Lấy dị vật kẹt trong tim cho người bệnh ung thư vú
6 năm trước, kết thúc liệu trình điều trị ung thư vú, người bệnh không lấy buồng truyền hóa chất ra ngoài.
Tháng 11/2021, dây nối của buồng truyền bị đứt, trôi theo mạch máu, bị kẹt lại ở trong tim.
Ngày 22/11, Bệnh viện Việt Đức thông tin lấy thành công dị vật kẹt trong tim ở bệnh nhân có tiền sử ung thư vú.
Trước đó, năm 2015, khi phát hiện ung thư vú, bệnh nhân được phẫu thuật và đặt buồng truyền hóa chất để điều trị hóa chất bổ trợ. Sau khi kết thúc liệu trình điều trị, do e ngại việc phải phẫu thuật can thiệp nhiều lần nên người bệnh đã không lấy buồng truyền ra. Đến tháng 11/2021, sau 6 năm, dây nối của buồng truyền bị đứt và trôi theo mạch máu và bị kẹt lại ở trong tim.
Trước ca bệnh này, các bác sĩ quyết định can thiệp lấy dị vật ra khỏi tim. ThS.BS Thân Văn Sỹ, Khoa Chẩn đoán Hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, các bác sĩ đã sử dụng dụng cụ can thiệp đưa vào buồng tim và lấy dị vật ra ngoài chỉ trong vài phút.
“Quá trình can thiệp nhanh chóng và nhẹ nhàng đến nỗi người bệnh phải thốt lên trong ngỡ ngàng, bởi khi đến viện, bệnh nhân nghĩ mình sẽ phải phẫu thuật, nỗi sợ khiến bệnh nhân ám ảnh 6 năm trước, không dám vào viện để lấy buồng truyền ra cho tới khi xảy ra biến chứng nguy hiểm..”, BS Sỹ cho biết.
Video đang HOT
Sau can thiệp, tình trạng người bệnh hoàn toàn ổn định, dự kiến sẽ được xuất viện trong một hai ngày.
Dị vật kẹt trong tim được lấy ra.
TS. BS Lê Thanh Dũng, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, dị vật trong tim và mạch máu rất hiếm gặp, tuy nhiên gần đây có phổ biến hơn do việc sử dụng ngày càng nhiều các dụng cụ, thiết bị trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý khác nhau. Những dị vật này có thể to, nhỏ, hoặc có độ cứng, sắc cạnh khác nhau. Vì vậy, chúng có thể không gây ra triệu chứng gì, hoặc có thể gây ra huyết khối, tắc mạch, đâm thủng thành mạch, tổn thương tim, van tim, thậm chí dẫn đến rối loạn nhịp tim…
“Rất may mắn, y học ngày càng phát triển, với các dụng cụ hiện đại, hầu hết các dị vật trong tim và mạch máu đều có thể lấy ra khỏi cơ thể chỉ qua một vết chọc rất nhỏ trên da”, TS Dũng cho biết.
Tuy nhiên, TS Dũng cũng nhấn mạnh, việc lấy bỏ dị vật trong lòng tim, mạch máu phải được thực hiện bởi những người có kinh nghiệm để tránh gây ra những tổn thương thêm cho tim và mạch máu.
Ung thư đại trực tràng: Chữa khỏi đến 90% nếu phát hiện sớm
Ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư thường gặp nhất của đường tiêu hóa, có xu hướng trẻ hóa, gia tăng đáng ngại.
Việc tiếp cận điều trị càng sớm càng mang lại hiệu quả cao.
Mới đây, tại hội thảo trực tuyến "Cách tiếp cận mới trong điều trị ung thư đại trực tràng" diễn ra tại BV Việt Đức, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật đại trực tràng - Tầng sinh môn, Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa, BV Việt Đức cho biết, ung thư đại trực tràng tại Việt Nam ngày càng gia tăng.
Nhiều phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng được cập nhật tại hội thảo.
Ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư thường gặp nhất của đường tiêu hóa. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới năm 2020, ung thư đại trực tràng đứng thứ 3 về số ca mới mắc sau ung thư vú và ung thư phổi với 1.931.590 ca mới mắc (chiếm tỷ lệ 10%) và đứng hàng thứ 2 về số ca tử vong sau ung thư phổi với 935.173 ca tử vong (chiếm 9,4%).
Tại Việt Nam, năm 2020 ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 5 về cả số ca mới mắc và tử vong trong các loại ung thư thường gặp sau ung thư gan, phổi, vú, dạ dày với 16.426 ca mới mắc (chiếm tỷ lệ 9%) và tử vong 8.524 ca (chiếm tỷ lệ 6,9%). Như vậy có thể thấy, tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng ở Việt Nam đã tăng lên ở mức đáng ngại.
Theo PGS Hùng, cách đây 15-20 năm, ung thư đại trực tràng gặp nhiều ở các nước châu Âu, Mỹ, ít gặp hơn ở châu Á. Trong khi đó, các bệnh như ung thư dạ dày, ung thư gan lại gặp phổ biến hơn ở châu Á.
Ngày nay, lối sống, chế độ ăn của người Việt, người châu Á ngày càng tương đồng với các nước phương tây, theo đó chế độ ăn nhiều thịt đỏ, thức ăn chế biến sẵn, nạp nhiều chất béo, uống nhiều rượu... ngày càng phổ biến, trong khi đó lại giảm ăn rau xanh, trái cây... là những yếu tố nguy cơ gia tăng tỉ lệ mắc bệnh.
Ngoài ra, do người dân ngày càng có ý thức hơn trong việc khám sức khỏe, tầm soát ung thư; tuổi thọ người dân ngày càng tăng; các phương pháp chẩn đoán ngày càng tiên tiến hơn, cho phép phát hiện nhiều hơn các trường hợp ung thư đại trực tràng.
Việc khám sàng lọc và nội soi đại trực tràng giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng, đặc biệt cắt polyp qua nội soi giúp giảm tới 80% tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng.
Đặc biệt, với ung thư đại trực tràng, phát hiện ở giai đoạn sớm sẽ giúp điều trị hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Tại hội thảo các báo cáo viên đã trình bày, thảo luận nhiều chuyên đề quan trọng trong điều trị ung thư đại trực tràng như: Cắt toàn bộ mạc treo trực tràng qua ngã hậu môn (TaTME) có phải là lựa chọn thích hợp cho ung thư trực tràng trung và thấp; Phẫu thuật bảo tồn cơ thắt trong ung thư đại trực tràng; Nối trong cơ thể trong phẫu thuật nội soi đại trực tràng; Áp dụng quy trình ERAS trong phẫu thuật cắt đại tràng: hiệu quả và thách thức...
Để phát hiện sớm ung thư đại trực tràng, chuyên gia khuyến cáo sau tuổi 40, mọi người nên thực hiện tầm soát ung thư đại trực tràng để được phát hiện, điều trị sớm. Ung thư đại trực tràng phát hiện sớm, tỉ lệ chữa khỏi lên đến 90%.
Nam giới bị ung thư vú cần chú ý điều gì? Mọi người đều biết về nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ, thường bỏ qua nguy cơ mắc ung thư vú ở nam giới. Gần đây, các thông tin về ung thư vú của nam giới ngày càng nhiều. Cũng như các loại ung thư khác, ung thư vú ở nam giới cũng có cơ hội chữa khỏi nếu được phát hiện...