Làm rõ trách nhiệm giải trình khi thực hiện tự chủ đại học
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia và các đại biểu quốc hội. Trong đó có nhiều kiến góp ý về vấn đề trách nhiệm giải trình và trình độ, thời gian, hình thức đào tạo của các trường đại học.
Ảnh minh họa/internet
Tiếp thu ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH khi thực hiện tự chủ, Ban soạn thảo cho biết: Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định các cơ sở GDĐH phải có trách nhiệm giải trình đối với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên liên quan gồm: giải trình về việc thực hiện các quy định, các cam kết về đảm bảo chất lượng GDĐH;
Thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ báo cáo công khai chỉ số kết quả hoạt động hàng năm của cơ sở GDĐH; thực hiện kiểm toán độc lập để kiểm toán báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán hàng năm của đơn vị, kiểm toán đầu tư và mua sắm; giải trình về mức lương, thưởng và các quyền lợi khác của các chức danh lãnh đạo, quản lý nhà trường;
Cùng với đó là giải trình các yêu cầu của cơ quan quản lý, cơ quan thanh tra, kiểm tra; thực hiện công khai về chất lượng GDĐH trên trang thông tin điện tử của cơ sở GDĐH (sửa Điều 32); công bố công khai mức thu học phí, mức thu thu phí dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác cho từng năm học và cho cả khoá học cùng với thông báo tuyển sinh (sửa Điều 65).
Đồng thời, Dự thảo quy định các cơ sở GDĐH phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bồi thường cho người học nếu không thực hiện các quy định, cam kết đảm bảo chất lượng hoạt động (sửa Điều 33, 45).
Về trình độ, thời gian, hình thức đào tạo, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã chỉnh lý Dự thảo theo hướng: Hình thức đào tạo để cấp văn bằng các trình độ của GDĐH học bao gồm: chính quy, vừa làm vừa học, học từ xa (bao gồm cả đào tạo trực tuyến). Việc chuyển đổi giữa các hình thức, phương thức trong quá trình đào tạo được thực hiện theo nguyên tắc liên thông.
Về thời gian đào tạo, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định thống nhất thời gian tiêu chuẩn cần hoàn thành chương trình đào tạo đối với mỗi trình độ đào tạo tại nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 35 Luật GDĐH hiện hành; thời gian đào tạo thực tế là thời gian tích luỹ tín chỉ của người học.
Tiếp thu ý kiến đề nghị rà soát các nội dung đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Giáo dục và hệ thống pháp luật; đồng thời, rà soát, chỉnh sửa kỹ thuật văn bản rõ ràng, minh bạch, lô-gic và thống nhất cách thể hiện đúng theo văn phong và kỹ thuật lập pháp và đề nghị hạn chế tối đa các điều giao cho Chính phủ quy định, Cơ quan soạn thảo đã chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng này.
Video đang HOT
Theo giaoducthoidai.vn
Chuyển giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho các trường đại học
Góp ý vào Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học nhiều chuyên gia đề xuất, cần chuyển giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho các trường đại học.
Mục tiêu của việc trao quyền quản trị cho nhà trường là nhằm nâng cao chất lượng và công bằng giáo dục.
Nội hàm khái niệm "trách nhiệm giải trình"
Sự liên kết giữa mức độ tự chủ và công khai, minh bạch thông tin rất quan trọng cho phân cấp có hiệu quả. Bằng cách chuyển giao trách nhiệm quản lý trường học, quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của nhà trường làm tăng sự tham gia của cha mẹ và cộng đồng. Kết quả là, một nền giáo dục có xu hướng phản ánh ưu tiên, giá trị và nhu cầu của địa phương.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền
Theo PGS.TS Chu Hồng Thanh, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học lần này có ưu điểm lớn đó là: đã nhấn mạnh và đề cao quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học tại Khoản 5 Điều 11, Điều 32 và các điều khoản quy định về Hội đồng trường, về thực hiện chương trình giáo dục và quản lý tài chính, tài sản của nhà trường, trong đó có bổ sung quy định về trách nhiệm giải trình và làm hơn quan điểm xóa bỏ tình trạng xin - cho trong thực hiện quyền tự chủ.
"Tuy nhiên, hiểu thế nào về nội hàm khái niệm " trách nhiệm giải trình" theo nghĩa tiếng Việt là vấn đề cần được làm rõ hơn trong dự thảo. Giải trình không chỉ báo cáo, thuyết minh, thuyết trình về hoạt động của nhà trường mà quan trọng hơn phải là trách nhiệm pháp lý, chịu trách nhiệm độc lập trước pháp luật" - PGS.TS Chu Hồng Thanh nêu quan điểm.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền: Trách nhiệm giải trình của trường học là sự thừa nhận về trách nhiệm đối với mọi hành động
Cùng quan điểm với PGS.TS Chu Hồng Thanh, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học (Học viện Quản lý Giáo dục), cần tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho nhà trường, tăng vai trò ra quyết định của cấp trường học gắn liền với các hệ thống thông tin trách nhiệm giải trình.
