Làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm
Theo các cụ cao niên của làng, nghề ươm nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm bắt đầu từ những năm 1960 và phát triển cho đến bây giờ.
Chỉ còn ít ngày nữa đến ngày tết ông Công, ông Táo ( 23 tháng Chạp âm lịch), những ngày này người dân làng nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đang tất bật xuống ao bắt cá cung cấp ra thị trường.
Gia đình ông Nguyễn Công Vui, người đã có thâm niên hơn 30 năm trong nghề nuôi cá, năm nay, ông dự kiến thu được hơn 3 tạ cá chép đỏ; được thương lái đặt hàng trước, sau khi trừ chi phí cho thu nhập trên 50 triệu đồng, giúp ông đón tết Canh Tý vui vẻ đầm ấm. Ông cho biết, ngay từ tháng 6 âm lịch hàng năm, gia đình đã bắt đầu thả nuôi cá chép đỏ. Năm nay thời tiết thuận lợi cá phát triển tốt.
Cũng như ông Vui, gia đình anh Hà Công Phượng ở khu 3 Thủy Trầm còn thu gom cá của các hộ trong làng, chở đi bán buôn tại các tỉnh, thành khác như Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội. Cá khi bắt khỏi ao đưa về bể sẽ được phân thành 2 loại: loại 40 con/kg và loại 50 – 60 con/kg, giá bán tại làng từ 100.000-150.000/kg.
Năm 2011, UBND tỉnh Phú Thọ đã công nhận làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm và đầu tư cơ sở vật chất phát triển làng nghề. Hiện nay cả làng có trên 30 ha nuôi cá chép đỏ của 670 hộ dân, trong đó 353 hộ trực tiếp sản xuất, kinh doanh cá, sử dụng trên 1.250 lao động tại chỗ.
Cá thu hoạch có kích cỡ khoảng 3 ngón tay là vừa đẹp.
Video đang HOT
Thông thường cá giống sẽ được tiến hành nuôi từ hồi giữa năm, người nuôi cá chăm sóc sao cho đến khi cá thu hoạch có kích cỡ khoảng 3 ngón tay là vừa đẹp. Trong những năm trở lại đây, để nghề nuôi cá phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao nên các hộ gia đình trong làng đã tích cực dồn điền, đổi thửa, củng cố xây dựng bờ ao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng công nghiệp, nhờ vậy năng suất và sản lượng ngày một tăng.
Cuối năm 2017, UBND xã Tuy Lộc đã quyết định thành lập Hợp tác xã cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm với mục đích hỗ trợ người dân sản xuất, kinh doanh cây, con giống nói chung và con cá chép đỏ nói riêng. Tháng 12/2018, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ đã công bố và bàn giao văn bằng chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Cá chép đỏ Thủy Trầm” cho Hợp tác xã.
Đây là bước tiến lớn, giúp cá chép đỏ Thủy Trầm được chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu, là căn cứ pháp lý khẳng định giá trị thương hiệu của sản phẩm trên thị trường.
Từ đây, người dân Tuy Lộc có thể đẩy mạnh sản xuất, kết nối tiêu thụ, mang cá chép đỏ tiếp tục vươn xa. Năm nay, sản lượng cá làng nghề dự kiến cung cấp ước tính khoảng 50 tấn, đáp ứng nhu cầu mua cá của bà con nhân dân các tỉnh.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển sản xuất cá chép đỏ, xã Tuy Lộc đang hướng người dân đến việc hợp tác sản xuất ổn định để phát triển làng nghề theo hướng bền vững. Song song với đó, xã sẽ quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp cho làng nghề; tích cực tổ chức chuyển giao các công nghệ sản xuất, nuôi trồng mới, hiệu quả, đảm bảo môi trường cho các hộ dân nhằm giúp nâng cao năng suất.
Dự kiến năm nay làng nghề Thủy Trầm sẽ cung cấp khoảng 50 tấn cá chép đỏ.
Đặc biệt, thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, quảng bá để thương hiệu cá chép đỏ Thủy Trầm ngày càng lan tỏa rộng hơn, góp phần xây dựng xã Tuy Lộc được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2019.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Muốn giàu nuôi cá, muốn khá hơn thì nuôi cá cùng nhau
Nhằm giúp xã miền núi Văn Khúc, huyện Cẩm Khê, phát huy tiềm năng, thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, Hội Nông dân (ND)tỉnh Phú Thọ đã triển khai thực hiện mô hình nuôi cá thương phẩm tại đây và đạt được hiệu quả tích cực. Các hộ nuôi cá đã dần liên kết, hỗ trợ nhau cùng nuôi cá hiệu quả
Cùng nhau nuôi cá
Mô hình nuôi cá thương phẩm được Hội ND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện ở xã Văn Khúc trong 36 tháng, từ tháng 8/2016 đến tháng 8/2019. Tham gia mô hình có 17 hộ hội viên, nông dân với tổng số 34 lao động.
