Làm thế nào để giờ Đọc văn trở nên sinh động, hấp dẫn?
Nâng cao chất lượng môn Ngữ văn ở trường THPT phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó không thể không kể đến hiệu quả của giờ Đọc văn (trước đây gọi là giảng văn).
Tiết thao giảng môn Ngữ văn của giáo viên Trường THPT Kim Liên (Hà Nội). Ảnh minh họa (Nguồn IT)
Làm thế nào để giờ Đọc văn trở nên sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn, tạo niềm say mê, hứng khởi đối với người học luôn là vấn đề trăn trở của người thầy dạy văn từ bao đời nay.
1.
Tâm lý chọn ngành, chọn nghề đã tác động không nhỏ đến niềm say mê và không khí học Văn của học sinh trong các trường phổ thông hiện nay. Không ít thầy cô giáo dạy văn, nhất là ở lớp 12 có những nỗi niềm về ý thức học của các em. Nếu người thầy thiếu niềm say mê và không thường xuyên sáng tạo, chăm chút cho từng tiết lên lớp thì chắc chắn giờ học văn sẽ trôi qua một cách đơn điệu, nhàm chán…
Thực tế cũng không hẳn vì không chọn Văn làm môn thi trong tổ hợp xét tuyển đại học mà học sinh quay lưng lại. Trong các lý do khác nhau, có lẽ cũng phải khách quan mà nhận ra rằng một phần là do nội dung và phương pháp dạy của người thầy. Giờ Đọc văn thiếu sáng tạo sẽ làm giảm đi tình yêu, niềm say mê văn học ở các em. Tiết học nào các em cũng phải trải qua các bước như vậy, theo một phương pháp có sẵn thì quá nhàm chán.
Một người thầy, nhiều tác phẩm, vẫn giọng nói, điệu giảng, hình thức lên lớp chẳng có gì mới mẻ, sinh động như vậy… làm sao hấp dẫn, gọi mời được người học. Lẽ dĩ nhiên, một khi người học không yêu thích thì làm sao dành thời gian để đầu tư vào môn học đó được. Người dạy tích cực tìm tòi, đổi mới làm sinh động giờ Đọc văn để các em không chỉ đơn thuần nắm được bài phục vụ các kì thi cuối cấp THPT, mà còn cảm thấy hào hứng, yêu thích, nhận ra chân lý kì diệu khi đến với Ngữ văn. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là hạnh phúc của những thầy cô giáo dạy văn…
2.
Giờ Đọc văn thực chất là hình thức giáo viên tổ chức cho học sinh tiếp nhận văn học. Đó là khoảng thời gian quý để cả thầy và trò cùng thăng hoa trong miền xúc cảm, cùng nhau phát hiện, cảm thụ và rung động trước những giá trị đích thực của văn chương. Người thầy lúc này có vai trò tổ chức, định hướng, điều khiển quá trình tiếp nhận. Người tổ chức say mê, tâm huyết, linh hoạt và sáng tạo bao nhiêu thì hoạt động tiếp nhận càng diễn ra sôi nổi, lôi cuốn bấy nhiêu.
Trong lí luận văn học, trước đây người ta chỉ đề cao vai trò của tác giả, còn vai trò của người đọc bị coi nhẹ. Tất nhiên không thể xem nhẹ tác giả vì nếu không có tác giả thì không có tác phẩm – đối tượng tiếp nhận. Nhưng nếu xem nhẹ vai trò của người đọc thì không thể gìn giữ và làm phong phú thêm ý nghĩa, sức sống của tác phẩm văn chương qua bao thời đại, theo tiến trình lịch sử.
Với các tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa thì chính học sinh là các thế hệ bạn đọc góp phần tôn vinh giá trị của tác phẩm. Văn bản văn học thông báo những thông tin nhưng thường để trống phần ý nghĩa, tạo thành một cấu trúc mời gọi, buộc người đọc phải tự mình hoàn thành tác phẩm. Vậy, người thầy giỏi qua giờ học không chỉ giúp các em nắm vững thông tin, mà quan trọng hơn là phải để các em tự giác, say mê khám phá, giải mã khoảng trống để hoàn thành tác phẩm. Tất nhiên, để làm đúng thiên chức này quả không đơn giản. Điều đó phụ thuộc vào năng lực, nghệ thuật sư phạm của người thầy dạy văn.
