Làm tiền giả đi mua hàng để lấy lại tiền thật, hai bị cáo “cưa” 9 năm tù
Tại phiên xử hình sự sơ thẩm ngày 4/8, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Duy (SN 1984, trú ở thôn Hòa Đa, xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) 5 năm tù về tội “Làm, lưu hành tiền giả” theo quy định tại khoản 2, điều 207 BLHS.
Cùng tội danh này, bị cáo Nguyễn Ngọc Hiền (SN 1986, trú ở Khu đô thị Việt Hưng, phường Giang Biên, quận Long Biên, TP Hà Nội bị xử phạt 4 năm tù. Ngoài hình phạt tù, án sơ thẩm còn áp dụng hình phạt bổ sung bằng tiền đối với bị cáo Trần Văn Duy 15 triệu đồng, Nguyễn Ngọc Hiền 10 triệu đồng.
Nguyễn Ngọc Hiền và Trần Văn Duy tại phiên xét xử.
Theo hồ sơ vụ án, mặc dù đang hành nghề nhiếp ảnh, nhưng do muốn có nhiều tiền để tiêu xài nên Trần Văn Duy mưu tính làm tiền giả để mua hàng có giá trị thấp để được thối trả lại tiền thật. Khoảng tháng 5/2022, Duy vào mạng internet trên máy tính để tải hình ảnh tiền Việt loại có mệnh giá 100.000, 200.000, 500.000 đồng rồi sử dụng giấy và máy in màu để “sản xuất” những tờ tiền giả. Sau đó Trần Văn Duy rủ Nguyễn Ngọc Hiền sử dụng tiền giả đi mua hàng để được thối trả lại tiền thật.
Nguyễn Ngọc Hiền và Trần Văn Duy sau khi bị bắt giữ. Ảnh: Hữu Toàn.
Khi Hiền dò hỏi nguồn tiền giả, Duy không nói do mình sản xuất mà nói dối là tình cờ nhặt được. Từ tháng 5/2022 đến 12/2022, Duy và Hiền đến các tỉnh Đồng Tháp, Khánh Hòa, Phú Yên thuê mỗi người một phòng lưu trú tại các khách sạn. Duy sử dụng máy tính, giấy và máy in màu mang theo trong suốt hành trình để sản xuất những tờ tiền giả rồi đưa cho Hiền đi mua hàng.
Để né tránh người bán hàng phát hiện, Duy hướng dẫn Hiền nên đi mua hàng vào thời điểm ban đêm, khi đưa tờ tiền giả có mệnh giá lớn để mua hàng cần kèm theo tiền thật có mệnh giá nhỏ, phù hợp với hàng cần mua.
Video đang HOT
Nguyễn Ngọc Hiền sử dụng tiền giả do Trần Văn Duy sản xuất để đi mua hàng. Ảnh: trích xuất từ camera các shop kinh doanh.
Bằng thủ đoạn này, Duy đã sản xuất 18 tờ tiền giả loại có mệnh giá 500.000 đồng rồi đưa cho Hiền 16 tờ để mua hàng, 2 tờ còn lại Duy cũng sử dụng để mua hàng.
Từ tin báo của người dân, đầu tháng 12/2022, Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Tuy Hòa khẩn trương xác minh, trích xuất camera tại các shop, cửa hàng kinh doanh đã nhận nhầm tiền giả của một nghi can nói tiếng Bắc, đi xe máy tay ga kiểu dáng Vespa màu xanh đen BKS 29V8-5221.
Và sau gần một tuần ráo riết truy xét bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, đến sáng 11/12/2022 các trinh sát đã xác định được nghi can. Đến tối cùng ngày, trong lúc Nguyễn Ngọc Hiền đến quán cà phê V.T của bà Lê Thị T (ở phố Nguyễn Trãi, phường 5, TP Tuy Hòa) để mua ly cà phê sữa 35.000 đồng và đưa ra 2 tờ tiền có mệnh giá 500.000 đồng và 5.000 đồng để chủ quán thối lại 470.000 đồng, thì bị các trinh sát hình sự Công an TP Tuy Hòa vây bắt.
Khám xét nơi Nguyễn Ngọc Hiền và Trần Văn Duy đang lưu trú tại một khách san ở nội thành Tuy Hòa, cơ quan Công an thu giữ một số công cụ, thiết bị xách tay sử dụng để làm tiền giả. Sau khi ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Công an TP Tuy Hòa đã chuyển giao hai đối tượng cùng tang vật cho Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Yên khởi tố, điều tra và xử lý theo thẩm quyền
Đường dây buôn bán ngoại tệ giả trị giá 13 tỷ đồng được khám phá như thế nào?
