Làm thế nào để kỷ luật học sinh có hiệu quả?
Tôi rất dị ứng với việc công bố điểm, phê bình học sinh công khai trên lớp và đánh giá từng bạn trong kỳ họp phụ huynh. Có mấy người tiến bộ khi bị phê bình trước nhiều người?
Giáo dục đang nổi sóng với câu chuyện phạt, kỷ luật học sinh. Dư luận chia làm hai phe khá rõ, một bên ủng hộ nên có hình thức kỷ luật, phạt để các em tiến bộ. Một bên phản đối phạt, coi đây là hình thức ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự của học sinh nên sẽ gây hậu quả ngược. Thay vì phạt, giáo viên nên áp dụng kỷ luật tích cực để học sinh nhận ra sai sót, sửa chữa và tiến bộ.
Nguyên nhân của mâu thuẫn trong trường học
Tạm gạt qua câu chuyện đúng sai, thực tế giáo dục đang có những hiện tượng cần nhìn nhận. Về phía gia đình, điểm tích cực là nhiều bố mẹ quan tâm đến giáo dục con thay vì phó mặc hoàn toàn cho nhà trường như trước đây. Đời sống hiện đại bận rộn, một số bố mẹ không có thời gian dạy dỗ, uốn nắn con những thói quen tốt, đặc biệt không đưa ra những giới hạn về quyền và nghĩa vụ của con.
Thầy cô cần rõ ràng, minh bạch, công bằng. Ảnh minh họa: V.H.
Nhiều học sinh từ nhỏ đã được nuông chiều, ít phải làm việc. Nhiều học sinh sử dụng thiết bị điện tử nhiều cám dỗ nên có thói quen lười biếng, ngụy biện thậm chí nói dối, thiếu ý thức. Bố mẹ nghe phản hồi từ nhà trường, thầy cô về những biểu hiện đó lại cho rằng lỗi do thầy cô. Thay vì hợp tác giúp con tiến bộ, phụ huynh chuyển con hết trường này qua trường khác. Có những bạn chuyển qua 4, 5 trường tư rồi lại quay về trường công đúng tuyến vì không nơi nào chịu nổi.
Về phía thầy cô, bên cạnh những người khó tìm tòi cách tiếp cận phù hợp với học sinh, phối hợp chặt chẽ với bố mẹ để uốn nắn kịp thời những biểu hiện chưa phù hợp của các con, nhà trường vẫn còn những giáo viên đơn thuần lên lớp cho xong trách nhiệm.
Có những thầy cô vẫn áp dụng hình thức kỷ luật, khi một bạn không làm bài cả tổ phải chép phạt. Việc chép phạt có thể phù hợp nhất định với học sinh lớp nhỏ nhưng khi áp dụng cho cả học sinh cuối cấp 2, đầu cấp 3 liệu có hiệu quả? Tại sao khi một bạn mắc lỗi cả tổ phải chép?
Có những thầy cô không đủ lập luận, cách xử lý phù hợp nên khi học sinh có ý kiến lập tức cho rằng hỗn, lý sự, thậm chí “cãi nhau” tay đôi với trò trước lớp. Có những người trút những bức bối của công việc lên học sinh trong giờ giảng của mình.
Việc đổ lỗi cho bố mẹ hay nhà trường, thầy cô sẽ không giúp học sinh tiến bộ. Mấu chốt là mỗi bên cần hoàn thành trách nhiệm của mình.
Không có gì quan trọng bằng 6 năm đầu đời của trẻ. Từ thuở ấu thơ, bên cạnh được yêu thương, trẻ cần được bố mẹ kèm cặp những thói quen tốt. Trẻ cần được rèn luyện về biết lao động, có thái độ học tập nghiêm túc, đọc sách và hạn chế dùng thiết bị điện tử. Đặc biệt, các con cần biết giới hạn về quyền lợi và thực hành những nghĩa vụ của mình. Khi đó các con sẽ có nền tảng vững vàng để tiếp nhận sự giáo dục từ nhà trường.
