Làm trắng da bằng kem trộn, kem lột: đẹp cấp tốc nhưng… chết từ từ
Hiện nay trên thị trường đang tràn ngập các loại kem được cho trắng da cấp tốc, kem lột trắng da. Không ít trường hợp bị tai biến như nổi mụn, teo da, viêm da, da chảy nhão… phải nhập viện điều trị.
Mặc dù điều trị triệt để, song kết quả không thể phục hồi lại hiện trạng ban đầu.
Đủ sản phẩm làm trắng da
Phổ biến nhất trong các dòng mỹ phẩm làm trắng da là kem trộn. Hiện trên mạng đang rầm rộ loại kem trắng da có tên “kem thúi” của Vân Tokyo. Người bán cho biết, vì có độ tẩy nhiều và mùi hơi nồng chứ không thơm phức như các loại kem trộn khác trên thị trường nên gọi là “kem thúi”.
Theo quảng cáo, đây là kem body thuộc loại tẩy trắng cấp độ mạnh, chỉ cần sử dụng 3 ngày sẽ thấy da lên “tone” thấy rõ mà không cần sử dụng thêm một loại mỹ phẩm tắm trắng nào. Khác với kem trộn – làm da trắng tái xanh, loại “kem thúi” này giúp da trắng hồng và mịn màng. Không rõ sản phẩm này chứa gì nhưng người bán khẳng định: không hóa chất, phụ nữ mang thai sử dụng được. “Kem thúi” này có giá khá đắt so với cá loại kem trộn khác trên thị trường: 3 triệu đồng/450g, 1 triệu đồng/225g, 800.000 đ/100g.
Ghé một spa tên V.T (đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM) – được cho là nơi sản xuất ra loại “kem thúi” này thì thấy sản phẩm chỉ là hũ nhựa màu trắng, bên ngoài có dán tờ giấy ghi công dụng, hướng dẫn sử dụng, ngoài ra không có thông tin nào khác. Kem có 3 cấp độ: tẩy ít, tẩy trung và tẩy mạnh. Tùy làn da đen ít hay nhiều, mà cấp độ sử dụng khác nhau. Nhưng tất cả đều “bao” trắng cấp tốc trong 3 ngày.
Sữa non trắng da được cho của Pháp chỉ có giá 60.000đ/sản phẩm, nhãn mác được in sơ sài.
Không chỉ chợ mạng, các chợ truyền thống cũng bán đầy rẫy kem trộn. Chỉ cần đến các sạp mỹ phẩm, các tiểu thương sẽ tư vấn hàng chục dòng kem trộn để khách tha hồ lựa. Giá loại kem trộn này khá rẻ, chỉ 250.000 – 350.000 đồng/hũ 500g.
Ngoài kem trộn, hiện nay chị em còn sử dụng kem lột trắng da hoặc nước lột trắng da. Ghé cửa hàng mỹ phẩm 430/11 (Chợ Vườn Chuối, Q.3, TP.HCM), khi hỏi về kem lột, chủ cửa hàng nhanh nhảu giới thiệu nước lột Golden Essense, giá 65.000 đồng/sản phẩm, xuất xứ Thái Lan. Sản phẩm toàn tiếng Thái, chỉ một ít chữ Việt về cách sử dụng được dán lên sơ sài, tuyệt nhiên không hề có thông tin về doanh nghiệp nhập khẩu.
Theo tìm hiểu, do trong sản phẩm nước lột này chứa nhiều hóa chất gây tẩy lột mạnh như Titannium Dioxide, Salicylic Acid, Cetyl Alcohol, Nipagin, Nipasol… nên sản phẩm khuyến cáo chỉ lột 2 cánh tay hoặc 2 cánh chân và phải cánh nhau 5 ngày, không lột quá 10% cơ thể, không được bôi kín toàn thân. Tuy nhiên, những nơi bán mỹ phẩm này lại tư vấn theo kiểu bất chấp sức khỏe người sử dụng: chỉ cần tránh lột vùng da non như ngực và cổ, vùng khác có thể lột thoải mái. Muốn trắng nhiều thì lột nhiều lần, muốn trắng ít thì chỉ lột 1 lần!
Ngoài lột dạng nước, còn có mỹ phẩm lột dạng kem sệt, serum… giá dao động từ 5.000 – 35.000 đồng/sản phẩm, riêng serum có giá đắt hơn 370.000 đồng/sản phẩm.