Ngày 10/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội cho biết đã hoàn thành bản kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị truy tố 7 bị can về các tội "Tàng trữ, vận chuyển và lưu hành tiền giả".
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã phát hiện, thu giữ của các đối tượng nhiều loại tiền ngoại tệ giả, bao gồm: tiền đô la Mỹ giả, tiền đô la Singapore giả, tiền Turkermenistan giả với tổng giá trị quy đổi tương ứng trên 13 tỷ Việt Nam đồng.
Trong đó, có 3 bị can bị đề nghị truy tố về tội "Tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả" gồm: Huỳnh Thị Búp (SN 1973, ở tại chợ Ô Say, TP Phnom Penh, Campuchia); Đặng Thị Thúy Vân (SN 1979, ở tại quận 7, TP Hồ Chí Minh) và Đinh Xuân Tiến (SN 1982, ở tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội).
2 bị can bị truy tố về tội "Tàng trữ, vận chuyển tiền giả" gồm: Nguyễn Tiến Quân (SN 1979, HKTT tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì); Trần Đăng Quãng (SN 1985, HKTT xã Hương Phong, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).
2 bị can gồm Nguyễn Văn Hùng (SN 1968, ở tại phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) và Đàm Mai Tất Đạt (SN 1991, HKTT ở tại phường 3, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) bị đề nghị truy tố về hành vi "Tàng trữ tiền giả".
Trước đó, qua công tác nắm tình hình địa bàn, Phòng An ninh kinh tế - Công an TP Hà Nội phát hiện đối tượng có dấu hiệu mua bán tiền đô la Mỹ giả và phối hợp với Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP Hà Nội chủ trì tiến hành bắt giữ.
Quá trình rà soát, vào 11h30 ngày 24/6/2022, tại quán Cà phê Gemini, tầng 1 tòa nhà Star City, 23 Lê Văn Lương, Cầu Giấy, Hà Nội, tổ công tác Công an TP Hà Nội phát hiện và bắt giữ Đinh Xuân Tiến đang có hành vi tàng trữ, lưu hành 102.300 đô la Mỹ giả (mệnh giá 100 USD).
Tại Cơ quan điều tra, Tiến khai nhận, số đô la Mỹ giả trên mua của 1 người tên Vân ở TP Hồ Chí Minh và dự định bán lại cho một người tên Mạnh ở Hà Nội với giá hơn 1,1 tỷ đồng thì bị cơ quan Công an phát hiện, bắt giữ. Mở rộng điều tra vụ án, đến nay, Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, tạm giam 7 đối tượng. Cầm đầu đường dây phạm tội này là Huỳnh Thị Búp, có tên gọi khác Chanh The, đối tượng có hai quốc tịch Việt Nam, Campuchia, hiện định cư tại Chợ Ô Say, TP Phnom Penh, Campuchia.
Trong quá trình sinh sống tại Campuchia, Búp quen biết nhiều đối tượng có nguồn tiền giả khác nhau, trong đó có tiền đô la Mỹ giả với số lượng lớn. Do thường xuyên đi lại giữa Việt Nam và Campuchia nên Búp đã giới thiệu với các đầu mối về việc có nguồn tiền đô la Mỹ giả với số lượng lớn cần tiêu thụ. Búp thỏa thuận mua tiền giả của một đối tượng quốc tịch Campuchia với giá 4 triệu đồng/ 1 thếp tiền đô la Mỹ giả (1 thếp gồm 100 tờ mệnh giá 100 USD).
Sau khi quen biết Vân, khoảng tháng 6/2022, Búp và Vân đã thỏa thuận việc Búp bán cho Vân 440 nghìn đô la Mỹ giả với giá 240 triệu đồng. Sau khi thỏa thuận với Vân, Búp đã mua 440 nghìn đô la Mỹ của 1 người ở Campuchia với giá 220 triệu đồng.
Ngày 12/6/2022, Búp nhận số đô la Mỹ giả trên rồi đóng vào thùng catton và thuê xe ôm chở thùng tiền qua cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Búp vẫn tiến hành làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam theo quy định rồi nhận lại thùng catton bên trong có 440 nghìn đô la Mỹ giả. Sau đó, đối tượng tiếp tục thuê xe chở về khu vực huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh để bán cho Vân với giá 240 triệu đồng, hưởng lợi 20 triệu đồng.
