Làng Lô Lô Chải – Điểm sáng du lịch nơi địa đầu Tổ quốc
Không chỉ trông đợi ‘hữu xạ tự nhiên hương’, đồng bào tại Lô Lô Chải hiện nay đã biết ứng dụng công nghệ thông tin quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương mình qua Zalo, Facebook, TikTok, Youtube…
Lô Lô Chải được du khách ví von là “làng cổ tích” với hơn 100 hộ dân với đại bộ phận là người Lô Lô và đồng bào người Mông, Dao sinh sống. Người dân nơi đây đã biết làm du lịch cộng đồng dựa trên chính những giá trị văn hóa của địa phương.
Trước đây, Lô Lô Chải ít được cộng đồng biết đến. Người dân trong làng chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp tự cung, tự cấp với trồng ngô, nuôi lợn, gà. Đời sống người dân vô cùng khó khăn, họ muốn thoát nghèo cũng khó vì không có đất sản xuất, chỉ canh tác trên những vạt đá tai mèo.
Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của UBND tỉnh Hà Giang, Lô Lô Chải đã vươn mình thay đổi phát triển du lịch cộng đồng. Nhờ đó, người dân tộc tại địa phương được tạo việc làm, cải thiện sinh kế.
Hầu hết các ngôi nhà tại Lô Lô Chải được giữ nguyên theo phong cách của người Mông ở vùng cao. Người dân giữ tường xếp đá, mái nhà được lợp bằng ngói âm dương mát mẻ về mùa hè, ấm về mùa đông.
Không gian trong nhà được cải tạo, trang trí thêm giường, nệm, chăn phục vụ cho du khách nghỉ ngơi. Giá một phòng riêng tại đây dao động từ 500 nghìn đồng tới 1 triệu đồng/đêm/2 người; phòng cộng đồng có giá rẻ hơn tùy theo nhu cầu của khách.
Ngoài phục vụ lưu trú, Lô Lô Chải còn cung cấp dịch vụ ăn uống cho khách du lịch với các món ăn mang phong cách của đồng bào dân tộc thiểu số.
Du khách tới tham quan làng Lô Lô Chải. Ảnh: Phương Anh
Anh Sình Dỉ Gai, Trưởng bản Lô Lô Chải là một trong những người đầu tiên làm du lịch cộng đồng tại đây. Anh Gai chia sẻ, xu hướng du khách tới thăm cột cờ Lũng Cú ngày càng tăng, các dịch vụ xung quanh điểm du lịch theo đó cũng phát triển. Khách du lịch thường vào Lô Lô Chải để trải nghiệm đời sống của bà con dân tộc.
Nhận thấy việc du khách phải di chuyển ra thị trấn Đồng Văn mất cả tiếng đồng hồ mới có chỗ nghỉ ngơi, ăn uống, anh Gai quyết định làm du lịch ngay tại làng mình.
Anh phải đi học hỏi các mô hình homestay ở các địa phương khác. Ban đầu, vốn ít nên anh vừa học vừa làm. Dần dần tới năm 2017, anh Gai cất thêm một căn nhà theo lối kiến trúc người Mông phục vụ cho du khách.
Khi lượng du khách đến với Lô Lô Chải tăng lên, anh Gai phục vụ thêm dịch vụ ăn uống, hướng dẫn khách khám phá nét đẹp văn hóa của người bản địa, các buổi biểu diễn văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số.
Một căn nhà được sửa sang làm homestay tại làng Lô Lô Chải. Ảnh: Phương Anh
Thấy anh Gai phát triển du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả kinh tế, các hộ khác trong làng cũng bắt đầu làm theo. Họ tận dụng chính ngôi nhà của mình, xây dựng thêm nhà vệ sinh và trang bị các vật dụng cần thiết để tạo thành homestay.
Đến nay, Lô Lô Chải đã trở thành điểm đến mới của du khách khi tới Hà Giang. Khi du lịch phát triển, đời sống của đồng bào được cải thiện đáng kể.
Video đang HOT
Khoảng 1/3 số hộ dân tại làng Lô Lô Chải đang làm du lịch cộng đồng. Các hộ dân khác trồng rau, nuôi gà… để bán lại cho những gia đình làm du lịch, phục vụ du khách.
Không chỉ trông đợi “hữu xạ tự nhiên hương”, đồng bào tại Lô Lô Chải hiện nay đã biết ứng dụng công nghệ thông tin quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương mình qua Zalo, Facebook, TikTok, Youtube…
Những hình ảnh đẹp về cảnh quan, văn hóa truyền thống của người Lô Lô được đưa lên các trang Fanpage riêng của các homestay tại Lô Lô Chải, góp phần thu hút du khách. Vào mùa du lịch từ tháng 10 tới tháng 3 hằng năm nơi đây lúc nào cũng như “cháy” phòng.
Thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh Hà Giang định hướng xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng gắn liền với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Hiện nay, Hà Giang có một số làng du lịch cộng đồng thu hút du khách như làng văn hóa Lô Lô Chải, làng văn hóa du lịch thôn Nặm Đăm, làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, làng văn hóa du lịch thôn Lũng Cẩm, làng văn hóa du lịch thôn Nậm Hồng,…
Cách cột cờ Lũng Cú chỉ 1km, có một ngôi làng văn hóa được mệnh danh là làng cổ tích ở Hà Giang
Ngôi làng với cái tên đặc biệt Lô Lô Chải, được mệnh danh là bản làng cổ tích nơi địa đầu Tổ Quốc bởi nét đẹp bình dị, mộc mạc nhưng không kém phần thơ mộng như trong truyện tranh.
Khi được hỏi về du lịch Hà Giang, phần đông du khách sẽ trả lời rằng, điểm đến nổi tiếng nhất với họ là dòng sông Nho Quế, là những cánh đồng ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì hay Đồng Văn, Mèo Vạc.
Tuy nhiên ít ai biết rằng, ở nơi vùng cực Bắc Tổ Quốc, có một ngôi làng nhỏ, được mệnh danh là làng cổ tích giữa đời thực. Ngôi làng có cái tên rất đặc biệt, làng Lô Lô Chải.
Ngôi làng được nhiều du khách tò mò, thích thú tìm tới không chỉ bởi cái tên mà còn bởi khung cảnh thiên nhiên cũng như đời sống văn hóa của con người nơi đây.
Làng Lô Lô Chải nhìn từ phía xa. (Ảnh VOV)
Vị trí đặc biệt, cái tên đặc biệt
Đầu tiên phải kể tới vị trí địa lý vô cùng đặc biệt của ngôi làng. Lô Lô Chải nằm dưới chân núi Rồng, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, chỉ cách cột cờ Lũng Cú chừng 1km. Chính bởi điều này mà làng cũng thường được gọi là ngôi làng nơi địa đầu Tổ Quốc.
Để đến được Lô Lô Chải, du khách sẽ phải đi qua 150km đường đèo từ trung tâm thành phố Hà Giang, để đến Cao nguyên đá Đồng Văn. Sau đó, tiếp tục đi một quãng đường đèo gồ ghề, khó đi, một bên là dãy núi tai mèo dựng đứng, một bên là bờ vực dẫn xuống thung lũng thăm thẳm.
Ảnh Kim Kim
Làng nằm dưới chân núi Rồng, cách cột cờ Lũng Cú chỉ 1km. Từ vị trí nào trong làng cũng có thể nhìn thấy cột cờ. (Ảnh Kim Kim)
Ở đây, người dân sinh sống chủ yếu là người dân tộc thiểu số ít người, người Mông, người Dao và Lô Lô, trong đó có tới 90% là đồng bào Lô Lô. Đó cũng có thể là lý do cái tên làng Lô Lô Chải ra đời.
Đậm nét văn hóa dân tộc truyền thống
Khác với những nơi khác, con người ở Lô Lô Chải gần như vẫn giữ nguyên được toàn bộ những giá trị văn hóa dân tộc trong cuộc sống hàng ngày của họ. Từ kiến trúc nhà ở, trang phục, các ngành nghề, lễ hội truyền thống, hay các yếu tố khác về đời sống vật chất cũng như tinh thần.
Đặt chân tới ngôi làng, hình ảnh đầu tiên du khách bắt gặp sẽ là con đường với 2 bên là những khóm hoa cúc cam mọc san sát, dẫn tới những ngôi nhà trình tường mái lợp ngói máng, được bao bọc xung quanh bởi hàng rào đá, vách đất nâu. Trên xà nhà, những bắp ngô được phơi thành từng hàng ngay ngắn, cùng với những cây đào hay cây vạt cải xanh trước cửa.
Ảnh Kim Kim
Con đường dẫn vào làng. (Ảnh Kim Kim)
Những ngôi nhà truyền thống, được lợp mái ngói máng ở Lô Lô Chải. (Ảnh Kim Kim)
Xa xa là ngôi nhà với rất nhiều ngô được treo trên xà nhà. (Ảnh Kim Kim)
Tiếp đến là sẽ nhìn thấy hình ảnh những con người ở Lô Lô Chải, những người phụ nữ, trẻ em trong trang phục váy áo sặc sỡ, đầu đội khăn mũ, đang rảo bước trên đường làng. Người dân ở đây vẫn duy trì thói quen mặc trang phục thổ cẩm truyền thống hàng ngày chứ không chỉ trong những ngày lễ, Tết.