3.
Điều cốt lõi nhất để tạo nên tâm thế học văn, nâng cao chất lượng dạy học văn chính là ở tiết Đọc văn. Thực tế, có không ít giờ Đọc văn ở trường THPT, nhất là ở lớp cuối cấp hiện nay còn tồn tại nhiều vấn đề đáng trăn trở. Như trên đã nói, do chạy theo những môn tự nhiên, nhiều em tỏ ra lơ là môn Văn. Đổi mới phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm nhưng người học thờ ơ, hờ hững, thậm chí là quá xem nhẹ thì thật khó để cho một tiết dạy thành công.
Không ít giáo viên dạy văn trăn trở khi nhiều em đi học không mang theo sách giáo khoa (mặc dù đã nhắc nhở nhiều lần), không đọc tác phẩm hay soạn bài trước khi đến lớp. Nhiều em không tập trung chú ý nghe thầy cô giáo giảng bài như làm việc riêng, nói chuyện, tranh thủ học bài môn khác. Thậm chí có trường hợp đi học nhưng không chịu ghi chép, nhiều lần quên cả vở viết bài. Chính những điều đó đã làm giảm lửa đối với giáo viên.
Tuy nhiên, khách quan mà nói, không phải tất cả các trường hợp lơ là trong giờ văn là do ý thức học lệch của các em. Công bằng mà nói, sự thật có không ít giờ Đọc văn ở trường phổ thông trôi qua một cách nhàm chán, đơn điệu, sáo mòn trong phương pháp, hình thức; nội dung bài giảng thiếu sâu sắc, sáng tạo… Tiết Đọc văn nhưng chưa đúng nghĩa là một giờ đọc hiểu, tiếp nhận văn chương đích thực. Trò vẫn còn ở ngoài thế giới nghệ thuật ngôn từ, còn thầy thì chưa thật sự nhập hồn vào trang văn – trang đời.
Với các tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa thì chính học sinh là các thế hệ bạn đọc góp phần tôn vinh giá trị của tác phẩm. Ảnh minh họa (Nguồn IT)
4.
Để trả lại cho văn chương bản chất vốn có của nó và để giờ Đọc văn ở trường THPT trở nên sinh động, lôi cuốn, hấp dẫn… người thầy cần đa dạng hóa các hình thức, biện pháp khác nhau khi lên lớp.
Video đang HOT
Thứ nhất, định hướng tiếp nhận cho từng tác phẩm
Tác phẩm văn học là một chỉnh thể đa dạng và thống nhất. Nó là một cấu trúc mời gọi. Tác phẩm văn chương được chọn đưa vào sách giáo khoa bao gồm nhiều thể loại khác nhau: Thơ, văn xuôi, kịch nói… mỗi thể loại có những đặc trưng khác nhau. Vì thế, khi soạn giáo án hoặc khi lên lớp giáo viên cần phải nắm bắt những định hướng tiếp cận tác phẩm của các em.
Xét cho cùng giờ Đọc văn là giờ giáo viên tổ chức cho học sinh tiếp nhận tác phẩm văn học. Tác phẩm nào cũng cho học sinh đi vào tìm hiểu, phân tích theo một cách có sẵn thì chẳng còn gì thú vị. Nghệ thuật của người thầy dạy văn là phải hướng dẫn, định hướng cách tiếp nhận tác phẩm cho các em. Chú ý đến điều này, giờ Đọc văn sẽ diễn ra đúng hướng và trọng tâm.
Trong giáo án lên lớp Định hướng tiếp nhận tác phẩm được xem là một hoạt động. Hoạt động này diễn ra trước khi tổ chức lớp đọc hiểu văn bản. Giáo viên nêu câu hỏi, dạng như: Hãy trình bày hướng tiếp nhận tác phẩm này của em. Hoặc em soạn tác phẩm này theo hướng nào? Giáo viên yêu cầu nhiều em trình bày cách tiếp nhận tác phẩm này của mình theo nhiều cách khác nhau qua phần chuẩn bị bài ở nhà. Sau khi học sinh trao đổi, người thầy cần định hướng cách tiếp nhận phù hợp nhất, và đó cũng là những định hướng, lưu ý học sinh khi ôn tập tác phẩm này. Nhiều ý kiến khác nhau tạo nên không khí dân chủ, thoải mái và sinh động của giờ Đọc văn. Chắc chắn bước đầu sẽ tạo không khí sôi nổi cho tiết học.