Nếu chị em nào ngại bôi, trét kem lên da thì có sữa non kích trắng, xà bông trắng, sữa tẩy trắng da… Trong đó, “hot” nhất là dòng sữa non kích trắng vì được cho là an toàn (vì được làm từ sữa non – PV). Tại chợ Thái Bình (Q.1, TP.HCM), đưa chúng tôi xem một sản phẩm sữa non kích trắng da có tên Federal bath, người bán quảng cáo sản phẩm được nhập từ Pháp nhưng chỉ có giá 45.000đ/chai loại 120ml. Sau một lần sử dụng, đảm bảo trắng 50 – 60%, kiên trì sử dụng từ 2 – 3 sản phẩm sẽ trắng như… Ngọc Trinh!
Video đang HOT
Quan sát bao bì sản phẩm thì thấy toàn tiếng Anh nhưng không hề có thông tin nhà sản xuất, chỉ thấy dòng chữ Clarins được in sơ sài. Theo tìm hiểu, Clarins là một hãng sản xuất mỹ phẩm nổi tiếng của Pháp, tuy nhiên, hãng sản xuất này khẳng định không hề có dòng sản phẩm nào là sữa non kích trắng da như trên.
Tai biến do kem, tẩy trắng chiếm số nhiều
Tại các phòng khám da liễu, bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, bệnh viện Da liễu TP.HCM, trung bình mỗi tuần/mỗi bệnh viện tiếp nhận điều trị từ 10-20 trường hợp bệnh nhân gặp tai biến do dùng các nước lột trắng da, kem trộn, kem tẩy trắng da.
ThS.BS Ngô Minh Vinh – khoa khám bệnh, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, bệnh viện tiếp nhận không ít trường hợp nhiễm độc nặng do lột da làm trắng. Nguyên nhân gây nhiễm độc là do da bỏng, bị hoại tử, các chất độc có trong mỹ phẩm như chì, thủy ngân, hydroquinone, corticoid xâm nhập vào cơ thể. Ngoài ra, một số dạng biến chứng khác cũng thường gặp là nhiễm trùng, mụn nước khắp người, ngứa, nổi hồng ban, tăng sắc tố, nặng hơn là sẹo teo da.
Một trường hợp lột da bị nhiễm trùng nghiêm trọng
Thông thường nước lột da, kem lột da sẽ làm cháy, chết lớp da ngoài cùng để da dễ bong ra. Trong các nước lột da này chứa một hàm lượng thủy ngân không nhỏ nên có tác dụng làm cháy lớp da ngoài cùng để da dễ dàng bong được mảng to và sâu. Sở dĩ người sử dụng không cảm giác nóng rát trong thời gian chờ da lột là do trong nước lột đã chứa một hàm lượng thuốc tê mạnh. Sau khi thuốc tê hết tác dụng, người lột sẽ có tình trạng mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, rát da. Việc bôi trực tiếp thủy ngân lên da còn nguy hiểm gấp nhiều lần việc hít phải, nguy cơ tổn thương thận, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh, ung thư do biến chứng rất cao.
Tại Bệnh viện Da liễu cũng có áp dụng phương pháp lột da bằng hóa chất, song không phải ai cũng áp dụng được phương pháp lột da này. Mỗi người sẽ có phương pháp lột khác nhau, trước khi lột phải được đánh giá trình trạng sức khỏe nghiêm ngặt. Những người tiền sử tim mạch, gan, thận… phải thật cẩn thận khi chỉ định áp dụng phương pháp này vì dễ gây ra tai biến nguy hiểm.
Riêng các loại kem trộn làm trắng da, sữa non kích trắng da… sở dĩ có khả năng làm trắng nhanh vì có chứa corticoid. Corticoid được mệnh danh là thần dược làm đẹp tức thời vì có khả năng làm trắng cấp tốc, làm hết mụn, hết nám, da đẹp rất nhanh… nên nhiều người lầm tưởng sản phẩm chất lượng.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài sử dụng, corticoid gây phản ứng ngược lại. Do corticoid làm yếu hệ thống bảo vệ của da nên da dễ bị nhiễm trùng lan rộng, làm giảm mất khả năng sinh sản của tế bào da gây tình trạng teo da, da mỏng, chảy nhão và giảm chức năng sống của da, da dễ bị tàn phá bởi yếu tố có hại từ bên ngoài như nắng, gió, bụi gây ô nhiễm; làm giãn mạch da khiến da hay bị đỏ triền miên, nóng rát. Nhưng một khi ngưng sử dụng mỹ phẩm này, corticod phản hồi lại khiến da nổi mụn kịch phát, da nổi mẩn li ti, ngứa, đỏ, rát, thậm chí mụn viêm, mụn mủ tràn lan và người dùng sẽ phải nhờ sự giúp đỡ của các bác sĩ trong việc điều trị.
Hoa Lài
Theo phunuonline.com.vn
Thủy ngân trong mỹ phẩm gây độc thế nào, bạn phải làm gì nếu nhiễm độc?