Đến 21/6/2022, Búp từ Campuchia nhập cảnh về Việt Nam và lấy lại của Vân 5 thếp tiền đô la Mỹ giả (mệnh giá 100 USD) từ số tiền 440 nghìn đô la Mỹ giả Búp đã bán cho Vân (Búp không cho Vân biết mục đích lấy lại 5 thếp tiền này) và cất giấu trong người. Ngày 25/6/2022, khi Vân liên hệ hỏi Búp về tiền đô la Mỹ giả, Búp đã gọi điện thoại bảo Quân giao 5 thếp đô la Mỹ giả đã cầm của Búp cho Vân. Cùng ngày, khi Búp, Quân đang giao tiền cho Vân thì bị phát hiện, bắt giữ cùng với 49.500 đô la Mỹ.
Về phần Vân, vì hám lời, đối tượng đã liên hệ với Tiến và Hùng để tiêu thụ đô la giả; các đối tượng đã thỏa thuận bán số đô la giả với giá bằng 50% giá trị tiền thật. Trong đó Vân hưởng lợi 40%, Tiến và Hùng hưởng lợi 10%.
Ngày 24/6/2022, khi Tiến mang 100 nghìn đô la Mỹ giả tới quán cafe Gemini Coffe tại tầng 1, tòa nhà Star City, 23 Lê Văn Lương, Cầu Giấy, Hà Nội thì bị phát hiện bắt giữ.
Khoảng đầu năm 2020, Vân quen biết với Đạt. Do Đạt kinh doanh thua lỗ, không có việc làm nên Vân đã thuê Đạt làm lái xe cho Vân và trả tiền lương 7 triệu đồng/tháng. Quá trình mua bán tiền ngoại tệ giả, Vân giao cho Đạt là lái xe và kiểm tra độ thật - giả, chất lượng của tiền ngoại tệ khi Vân yêu cầu. Vân chụp ảnh các loại tiền giả hoặc đưa trực tiếp tiền mà Vân có cho Đạt, yêu cầu Đạt lên mạng tìm kiếm, nghiên cứu đặc điểm nhận biết tiền ngoại tệ thật, kiểm tra, đối chiếu với tiền mà Vân đưa và nói lại cho Vân biết. Vân đã đưa cho Đạt kiểm tra các loại tiền gồm: tiền đô la Mỹ, tiền đô la Singapore, tiền Turkmenistan...
Ngày 23/6/2022, trước khi Vân và Tiến ra Hà Nội giao tiền giả cho Mạnh, Vân đã gọi Đạt đến trông nhà cho Vân tại địa chỉ: căn A601, chung cư Ehome 5, The Bridgeview, tổ 4A, khu phố 1, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP Hồ Chí Minh và lái xe đưa Tiến và Vân ra sân bay Tân Sơn Nhất. Ngày 24/6/2022, Cơ quan điều tra tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của Vân, phát hiện Đạt đang ở tại nhà Vân cùng số tiền 280 nghìn đô la Mỹ giả.
Từ khoảng tháng 2/2022, qua các mối quan hệ xã hội, Quãng quen biết Quân. Đến tháng 4/2022, do không có tiền thuê nhà nên Quãng xin ở chung với Quân tại khách sạn Huỳnh Anh, tại TP Hồ Chí Minh. Tháng 6/2022, Quân giao cho Quãng 20 nghìn đô la Mỹ giả và thỏa thuận nếu Quãng tiêu thụ được thì sẽ chia số tiền thu được theo tỷ lệ: 50% trả lại cho chủ hàng, 50% còn lại thì chia ba gồm: chủ hàng, Quân và Quãng. Khi đưa tiền, Quân nói rõ tiền đô la Mỹ này không lưu hành được ở Việt Nam. Tuy nhiên, Quãng vẫn đồng ý cầm và rút 2 tờ tiền từ 2 thếp tiền đô la Mỹ trên ra tiệm vàng Dũng Chi, địa chỉ: số 86-88 Nguyễn Hữu Cầu, phường Tân Định, quận 1, TP Hồ Chí Minh để đổi nhưng không đổi được nên mang về nhà. Sau đó, theo yêu cầu của Quân, Quãng đã ship số tiền trên đưa lại cho Quân... Ngày 22/9/2022, Quãng đã đầu thú tại Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP Hà Nội.
Căn cứ kết quả điều tra, mới đây, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP Hà Nội đã kết thúc điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội truy tố đối với 7 bị can nêu trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tây Ninh: Bắt giữ nghi phạm dùng ngoại tệ giả đổi tiền thật Nghi phạm Tăng Thanh Hồ lên mạng đặt mua ngoại tệ giả rồi nhờ một số người lớn tuổi đem đển tiệm vàng đổi lấy tiền thật. Ngày 11.5, Công an TT.Tân Châu (H.Tân Châu, Tây Ninh) đã lập biên bản và bàn giao nghi phạm Tăng Thanh Hồ (40 tuổi, ngụ xã Ia Lốp, H.Ea Súp, Đắk Lắk) cho Công an H.Tân...