LHQ thông qua văn bản về thỏa thuận lịch sử bảo vệ đại dương
Sau nhiều năm đàm phán, ngày 4/3, các nước thành viên Liên hợp quốc (LHQ) cuối cùng cũng đã thông qua văn bản của hiệp ước quốc tế đầu tiên nhằm bảo vệ biển cả (high seas) – vốn được coi là “kho báu” quan trọng, song dễ bị tổn thương, chiếm gần 50% bề mặt Trái Đất.
Các loài cá tại vùng biển ngoài khơi Mayotte, Pháp. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Đây là kết quả được mong đợi từ lâu mà các tổ chức môi trường cho rằng có thể đảo ngược những tổn thất đa dạng sinh học biển cũng như đảm bảo phát triển bền vững.
Hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý nhằm bảo tồn và đảm bảo sử dụng bền vững đa dạng sinh học đại dương đã được thảo luận trong suốt 15 năm, trong đó có 4 năm đàm phán chính thức và được các nhà đàm phán của trên 100 nước nhất trí sau 5 vòng đàm phán kéo dài, do LHQ chủ trì tại New York (Mỹ). Hiệp ước này được thông qua một ngày sau hạn chót dự kiến ban đầu.
Trong một tuyên bố, chủ trì hội nghị, bà Rena Lee đã hoan nghênh việc các nước thông qua văn bản của hiệp ước nói trên. Đây được coi là một yếu tố quan trọng trong các nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ 30% diện tích đất và biển của thế giới vào năm 2030, còn biết đến với tên gọi sáng kiến 30×30, được các nước thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học lần thứ 15 diễn ra tại Montreal, Canada, hồi tháng 12/2022.
Video đang HOT
Theo bà Lee, hiệp ước sẽ được chính thức thông qua sau khi ngôn từ được các luật sư xem xét chặt chẽ và được dịch ra 6 ngôn ngữ chính thức của LHQ.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng đã hoan nghênh việc thông qua văn bản của hiệp ước, coi đây là một “chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và của những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại các xu hướng hủy diệt đại dương”.
Dù văn bản chính thức chưa được công bố, song các nhà hoạt động môi trường coi việc các nước cùng nhất trí về hiệp ước sau thời gian dài đàm phán là “bước đột phá” trong việc bảo vệ đa dạng sinh học.
Bà Laura Meller, một nhà vận động bảo vệ đại dương của tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, người đã tham gia các cuộc đàm phán coi “đây là một ngày lịch sử đối với bảo tồn và là một tín hiệu cho thấy trong một thế giới chia rẽ, bảo vệ thiên nhiên và con người có thể chiến thắng tư duy địa chính trị”.
Theo tổ chức Greenpeace, để đạt được mục tiêu sáng kiến 30×30, từ nay cho đến năm 2030, mỗi năm thế giới cần bảo vệ được 11 triệu km2 đại dương. Rất ít các vùng biển khơi được bảo vệ, trong khi vấn nạn ô nhiễm, axit hóa và đánh bắt cá quá mức đang là mối đe dọa ngày một lớn. Do đó, bà Meller kêu gọi các nước cần chính thức thông qua hiệp ước, cũng như phê chuẩn càng sớm càng tốt để hiệp ước có hiệu lực, qua đó mang lại sự bảo vệ cho đại dương.
Theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, biển cả là vùng biển quốc tế, bao gồm tất cả vùng biển không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của một quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo. Do đó, biển cả không thuộc quyền tài phán của bất kỳ nước nào. Mặc dù biển cả chiếm hơn 60% diện tích đại dương của thế giới và gần 50% bề mặt Trái Đất, song biển cả rất ít được chú ý tới. Hiện chỉ có khoảng 1% diện tích biển cả được bảo vệ. Do đó, khi có hiệu lực, hiệp ước này sẽ cho phép tạo ra các khu vực được bảo vệ trong các vùng biển quốc tế.
Lợi ích kinh tế là vấn đề lớn xuyên suốt vòng đàm phán mới nhất, bắt đầu từ ngày 20/2 vừa qua. Các nước đang phát triển kêu gọi chia sẻ thêm các lợi ích của “nền kinh tế xanh”, trong đó có việc chuyển giao công nghệ. Trong một động thái được coi là nỗ lực nhằm xây dựng niềm tin giữa các nước giàu và người nghèo, Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết tài trợ 40 triệu euro (42 triệu USD) để tạo điều kiện cho việc phê chuẩn và sớm thực hiện hiệp ước.