Nhờ được hỗ trợ, các hộ nuôi cá thương phẩm ở xã Văn Khúc đã nâng cao thu nhập. Ảnh: Mai Phương
Để thực hiện mô hình, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Hội ND huyện Cẩm Khê, Hội ND xã Văn Khúc tổ chức mở lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản theo hướng an toàn sinh học cho các hộ. Hội phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Khê tiến hành giải ngân hơn 1,9 tỷ đồng vốn chương trình tín dụng giải quyết việc làm, bình quân mỗi hộ tham gia mô hình được vay từ 25-30 triệu đồng.
Được vay vốn, được tập huấn kỹ thuật nuôi cá, các hộ bắt tay vào cải tạo ao, đầm; mua thêm ngư cụ, thức ăn và cá giống. Qua theo dõi, bình quân hàng năm các hộ tham gia mô hình đánh bắt, thu hoạch bán hơn 45 tấn cá các loại. Sau 3 năm thực hiện mô hình, các hộ đã xuất bán trên 120 tấn cá thương phẩm các loại, cho thu lãi hơn 2,5 tỷ đồng, thu nhập lao động đạt 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Đặng Văn Công - chi hội thôn Quang Trung được vay vốn 30 triệu đồng, cùng vốn tự có của gia đình đã đầu tư mua cá giống, thức ăn và tiến hành thả nuôi cá trên diện tích 1ha đầm. Sau 3 năm thực hiện, khu đầm cá của gia đình ông Công đạt lợi nhuận 207 triệu đồng. Hay như hộ ông Hoàng Anh Tuấn - Chi hội xóm Đồng cũng được vay 30 triệu đồng đầu tư nuôi cá. Đến nay, tổng lợi nhuận có được từ khi tham gia mô hình nuôi cá của gia đình ông Tuấn đạt 190 triệu đồng. "Tham gia mô hình, các hộ còn hỗ trợ nhau tốt hơn trong việc chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá; cùng nhau thương thảo mua thức ăn chăn nuôi; thương thảo giá bán cá nên mọi công đoạn của nghề nuôi cá diễn ra thuận lợi hơn..." - ông Tuấn nói.
Thu hút thêm nông dân vào Hội
Mô hình nuôi cá thương phẩm ở xã Văn Khúc đã kết thúc chu kỳ vay vốn chương trình tín dụng giải quyết việc làm, nhưng hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội vẫn được nhân lên. Các hộ tham gia mô hình tiếp tục đầu tư nâng cao hiệu quả nuôi cá thịt thương phẩm. Ngoài 17 hộ tham gia ban đầu, đến nay mô hình kết nạp thêm 5 hộ thành viên mới. Thông qua sự hỗ trợ của Hội ND các cấp, các hộ đã cùng nhau tập hợp thành chi hội nông dân nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là bước tạo thuận lợi để các hộ tiếp nhận vốn vay.
Về phía tổ chức Hội ND cơ sở, sau 3 năm thực hiện dự án, mô hình nuôi cá thịt thương phẩm, Hội ND xã Văn Khúc đã thu hút thêm 55 nông dân tham gia vào tổ chức, nâng tổng số hội viên toàn xã lên hơn 1.160 người, đạt 116% so với hộ nông nghiệp ở địa phương. Hội viên, nông dân, mà tích cực, nòng cốt nhất là các hộ tham gia dự án nuôi cá thịt thương phẩm đã tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của Hội. Các hộ đã tích cực tham gia xây dựng, phát triển nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân với mức ủng hộ từ 100.000 đồng/hộ/năm trở lên.
Ông Đặng Ngọc Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Văn Khúc đánh giá, thông qua mô hình, dự án nuôi cá thương phẩm đã tác động tích cực tới hội viên, nông dân thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nghị quyết của Hội. Mô hình cũng góp phần nâng cao đời sống của hội viên, nông dân; xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy hiệu quả giảm nghèo.
Theo Danviet
Giữa đêm, phát hiện nam thanh niên tử vong dưới mương nước Khoảng 22h đêm 29/11, người dân đi qua khu Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ phát hiện một nam thanh niên tử vong dưới mương nước trong tư thế nằm úp. Hiện trường vụ tai nạn. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, người dân đã báo cáo chính quyền địa phương vào cuộc điều tra. Sáng 30/11,...