Lãnh đạo lên tiếng về một chương trình nhiều sách giáo khoa
Chủ trương “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” được Quốc hội thông qua đang có nhiều ý kiến trái chiều. Nguyên lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã đồng loạt lên tiếng.
PV đã có cuộc trò chuyện cùng các chuyên gia đầu ngành, nhiều năm công tác tại Bộ GD&ĐT.
GS. Trần Hồng Quân – Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Tính thống nhất là ưu điểm hơn cả.
Cùng một chương trình nhưng cách viết sách giáo khoa (SGK) cho các vùng miền có thể khác nhau để các em học sinh dễ hiểu. Bởi lẽ, bộ sách nào thì nội dung chương trình cũng là chung, cùng do Bộ GD&ĐT ban hành.
Vừa qua dư luận nói rằng, việc cho biên soạn sách giáo khoa là phân biệt vùng miền, đó là nhận định sai lầm. Bộ sách do tập thể tác giả ở miền Nam biên soạn có thể các trường phía Bắc chọn dùng đó là điều rất bình thường.
Ngược lại, nhóm tác giả phía Bắc biên soạn phía Nam dùng cũng không có vấn đề gì. Nhóm tác giả nào viết hay thì nhà trường chọn, điều này cũng là đòn bẩy để các nhóm tác giả tham gia viết SGK nỗ lực hơn nữa.
GS. Trần Hồng Quân – Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Thực tế chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK các nước khác đã làm từ rất lâu. Ví như Liên Xô, một chương trình cũng có 8 bộ SGK. Với những phương pháp của các bộ SGK đương nhiên sẽ tồn tại những điểm mạnh và điểm yếu.
Tuy nhiên, có nhiều bộ SGK thì tính đa dạng về mặt kiến thức sẽ cao hơn nhưng vẫn đảm bảo tính thống nhất về chương trình và trình độ thì đó là cái ưu điểm lớn hơn cả.
Về vấn đề độc quyền SGK của NXB Giáo dục như hiện nay, bản chất của chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK không phải để xóa bỏ cái độc quyền mà là tạo sự đa dạng SGK.
Còn việc xóa bỏ độc quyền SGK không có gì khó. Bởi lẽ, NXB Giáo dục được Bộ GD&ĐT chủ trì việc biên soạn SGK, nếu muốn xóa độc quyền Bộ GD&ĐT có thể giao cho các đơn vị khác như Viện Khoa học Giáo dục… nhưng quan trọng là không đạt được ưu điểm về sự đa dạng SGK.
GS. Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Cần có khung phân luồng giáo dục chuẩn rồi mới biên soạn SGK.
Video đang HOT
Muốn hướng đến một nền giáo dục có chất lượng thì các chủ trương, kế hoạch cũng cần phải thực hiện có tuần tự. Trước hết, ta cần xem lại hệ thống giáo dục như thế nào. Vừa qua, Bộ GD&ĐT đưa ra khung chương trình giáo dục mới.
Tuy nhiên, khung chương trình mới này chưa đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Trung ương mà cụ thể nhất là việc phân luồng trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Trong nghị quyết Trung ương 9, khóa XI thì đến bậc THCS chúng ta đã phải phân luồng một cách triệt để. Tuy nhiên, trong khung chương trình giáo dục mới thì đến bậc THPT Bộ GD&ĐT vẫn để định hướng nghề nghiệp, dường như chưa có sự thay đổi. Ngay cả việc phân luồng chúng ta còn chưa làm được rõ ràng thì làm sao có thể viết sách được?
GS. Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.
Nếu đến THPT chúng ta chia ra thành: Luồng nghiên cứu chiếm từ 30-40% số học sinh, còn lại theo hướng phổ thông nghề. Khi các luồng đã rõ ràng thì ta chia ra xem hướng nghiên cứu gồm những ban nào, môn thuộc về khoa học tự nhiên sẽ sử dụng sách của nước nào là thích hợp và sau đó học tập cách viết.
Một khía cạnh nữa là chúng ta cũng nên chú trọng sách dành cho học sinh theo hướng phổ thông nghề. Hiện nay, sinh viên tốt nghiệp ra trường tràn lan và không có việc làm vì tất cả học sinh đều đi học đại học để làm thầy thì ai sẽ là người làm thợ? Theo quan điểm cá nhân tôi sau khi phân luồng giáo dục một cách rõ ràng thì mới tính đến việc viết sách cũng thành đơn giản.