Chẳng hạn, khi dạy tác phẩm Thuốc của Lỗ Tấn, nhiều em đề xuất các cách tiếp nhận, tìm hiểu khác nhau. Có em nêu cách tiếp nhận tác phẩm theo các hình ảnh tiêu biểu trong truyện như: Chiếc bánh bao tẩm máu tử tù; hình ảnh vòng hoa trên nấm mộ Hạ Du; con đường mòn… Có em đề xuất cách tiếp nhận theo không gian: Quán trà ở nhà vợ chồng lão Hoa; không gian nghĩa địa… Giáo viên lắng nghe và đưa ra những lời nhận xét, cuối cùng chọn một cách tiếp nhận khoa học nhất đối với tác phẩm này.
Thứ hai, xây dựng hệ thống câu hỏi lôi cuốn học sinh vào bài giảng
Chúng tôi quan niệm muốn phát huy vai trò chủ thể – năng lực cảm thụ văn chương của học sinh thì phải biến giờ Đọc văn thành giờ phát vấn, trao đổi, bàn bạc, tranh luận và giao tiếp. Vì thế, xây dựng hệ thống câu hỏi như thế nào để lôi cuốn tất cả học sinh tham gia vào bài học là điều vô cùng quan trọng.
Các câu hỏi được sử dụng phải đảm bảo tính logic. Người thầy phải chú ý các loại câu hỏi khác nhau như: Câu hỏi tái hiện, câu hỏi dẫn dắt, câu hỏi gợi mở và đặc biệt là câu hỏi nêu vấn đề.
Các câu hỏi đưa ra không quá dễ, cũng không quá khó. Dễ quá thì mang tính hình thức, hỏi cho có. Chẳng hạn, dạy bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh hỏi học sinh bài thơ có mấy khổ thì các em chỉ việc nhìn vào bài thơ để đếm và trả lời.
Dự giờ dễ nhận thấy có giáo viên trong các tiết Đọc văn hỏi quá nhiều, câu hỏi vụn vặt hoặc rối rắm, khó hiểu… Có lẽ chúng ta không nên ôm đồm câu hỏi. Phải chủ trương rằng, hỏi ít mà tinh; hỏi câu nào có tác dụng câu đó, kích thích tư duy và xúc cảm thẩm mỹ ở học sinh, tạo không khí trao đổi, thảo luận giữa các thành viên.
Ví dụ, khi dạy tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài có thể sử dụng 3 câu hỏi nêu vấn đề như sau:
Câu 1. Tại sao Mỵ lại chấp nhận một cuộc sống tủi nhục ở nhà thống lý Pá Tra?
Câu 2. Dụng ý của Tô Hoài khi miêu tả căn buồng Mỵ nằm có ô cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay?
Câu 3. Tại sao Mỵ lại cởi trói cho A Phủ? Nếu Mỵ không chạy theo A Phủ thì điều gì sẽ đến với cô?
Câu hỏi hay chưa đủ mà người thầy còn phải chú ý nghệ thuật phát câu hỏi. Câu hỏi được phát ra khi tất cả học sinh đã tập trung lắng nghe – nghĩa là các em đã chuẩn bị một tâm thế tiếp nhận… Khi hỏi cần phải dứt khoát, rõ ràng. Nếu câu hỏi dài thì cần nhắc lại, gợi ý… Điều quan trọng nữa là khi học sinh trả lời, yêu cầu học sinh khác chú ý lắng nghe để nêu lên nhận xét.
Giáo viên theo dõi học sinh trả lời để phân tích, đánh giá kịp thời các em. Lời nhận xét đúng giúp các em vỡ ra nhiều điều, lôi cuốn học sinh khác hào hứng tham gia và tiết học lại càng thêm sinh động. Những câu trả lời hay nên ghi nhận bằng cách cho điểm kịp thời và đưa vào nội dung ghi chép trên bảng. Làm như thế sẽ tạo hứng khởi để các em thấy được vai trò trung tâm của mình, từ đó không còn thờ ơ hay thiếu nhập cuộc vào bài học.