Là người trong ngành, tôi hoàn toàn hiểu những vất vả của thầy cô, nhất là ở trường công như lớp quá đông, lương bèo bọt. Chưa kể giấy tờ sổ sách, giáo án, chấm bài cùng bao việc không tên khác. Vậy nên dù đa số thầy cô ban đầu rất tâm huyết nhưng nhiệt huyết đó bị suy giảm khá nhiều theo thời gian.
Làm sao để kỷ luật có hiệu quả
Thứ nhất, thầy cô cần rõ ràng, minh bạch, công bằng. Tất cả nội quy, khen thưởng, kỷ luật đều được học sinh bàn bạc công khai tại lớp trước khi áp dụng. Trong cuộc họp đầu năm, điều này cũng cần thông tin rõ ràng để bố mẹ biết và đồng thuận phối hợp cùng gia đình.
Thầy cô có hình thức kỷ luật nên cân nhắc kỹ sao cho đơn giản, dễ nhớ, dễ áp dụng. Học sinh vi phạm nhỏ thì trực nhật, lặp lại nhiều lần hoặc nghiêm trọng sẽ được mời phụ huynh.
Video đang HOT
Điều quan trọng, thầy cô nên áp dụng hình thức kỷ luật vì sự tiến bộ của các em chứ không phải để trút giận, khẳng định cái tôi của người lớn.
Đặc biệt với trẻ em, công bằng rất quan trọng, không vì bất cứ lý do gì (người quen, học sinh giỏi… ) để thiên vị học sinh vi phạm nội quy.
Thầy cô cần nói đi đôi với làm. Học sinh vi phạm thầy cô sẽ hạ hạnh kiểm, mời bố mẹ đến. Thời gian tiếp theo nếu con không thay đổi, tiếng nói của thầy cô sẽ giảm trọng lượng.
Người lớn đôi khi là (bố mẹ, thầy cô) đưa ra những hình thức kỷ luật chỉ để dọa học sinh. Các em sẽ nhìn vào cách người lớn làm thực tế để đánh giá thầy cô làm thật hay chỉ dọa cho có, từ đó có cách cư xử phù hợp.
Muốn có uy với học sinh, thầy cô cần nói đi đôi với làm, kiên trì áp dụng cho đến khi học sinh vào nề nếp. Ví dụ, đánh giá việc làm bài tập về nhà để lấy điểm 15 phút, ngày nào tôi cũng kiểm tra vở bài tập của cả lớp và cho điểm. Bạn nào không làm hoặc làm ít (so với năng lực) thì cho điểm kém. Tôi làm như vậy liên tục trong một vài tuần, các con đều có thói quen làm khá chỉn chu, đầy đủ và học tiến bộ hơn trông thấy.
Nếu thầy cô nói thật, làm thật thì sẽ có uy tín thật.
Không phê bình học sinh trên lớp
Tôi rất dị ứng với việc công bố điểm, phê bình học sinh công khai trên lớp và đánh giá từng bạn trong kỳ họp phụ huynh. Phụ huynh hãy đặt mình vào vị trí đó, có mấy người sẽ tiến bộ khi bị phê bình trước nhiều người? Do vậy, tôi rất đồng tình với quy định mới của Bộ GD&ĐT về việc không phê bình học sinh trước lớp.
Điều đó không có nghĩa là bỏ qua các khuyết điểm, chỉ khen không chê. Thầy cô có thể khái quát hiện tượng chưa ổn trước cả lớp sau đó gặp riêng học sinh để trao đổi, nếu con chưa cải thiện thì tiếp tục trao đổi với bố mẹ để bàn giải pháp. Việc phê bình cần trên tiêu chí tôn trọng, tin tưởng vào sự tiến bộ của học sinh chứ không phải để trút giận, xúc phạm các con.
