Lẩu cháo cua đồng
Món lẩu cháo cua đồng sẽ là một trải nghiệm thú vị cho gia đình vào những ngày cuối tuần.
Cuối tuần ông xã mời bạn bè về nhà tụ họp nên mình dự định làm một món lẩu lạ lạ để chiêu đãi tất cả mọi người. Theo lời khuyên của một chị đồng nghiệp quê ở miền trong, mình quyết định đi chợ mua đồ về nhà làm món lẩu cháo cua đồng.
Nguyên liệu để nấu món lẩu này khá dễ mua. Đầu tiên chắc chắn phải mua cua đồng và mua gạo để nấu cháo. Tiếp theo là các nguyên liệu như nấm rơm, rau má, rau ngót, mồng tơi, mướp hương, hành củ, hành lá, mùi tàu, ớt…
Gạo ở nhà đã có sẵn nên mình không mua thêm nữa. Mùa này không phải mùa chính của cua đồng nên giá cua hơi đắt một chút: 15.000 đ/lạng. Nấm rơm có giá 12.000 đ/lạng. Cuối tuần nên hầu như loại nấm và rau nào cũng tăng giá đôi chút. Rau ngót giá 4.500 đ/mớ, rau mồng tơi giá 4.000 đ/mớ, mướp hương giá 25.000 đ/kg (đắt hơn loại mướp thường 5.000 đ/kg).
Rau má cũng tăng 1.000 đ/lạng so với dạo mùa hè, lên mức 6.000 đ/lạng. Mình mua thêm các loại rau thơm như: xà lách: 4.000 đ/lạng, rau mùi ta: 4.000 đ/mớ, mùi tàu 1.000 đ/mớ, cuối cùng là thêm 2.000 đ hành lá và ớt nữa.
Cách làm món lẩu này cũng không khó. Đầu tiên là khâu sơ chế cua. Các mẹ có thể nhờ người bán hàng xay cua từ ở chợ, nhưng để món lẩu được ngon và đảm bảo vệ sinh nhất thì mình lựa chọn phương án đem về nhà tự giã. Mình chọn những con cua còn sống, rửa sạch, bóc mai và yếm để riêng rồi bỏ thân cua vào cối, bỏ thêm ít muối trắng vào rồi giã nát. Sau khi đã giã nát cua rồi mình đổ nước lạnh vào, khuấy đều và lọc lấy nước, còn phần bã mình tiếp tục giã và lọc thêm một lần nữa rồi mới vứt bã cua đi.
Video đang HOT
Món lẩu cháo cua đồng có mùi thơm của gạo rang và vị ngọt của cua đồng (Ảnh minh họa)
Phần mai cua mình gỡ lấy gạch để riêng ra bát con còn vỏ mai và yếm thì bỏ đi. Tiếp đến mình bắc nồi nước lọc cua lên bếp và đun với lửa vừa, khi nào thấy có tăm nổi lên trên mặt nước thì mình dùng đũa khuấy nhẹ nhàng dưới đáy nồi. Khi nào nước bắt đầu sôi thì mình mở thật nhỏ lửa để váng cua khỏi bị vỡ và tiến hành vớt váng cua nổi phía trên mặt nước.
Tiếp theo mình đi rang gạo cho hơi ửng vàng rồi mới đem gạo đó nấu thành cháo cùng với nước lọc cua lúc nãy. Cháo nấu bằng gạo rang sẽ có mùi thơm thơm rất đặc biệt. Cháo nấu lẩu cua đồng phải thật loãng, nhiều nước để còn nhúng rau nữa. Khi cháo chín mình tiếp tục bỏ nấm rơm vào nấu. Gạch cua mình cũng đem xào riêng cho dậy mùi thơm rồi trút vào nồi lẩu. Cuối cùng mình rắc hành lá, hạt tiêu, mùi tàu vào rồi tắt bếp.
Món lẩu sẽ thêm phần hấp dẫn khi được kết hợp với nhiều loại rau đồng quê như: rau má, rau ngót, rau mồng tơi, mướp hương… và một chút gừng thái chỉ kèm theo. Đảm bảo các mẹ và gia đình sẽ rất ngon miệng và ấm bụng với món lẩu cháo cua đồng trong những ngày cuối tuần trời lạnh như thế này.