Thủy ngân tuy là hóa chất bị cấm sử dụng trong mỹ phẩm, nhưng vẫn được sử dụng trong các sản phẩm trôi nổi, không nguồn gốc, gây hại cho người sử dụng. Nếu không may nhiễm độc thủy ngân từ mỹ phẩm, bạn cần làm gì?
Với công việc nghiên cứu mỹ phẩm và đào tạo làm mỹ phẩm, bà Đỗ Anh Thư - giám đốc đào tạo của Trung tâm Nghiên cứu mỹ phẩm Grandpa's Garden - đã chia sẻ với Kiến Thức những kiến thức về thủy ngân trong mỹ phẩm, kem dưỡng trắng. Bởi theo vị chuyên gia này, dù có thuộc phạm trù mỹ phẩm hay không, thì thủy ngân cũng là một yếu tố mà chúng ta đều đang rất quan tâm tìm hiểu.
Thủy ngân là gì, có độc hay không?
Thủy ngân là một kim loại nặng và có độc tính rất cao, đã bị cấm sử dụng trong chữa bệnh (tuy nhiên, thủy ngân ở dạng amalgam vẫn còn được sử dụng để trám răng và đây vẫn là vấn đề còn gây tranh cãi).
Thủy ngân tồn tại ở nhiều thể. Thủy ngân thể lỏng được cho là ít độc, nhưng thủy ngân thể hơi, các hợp chất và muối của thủy ngân thì là các chất kịch độc - và nhiều trong số ấy là có khả năng hấp thụ qua da dễ dàng. Ví dụ chỉ cần vài microlit của dimethyl thủy ngân tiếp xúc với da thì có thể gây tử vong ở người. Thủy ngân có ở cả dạng vô cơ và dạng hữu cơ. Thủy ngân vô cơ thì ít độc so với thủy ngân hữu cơ.
Việt Nam quy định thế nào về thủy ngân trong mỹ phẩm?
Toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã cấm việc sử dụng thủy ngân vào mỹ phẩm từ lâu. Ở Việt Nam, hiện có 3 kim loại nặng không được phép cho vào mỹ phẩm là chì, thủy ngân và asen. Tuy vậy, mỗi kim loại nặng này đều có một giới hạn tạp chất cho phép. Cụ thể, trong mỹ phẩm, chì, asen và thủy ngân không được vượt ngưỡng lần lượt là 20ppm (20 phần triệu), 5ppm (5 phần triệu), và 1 ppm (1 phần triệu). (1 phần triệu = 0.0001%).
Nhìn vào con số trên đây, bạn có thể thấy, giới hạn của thủy ngân là nghiêm ngặt nhất, đồng nghĩa với việc thủy ngân trong mỹ phẩm được cho là có hại hơn chì và thạch tín (asen).
Bạn lưu ý rằng: hàm lượng thủy ngân dưới 1ppm như trên không có nghĩa rằng nhà sản xuất được phép sử dụng thủy ngân như một thành phần mỹ phẩm cho đến ngưỡng 1ppm. Đây là ngưỡng "nhiễm thủy ngân" vào mỹ phẩm. Trong thế giới tự nhiên, không có cái gì là nguyên chất. Nói nôm na, bạn không thể đun được một ấm nước chỉ có H2O 100%, mà chắc chắn trong ấm nước đó không có canxi, magie, không có hạt bụi nào... đúng không? Vàng nguyên chất nhất cũng chỉ "dám" tuyên bố là vàng "bốn con chín" (tức 99,99%) mà thôi.
Thủy ngân, chì và asen tồn tại một cách tự nhiên trong cuộc sống, trong không khí, trong nguồn nước và thực phẩm hàng ngày. Vì thế nên cơ quan quản lý có đưa ra giới hạn của những kim loại nặng này trong không khí, trong nguồn nước...
Một chú ý nữa: mặc dù chúng ta biết rằng asen vô cơ mới độc còn asen hữu cơ vô hại, thủy ngân vô cơ thì độc ít còn thủy ngân hữu cơ thì độc nhiều... nhưng Bộ Y Tế đều cấm tuyệt đối sự xuất hiện của các kim loại nặng này trong mỹ phẩm, bất kể ở dạng vô cơ hay hữu cơ.
Bị cấm, thủy ngân vẫn có mặt trong mỹ phẩm làm trắng da kém chất lượng
Thủy ngân vẫn có mặt trong mỹ phẩm làm trắng da kém chất lượng
Hay nói ngắn gọn là "kem trộn". Mấy năm nay, khi nói đến "kem trộn", thì hầu hết mọi người chỉ biết đến "corticoid" và cho rằng corticoid làm nên tất cả mọi tội lỗi của kem trộn, nhưng không phải. Hầu hết mọi người, báo chí không ý thức được rằng thủy ngân mới là "chất ức chế melanin (chất tạo màu nâu cho da)" trong kem trộn, còn corticoid chỉ làm trắng lên bằng cách khiến da ngậm nước (giống như bạn ngâm tay trong nước trong 15-20 phút thì thấy da tay trương lên và trắng hơn).
