một trường cụ thể nào thì còn phải đảm bảo điều kiện đủ do các trường đặt ra” TS. Lê Viết Khuyến nêu quan điểm.
Tuyển sinh đại học 2022: Giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả tốt nghiệp THPT
Để chuẩn bị cho mùa tuyển sinh đại học năm 2022, nhiều trường đại học đã sớm công bố đề án tuyển sinh.
Trong đó, điểm dễ nhận thấy là các trường đã giảm sâu chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT và tăng chỉ tiêu cho phương thức kỳ thi riêng cùng đánh giá năng lực ngoại ngữ.
Bổ sung phương án xét tuyển kỳ thi riêng
Theo PGS Nguyễn Thị Hòa, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo Trường Đại học Giao thông Vận tải, tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 sẽ dành 4.200 chỉ tiêu tại cơ sở Hà Nội và 1.500 chỉ tiêu tại TP Hồ Chí Minh.
Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội nhận được sự tín nhiệm của nhiều trường đại học. Ảnh: VNU
Ở mùa tuyển sinh này, Trường Đại học Giao thông vận tải dành 5 phương thức xét tuyển: Sử dụng kết quả thi tốt nghiệp (40 - 50%); kết quả học bạ THPT (20 - 30%); tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế (1 - 2%); xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp (5 - 10%). Nhà trường cũng dành 20 - 30% chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì tổ chức. Như vậy, so với năm trước, tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm khoảng 30%.
Đây là lần đầu tiên Trường Đại học Giao thông vận tải sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. Để làm rõ hơn vấn đề này, Trường đã có buổi livestream tư vấn về kỳ thi này để thí sinh, phụ huynh nắm rõ.
Trường Đại học Thuỷ Lợi dự kiến mùa tuyển sinh 2022 sẽ tuyển khoảng 5.200 sinh viên cho 39 ngành đào tạo, với 4 phương thức xét tuyển. Cụ thể, xét tuyển thẳng, xét kết quả học tập 3 năm THPT, xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và một phương thức mới là xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy. Phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm hơn 50% chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Trong khi đó, năm 2021, trường dành khoảng 70% chỉ tiêu cho phương thức này. Điều này có nghĩa, trường đã giảm chỉ tiêu cho xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT để phân bố cho các phương thức xét tuyển khác, trong đó có xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.
Việc thêm phương án xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá tư duy có thể kể đến các trường như: Trường Đại học Thăng Long, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải.
Theo PGS Phạm Xuân Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, năm 2022, Trường dành khoảng 30% chỉ tiêu cho xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. 70% còn lại là chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Bên cạnh các trường sử dụng phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy thì đến nay có gần 30 trường đại học công bố mùa tuyển sinh 2022 sẽ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Đến thời điểm này, việc tổ chức các kỳ thi riêng như thế nào vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị bởi những lo ngại trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Trường top đầu lọc thí sinh bằng ngoại ngữ
Không chỉ giảm sâu chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT, những trường top đầu còn đưa ra những điều kiện trúng tuyển để chọn được thí sinh phù hợp. Một trong những điểm dễ nhận thấy chính là đánh giá năng lực ngoại ngữ.
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là một ví dụ cho sự điều chỉnh các chỉ tiêu trong phương án tuyển sinh. Cụ thể, nhà trường dành 10 - 20% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT; 60 - 70% tổng chỉ tiêu bằng hình thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức và 20 - 30% chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét tuyển tài năng. Trong mùa tuyển sinh năm 2021, nhà trường dành 50 - 60% tổng chỉ tiêu theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp. Sau đó tỷ lệ này phải điều chỉnh lên do kỳ thi đánh giá tư duy không tổ chức được do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đối với phương thức xét tuyển tài năng: Nhà trường tuyển 20 - 30% tổng chỉ tiêu, gồm xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level; xét tuyển dựa trên kết quả và thành tích học tập phổ thông kết hợp phỏng vấn...
Với những thí sinh có chứng chỉ IELTS (Academic) 5.0 trở lên có thể sử dụng để quy đổi điểm tiếng Anh để xét tuyển các tổ hợp A01, D01, D07 và các tổ hợp xét tuyển theo kỳ thi đánh giá tư duy (thông qua hệ thống quy đổi của nhà trường).
Ở các trường đại học phía Nam có thể kể đến những trường tổ chức kỳ thi riêng như: Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng...
Tuy nhiên, trước thềm tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 đã có một số trường bàn đến phương án có kỳ thi riêng. Một số trường cũng đề xuất đưa chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (Vstep) để xét tuyển. Có thể nói, đây là một điểm rất mới (nếu được thực hiện) so với những năm trước đây.
Xét tuyển đại học, không chỉ trông chờ vào thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Thay đổi cách tuyển sinh đại học cũng là cách lựa chọn được nhân tài, chúng ta không thể cứ làm mãi theo kiểu cũ bởi thế giới hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Kì tuyển sinh đại học năm nay, sau khi có một số trường hợp thí sinh đạt đến 29,5 điểm vẫn trượt, nhiều người ngỡ ngàng vì điểm...