Liberia: “Bà đầm thép” 73 tuổi tái đắc cử tổng thống
Bà Ellen Johnson Sirleaf, người được mệnh danh là “ bà đầm thép” của Liberia đã tái đắc cử tổng thống, chỉ vài tuần sau khi nhận được giải Nobel Hòa Bình
Bà Ellen Johnson Sirleaf
Theo Ủy ban bầu cử quốc gia, với 86% điểm bỏ phiếu thông báo kết quả, bà Sirleaf đã dẫn đầu trong cuộc tái tranh cử, khi giành được hơn 90% số phiếu bầu.
Đối thủ của bà, ông Tubman, người đã kêu gọi những người ủng hộ tẩy chay cuộc bỏ phiếu hôm thứ ba vừa qua, giành được 9% số phiếu bầu. Ông Tubman cho rằng tiến trình bầu cử có nhiều điểm có lợi cho bà Sirleaf, tuy nhiên các quan sát viên quốc tế phủ nhận điều này. Họ khẳng định tiến trình bầu cử diễn ra minh bạch và tin cậy.
Tuy nhiên, tỉ lệ đi bỏ phiếu chỉ vào khoảng 33%, chưa bằng một nửa tỉ lệ cuộc bầu cử vòng đầu vào tháng trước. Khi đó, bà Sirleaf cũng giành được số phiếu cao nhất, nhưng không giành được thế đa số, buộc bà phải bước vào cuộc bầu cử phụ.
Giới phân tích cho rằng với tỉ lệ đi bầu thấp và bà Sirleaf không nắm được thế đa số trong quốc hội, những cam kết của bà chắc chắn sẽ khó được hiện thực hóa. Bà từng cho biết sẽ mời tất cả các ứng viên tổng thống tham gia chính phủ của bà. Tuy nhiên, ông Tubman đã thẳng thừng từ chối.
Video đang HOT
Đôi nét về “bà đầm thép” Liberia
Bà Sirleaf năm nay 73 tuổi và đã có cháu nội. Bà nổi tiếng thế giới từ năm 2005, khi trở thành nữlãnh đạo đầu tiên của châu Phi được bầu lên một cách dân chủ.
Bà Sirleaf nhậm chức sau một cuộc nội chiến đẫm máu khiến 250.000 người thiệt mạng và làm cho nền kinh tế Liberia suy sụp.
Nhà lãnh đạo tốt nghiệp trường đại học Harvard được ca ngợi vì đã thu hút được các nhà đầu tư quốc tế và được ghi công vì đã giúp xóa được một số nợ cho nước này.
Bà từng là bộ trưởng tài chính của Liberia và đảm nhận một số chức vụ quan trọng tại Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới.
Dù có nhiều thành công, những người chỉ trích cáo buộc bà thất bại trong việc hòa giải nhiều phe phái khác nhau của Liberia. Những người này nói bà không làm gì nhiều để theo đuổi công lý cho những nạn nhân tội ác chiến tranh và diệt trừ tham nhũng.
Bà cũng bị chỉ trích vì có liên hệ đến cựu lãnh tụ phiến quân Charles Taylor.Vào năm 2009, Ủy ban Sự thật và Hòa giải Liberia đề nghị cấm bà Sirleaf nắm giữ những chức vụ công cử trong 30 năm vì có liên hệ với nhóm phiến quân của ông Charles Taylor. Bà Sirleaf tỏ ra hối tiếc vì có một thời ủng hộ ông Taylor.
Tháng 10 vừa qua bà Sirleaf là một trong 3 người được trao giải Nobel Hòa Bình vì đã giúp đảm bảo hòa bình cho Liberia, thăng tiến kinh tế và phát triển xã hội và củng cố vị thế của phụ nữ.
