Khám phá du lịch Quan Sơn
Động Bo Cúng, bản Ngàm… cùng nhiều sản phẩm du lịch đa dạng khác đã và đang thúc đẩy du lịch huyện Quan Sơn phát triển.
Du khách trải nghiệm du lịch tại bản Ngàm. Ảnh: Ngọc Thanh
Quan Sơn nổi tiếng với nhiều hang động đẹp như động Bo Cúng, hang Nang Non, hang Pha Bái, hang Co Láy, hang Pha Khua… Trong đó, động Bo Cúng là điểm du lịch thu hút đông khách du lịch khi đến với Quan Sơn. Động Bo Cúng thuộc bản Chanh, xã Sơn Thủy, được người dân địa phương phát hiện từ năm 2008. Với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí, động ngày càng hút nhiều du khách đến tham quan, khám phá. Với gần 1 km chiều dài động, du khách được thỏa chí tưởng tượng khi ngắm nhìn hàng trăm thạch nhũ đa dạng hình thù, màu sắc, nhiều thạch nhũ giống như đóa hoa sen, thạch nhũ khác lại như cột chống trời, con chim đại bàng… Nhiều chuyên gia đã từng đến khảo sát đều khẳng định động Bo Cúng là một trong những động có hệ thống thạch nhũ đẹp, kỳ thú, tiềm năng phát triển du lịch bền vững. Đây cũng là nơi thu hút đông lượng khách du lịch là người thích phiêu lưu, mạo hiểm. Khám phá động Bo Cúng du khách sẽ được kết nối tham quan thêm các hang động đẹp ở Quan Sơn.
Bản Ngàm, xã Sơn Điện đã và đang là điểm du lịch cộng đồng yêu thích ở Quan Sơn. Bản Ngàm có gần 80 hộ dân sinh sống, chủ yếu là người dân tộc Thái bởi vậy nơi đây vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn và đầy đủ sắc thái văn hóa của dân tộc Thái. Đến với bản Ngàm, du khách được khám phá vẻ đẹp hoang sơ của vùng sơn cước, những nét văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt của người dân địa phương, thưởng thức ẩm thực đặc trưng dân tộc. Đặc biệt, du khách sẽ được nghỉ ngơi thư giãn, tắm mó nước dẫn từ đầu nguồn khe suối về, hay tham gia hoạt động sản xuất cùng người dân, nghỉ ngơi trong ngôi nhà sàn mang đậm kiến trúc người Thái xưa. Ngoài ra, du khách được tham gia hoạt động giao lưu văn nghệ, mua sắm các sản vật đặc trưng của người Thái.
Video đang HOT
Du khách khám phá nét đẹp văn hóa dân tộc Thái. Ảnh: Ngọc Thanh
Hiện, bản Ngàm đã có hơn 20 hộ gia đình tham gia phát triển du lịch. Các hộ được tham gia tập huấn, dạy kiến thức và kỹ năng làm du lịch cộng đồng. Các hộ cũng đầu tư, sửa sang nhà cửa, xây mới nhiều công trình phụ trợ, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh, xây dựng khuôn viên xanh. Xã cũng đã thành lập đội văn nghệ gồm 30 thành viên chuyên đi biểu diễn, phục vụ du khách với các tiết mục mang đặc trưng của văn hóa dân tộc Thái. Gia đình chị Lữ Thị Nguyện, trước đây chỉ làm nông nghiệp, năm 2019 thấy được tiềm năng du lịch của xã chị bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Chị Nguyện mạnh dạn cải tạo, nâng cấp ngôi nhà sàn của mình thành homestay nghỉ dưỡng. “Từ ngày làm du lịch đời sống gia đình được nâng cao và ổn định. Không những thế, làm du lịch giúp chúng tôi giữ gìn được văn hóa dân tộc bởi du khách, nhất là khách nước ngoài rất thích tìm hiểu văn hóa dân tộc. Chúng tôi thường xuyên được tham gia tập huấn, tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ”, chị Nguyện cho biết.
Đến với bản Ngàm du khách còn được tham gia trải nghiệm đi bè tre trên sông Luồng, ngắm nhìn cảnh vật tuyệt đẹp và cảm nhận làn nước mát lạnh của dòng sông.
Động Bo Cúng. Ảnh: Ngọc Thanh
Những năm qua, huyện Quan Sơn đã ban hành nhiều đề án phát triển du lịch cộng đồng, như “Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Quan Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030″, “Đề án phát triển du lịch hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái huyện Quan Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030″; Kế hoạch phát triển du lịch huyện Quan Sơn đến năm 2025… Sau khi các đề án được phê duyệt, huyện đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án, kế hoạch thực hiện đến các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể, xác định thời gian triển khai thực hiện. Gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thúc đẩy giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân. Theo đó, huyện Quan Sơn đã dành nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, tôn tạo, trùng tu các di tích, đầu tư khai thác danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Tính riêng trong năm 2022 huyện đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây dựng các công trình phục vụ du lịch, như tuyến đường giao thông dẫn vào thắng cảnh động Bo Cúng, hệ thống đèn sáng, đèn màu trong hang… Trong 10 tháng năm 2023 đã có hơn 30.829 khách đến tham quan, du lịch, trong đó khách nước ngoài 529 lượt người.