Giáo viên tôn trọng học sinh và bố mẹ thì cũng sẽ được tôn trọng.
Có năm tôi được giao chủ nhiệm một lớp rất “phức tạp”, các con đang ở lứa tuổi dậy thì, đủ chiêu trò, từ không làm bài tập, dùng điện thoại trong giờ, gây gổ, mất trật tự… thậm chí vô lễ với thầy cô. Nhiều buổi đi dạy về tâm trạng nặng nề, tôi mệt mỏi vì quá nhiều vấn đề trên lớp.
Tôi cho cả lớp thảo luận rồi minh họa bảng nội quy kèm “phần thưởng” bằng hình vẽ ra giấy A1, cho cả lớp ký tên và treo ở góc lớp. Mỗi ngày vào lớp vô tình các con đều nhìn vào đó. Sau khoảng 2 tháng kiên trì áp dụng, một số trường hợp khó phải mời phụ huynh, sau đó thì lớp đã thay đổi hoàn toàn và mấy năm trôi qua, thầy trò như những người thân trong gia đình, các con đã trưởng thành rất nhiều.
Tôi tin là đa số thầy cô và bố mẹ đều có cùng mục đích: các con được rèn luyện nhân cách, tiến bộ về học tập. Quan trọng là cả hai phía đều cần trung thực trả lời mấy câu hỏi trước khi áp dụng biện pháp kỷ luật với các con: Mình đã làm hết trách nhiệm chưa? Tôi làm việc này để con tiến bộ hay để thỏa mãn cái tôi của mình? Nếu là học sinh thì mình có thuyết phục không?
Khi đã rõ ràng về câu trả lời thì tôi tin thầy cô, bố mẹ sẽ tìm ra giải pháp phù hợp và con sẽ tiến bộ.
Học sinh nói tục, thái độ ngỗ ngược, thầy cô nên làm gì?
Những quy định về kỷ luật tích cực nhằm xây dựng nền giáo dục nhân văn. Song, điều đó không có nghĩa chúng ta thiếu kiên quyết với hành vi vi phạm của học sinh.
Sau một thời gian thực hiện những quy định mới về kỷ luật tích cực, đã có rất nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh vấn đề này.
Nhiều giáo viên luôn băn khoăn sẽ phải kỷ luật như thế nào nếu học sinh mắc lỗi? Đặc biệt với những hành vi phạm lỗi có tính chất nghiêm trọng thì hướng xử lý ra sao khi thầy cô không được phê bình, không được áp dụng hình thức kỷ luật mạnh?
Chia sẻ vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc (thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) - một trong những người thầy tiên phong tham gia dự án "Hiệu trưởng thay đổi" khẳng định: "Kỷ luật là quá trình giáo dục học sinh, cần phải xây dựng và thống nhất những quy tắc kỷ luật tích cực trong trường học, tránh những hình thức trừng phạt về thân thể hay làm tổn thương tinh thần học sinh".
Trừng phạt không mang lại hiệu quả giáo dục lâu dài
Theo thầy Đào Chí Mạnh, trừng phạt là hình thức kỷ luật tiêu cực, có thể tác động đến thân thể, tinh thần, cảm xúc của người khác.
Khi áp dụng những cách thức trừng phạt học sinh, mục tiêu của thầy cô là nhằm loại bỏ hoặc chấm dứt những hành vi không mong muốn. Trừng phạt là đưa ra một quyết định làm đối tượng vi phạm cảm thấy khó chịu và kết thúc hành vi của mình, tuy nhiên, nó không có khả năng giúp trẻ thay đổi hành vi về lâu dài.
