Lên dây cót cho các sĩ tử trước mùa thi
Dưới đây là một số lưu ý các bạn có thể tham khảo để tăng thêm sự tự tin khi bước vào mùa thi khó khăn trước mắt.
Thời điểm hiện tại cũng là giai đoạn cuối của năm học 2013 – 2014, trong tâm trí mỗi bạn hẳn đã có những dự định và kế hoạch cho riêng mình. Nhưng thời điểm này cũng là giai đoạn nước rút, quan trọng của các bạn học sinh cuối cấp, đặc biệt là các bạn chuẩn bị bước vào mùa thi Tốt nghiệp và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2014.
Về kiến thức thì cơ bản các bạn đã nắm được tổng quan, vì thế giai đoạn cuối này là các bạn dành để tập trung, củng cố nắm chắc và tích lũy thêm các kinh nghiệm “chiến đấu”.
1. Cẩn thận trong mọi việc
Đây là giai đoạn quan trọng, quá trình học tập dài hơi và vất vả của bạn có thể bị dừng lại vì một số lí do không đáng có nào đó. Vì thế, bạn nên cẩn trọng trong mọi việc để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra, đặc biệt là khi tham gia giao thông và tự giữ gìn sức khỏe bản thân. Đừng để sự nông nổi của tuổi trẻ mà đánh mất đi tương lai.
2. Chinh phục từng mục tiêu
Có rất rất nhiều bạn có học lực khá, giỏi nhưng vô cùng chủ quan với kỳ thi Tốt nghiệp. Đã có những bạn có học lực tốt nhưng vì một sự chủ quan nên vẫn bị trượt tốt nghiệp, do vậy đành lỡ hẹn và gác lại ước mơ của mình một năm. Để chinh phục được những đỉnh cao thì những mục tiêu nhẹ trước mắt bạn phải hoàn thành cho tốt. Làm được điều đó vừa giúp bạn thêm tự tin vừa giúp bạn gặp nhiều thuận lợi trong quá trình chinh phục những mục tiêu tiếp theo.
3. Rà soát lại kiến thức
Đối với hầu hết các bạn, đến hiện tại cơ bản đã nắm được lượng kiến thức và sự tự tin đáng kể. Vì thế thời điểm này các bạn nên củng cố lại những phần còn yếu và thiếu tự tin để nắm được kiến thức cho hoàn thiện. Nên học tập trung chứ không quá dàn trải để tránh mất công mà không đạt hiệu quả cao nhất.
4. Xem xét địa điểm để ôn luyện
Có rất nhiều bạn gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định là nên ôn thi Đại học ở đâu. Những năm gần đây thì hiện tượng các lò luyện thi ế ẩm và ảm đạm không còn là chuyện lạ. Điều đó nói lên nhận thức đúng đắn và sự chủ động của học sinh và phụ huynh để chọn lựa nơi “tôi luyện”. Thật khó để đánh giá hết chất lượng các lò luyện thi nhưng cũng không thể phủ nhận hoàn toàn, vẫn có những nơi có tiếng để các bạn yên tâm ôn luyện. Nhưng nếu bạn nắm chắc kiến thức thì có thể tự tu luyện ở nhà và thường xuyên trao đổi với thầy cô và bạn bè cũng hoàn toàn đạt được kết quả tốt.
Video đang HOT
5. Tự tin và thoải mái tư tưởng
Có rất nhiều con đường khác nhau dẫn đến thành công của mỗi người, nó phụ thuộc vào khả năng, sở thích và đam mê. Vì vậy bạn nên thoải mái trước những trận chiến như thế này. Cuối cùng, luôn tự tin và biết mình đang ở đâu, bạn đã có 50% sự chiến thắng.
Theo VNE
Thi thử: Lợi và hại
Nhiều học sinh chủ động đăng ký tham gia thi thử vì cảm thấy cần thiết; tuy nhiên, không ít nhà quản lý lại băn khoăn hậu quả tâm lý mà kỳ thi này gây ra.
Thi thử quy mô lớn
Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, một số địa phương chủ trương tổ chức thi thử có quy mô. Có thể kể đến Bắc Giang, Ninh Bình, Bình Phước, Bình Dương...
Sở GD&ĐT Bắc Giang lựa chọn thi thử tốt nghiệp THPT và đã có hẳn một văn bản hướng dẫn rất chi tiết cho việc này. Lý do đưa ra là năm nay thi tốt nghiệp THPT có nhiều điểm mới và đây là cách làm quen, tập dượt.
Sở này cũng cho biết sẽ thông qua thi thử để đánh giá đúng trình độ của học sinh, từ đó điều chỉnh việc dạy học, ôn tập cho giáo viên và học sinh.
Đây cũng sẽ là cơ sở để các nhà trường rút ra kinh nghiệm nhằm điều chỉnh việc chuẩn bị cơ sở vật chất, tổ chức coi thi, chất lượng dạy và học, đề xuất các giải pháp, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện với Sở GD&ĐT.
Bình Dương, Bình Phước, Ninh Bình thì chọn tổ chức thi thử ĐH quy mô toàn tỉnh. Tất nhiên, học sinh sẽ đăng ký theo tinh thần tự nguyện.
Theo đó, Bình Dương chỉ tổ chức thi thử hai khối A và B. Ninh Bình lại chọn 5 khối để thi thử gồm A, A1, B, C, D.
Cách tổ chức thi tại Ninh Bình khá bài bản, Sở GD&ĐT tổ chức ra đề chung ở tất cả các môn; có Hội đồng ra đề do Giám đốc Sở GD&ĐT ra quyết định thành lập.