Trước đó, tại Hội nghị về đại dương mang tên Our Ocean, bế mạc ngày 3/3 tại Panama, EU cũng đã công bố khoản đóng góp trị giá 860 triệu USD cho nghiên cứu, theo dõi và bảo vệ các đại dương trong năm 2023. Theo nước chủ nhà Panama, các nước tham dự hội nghị đã cam kết đóng góp tổng cộng 19 tỷ USD.
Năm 2017, Đại hội đồng LHQ đã thông qua một nghị quyết kêu gọi các nước thiết lập một hiệp ước về biển cả.
Tổng Thư ký LHQ kêu gọi các nước nhất trí về hiệp ước bảo vệ các vùng biển quốc tế
Ngày 2/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hối thúc các nước nhất trí về một hiệp ước "mạnh mẽ và tham vọng" nhằm bảo vệ các vùng biển quốc tế trong bối cảnh các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Hội nghị liên chính phủ lần thứ 6 (IGC6) sắp kết thúc.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres. Ảnh: THX/TTXVN
Trong thông điệp gửi tới các nhà đàm phán, ông Guterres nói rằng: "Các đại dương của chúng ta đang chịu sức ép trong nhiều thập kỷ qua. Chúng ta không thể phớt lờ tình trạng khẩn cấp của các đại dương". Các tác động của biến đổi khí hậu, sự mất đa dạng sinh học và ô nhiễm đang được cảm nhận rõ rệt trên toàn cầu, ảnh hưởng đến môi trường, sinh kế và cuộc sống của con người. Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh nếu cuộc họp của LHQ thông qua một thỏa thuận "mạnh mẽ và tham vọng", thế giới có thể đạt được bước tiến quan trọng, đảo ngược xu hướng này và nâng cao "sức khỏe" của các đại dương cho thế hệ tiếp theo.
Sau hơn 15 năm triển khai các cuộc thảo luận chính thức và không chính thức, đây là lần thứ 3 trong chưa đầy 1 năm qua, các nhà đàm phán quy tụ tại New York (Mỹ) với mong muốn đây sẽ là vòng đàm phán cuối cùng, mang lại kết quả cụ thể là một "Hiệp ước biển quốc tế". Hội nghị dự kiến kết thúc ngày 3/3.
Vùng biển quốc tế là tất cả những phần biển không thuộc vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của một quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của một quốc gia quần đảo. Dù chiếm tới hơn 60% diện tích các đại dương trên thế giới và gần 50% diện tích bề mặt Trái Đất, các vùng biển quốc tế lại nhận được rất ít sự quan tâm so với các vùng biển duyên hải. Các hệ sinh thái đại dương đang bị đe dọa nghiêm trọng do tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và khai thác thủy sản bừa bãi dù đây là nơi tạo ra tới 50% lượng oxy cho Trái Đất và góp phần quan trọng giảm thiểu tình trạng ấm lên toàn cầu nhờ hấp thu phần lớn lượng CO2 thải ra từ hoạt động của con người.
Bản thảo Hiệp ước biển quốc tế hiện còn nhiều điều khoản mở và nhiều lựa chọn về một số vấn đề quan trọng mà các bên chưa thể nhất trí. Hiện các bên vẫn bất đồng về cách thiết lập các khu vực bảo tồn biển. Các đoàn đàm phán còn tranh cãi về việc phân chia lợi nhuận thu được từ các vật chất mới được phát hiện dưới lòng biển. Các nước đang phát triển vốn không đủ phương tiện để tiến hành các hoạt động nghiên cứu tốn kém cũng lo ngại bị bỏ lại phía sau trong khi các nước khác hưởng lợi lớn. Mặc dù vậy, với tiến bộ đáng kể đạt được trong cuộc đàm phán những ngày gần đây, giới quan sát bày tỏ lạc quan các nhà đàm phán rất có thể sẽ nhất trí về hiệp ước này.
Hiện tượng cá chết hàng loạt dọc sông Oder nhận giải 'bê bối' về tàn phá hệ sinh thái Hiện tượng cá chết hàng loạt dọc sông Oder chảy qua Ba Lan và Đức đã nhận một giải thưởng không ai mong muốn, mang tên "Khủng long của năm" 2022, do Liên minh Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (NABU) trao. Vớt cá chết trên sông Oder tại Widuchowa, Ba Lan, ngày 14/8/2022. Ảnh: PAP/TTXVN Tình trạng cá chết...