Thầy Đào Chí Mạnh cho biết, cần phải tránh những hình thức kỷ luật tác động đến thân thể và làm ảnh hưởng đến tinh thần học sinh (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
"Nếu học sinh nói chuyện trong lớp, không học bài, không làm bài tập, thầy giáo quyết định đuổi em ra khỏi lớp, thậm chí đã từng có tình huống trong thực tế thầy giáo dùng bạo lực với học sinh. Đó chính là trừng phạt, một cách phản ứng phổ biến khi chúng ta cảm thấy thất vọng, tức giận trước hành vi sai phạm của người khác.
Lúc đó, học sinh đang nói chuyện sẽ không nói chuyện nữa, học sinh không làm bài có thể không dám tái phạm lần sau. Tuy nhiên, việc thay đổi hành vi này xuất phát từ nỗi sợ, sợ bị phạt, sợ bị xấu hổ, sợ bị bạo lực. Kỷ luật tiêu cực không góp phần thay đổi nhận thức, không giúp hình thành nhân cách sau này của một đứa trẻ", thầy Mạnh nêu quan điểm.
Ngược lại, kỷ luật tích cực là những hướng dẫn, chỉ dẫn mang tính tích cực để sử đổi hành vi. Nó giúp học sinh nhận thức về hành vi của mình, nhìn nhận được về tinh thần trách nhiệm của bản thân, cho các em thấy những kỳ vọng với hành vi tích cực. Các em cũng sẽ nhìn thấy được những hệ quả từ những việc làm, hành động của bản thân.
Tương tự với tình huống học sinh không làm bài, giáo viên không nên đánh mắng các em. Hình thức kỷ luật nên được áp dụng là các em phải hoàn thành số lượng bài tập theo quy tắc đã đề ra. Thầy cô hãy giúp các em có nhận thức đúng đắn về hành vi của mình, hãy để trẻ tự quản lý hành vi của mình thông qua quá trình tự kiểm soát.
Theo thầy Đào Chí Mạnh, kỷ luật tích cực không có nghĩa dung túng, bỏ qua sai lầm của học sinh; quy định không phê bình học sinh trước lớp cũng không đồng nghĩa với việc không xử lý học sinh vi phạm. Điều quan trọng mà thầy cô cần thay đổi đó là phương pháp giáo dục, là cách nhìn nhận vấn đề và biết kiềm chế cảm xúc.
Thiết lập và thống nhất những quy tắc kỷ luật tích cực
Xây dựng những quy tắc, những quy ước áp dụng các hình thức kỷ luật tích cực trong trường học là việc làm quan trọng đầu tiên. Tương ứng với những hành vi phạm lỗi sẽ có những hình thức xử lý cụ thể.
"Mỗi lớp học, mỗi trường học cần có những quy tắc chung về kỷ luật, những quy tắc này cần phải hướng đến mục tiêu giáo dục, tránh việc tác động đến thân thể, ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, tinh thần của học sinh.
Chúng ta không áp dụng những hình thức dùng bạo lực, phê bình trước lớp, gây tổn thương học trò. Giáo viên cần tránh việc đưa ra quyết định theo tình huống mà hãy đưa ra quyết định theo kế hoạch. Những nguyên tắc được thiết lập theo hướng tích cực vẫn đảm bảo tạo nề nếp trong môi trường giáo dục", thầy Mạnh chia sẻ.
Cần xây dựng và thống nhất những quy tắc về kỷ luật tích cực (Ảnh minh họa: Báo điện tử VTV)
Sau khi hoàn thiện quy tắc này, nhà trường cần phải thông báo rộng rãi đến những đối tượng tham gia vào quá trình kỷ luật, đó là học sinh, thầy cô, cán bộ nhân viên trong trường. Một khi những quy tắc đã được thống nhất, nếu vi phạm, học sinh sẽ chấp nhận hình thức xử lý vi phạm đã được thông báo và đã được quy định từ trước.
Tuy nhiên, thầy Mạnh cũng khẳng định, trong quá trình dạy học, có thể xuất hiện những tình huống học sinh phạm lỗi nằm ngoài những quy tắc đặt ra. Thậm chí học sinh có những hành vi mang tính chất nghiêm trọng thì giáo viên vẫn cần phải bình tĩnh trong việc xử lý tình huống.