Thậm chí, Sở GD&ĐT sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc sao in đề thi, việc bảo mật đề thi và quy trình tổ chức coi thi, chấm thi tại các hội đồng thi thử.
Bình Phước chọn cách làm hơi khác, đó là tổ chức thi thử ĐH qua Internet cho học sinh lớp 12. Các môn tổ chức thi thử là những môn trắc nghiệm gồm Vật lý, Sinh học, Hóa học và Tiếng Anh.
Bên cạnh những cuộc thi quy mô như trên, nhiều trường THPT trên cả nước cũng tự tổ chức thi thử ở cấp trường và cách làm cố gắng bài bản nhất có thể để thực sự giúp cả cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh được trải nghiệm như thật...
Học sinh khá giỏi muốn được cọ xát
Thông tin từ nhiều giáo viên, thường học sinh đăng ký thi thử phần nhiều học lực khá trở lên. Những học sinh trung bình, yếu lại không mấy thiết tha với kỳ thi này.
Nguyễn Thị Hoàng Anh học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết trường mình có tổ chức thi thử cả tốt nghiệp THPT và ĐH cho học sinh khối 12.
Trải nghiệm từ bản thân, Hoàng Anh cho hay, mỗi lần thi thử là một lần em được cọ xát, được rèn luyện tâm lý, đồng thời phần nào đánh giá được trình độ nắm kiến thức và khả năng làm bài của bản thân.
Tham gia thi thử cũng giúp Hoàng Anh rút ra nhiều kinh nghiệm khi ở trong phòng thi, từ đó điều chỉnh nội dung và phương pháp luyện thi để dạt kết quả cao.
"Bố mẹ em cũng rất đồng tình với việc em tham gia thi thử và khuyên em cần tham gia nhiều kỳ thi hơn nữa để trau dồi kiến thức" - Hoàng Anh nói.
Đặc biệt, với thi thử môn Lịch sử, Hoàng Anh tâm sự, qua mỗi lần thi thử, em thấy rõ ràng mình nắm vững kiến thức hơn, ghi nhớ chính xác hơn các sự kiện và con số; dần dần làm quen với các dạng câu hỏi, các dạng đề, đặc biệt là đề mở để từ đó chủ động sử dụng kiến thứ trong mọi dạng đề...
Lê Đức Tương Kỳ - Học sinh lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Du (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho biết, trường em thường tổ chức cho học sinh thi thử mỗi năm hai đợt, vào giữa tháng Ba và tháng Năm. Học sinh sẽ làm đề chung với Trường THPT Vũng Tàu
Theo Kỳ, vì tính chất thời điểm, nên những kì thì thử vào tháng Ba ít học sinh tham gia hơn, chỉ khoảng nửa học sinh khối 12. Tuy nhiên, đợt thi vào tháng Năm thu hút hầu hết tất cả học sinh tham gia, trừ những bạn không có nguyện vọng học ĐH.
Đã trải qua một vòng thi thử, Kỳ nhận định việc thi thử rất tốt cho bản thân, giúp em kiểm tra lại tổng hợp kiến thức, khả năng và điểm còn thiếu sót để kịp thời ôn tập. Đồng thời, làm quen với sự nghiêm túc và không khí phòng thi.
"Đây cũng là phương pháp học rất hiệu quả. Nếu như kì thi hồi tháng 3 giúp em biết được khả năng mình ra sao để chọn trường cho thích hợp thì kì thi tới sẽ giúp em rất nhiều trong việc tổng duyệt lại quá trình học hành ôn luyện" - Kỳ tâm sự.
Không cẩn trọng sẽ lợi bất cập hại
Việc có nên tổ chức thi thử hay không vẫn có những ý kiến rất mâu thuẫn. Tuy nhiên, cũng chính vì cả hai kỳ thi quốc gia năm nay có nhiều điểm mới nên một số nhà quản lý giáo dục cho rằng, không tổ chức thi thử cẩn trọng sẽ dẫn đến hệ lụy.
Ông Lý Đại Hồng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long - thể hiện quan điểm không khuyến khích thi thử. Điều mà vị Phó giám đốc Sở này lo lắng là năng lực ra đề của các trường, đặc biệt là với môn có cấu trúc mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Ngoài lý do này, ông Hồng cho rằng, việc thi thử sẽ để lại dấu ấn, có thể khiến những học sinh làm bài tốt sinh tâm lý chủ quan; làm bài yếu có thể dẫn đến mất niềm tin.
Theo ông Hồng, quan trọng nhất là ra được đề thi theo đúng yêu cầu của Bộ GD&ĐT, nhưng làm được điều đó quả thực khó khăn nên việc đánh giá cũng chưa thực sự đúng, chính xác.
"Sở GD&ĐT Vĩnh Long không chủ trương thi thử và bấy lâu nay cũng không thực hiện việc này. Tuy nhiên, các trường có thể tổ chức, nhưng ở mức độ nhẹ nhàng nào đó.
Còn việc ôn tập nên theo từng giai đoạn, từng đợt, qua đó nắm được tình hình để uốn nắn, hướng dẫn học sinh học tốt hơn" - Ông Hồng bày tỏ quan điểm.
Theo GDTĐ
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến về đổi mới thi tốt nghiệp THPT Xét đề xuất của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam về việc cải tiến thi tốt nghiệp THPT, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam có ý kiến chỉ đạo Bộ GD-ĐT nghiên cứu, tham khảo đề cương cải tiến kỳ thi tốt nghiệp THPT do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đề xuất...