Theo Dân Trí
Tướng về hưu đắc cử tổng thống nền kinh tế lớn nhất Trung Mỹ
Tướng về hưu Otto Perez hôm qua đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Guatemala, với cam kết quyết tâm dẹp bỏ tội phạm bạo lực. Ông là quân nhân đầu tiên trở thành tổng thống kể từ khi nền dân chủ được lập lại tại Guatemala năm 1986.
Với 98% số phiếu được kiểm, ông Otto Perez giành được 54,2% phiếu bầu, trong khi đối thủ của ông, doanh nhân giàu có Manuel Baldizon, bị qua mặt, khi giành được 45,8% phiếu bầu.
Hội đồng bầu cửa Guatemala đã tuyên bố ông Perez là người chiến thắng vào cuốingày hôm qua và người ủng hộ ông đã bắt đầu tổ chức ăn mừng trên đường phố.
Chiến thắng của ông Perez đánh dấu bước chuyển sang cánh hữu của nền kinh tế lớn nhất Trung Mỹ và diễn ra sau khi Tổng thống cánh tả Alvaro Colom không kiềm chế được tội phạm bạo lực và bảo vệ đất nước trước các băng nhóm ma túy Mexico dùng nước này làm đường trung chuyển ma túy.
Ông Perez, 60 tuổi, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vòng hai sau khi cam kết sẽ quyết tâm "mạnh tay" trước bọn tội phạm. Ông cũng cam kết sẽ triển khai quân đội trên đường phố và tăng cường quân số cho lực lượng cảnh sát.
"Từ ngày đầu tiên trở đi, người Quatemala sẽ thấy họ có một tổng thống cam kết bảo vệ cuộc sống và sự an toàn của tất cả người Guatemala", ông Perez cho biết vào cuối ngày hôm qua, và cam kết cống hiến ít nhất 60% thời gian của mình cho vấn đề an ninh.
Tỉ lệ giết người ở Guatemala lớn gấp 8 lần ở Mỹ và nhiều người tại đất nước 14,7 triệu dân này muốn thấy chính phủ cứng răn hơn nữa với bọn tội phạm.
Song các tổ chức nhân quyền lo ngại thông điệp chiến đấu chống bọn tội phạm của ông Perez có thể có mặt tối. Bởi đất nước này có "bề dạy" lịch sử quân đội nắm quyền và họ đã tiến hành nhiều vụ giết hại không cần đến xét xử.
Quân đội đã giết nhiều người bị tình nghi là cánh tả và thực hiện nhiều vụ thảm sát nông dân trong cuộc chiến 1960-1996, theo đó khoảng triệu người đã bị giết hại hoặc bị biến mất.
Ông Perez là chỉ huy của một trong những khu vực bạo lực nhất khi đó và đã có lời đồn rằng đội quân dưới sự chỉ huy của ông đã phạm tội lạm dụng. Ông cũng đứng đầu một đơn vị tình báo quân đội, bị cáo buộc tiến hành các vụ ám sát các đối thủ chính trị.
Tuy nhiên ông cũng được coi là một sỹ quan tiên tiến trong quân đội và đóng vai trò quan trọng trong việc ủng hộ hiệp ước hòa bình năm 1999 nhằm giúp kết thúc chiến tranh.
Ông Perez chưa bao giờ bị buộc tội phạm tội vi phạm nhân quyền và phản đối kịch liệt các cáo buộc nhằm vào ông. "Tôi có thể nói với các bạn rằng, các cáo buộc là hoàn toàn sai", ông khẳng định.
Theo Dân Trí
Bulgaria: Ứng viên đảng cầm quyền đắc cử tổng thống Theo kết quả do Ủy ban bầu cử trung ương Bulgaria công bố ngày 31/10 sau khi kiểm 98% số phiếu bầu, ứng cử viên đảng Công dân vì sự phát triển châu Âu của Bulgaria (GERB) cầm quyền Rosen Plevneliev đã đắc cử tổng thống trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống ở xứ sở Hoa Hồng với 52,5% số phiếu...