" Trách nhiệm giải trình của trường học là sự thừa nhận về trách nhiệm đối với mọi hành động, mọi sản phẩm, mọi quyết định hay chính sách mà nhà trường đưa ra trong việc lãnh đạo, quản lý và thực hiện công việc; gắn với nghĩa vụ báo cáo, giải thích cho những các hoạt động của nhà trường và tác động của nó.
Tùy theo quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước và nhà trường trong việc trao quyền tự chủ mà các hệ thống giải trình có thể khác nhau" - PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền trao đổi.
Cũng theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, quyền tự chủ cho nhà trường là một phần của cơ chế phân cấp quản lý hệ thống giáo dục. Mục tiêu của việc trao quyền quản trị cho nhà trường là nhằm nâng cao chất lượng và công bằng giáo dục.
Trường học tự chủ là trường học được giao quyền ra các quyết định về việc phân bổ các nguồn lực cho giáo dục, bao gồm:
Thứ nhất là quyền lực: Ban hành các quyết định
Thứ hai là tri thức, học thuật: Mục tiêu giáo dục, chương trình, tài liệu học tập
Thứ ba là cơ sở vật chất, kỹ thuật: Trường, lớp, sân bãi, các phương tiện dạy học,...;
Thứ tư là nhân lực: Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên;
Thứ năm là tài chính: Các nguồn kinh phí, tài chính.
PGS.TS Trần Văn Tớp: Chủ tịch Hội đồng trường phải tham gia quản lý cấp Ban Giám hiệu ít nhất 1 nhiệm kỳ trở lên và (không phải là hoặc) được đào tạo về quản trị đại học.
Đề xuất tiêu chuẩn đối với Chủ tịch Hội đồng trường
Trong dự thảo Luật không định tuổi, nhưng dễ áp dụng máy móc theo các văn bản quy định pháp luật khác. Do đó phải nới độ tuổi của chủ tịch Hội đồng trường, còn trong biên chế (ví dụ kéo dài theo Nghị định 141).
PGS.TS Trần Văn Tớp
Đề cập đến nội dung Hội đồng trường, PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - cho rằng, dự thảo Luật đã sửa đổi tiêu chuẩn đối với Chủ tịch Hội đồng trường. Hiện nay, hầu hết các trường, Chủ tịch Hội đồng trường chưa hề tham gia quản lý cấp Ban giám hiệu mà thường là cấp trưởng phòng.
Trong Dự thảo Luật, quy định chỉ cần có kinh nghiệm tham gia quản lý giáo dục đại học ít nhất 5 năm hoặc được đào tạo về quản trị đại học; PGS.TS Trần Văn Tớp - kiến nghị: Chủ tịch Hội đồng trường phải tham gia quản lý cấp Ban Giám hiệu ít nhất 1 nhiệm kỳ trở lên và (không phải là hoặc) được đào tạo về quản trị đại học.
"Cũng phải xem xét Điều 18 về Hội đồng đại học cũng cần chỉnh sửa, bổ sung các nội dung cụ thể hơn cho nhất quán như quy định cho Hội đồng trường. Ví dụ Hội đồng đại học cũng tổ chức thực hiện quy trình bầu Giám đốc, quyết nghị kế hoạch tài chính,
Đối với các trường đại học thành viên của Đại học quốc gia, đại học vùng thì quan hệ giữa Hội đồng đại học, Ban Giám đốc với Hội đồng trường thành viên thế nào? Hiệu trưởng trường thành viên phải tuân theo Nghị quyết của Hội đồng đại học, Ban Giám đốc và Hội đồng trường.
Do đó, nếu thực hiện theo mô hình này thì quan hệ này phải làm rõ trong quy chế tổ chức hoạt động của Hội đồng trường và Hội đồng đại học" - PGS.TS Trần Văn Tớp trao đổi.
Theo Giaoducthoidai.vn
Cả nước chỉ có 23 đại học công lập tự lo 100% kinh phí Câu chuyện tự chủ đại học đang đặt nặng về tài chính mà chưa chú trọng tới tổ chức, quản trị, hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ... Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng vừa giám sát việc thực hiện Luật giáo dục đại học ở 16 cơ sở giáo dục đại học tại 7 tỉnh,...