Như sách khoa học, kĩ thuật các nước trên thế giới có rất nhiều, mình có thể nghiên cứu học hỏi họ rồi chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn giáo dục Việt Nam.
Chúng ta nên tập trung sách khoa học xã hội, với loại sách này kiến thức từ trước tới giờ có cũng đã tương đối đầy đủ. Quan trọng là phương pháp truyền đạt thế nào để các học sinh nắm được thì cần phải nghiên cứu.
GS. Phạm Minh Hạc – Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Biên soạn sách phải chú trọng sách cho học sinh miền núi.
“Thực ra, chủ trương “một chương trình nhiều bộ SGK” các nước trên thế giới đã thực hiện từ rất lâu để phát huy trí tuệ của đông đảo các nhà khoa học, các nhà giáo và quan trọng là người học có quyền được lựa chọn.
GS. Phạm Minh Hạc – Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Thực tế nền giáo dục của Việt Nam còn vài vấn đề:
Thứ nhất, ai sẽ là người được chọn SGK: Học sinh chọn? Giáo viên chọn? Tổ bộ môn chọn? Trường chọn? Sở GD&ĐT chọn hay thậm chí là Bộ GD&ĐT chọn? Đó cũng là vấn đề mà chúng ta cần phải bàn bạc kĩ.
Khi các nhà quản lí giáo dục đánh giá trình độ của học sinh thì đánh giá theo “chuẩn” nào cũng chưa được rõ ràng để giáo viên cũng như học sinh có định hướng. Quan trọng là thi THPT Quốc gia như thế nào?
Các vùng miền ở nước ta trình độ phát triển kinh tế xã hội rất khác nhau. Đặc biệt là vùng cao đời sống rất khó khăn. Làm sao để các học sinh miền núi cũng được học đủ các môn như học sinh ở thành phố là điều cực kì khó khăn. Vì thế, biên soạn SGK cần phải chú trọng tới trình độ của học sinh miền núi.
Theo Hoàng Thanh/Infonet
Lo ngại dùng sách giáo khoa địa phương
Nếu không có khung chương trình chuẩn và việc đánh giá không khách quan, công bằng, giáo viên không được tự chủ, dễ nảy sinh địa phương nào dùng sách của địa phương đó.
Hiệu trưởng một trường THPT tại TP HCM cho biết, chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) được nhiều ý kiến đồng tình. Tuy nhiên, không ít người lo ngại về chuyện mỗi địa phương sẽ tự biên soạn sách cho địa phương mình.
Theo cơ chế kiểm soát, sẽ không giáo viên (GV) và học sinh nào dám dùng sách của địa phương khác. Việc kiểm tra, thi cử cũng sẽ nảy sinh tiêu cực nếu căn cứ vào SGK.
Nhiều chuyên gia cho rằng cần có chương trình khung chi tiết trước khi xuất bản nhiều bộ sách giáo khoa. Ảnh : Người Lao Động.
Phải có chương trình khung chuẩn
Ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng THPT Quốc tế Việt - Úc, cho rằng, trên lý thuyết, việc GV được tự lựa chọn sách nào phù hợp để giảng dạy trong nhiều bộ SGK là rất hay. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện chủ trương giáo dục này, điển hình như Singapore, mục đích là phát huy sự sáng tạo, tính chủ động của người dạy.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó thì nhất định phải có một chương trình khung cụ thể, chi tiết. Chương trình này phải do Bộ GD&ĐT triển khai. Cá nhân, tổ chức nào biên soạn sách thì dựa trên chương trình khung đó. Để làm hiệu quả, chương trình khung phải được công bố rộng rãi đến từng GV và việc kiểm tra, thi cử phải theo khung chương trình chứ không theo SGK nhằm tránh tiêu cực. Việc này cũng đòi hỏi GV phải có kiến thức, bản lĩnh để dạy khi SGK không còn là pháp lệnh nữa.
Theo một chuyên gia giáo dục, trước năm 2000, khi biên soạn SGK tiếng Anh cho chương trình phân ban, Bộ GD&ĐT công bố rộng rãi và cuối cùng lựa chọn hai nhóm tác giả của Hà Nội, TP HCM. Tuy nhiên, thay vì để GV và học sinh tự lựa chọn, Bộ lại phân chia hết sức phi lý: Sách của nhóm Hà Nội được chọn cho ban cơ bản và khoa học tự nhiên, sách của nhóm TP HCM thì chọn cho ban khoa học xã hội. Ban khoa học xã hội rất ít người học tiếng Anh, kết quả cuối cùng là không bán được sách dù chất lượng của 2 bộ sách lúc này được thẩm định không thua kém gì nhau.