Khi gọi học sinh trả lời, giáo viên tránh tập trung gọi một vài em. Nghĩa là phải gọi nhiều em để ai cũng phải chủ động, tích cực, thân thiện và thoải mái trong giờ học…
Thứ ba, chú trọng lời bình sắc sảo
Trong một tiết Đọc văn, giáo viên sử dụng các thao tác và phương pháp giảng dạy khác nhau để không chỉ truyền đạt kiến thức cơ bản phục vụ cho việc thi cử của học sinh, mà đặc biệt người dạy còn phải coi trọng những rung cảm thẩm mỹ ở các em bởi thế giới nghệ thuật ngôn từ trong từng tác phẩm.
Để làm được như thế, khi đọc hiểu văn bản, giáo viên cần dừng lại giảng sâu, khám phá, phát hiện ý tứ, cách cảm nhận mới mẻ để tạo ấn tượng, ám ảnh cho các em. Chẳng hạn khi dạy Thuốc của Lỗ Tấn cả thầy và trò đều đi vào tìm hiểu triết lý sâu sắc của nhà văn khi đặt tên cho nhân vật là ông Hoa, Hạ Du. Hoa Hạ có nghĩa gì? Dạy Ông già và biển cả của Hemingway, giáo viên dừng lại ở chi tiết “bộ xương cá kiếm” và tạo sự bất ngờ ở học sinh khi đưa ra lời bình về cái hư vô mà con người phải đối diện. Trước hư vô, con người phải biết chấp nhận và biết vượt qua. Con người ta không chỉ vĩ đại trong chiến thắng, mà ngay cả trong thất bại con người ta cũng vĩ đại.
Giáo viên tìm tòi, sưu tầm những lời bình hay, thấm thía của các tác giả, các nhà nghiên cứu, hay chính lời tâm sự, lời bình của chính tác giả của tác phẩm đang học. Cũng có thể đó là những lời bình, sự cảm nhận hay, độc đáo của học sinh thăng hoa ngay trong tiết học. Đó còn là lời bình của thầy cô giáo dạy văn. Thực tế cho thấy, nhiều thế hệ học sinh yêu văn, mê văn, say văn để theo đuổi nghiệp văn là từ những lời bình đặc sắc của ông thầy dạy văn. Những lời bình thấm thía chắc chắn sẽ làm lay động những tâm hồn bạn trẻ.
Thứ tư, giáo viên phải mang lửa vào trong từng tiết giảng
Lửa ở đây chính là tâm huyết, niềm say mê, lên bổng xuống trầm, là sự hóa thân với tất cả tình yêu và niềm say mê hào hứng trong từng tiết giảng bài. Người thầy dạy văn như một nghệ sĩ đang hóa thân vào tác phẩm để thể hiện. Vấn đề là ngọn lửa đó phải được giữ trong từng tiết giảng.
Muốn có lửa, người thầy phải chắt chiu tâm huyết cho phần chuẩn bị bài ở nhà, dồn tâm sức đầu tư trong từng trang giáo án.
Một yếu tố vô cùng quan trọng để giờ Đọc văn trở nên sinh động và hấp dẫn là ngữ điệu của người thầy dạy văn. Có nhiều ý kiến khác nhau khi trả lời câu hỏi Vì sao em không hứng thú học văn?, trong số đó có ý kiến cho rằng vì giờ dạy trôi qua buồn chán, giọng của thầy, cô chưa truyền cảm, còn đều đều. Có thể khẳng định rằng, cách truyền đạt, giọng giảng bài trong các tiết Đọc văn phân tích tác phẩm văn học là rất quan trọng. Đó là yếu tố tạo nên âm vang trong tâm hồn, cảm xúc của người học.
Giờ Đọc văn phải là giờ mang màu sắc riêng, tùy theo tác phẩm để có giọng điệu phù hợp. Lúc nhanh, lúc chậm, khi thiết tha, khi sôi nổi. Người dạy phải diễn đạt lưu loát, dùng từ chuẩn xác, hấp dẫn. Người giảng phải như có lửa trong lòng. Thật không sai khi bảo rằng Người thầy dạy văn là chàng ca sĩ ưu tú của giọng điệu… Biết chú ý để trau dồi, rèn luyện ngôn ngữ, giọng điệu trong tiết Đọc văn là cách làm cho giờ lên lớp trở nên hấp dẫn.