"Nếu gặp những hành vi vi phạm vượt qua giới hạn cho phép của một học sinh, ví dụ học sinh nói tục, thái độ ngỗ ngược, giáo viên vẫn cần bình tĩnh để xử lý vấn đề. Bình tĩnh không có nghĩa là nhún nhường và cho phép học sinh tiếp tục hành vi sai lầm. Lúc này, giáo viên nên xử lý vấn đề riêng với đối tượng học sinh vi phạm, tránh để hành vi xấu lan rộng đến những học sinh khác.
Vấn đề giáo dục tích cực trong tình huống này là cần phải biết gắn với hoàn cảnh, xem xét nguyên nhân của sự việc.
Giáo viên cần đặt ra câu hỏi hoàn cảnh gia đình học sinh thế nào, em có vấn đề gì về sức khỏe, bệnh lý hay đang chịu áp lực nào không? Bởi lẽ thông thường, những hành vi thiếu chuẩn mực của học sinh đều chịu sự tác động của hoàn cảnh hoặc những vấn đề trong cuộc sống", thầy Mạnh cho biết.
Theo đó, giáo viên, trường học cần kết hợp với gia đình để tìm ra hướng giáo dục phù hợp. Thầy cô hãy để các em thấy mình có một trái tim rộng lượng, yêu thương để thay đổi, cảm hóa các em.
Đó cũng là cách chúng ta giáo dục học sinh về lòng biết ơn, giúp các em điều chỉnh để có hành vi tốt và trở thành những công dân tốt.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể có học sinh vi phạm lỗi đặc biệt nghiêm trọng. Tùy vào mức độ vi phạm, việc kỷ luật học sinh sẽ có sự chỉ đạo từ các cấp quản lý.
Cũng theo thầy Đào Chí Mạnh, để thực hiện kỷ luật tích cực thì vai trò của lãnh đạo, quản lý nhà trường là vô cùng quan trọng.
"Thực hiện kỷ luật tích cực không phải chuyện một sớm một chiều, đó hành trình thay đổi những thói quen đã ăn sâu trong nếp nghĩ, lối sống, văn hóa nên cần có thời gian. Thầy cô cần được chia sẻ, cảm thông từ lý luận đến các tình huống thực tiễn.
Hiệu trưởng và lãnh đạo nhà trường cần phải hướng dẫn giáo viên trong việc xử lý các tình huống vi phạm của học sinh.
Cần phải tạo điều kiện và tạo động lực để giáo viên thực hiện những nguyên tắc, yêu cầu, quy định mới đó. Phải giúp thầy cô hiểu bản chất của kỷ luật tích cực và những giá trị, mục đích, ý nghĩa mà nó mang lại trong quá trình giáo dục học sinh.
Quan trọng hơn, trên cương vị đứng đầu một trường học, lãnh đạo phải là người giúp giáo viên giảm bớt áp lực, chia sẻ những gánh nặng áp lực và khó khăn cùng giáo viên.
Đồng thời, việc đồng hành cùng các thầy cô để kết nối với phụ huynh là vô cùng quan trọng. Tìm được định hướng, tiếng nói chung giữa nhà trường và gia đình thì việc giáo dục học sinh sẽ đạt được hiệu quả tích cực", thầy Mạnh chia sẻ.
Chiếc cặp căng phồng... và nỗi lo giáo viên "mất quyền" giáo dục học sinh Có những lỗi lầm, sai phạm cần được nghiêm khắc xử phạt để trò nhận ra lỗi lầm và rút kinh nghiệm cho những lần sau. Thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh được Bộ GD&ĐT triển khai đang nhận được sự quan tâm của dư luận với nhiều điểm mới tích cực. Một trong số đó là hủy bỏ hình thức...