Theo Eva
Lẩu cháo cua đồng thơm ngon dễ ăn
Lẩu cháo cua đồng ăn mát, bổ dưỡng mà lại giúp hạ đường huyết.
Món lẩu cháo cua đồng vừa có hương vị đặc sắc lại vừa nhiều chất bổ dưỡng.
Tự bao đời nay, các món ăn làm từ con cua đồng đã gắn liền với những thứ rất dân dã đồng quê. Với con cua đồng, người dân có thể chế biến nhiều món ăn ngon như: cua đồng rang me, cua đồng chiên giòn... Thú vị hơn, thịt cua đồng có thể dùng đế nấu món bún riêu hoặc nấu canh rau... Ngày nay, cách thức dùng thịt cua đồng nấu lẩu kết hợp nhúng với nhiều loại rau xanh đã tạo cho món lẩu cháo cua đồng nét khác biệt riêng, tuy lạ lẫm nhưng rất gần gủi và đây đã trở thành món ăn khá thú vị.
Để có được một nồi lẩu cháo thơm ngon, người đầu bếp phải cất công từ khâu chọn cua đến khâu chế biến. Cua đồng phải còn sống, được rửa sạch, bóc vỏ yếm, gỡ mai nạo lấy gạch trong cua để riêng, còn lại cho vào cối giã nát, sau đó lọc lại, cho ít muối, hạt nêm, tiêu. Sau đó, cho hỗn hợp cua vào nồi, đặt lên bếp để lửa vừa rồi chờ đến khi sôi và tiến hành vớt váng cua nổi trên mặt nước.
Thịt cua tạo thành từng mảng rất thơm ngon và bổ dưỡng.
Đặc biệt, gạo dùng để nấu cháo phải được rang hơi ửng vàng để khi nấu hạt cháo có mùi vị thơm thơm. Cháo nấu lẩu cua đồng phải thật loãng, ngập nước dùng để còn nhúng rau. Khi cháo chín mới đưa vào nồi lẩu cua đồng có nấm rơm, hẹ, hành tím, tiêu, ngò, hành lá và nêm mắm muối cho vừa ăn. Gạch cua cũng xào riêng cho dậy thơm và cho vào lẩu.
Đĩa rau xanh miệt vườn góp phần tăng thêm sức hấp dẫn cho món ăn.
Món ăn sẽ thêm phần hấp dẫn nếu bạn kết hợp với nhiều loại rau đồng quê: rau má, rau ngót, rau mồng tơi và mướp hương... Và một chút gừng xắt sợi kèm theo, cùng nước chấm mắm ngon cũng sẽ làm bạn ấm bụng hơn với món lẩu này. Tuy nhiên, nếu muốn cho nồi lẩu cháo được ngọt và đậm đà hơn nữa bạn có thể cho hột vịt lộn vào nồi lẩu. Món ăn này không cần dùng kèm theo cơm, bún hay mì.
Nước lẩu thơm ngọt đậm đà hương vị con cua nơi đồng quê, cùng đĩa rau xanh và mướp hương, khi ăn tới đâu nhúng tới đó, thực khách cũng đủ thấy khoái vị. Chính cái hương vị đặc sắc, mùi thơm ngon ngọt của cua, cùng với những loại rau dân giã nơi sông nước miền Tây đã làm nên món lẩu cháo cua đồng quyến luyến rất nhiều thực khách mỗi khi có dịp thưởng thức.
Một chút gừng xắt sợi kèm theo cũng sẽ làm bạn ấm bụng hơn với món lẩu này.
Nếu có dịp được ghé xứ dừa Bến Tre, hoặc căn tin khu cư xá Sao Mai, Phường Mỹ Long, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, bạn sẽ được thưởng thức qua món ăn ngon này.
Thư Kỳ
Theo ngôi sao
[Chế biến] - Lẩu măng chua riêu cua Trời mùa đông, bạn hãy chuẩn bị một nồi lẩu nóng hổi chua chua cay cay cho cả gia đình quây quần, ăn vừa ngon vừa nhanh gọn. Nguyên liệu: - 800g cua đồng hoặc có thể dùng ghẹ để thay thế - 400g măng chua - Cà chua, dọc mùng, đậu bắp - Hành lá, mùi tàu, hành khô - Nước mắm,...