Thứ năm, giáo viên giới thiệu lồng ghép những đề Văn liên quan đến tác phẩm đang học
Ngay trong tiết Đọc văn, giáo viên lồng ghép giới thiệu các đề về tác phẩm đang học để gây chú ý của học sinh, nhất là ở lớp 12. Trong mỗi phần giảng, ở mỗi nội dung, thầy cô giáo cần đọc cho các em nghe những đề bài liên quan để các em chú ý, tập trung cao vào bài học. Cũng có thể cho mỗi học sinh đứng lên đề xuất một vài đề về tác phẩm đang học; hoặc sau phân tích tác phẩm, trong phần củng cố bài học, giáo viên cho học sinh chép hệ thống đề về tác giả, tác phẩm vừa học xong phù hợp với đề thi tốt nghiệp THPT mà mình đã chuẩn bị. Chính điều này sẽ tác động đến nhận thức học văn của các em ở lớp cuối cấp. Giờ Đọc văn vì thế lại càng thêm sinh động và hoàn chỉnh.
"Phá" lối mòn cách dạy Văn đọc chép
Với phong thái nhẹ nhàng, giọng truyền cảm, cô Lương Thị Hiền - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Lương Khánh Thiện (quận Kiến An, TP Hải Phòng) đã mang đến cho học sinh những giờ học hào hứng.
Cô Hiền cùng học trò trong giờ học môn Ngữ văn.
Giờ văn không phải là giờ đọc chép, mà ở đó cô thăng hoa với những bài dạy mượt mà, những liên tưởng thực tiễn giúp trò thêm sâu sắc với bài học.
Luồng gió mới
Lên lớp cùng học sinh lớp 6A2, Bài 4 với chủ đề "Quê hương yêu dấu" (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), cô Hiền có cách dạy khoáng đạt, truyền cảm xúc khiến giờ học Văn không nặng nề, sáo rỗng bởi sự truyền thụ kiến thức một chiều theo cách dạy xưa cũ. Cô Hiền cho hay, trong chủ đề này, học sinh được tìm hiểu vẻ đẹp của quê hương qua các bài ca dao thân thuộc, gần gũi qua văn bản 1. Văn bản 2 trong bài là "Chuyện cổ nước mình" của Lâm Thị Mỹ Dạ. Đây là bài mới, lần đầu được đưa vào SGK Ngữ văn lớp 6, bài ghép kiến thức của hơn 1 tiết.
Và bài "Chuyện cổ nước mình" cũng được đánh giá là khó, trong phân phối chương trình phải dạy trong thời gian 2 tiết. Bài thơ hay và có nhiều từ trừu tượng, ít tài liệu để hướng theo học sinh. Chủ yếu là phần cảm nhận của tác giả với bài thơ. Theo cô Hiền, học sinh lớp 6 mới tiếp cận về cách học môn Ngữ văn mới nên giáo viên phải linh hoạt, phải tích hợp để các em có thể tiếp cận dễ dàng.
Bài hát "Về miền cổ tích" là chất dẫn xuất ngọt ngào mà cô Hiền dùng để đưa học sinh vào bài thơ. Với bài dạy này, giáo viên cũng có thể tích hợp những video chuyện cổ tích mà học sinh đã được đọc, nghe, xem trong đời sống hàng ngày để "vào" bài một cách nhẹ nhàng, tự nhiên.
Học sinh được khởi động, tạo hứng thú cho bài học qua trò chơi "Ai nhanh hơn" cùng tìm ra những câu chuyện cổ có trong bài hát.
Phương pháp giáo dục làm việc nhóm, trao đổi, thảo luận, báo cáo kết quả được cô giáo sử dụng giúp phần tìm hiểu về tác giả, tác phẩm không khô khan, cứng nhắc. Qua phần báo cáo của các bạn, học sinh khác nhận xét, cô "chốt" kiến thức sau đó cả lớp ghi bài. Không còn "lối" đọc chép, học sinh được hoạt động và chủ động chiếm lĩnh tri thức.