Khi sử dụng kem dưỡng trắng chứa thủy ngân thì làn da sẽ trắng lên rất nhanh do tác dụng ức chế sản sinh melanin. Sử dụng trong thời gian đủ dài, da chuyển thành màu trắng tái (trắng bệnh), kém hồng hào - đây là các biểu hiện nhiễm độc thủy ngân. Một số biểu hiện khác bao gồm kích ứng, sẹo, dễ nhiễm khuẩn (đối với da). Đối với cơ thể, tiếp xúc với mỹ phẩm trắng da chứa thủy ngân có thể dẫn đến suy thận, trầm cảm, rối loạn tâm thần và bệnh thần kinh ngoại biên - theo một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO năm 2011 (*)
Sử dụng thủy ngân trong kem trộn là hoạt động diễn ra một cách phổ biến và trong nhiều năm nay, chú yếu ở các nước châu Phi và châu Á (do nhu cầu làm trắng cao). Ở Việt Nam, khi làm việc với Viện kiểm nghiệm thuốc TW, cô Lê Thị Hường Hoa - cựu trưởng phòng Kiểm nghiệm mỹ phẩm - từng cho biết: thi thoảng kiểm tra một số sản phẩm kem dưỡng trắng thì có phát hiện ra thủy ngân ở hàm lượng quá mức cho phép.
Điều này không ngoài dự đoán. Ở các nước khác có cùng nhu cầu làm trắng cao như Việt Nam, thì hàm lượng của thủy ngân được phát hiện đã từng là những con số rất lớn. Ví dụ như một sản phẩm tiêu thụ ở Pakistan được phát hiện chứa thủy ngân ở hàm lượng 29600ppm (tương đương 2,96% trọng lượng của một sản phẩm mỹ phẩm), Trung Quốc - 14700ppm (1,47%), Bangladesh 16353ppm (hơn 1,63%), Philippines - 10576ppm (1,05%) v.v... Hãy so những con số này với giới hạn nghiễm thủy ngân trong mỹ phẩm ở khối ASEAN (trong đó có Việt Nam) là 1ppm, bạn sẽ thấy thủy ngân đã được lạm dụng trong kem trộn ra sao!
Hàm lượng thủy ngân được phát hiện trong một số sản phẩm mỹ phẩm làm trắng
Làm thế nào để chọn mỹ phẩm không thủy ngân?
Đầu tiên, nếu bạn không dùng mỹ phẩm làm trắng, thì bạn không cần phải lo đến việc mỹ phẩm mình dùng có chứa thủy ngân hay không.
Nếu bạn dùng mỹ phẩm làm trắng, hãy mua ở những hãng uy tín, đảm bảo được về chất lượng. Mọi sản phẩm làm trắng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chưa đăng ký với Bộ Y Tế (nếu là hàng nhập khẩu) hoặc Sở Y Tế (nếu là hàng made in Việt Nam) đều có khả năng chứa thủy ngân ở hàm lượng vượt ngưỡng (bên cạnh những thành phần cấm khác như corticoids, hydroquinone v.v...)
Nếu bị nhiễm độc thủy ngân do dùng kem trộn, bạn phải làm gì?
Nếu bạn có biểu hiện rõ ràng của việc tổn thương da do kem trộn (giãn mao mạch, trắng bệnh không hồng hào, da kích ứng, dễ nhiễm khuẩn), đặc biệt có dấu hiệu ảnh hưởng đến thận và hệ thần kinh, thì hãy đi khám ngay ở các khoa chống độc của các bệnh viện uy tín. Bởi vì đây không chỉ đơn thuần là vấn đề về da, không chỉ khám da liễu nữa rồi!
Nếu được chẩn đoán là nhiễm độc thủy ngân, hãy làm theo phác đồ của bác sĩ, dù rằng đây là một liệu trình dài và tốn kém. Không nên đến các spa có dịch vụ "hút chì", "hút thủy ngân", bởi vì kim loại nặng không thể được "hút" ra dễ dàng như vậy, những dịch vụ này thực sự vô ích.
Theo kienthuc.net.vn
Phụ nữ Việt chuộng sử dụng mỹ phẩm chiết xuất tự nhiên 2 năm trở lại đây, phai đep Việt rộ lên cơn sốt săn lùng những mỹ phẩm trắng da chiết xuất tự nhiên để an toàn, lành tính và hiệu quả nhất Lý do mỹ phẩm chiết xuất từ tự nhiên được yêu thích vì quá sợ hãi với những tác dụng phụ kinh hoàng khi sử dụng măt na thuôc băc và...