Linh hoạt, sáng tạo dạy học trong mùa dịch
Dạy học trực tuyến là giải pháp hợp lý trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Học sinh Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) trong giờ học trực tuyến. Ảnh: TG
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, giáo viên cần linh hoạt trong quá trình giảng dạy, để 100% học sinh được tiếp cận với kiến thức bài học.
Cách làm sáng tạo
Nằm trong vùng dịch, Trường Tiểu học Cẩm Hưng (Cẩm Giàng, Hải Dương) triển khai dạy học trực tuyến đến tất cả khối lớp, trong đó đặc biệt chú trọng đến lớp 1 và lớp 5. Theo thầy Hoàng Văn Hương – Hiệu trưởng nhà trường, Ban giám hiệu (BGH) hỗ trợ tối đa để thầy, trò hoàn thành kế hoạch dạy, học. Toàn trường có 660 học sinh, cơ bản tham gia đầy đủ lớp học trực tuyến. “Với những gia đình học sinh chưa kết nối Internet, hoặc chưa có thiết bị để học trực tuyến, chúng tôi yêu cầu giáo viên linh hoạt, áp dụng mọi biện pháp, hướng dẫn học sinh học trên truyền hình, bảo đảm 100% học sinh được tiếp cận kiến thức bài học, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”, thầy Hương quả quyết.
Thầy Hương cho biết thêm: Qua nắm bắt, nhiều giáo viên đã có cách làm sáng tạo. Có giáo viên gọi điện trực tiếp cho phụ huynh để hướng dẫn con em học tập, hoặc giảng bài cho học sinh qua điện thoại. Với những gia đình không có điện thoại thông minh hoặc thiết bị để học trực tuyến, giáo viên in hướng dẫn bài học rồi gửi cho các em. Tuy nhiên, do tỉnh Hải Dương đang thực hiện giãn cách xã hội, nên giáo viên in, photo bài học rồi thống nhất với phụ huynh đặt ở vị trí cố định để phụ huynh, học sinh chủ động lấy, tránh tiếp xúc trực tiếp. Ngoài ra, nhà trường giao cho các giáo viên đang sinh sống tại xã Cẩm Hưng (nơi thường trú của đại đa số học sinh trong trường) nắm bắt tình hình học tập, từ đó có phương án hỗ trợ kịp thời cho các em.
Theo kinh nghiệm của cô Lê Thị Thơ – giáo viên Trường THPT Chúc Động (Chương Mỹ, Hà Nội), để dạy học trực tuyến hiệu quả, nhất là với nhóm học sinh có khả năng tham gia các tiết học trực tuyến qua một số ứng dụng như: Zoom, Microsoft Teams, Google meet, giáo viên cần tận dụng tối đa, đa dạng các ứng dụng công nghệ thông tin để tăng tính hấp dẫn cho bài học.
Chẳng hạn, thầy cô có thể soạn giảng, trình chiếu bằng powerpoint thay vì trình chiếu bản giáo án word thuần thúy. Bên cạnh đó, giáo viên nên sưu tầm, khai thác các video, hình ảnh liên quan đến bài học trên Youtube, trang mạng giáo dục. Qua đó, góp phần bổ trợ cho bài giảng thêm sinh động. Ngoài ra, giáo viên có thể tận dụng một số trò chơi trực tuyến giáo dục như: Kahoot, quizizz nhằm tăng tương tác giữa thầy, trò và giữa học sinh với nhau trong phòng học trực tuyến.
Cũng theo cô Thơ, giáo viên nên soạn bài ngắn gọn, xúc tích để không làm phân tán sự chú ý của học trò và không kéo dài thời gian học gây tâm lý mệt mỏi, nặng nề cho học sinh. Thay vào đó, giáo viên nên duy trì tương tác bằng âm thanh, kết hợp hình ảnh và lời nói. “Một số giáo viên có thói quen tắt camera khi giảng bài hoặc không chú ý đến hình ảnh khi giảng bài.
Video đang HOT
Trên thực tế, nếu giáo viên bật camera, xuật hiện chỉnh tề như đi dạy trực tiếp trên lớp, cố gắng duy trì tương tác mắt qua màn hình sẽ giúp học sinh có cảm giác nghiêm túc và tự giác hơn trong giờ học. Thầy cô cũng nên kiểm soát tốt thời gian nói của mình, đồng thời phối hợp uyển chuyển, đan xen giữa việc giảng bài và gọi học sinh chia sẻ, phát biểu trong quá trình dạy học”, cô Thơ bật mí.