Người dân ở Lô Lô Chải vẫn duy trì thói quen mặc trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu hàng ngày. (Ảnh Báo Dân Tộc)
Nghề nghiệp chính của họ vẫn là làm nghề nông. Họ làm nghề để duy trì lối sống tự cung tự cấp, tự mình trồng lúa, những cây khoai, cây ngô, cây sắn để ăn hàng ngày. Ngoài ra, những nghề khác như nghề mộc, nghề may cũng được một số gia đình đã có truyền thống lâu đời duy trì.
Không chỉ có thế, những lễ hội truyền thống như lễ cúng thần rừng, lễ mừng lúa mới, lễ mừng nhà mới và đặc biệt là các điệu múa dân gian vẫn được người dân nơi đây bảo tồn và lưu giữ.
Chính những nét truyền thống đặc sắc đó, đã mang tới cho Lô Lô Chải một vẻ đẹp yên bình đến kỳ lạ. Mọi thứ đều diễn ra chầm chậm, như khi ta bước vào thế giới cổ tích giữa đời thực.
Những cô gái, chàng trai ở Lô Lô Chải đang thực hiện một điệu múa truyền thống. (Ảnh Báo Dân Tộc)
Điểm du lịch văn hóa cộng đồng nổi bật của Hà Giang
Vài năm trở lại đây, kể từ khi Cao nguyên đá Đồng văn được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu vào năm 2010, người dân làng Lô Lô Chải cũng dần được chuyển hướng nhiều hơn sang kinh doanh dịch vụ du lịch. Một phần để quảng bá hình ảnh làng tới đông đảo du khách, một phần để tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân.
Làng cũng đã được công nhận là Làng Văn hóa và được tỉnh đưa vào chương trình Dự án bảo tồn làng văn hóa truyền thống.
Theo lời anh Sình Dỉ Gai, một người trong làng, chia sẻ trên Báo Dân tộc, bắt đầu từ năm 2014, gia đình anh là hộ đầu tiên trong làng, phát triển ý tưởng xây dựng homestay cho du khách. Tính đến nay, đây đã trở thành nguồn thu ổn định, trung bình khoảng 80 triệu đồng/năm.
Thấy gia đình anh Gai thành công, nhiều hộ khác trong làng cũng học tập và làm theo để phục vụ cho khoảng 1000 lượt khách thăm làng mỗi tháng.
Ảnh Kim Kim
Những mái nhà truyền thống được người dân tận dụng trở thành quán cà phê, homestay phục vụ du khách. (Ảnh Kim Kim)
Tới du lịch tại Lô Lô Chải, du khách sẽ được tiếp đón một cách chân phương, nồng hậu. Sẽ được mời chén nước chè, điếu thuốc lào, ngồi xì xụp bên nồi lẩu hay mèn mén, thắng cố, chén rượu ngô trong thời tiết rét ngọt nơi cực Bắc Tổ Quốc.
Ngoài việc thuê để mặc những bộ trang phục truyền thống, du khách cũng có thể trực tiếp mua chúng. Giá thành khoảng vài triệu đồng/bộ, có những bộ lên tới 15 triệu đồng do được thiết kế và dệt may một cách cầu kỳ, tỉ mỉ và công phu.
Du khách có thể thuê mặc hoặc đặt mua những bộ trang phục từ người dân ở Lô Lô Chải. (Ảnh VOV)
Thời điểm đẹp nhất trong năm để du lịch Hà Giang, có cơ hội ghé thăm làng Lô Lô Chải chính là vào dịp cuối năm này. Nếu đang có dự định cho một chuyến đi, thì sao không thử một lần ngược lên địa đầu cực Bắc của Tổ Quốc, để trải nghiệm những nét văn hóa truyền thống đặc sắc nơi đây?
Du lịch Phú Quốc 'thất sủng': Truy tìm 'gốc rễ' để đảo ngọc hồi sinh Tăng trưởng nóng, giá máy bay cao, dịch vụ đắt đỏ... cùng sự thiếu bản sắc văn hóa bản địa cùng những 'mảng màu ngoại lai' chắp vá đang 'ăn mòn' đảo ngọc đã khiến du lịch Phú Quốc 'thất sủng.' Hoàng hôn Phú Quốc. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam ) Sau nhiều năm liên tục lọt top danh sách các điểm đến được yêu...