Ông Lê Văn Thơ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Quan Sơn, cho biết: “Trong thời gian tới, huyện Quan Sơn sẽ tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thiện các công trình phụ trợ phục vụ du lịch. Cùng với đó, huyện sẽ phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Quan Sơn. Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá du lịch, để nhiều du khách biết về vẻ đẹp của Quan Sơn, đồng thời thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của huyện”.
Xúc tiến, quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Tây Bắc
Hội nghị Xúc tiến, Quảng bá Du lịch ĐBSCL với các tỉnh Tây Bắc nhằm tăng cường kết nối vùng miền; làm sâu sắc thêm chất lượng kết nối vùng Tây Bắc-Tây Nam Bộ thông qua quảng bá sản phẩm du lịch.
Các tỉnh vùng Tây Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long ký kết hợp tác. (Nguồn: Đài Phát thanh và Truyền hình Lào Cai)
Chiều 21/9, tại thành phố Lào Cai, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị Xúc tiến, Quảng bá Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh Tây Bắc.
Hội nghị nhằm tăng cường kết nối vùng miền; làm sâu sắc thêm chất lượng kết nối vùng Tây Bắc-Tây Nam Bộ thông qua việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch phát huy lợi thế tiềm năng để du lịch của cả 2 vùng cùng cất cánh.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong 7 vùng trọng điểm về du lịch trong cả nước, có hệ sinh thái du lịch đa dạng, đặc sắc với đặc trưng văn hóa tiêu biểu gắn với sông nước; nơi hội tựu của bốn dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer với bề dày văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, nhiều lễ hội lớn nhỏ trong năm và đa dạng về kiến trúc tôn giáo lâu đời gắn với lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ.
Vùng đất Tây Bắc có tiềm năng du lịch rất lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng. Tây Bắc có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt, được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ, riêng có về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái. Cùng với cảnh quan thiên nhiên trác tuyệt, văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng là điểm nổi bật trong tài nguyên du lịch nơi đây.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long Lê Thanh Phong nêu rõ liên kết vùng, liên kết chuỗi sản phẩm để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của từng vùng là một trong những giải pháp quan trọng hiện nay để nâng tầm khu vực của một vùng, mỗi một địa phương. Đặc biệt, trong điều kiện vùng Tây Bắc và Tây Nam Bộ có nhiều tài nguyên du lịch mang tính chất, đặc điểm khác biệt nhau: Tây Bắc với "Núi rừng hùng vĩ," Tây Nam Bộ với "Sông nước hữu tình."
Năm 2022, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long thu hút hơn 37 triệu lượt khách, doanh thu du lịch của vùng đạt hơn 32.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, Đồng bằng sông Cửu Long đón gần 27 triệu lượt khách; tổng doanh thu du lịch hơn 26.000 tỷ đồng, một con số ấn tượng trong phát triển.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung giới thiệu thông tin, hình ảnh, tiềm năng du lịch, nét đẹp văn hóa đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long đến với các địa phương, đối tác, doanh nghiệp khu vực Tây Bắc nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường, thu hút du khách đến với Đồng bằng sông Cửu Long; gặp gỡ và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đến với các doanh nghiệp phía Bắc; ký kết hợp tác phát triển tour, tuyến du lịch giữa các địa phương.
Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn tồn tại nhiều hạn chế trong lĩnh vực đầu tư, phát triển thị trường, xúc tiến du lịch, giao thông chưa đồng bộ. Sản phẩm dịch vụ du lịch thiếu tính cạnh tranh, tính liên kết chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của vùng.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đề nghị trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Tây Bắc cần tăng cường thu hút đầu tư, phát triển du lịch đa dạng, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh; qua đó, phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến du lịch chuyên nghiệp, hiệu quả, thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch.
Đại biểu đến từ các địa phương của 2 vùng miền đã trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước, xúc tiến, quảng bá du lịch; đồng thời ký kết hợp tác hỗ trợ phát triển trong công tác quảng bá, xúc tiến, truyền thông điểm đến giữa các địa phương tham gia chương trình./.
Tạo sản phẩm du lịch khác biệt Để thu hút du khách, yếu tố cần có là sản phẩm du lịch mang tính độc đáo, hấp dẫn và có chiều sâu. Tại huyện Bù Gia Mập, sự khác biệt, đặc sắc đến từ việc phát triển những giá trị của tài nguyên hiện có, đồng thời địa phương đang xây dựng những điểm đến từ sự liên kết đơn vị,...