Không để học sinh nào bỏ lỡ bài học
Theo cô Thơ, bản thân giáo viên nên sử dụng các phần mềm kết hợp dạy online và có thể ghi lại bài dạy của mình, rồi gửi video bài dạy đó cho học sinh không có điều kiện tham gia học online thường xuyên. Giáo viên cũng có thể làm các video bài giảng chất lượng cao để đưa lên các trang/nhóm chung của lớp.
Theo nghiên cứu, độ dài video nên từ 10 – 15 phút tập trung vào từng vấn đề nhỏ trong mỗi bài học để việc học của học sinh hiệu quả nhất. Ngoài ra, tùy điều kiện cụ thể, mỗi người có thể huy động sự giúp đỡ của các cá nhân, đoàn thể như: Ban đại diện cha mẹ học sinh, Đoàn thanh niên… để quyên góp, trao tặng thiết bị học trực tuyến (điện thoại thông minh) cho một số em có hoàn cảnh khó khăn để có thiết bị học tập.
Là một trong những trường tiên phong trong dạy học trực tuyến, thầy Đào Chí Mạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) chia sẻ: Để tất cả học sinh “Tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học”, nhà trường tổ chức xây dựng video bài học dùng chung cho các khối, lớp.
“Để có được video hoàn chỉnh, chúng tôi huy động giáo viên làm việc nhóm. Mỗi người một việc, công đoạn để góp phần làm nên video hoàn chỉnh. Sau khi có thành phẩm, video bài học đó sẽ được dùng chung cho toàn khối. Làm được việc này sẽ giảm áp lực cho giáo viên và học sinh trong việc dạyhọc trực tuyến”, thầy Mạnh cho hay.
Thầy Mạnh phân tích: Sau khi hoàn thiện video bài học, giáo viên có thể gửi đến tất cả học sinh trong lớp để học tập thông qua việc đăng tải lên website của nhà trường, gửi qua nhóm Zalo, Facebook, kênh YouTube… Với những gia đình chưa có điều kiện kết nối Internet, hoặc vì lý do khác, học sinh không tham gia học trực tuyến đầy đủ có thể xem lại bài học từ video giáo viên gửi.
Với những trường hợp đặc biệt, giáo viên sẽ copy video đó vào USB, rồi gửi cho gia đình, hoặc in, photo bài học để gửi cho học sinh học tập. Như vậy sẽ bảo đảm không học sinh nào bị bỏ lỡ kiến thức bài học. “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để 100% học sinh được học tập đầy đủ, bảo đảm mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch dạy học học kỳ II, năm học 2020 – 2021″ – thầy Mạnh nhấn mạnh.
Với một số học sinh bị hạn chế tham gia bài học trực tuyến như: Không có đường truyền Internet ổn định, không có phương tiện (điện thoại, máy tính…), giáo viên có thể tham khảo một số biện pháp như: Tận dụng tối đa các kênh giáo dục offline, hoặcnhững kênh giáo dục phổ thông hơn để đưa bài học đến với học sinh. Ví dụ, yêu cầu học sinh tải về và xem các video dạy học trên truyền hình, kết hợp với ghi chép và kiểm tra. – Cô Lê Thị Thơ
Trường vùng cao linh hoạt dạy học trong mùa dịch
Hơn 200.000 học sinh tại các cơ sở giáo dục của tỉnh Điện Biên đồng loạt trở lại trường sau đợt nghỉ Tết kéo dài vì dịch bệnh.
Giáo viên các điểm bản vùng cao của huyện Nậm Pồ hướng dẫn học sinh cách phòng dịch.
Do địa phương ghi nhận 3 ca dương tính với Covid-19 nên các trường hết sức chú trọng công tác phòng dịch, đặc biệt trường vùng biên giới.
Tách khối khi tan trường
Tại Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ (TP Điện Biên Phủ), buổi sáng học sinh bắt đầu vào học lúc 7 giờ 30 phút thay vì 7 giờ 15 phút như trước đây. Giờ tan học cũng được điều chỉnh theo từng khối lớp khác nhau. Khối lớp 1, 2 tan học lúc 10 giờ 20 phút; Khối 3, 4 tan học lúc 10 giờ 30 phút và khối lớp 5 tan học sau đó 10 phút.
Buổi chiều, học sinh sẽ học lúc 14 giờ 15 phút. Giờ tan học cũng chia làm 3 đợt khác nhau theo các khối 1, 2; Khối 3, 4 và Khối 5. Thời gian tan học bắt đầu từ 16 giờ 20 - 16 giờ 40 phút, mỗi đợt cách nhau 10 phút. Việc làm này nhằm hạn chế việc học sinh đồng loạt ra cùng thời điểm, hạn chế việc tiếp xúc đông người như trước đây.