"Từ đó mới thấy việc viết sách, chọn sách phải hết sức công bằng. Có thông tin NXB Giáo dục Việt Nam cũng biên soạn sách, mà lâu nay, sách của NXB trực thuộc Bộ GD&ĐT thì người ta sẽ vì tâm lý mà mua. Như thế không thu hút được các nhóm tác giả khác tham gia và cuộc chơi lại không bình đẳng. Hãy xem NXB Giáo dục Việt Nam như mọi NXB khác theo cơ chế cạnh tranh" - vị chuyên gia này bày tỏ.
Không nên chia vùng - miền
Ông Ngô Tương Đại, Phó hiệu trưởng Trường THCS - THPT Quang Trung - Nguyễn Huệ, cho biết trước năm 1975, mỗi GV được phát 40 cuốn sách của 40 NXB khác nhau, ai muốn lựa chọn sách nào để dạy và học cũng được. Tức là chỉ có một chương trình khung chi tiết, người thầy đóng vai trò dạy cho học sinh phương pháp, cách thức phân tích, chứng minh.
Trong khi đó, hiện nay, chúng ta làm ngược lại: cứ soạn sẵn, chứng minh trước rồi học sinh học theo. Vì thế, cho GV lựa chọn sách để sử dụng là ý tưởng tốt nhưng song song với đó, việc thi cử, đánh giá phải thoáng, công bằng, giao quyền chủ động cho người thầy, chứ không thể theo kiểu học sinh miền Bắc nói "ngô", học sinh miền Nam nói "bắp"....
"Bộ GD&ĐT đừng lo các địa phương làm sai vì nếu căn cứ vào chuẩn chương trình để đánh giá thì sẽ có kết quả khách quan và trung thực nhất. Lâu nay, việc ra đề thi của bộ có vẻ như chạy theo dư luận. Dư luận kêu đề dễ thì năm sau ra khó và ngược lại, không căn cứ vào một cơ sở khoa học nào cả" - một vị chuyên gia nhận xét.
TS Hồ Văn Hải, Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sài Gòn, cho rằng, chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, việc biên soạn sách nên do các nhóm chuyên gia, tác giả thực hiện; không nên để mỗi địa phương mỗi bộ sách khác nhau và cũng không nên chia vùng, miền để biên soạn. Chẳng hạn, TP HCM không thể biên soạn thay Vĩnh Long, Bạc Liêu; Hà Nội không thể biên soạn thay Lào Cai, Bắc Kạn.
TS Hải nhận định, nếu mỗi tỉnh, thành tự biên soạn sách, tự bỏ tiền ra thì dĩ nhiên GV, học sinh địa phương nào sẽ dùng sách địa phương đó. Để tránh tiêu cực, ngoài chương trình khung chuẩn và chi tiết, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng còn phải thật sự độc lập, khách quan. Ngoài những tiêu chuẩn chung của SGK còn cần những tiêu chí như hướng đến việc tiếp cận năng lực, tư duy, phương pháp học tập...
Nên chọn sách theo từng trường hoặc tổ bộ môn
Theo TS Hồ Văn Hải, việc GV được chọn SGK phù hợp để giảng dạy là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, mỗi trường hoặc từng tổ bộ môn cần thống nhất, thảo luận chọn một bộ sách để dạy.
"Giáo dục của chúng ta đang phát triển theo hướng tương tác giữa thầy với thầy, trò với trò, thầy với trò... nên nếu mỗi GV cùng một bộ môn mà chọn các loại sách khác nhau thì rất rối" - ông nhìn nhận.
Theo Đặng Trinh/Người Lao Động
'Viết sách giáo khoa cho từng vùng miền là điều không tưởng' "Chúng ta không nên hiểu sai lầm và máy móc rằng, cần có nhiều bộ sách giáo khoa cho vùng, miền", Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Kanazawa, Nhật Bản, viết. Cơ chế "một chương trình - nhiều sách giáo khoa" trải qua nhiều tranh luận, cuối cùng cũng được Bộ GD&ĐT chính thức thừa nhận và thực hiện....