Với giọng đọc trầm, ấm, thiết tha, cô giáo và học sinh cùng nhau đọc từng đoạn văn bản. Học sinh nêu những từ khó trong bài, giúp nhau giải nghĩa dưới sự nhận xét, giải thích của cô giáo hướng dẫn. Hoạt động khám phá văn bản, dưới sự hướng dẫn, gợi mở của cô, trò hiểu được tình cảm của nhà thơ với chuyện cổ nước mình và ý nghĩa các câu chuyện cổ. Trong bài dạy, cô Hiền linh hoạt nhiều phương pháp để giúp học sinh tiếp cận sâu văn bản như: Hỏi - đáp; thảo luận nhóm đôi; trao đổi thảo luận nhóm...
Học sinh không chỉ hiểu được ý nghĩa văn bản, nắm được đặc điểm thơ lục bát, nhận xét độc đáo của từ ngữ mà còn được rèn khả năng làm việc nhóm, khả năng giải quyết vấn đề, năng lực hợp tác... Phần luyện tập, học sinh được củng cố kiến thức qua trò chơi mảnh ghép bí mật. Tiếp theo các em được vận dụng kiến thức đã học, phát huy năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác qua tiểu phẩm "Về miền cổ tích".
Học trò tự tin với phần trình bày khi được cô giáo giao nhiệm vụ.
Gắn liền thực tiễn
Dự giờ tiết dạy của cô Hiền, ông Trần Đức Hải - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo nêu quan điểm, bước từ Chương trình giáo dục 2006 sang Chương trình GDPT 2018 khiến nhiều nhà trường, giáo viên băn khoăn dạy sao cho kiến thức phù hợp với học sinh, giúp các em phát triển được phẩm chất năng lực như đúng tinh thần của tác giả viết sách.
Cách dạy của cô Hiền tạo "một đường cày" với sự sáng tạo trong các hoạt động khiến kiến thức liên hoàn, bài dạy đơn giản, gọn gàng để văn học gần cuộc sống và đưa thực tiễn vào văn học.
Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Thu Hương - Chuyên viên phòng GD&ĐT quận Ngô Quyền cho rằng, các nhà trường vẫn loay hoay khi thay sách, nhiều thầy cô chưa biết nên thiết kế bài dạy như thế nào cho phù hợp. Nhưng bài dạy của cô Hiền đã để lại ấn tượng với lối dạy truyền cảm. Cô đã làm tốt định hướng đưa cuộc sống bước vào trang sách, đưa sách ra ngoài cuộc sống.
Thể hiện quan điểm về việc này, cô Hiền chia sẻ: "Văn học là từ cuộc sống và học sinh học văn phải có sự kết nối liên tưởng với thực tiễn. Đây là điều sống còn của việc dạy văn. Hiểu được điều đó tôi cũng cố gắng làm sao cho những bài giảng của mình sẽ bắt đầu từ một vấn đề thực tiễn cuộc sống, sau đó đặt vấn đề, gợi mở cho học sinh bàn bạc từ đó dẫn dắt vào bài học".
Vì là năm đầu tiên thay sách mới nên cô Hiền luôn cố gắng tìm cách khai thác SGK và các tài liệu. Cô cũng xác định đang đi đường cày đầu tiên trong hành trình đổi mới. "Tôi cố gắng tận dụng hướng dẫn của SGK, SGV, nguồn tri thức văn đã có từ trước, những tư liệu trên mạng và thực tế đời sống để đưa vào bài dạy một cách phù hợp".
Cô Hiền luôn trăn trở đặt ra mục tiêu, sau khi khai thác xong bài học, trò tìm hiểu được những vấn đề gì của cuộc sống. Học sinh dựa vào vốn sống, hiểu biết của lứa tuổi mà đưa ra cách lí giải phù hợp, từ đó định hướng giáo dục kĩ năng, phẩm chất cho các em.
Học sinh 6A2, Trường THCS Lương Khánh Thiện phân vai vào hoạt cảnh sinh động thể hiện khả năng diễn xuất trên sân khấu.
Giúp học sinh sáng tạo cá nhân
Theo cô Hiền, Bộ sách Ngữ văn lớp 6 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) có 2 tập gồm 10 bài. Từ bài 1 đến bài 9 theo một chủ đề, bài 10 theo dự án đọc sách. Từ bài 1 đến bài 9 học sinh được đọc văn bản, nói, nghe và viết và được giáo dục đầy đủ phẩm chất, năng lực liên quan đến chủ đề đã học như: Biết quý trọng tình bạn, quý trọng tình yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình.