Tại Trường Tiểu học Him Lam, phường Him Lam (TP Điện Biên Phủ), hầu hết HS khi đến trường đều đeo khẩu trang. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng chủ động chuẩn bị bình nước cá nhân cho con em mình. Trước khi vào cổng trường, toàn bộ học sinh được đo thân nhiệt, giãn cách và sát khuẩn tay.
Cô Đinh Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Him Lam cho biết: Nhà trường không tổ chức các hoạt động ngoài trời và giờ ra chơi chỉ cho học sinh vui chơi tại khuôn viên lớp học để bảo đảm phòng chống dịch bệnh.
Với cấp học mầm non, các nhà trường trên địa bàn không tổ chức nấu ăn bán trú. Phụ huynh phải đưa, đón con về nhà sau mỗi buổi học. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, sinh hoạt khi họ vẫn phải đi làm.
"Đến trưa phải đón về, chiều đưa đi, cũng có một số bất tiện nhưng vì đang dịch bệnh nên chúng tôi cũng hiểu và cố gắng sắp xếp để đón con về ăn ở nhà" - chị Nguyễn Thị Thái Hà có con học Trường Mầm non Him Lam, phường Him Lam chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Kiên - Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên, việc tạm thời chưa tổ chức nấu ăn tại nhiều cơ sở giáo dục được thống nhất giữa ngành với Sở Y tế. Điều này có thể gây khó khăn với một số phụ huynh, song đó là việc làm cần thiết trong thời điểm hiện nay. Tới đây, căn cứ vào tình hình thực tiễn, chúng tôi sẽ tham mưu với tỉnh để có những điều chỉnh phù hợp.
Học sinh xếp hàng, giữ khoảng cách, kiểm tra y tế trước khi vào lớp.
Giữ khoảng cách khi ăn
Ông Nguyễn Văn Kiên cho rằng: Khai báo y tế với toàn ngành phải được thực hiện nghiêm túc, trung thực vì đó không chỉ là trách nhiệm với xã hội, mà còn là lương tâm và trách nhiệm của mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên và người lao động.
"Chúng tôi xác định trước hết là vai trò người đứng đầu tại các cơ sở giáo dục. Từ những chỉ đạo của tỉnh, sở, cán bộ quản lý phải làm tốt công tác tư tưởng để giáo viên khai báo trung thực. Vừa là tốt cho mình, đồng thời cũng là tốt cho cộng đồng. Những trường hợp khai báo sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", ông Nguyễn Văn Kiên nhận định.
Ông Nguyễn Văn Kiên cho biết thêm: Với học sinh liên quan đến các trường hợp dương tính với Covid-19, sở GD&ĐT yêu cầu phòng GD&ĐT thành phố xây dựng phương án và bố trí phù hợp để dạy học bù, bảo đảm quyền lợi cho các em.
Trở lại trường sau kỳ nghỉ dài, những trường bán trú, trường có học sinh bán trú thuộc diện hưởng chế độ của Nhà nước; trường nội trú, trường có lưu học sinh Lào được tổ chức ăn tại trường. Tuy nhiên, phải đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Tại huyện Nậm Pồ, hơn 40 đơn vị trường học tổ chức cho học sinh ăn bán trú như thường lệ. Tuy nhiên, giờ ăn của học sinh được chia thành nhiều ca khác nhau để tránh việc tiếp xúc đông người.
"Chúng tôi yêu cầu các trường vẫn tổ chức cho học sinh ăn tại trường theo hướng dẫn của tỉnh. Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí cho các cháu ăn lệch ca giữa các khối, lớp. Để giữ khoảng cách an toàn, các trường bố trí cho học sinh ăn tại nhà ăn, một số được ăn ngay tại lớp học", ông Nguyễn Văn Tiếp, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ nói.
"Chúng tôi kêu gọi nhân dân hãy chung tay cùng với ngành GD-ĐT tỉnh nhà làm tốt công tác phòng dịch bệnh Covid-19. Mỗi phụ huynh, mỗi cá nhân có một việc làm thiết thực sẽ góp phần cùng toàn ngành, toàn tỉnh làm tốt công tác phòng bệnh. Trường hợp không may xảy ra phải cùng nhau tập trung chống dịch cho hiệu quả, vì sức khỏe của HS, GV và cộng đồng. - Ông Nguyễn Văn Kiên nói.
Đổi mới dạy học lớp 1: Giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh thực hiện Các trường tiểu học đã áp dụng chương trình lớp 1 mới được hơn 3 tháng. Bộ GD&ĐT cho rằng, đổi mới phương pháp không quá cao siêu, nếu thầy cô nắm chắc đầu ra của chương trình, tìm được cách dạy tốt. Vướng đâu, giải quyết ở đó Giờ học Âm nhạc của Trường tiểu học Ngọc Khánh (Hà Nội) sáng nay...