Liên hợp quốc tiếp tục kêu gọi hỗ trợ Sudan
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Amina Mohammed ngày 31/8 đã hoan nghênh việc viện trợ lương thực cho Sudan, song lưu ý rằng số lượng này vẫn chưa đủ.
Người di cư xếp hàng chờ được phát bữa ăn miễn phí tại Omdurman, Sudan, ngày 1/8/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Khi tới thăm trạm kiểm soát ở biên giới với Chad để chứng kiến đoàn xe chở hàng cứu trợ nhân đạo, bà Amina Mohammed cũng đưa ra lời kêu gọi sớm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột ở Sudan.
Trong các cuộc đàm phán gần đây tại Geneva, các bên tham chiến đạt được ít tiến triển trong việc chấm dứt giao tranh, nhưng đã cam kết cho phép hàng viện trợ nhân đạo đi qua hai cửa khẩu biên giới quan trọng. Chương trình Lương thực Thế giới gần đây cho biết xe tải của họ đã vận chuyển hơn 630 tấn lương thực, đủ cho gần 55.000 người, từ Chad đến khu vực Darfur của Sudan.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng thư ký Amina Mohammed, đây chỉ là “một lượng nhỏ” trong số những gì cần thiết để giải quyết khó khăn ở Sudan. Bà cho biết Liên hợp quốc có thể đáp ứng khoảng 25-30% nhu cầu của người dân và “các cam kết cần phải được thực hiện để chúng ta có thể giúp đỡ những người dân trên thế giới đang gặp khó khăn”.
Xung đột tại Sudan bắt đầu từ tháng 4/2023 khi giao tranh giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự bùng phát ở thủ đô Khartoum và nhanh chóng lan rộng về phía Tây ra khắp Darfur. Cuộc xung đột đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, khoảng 25 triệu người dân Sudan đối mặt với nạn đói và cần viện trợ nhân đạo.
LHQ kêu gọi nhanh chóng chấm dứt xung đột ở Sudan
Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, ngày 9/8, phát biểu trước báo giới, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách châu Phi, bà Martha Ama Akyaa Pobee nhấn mạnh rằng cần phải có một giải pháp đàm phán để chấm dứt xung đột quân sự ở Sudan càng sớm càng tốt.
Khói bốc lên sau giao tranh tại Khartoum, Sudan ngày 14/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Bà Pobee nhấn mạnh rằng sẽ không thể có giải pháp thay thế nào khác. Theo quan chức LHQ, những lời kêu gọi tiếp tục chiến tranh để giành chiến thắng quân sự của một số người sẽ chỉ góp phần hủy hoại đất nước này. Chiến tranh càng kéo dài, nguy cơ chia cắt, can thiệp nước ngoài, xói mòn chủ quyền và đánh mất tương lai của Sudan, đặc biệt là đối với giới trẻ, càng lớn.
Hơn 100 ngày đã trôi qua kể từ khi giao tranh nổ ra giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) vào ngày 15/4 vừa qua. Các cuộc đụng độ giữa 2 bên tiếp tục diễn ra ở nhiều khu vực khác nhau của đất nước châu Phi này, đặc biệt là ở Khartoum, Bahri, Omdurman và Darfur. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa bên nào giành được chiến thắng hoặc đạt được bất kỳ lợi ích đáng kể nào.
Đáng chú ý, thủ đô Khartoum vẫn tiếp tục là trung tâm của cuộc xung đột, với các cuộc giao tranh lớn tập trung xung quanh các cơ sở quan trọng của SAF, bao gồm cả trụ sở của bộ tổng chỉ huy SAF.
LHQ cũng cảnh báo rằng các bên đã gây ra nỗi khổ to lớn cho người dân vùng Darfur. Giao tranh ở Darfur đang khơi lại những vết thương cũ về căng thẳng sắc tộc từ các cuộc xung đột trước đây trong khu vực. Tình hình đang rất đáng lo ngại và có thể nhanh chóng đẩy đất nước này vào một cuộc xung đột kéo dài với tác động lan tỏa ra khắp khu vực.
Quân đội Sudan từ chối đàm phán hòa bình Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, ngày 24/8, Tổng tư lệnh quân đội Sudan Abdel Fattah al-Burhan cho biết lực lượng này không tham gia các cuộc đàm phán hòa bình tại Thụy Sĩ với nhóm bán quân sự Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF). Chủ tịch Hội đồng cầm quyền chuyển tiếp đồng thời là Tổng tư lệnh các lực lượng...