Chẳng hạn như bài 1: Tôi và các bạn hướng tới chủ đề Tình bạn. Thể loại chính là Truyện. Học sinh được đọc hiểu các văn bản về tình bạn, qua đó mà giáo dục tình yêu đối với bạn bè, cách để xây dựng và gìn giữ một tình bạn đẹp. Học sinh cũng sẽ có kĩ năng đọc truyện, viết và nghe nói văn bản tự sự.
Hay như Bài 3: Yêu thương và chia sẻ, văn bản 3: "Con chào mào" của nhà thơ Mai Văn Phấn. Đây là một bài thơ được viết theo thể tự do nói về tình yêu thiên nhiên. Bài này nằm trong chủ đề yêu thương chia sẻ, 2 văn bản trước nói về tình yêu thương giữa con người với con người.
Tới văn bản 3 này chủ đề yêu thương chia sẻ được mở rộng: Không chỉ yêu thương chia sẻ với con người mà với cả thiên nhiên. Cô Hiền đã bắt đầu từ vấn đề thực tế đó. Hỏi học sinh chia sẻ tình yêu của em với một loài vật, một loài cây. Từ đó dẫn dắt các em vào bài học. Dẫn dắt trò tìm hiểu tình yêu thiên nhiên của nhân vật trữ tình. Đánh giá, nhận xét thái độ cách ứng xử của nhân vật trữ tình trong bài đã phù hợp chưa, vì sao.
Từ đó giúp học sinh rút ra bài học cuộc sống. Yêu thiên nhiên em cần có cách ứng xử với thiên nhiên thế nào mới là phù hợp, đúng đắn. Cuối cùng giúp học trò hiểu được sự yêu thương chia sẻ làm cho cuộc sống thêm đẹp. Đôi khi chỉ đơn giản là tình yêu với một bông hoa, một con vật... Qua đó giáo dục học sinh phẩm chất này.
"Theo tôi việc học đọc chép không phải cách dạy hiệu quả. Nhưng trong học văn, học sinh cũng cần có một mẫu ban đầu của một dạng bài cụ thể. Từ bài văn mẫu đó giáo viên giúp các em phân tích, tìm hiểu để rút ra những chuẩn kiến thức, kỹ năng cần đạt của dạng bài. Tuy nhiên, sau đó từ bài mẫu thầy cô gợi mở hướng dẫn trò cách phát triển bài viết đưa được những sáng tạo cá nhân", cô Hiền nêu quan điểm.
Cô Hiền cho biết thêm, cách đánh giá học sinh hiện nay với môn Văn và các môn nói chung có điểm mới là ngoài đánh giá bằng điểm số còn bằng nhận xét. Học sinh tự đánh giá, các em đánh giá lẫn nhau và giáo viên đánh giá. Điều này giúp các em phát huy tinh thần tự giác học tập, khách quan, trung thực và cũng giúp mọi vấn đề trong học tập được xem xét dưới nhiều góc nhìn, học sinh có cái nhìn phong phú và sâu sắc hơn.
Nhiều năm trở lại đây, trong các cuộc thi như thi vào lớp 10, Sở GD&ĐT Hải Phòng ra đề thi môn Văn, Toán có hướng mở, đề thi gần gũi với cuộc sống và mang tính thời sự. Lần lượt năm sau sẽ thay sách các lớp trên vì thế theo ý kiến của nhiều giáo viên đề thi trong các cuộc thi nên ra theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Như, phần đọc hiểu có thể đưa ra một văn bản ngoài SGK, nhưng thuộc thể loại và những chủ đề các em đã được học. Để tìm hiểu văn bản học sinh cần có các kĩ năng, kiến thức về thể loại, cần có các kiến thức thực tế và phẩm chất cần thiết (phù hợp lứa tuổi) để giải quyết các câu hỏi của đề.
Trường Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi Olympic bậc THPT Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành văn bản số 4021/TB-ĐHQGHN về việc tổ chức kỳ thi Olympic năm học 2021 - 2022 của trường. Đây là lần đầu tiên Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi này, nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi;...