Làm quen với kiểu thi THPT quốc gia
Để giúp học sinh làm quen với phương án thi THPT quốc gia 2017, các trường THPT đang gấp rút cho các em làm quen với đề thi và cách chọn môn thi.
Các trường THPT thay đổi phương pháp dạy học và kiểm tra, cho học sinh đăng ký lựa chọn các tổ hợp môn lập danh sách để chuẩn bị cho đợt kiểm tra cuối học kỳ 1.
Để giúp học sinh làm quen với môn toán trắc nghiệm và tổ hợp môn, học sinh lớp 12 hệ THPT tại Hà Nội sẽ làm bài kiểm tra cuối học kỳ 1 như phương án thi THPT quốc gia 2017.
Cho chọn môn kiểm tra cuối kỳ
Đến thời điểm này, hầu hết các trường, giáo viên đều đã cho học sinh làm bài kiểm tra 15 phút, một tiết bằng hình thức trắc nghiệm, nhằm giúp các em làm quen và đáp ứng phù hợp với phương thức đổi mới thi.
Học sinh THPT đang được làm quen với đề thi của kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: Hoàng Triều/Người Lao Động.
Ông Đặng Đình Đại – Hiệu trưởng trường THPT WellSpring, quận Long Biên, Hà Nội – cho hay nhà trường yêu cầu đối với các bài kiểm tra một tiết, giáo viên thực hiện theo dạng đề minh họa để học sinh làm quen với dung lượng kiến thức ở những bài học sinh đã học.
Hiện nhà trường đã cho học sinh đăng ký lựa chọn nhóm môn để chủ động kế hoạch, mỗi tổ chuyên môn đều chuyển đổi ma trận đề sang dạng thích hợp với kỳ thi THPT quốc gia. Hiện giáo viên vẫn dựa theo đề minh họa để đưa ra những đề tương đương theo từng chương, bài, phần.
Giáo viên toán của một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay trong quá trình dạy và kiểm tra đánh giá, học sinh vẫn còn bỡ ngỡ với cách làm bài kiểm tra môn toán trắc nghiệm.
Thầy Trần Mạnh Tùng, Tổ trưởng bộ môn Toán trường THPT Lương Thế Vinh, cho biết tổ toán của trường đã họp với nhau nhiều lần để thống nhất cách dạy và cách học cho có hiệu quả trong kỳ thi sắp tới, rèn luyện cho học sinh phương pháp tính toán nhanh.
“Với khối 10, 11, chúng tôi thống nhất thi học kỳ 1 và kỳ 2 sắp tới sẽ giữ 50% trắc nghiệm và 50% tự luận để các em tiếp cận dần dần với hình thức trắc nghiệm còn khối lớp 12, chúng tôi kiểm tra học kỳ 100% trắc nghiệm theo mẫu đề minh họa.
Bên cạnh đó, học sinh khối lớp 12 tăng cường làm thêm bài tập trắc nghiệm, tăng cường luyện thêm đề để cọ xát, làm quen với các cách trả lời câu hỏi theo nhiều hình thức khác nhau”, thầy Tùng cho hay.
Khó cho môn Giáo dục công dân
Tuy đã thay đổi phương pháp dạy – học môn giáo dục công dân từ 2 tháng nay, nhiều giáo viên vẫn cho rằng cả giáo viên và học sinh đều gặp khó trong việc dạy và học.
Video đang HOT
Một giáo viên chia sẻ căn cứ vào đề thi minh họa môn giáo dục công dân thì học sinh khó có thể làm được hết bài thi vì một số nội dung viết trong sách giáo khoa còn chưa được đề cập nhiều.
Đề thi minh họa môn bao quát nội dung về cuộc sống và hiểu biết về pháp luật xã hội, để làm hết những câu đòi hỏi học sinh không chỉ nắm vững về kiến thức trong sách giáo khoa mà còn phải học hỏi, trau dồi kiến thức ở ngoài.
Theo giáo viên này, kiến thức về pháp luật trong môn Giáo dục công dân rất trừu tượng, nặng về lý thuyết, trong khi đề thi minh họa yêu cầu ngoài việc nắm chắc kiến thức, bắt buộc học sinh phải hiểu rõ luật và biết cách áp dụng mới có thể làm đúng bài được.
Ví dụ, đề thi có những khái niệm sách giáo khoa không đề cập như vi phạm quyền tác giả, vi phạm quyền sở hữu công nghiệp được quy định trong bộ luật dân sự…
Trên thực tế, từ trước đến nay, nhiều giáo viên và học sinh đều coi môn Giáo dục công dân là môn học phụ và thường kết thúc sớm trong năm học, số giờ học chỉ có một tuần/tiết là quá ít nên khó khăn cho cả giáo viên và học sinh.
Giáo viên môn Giáo dục công dân tại một trường đóng trên quận Bắc Từ Liêm nói thêm đề thi minh họa môn bao quát nội dung về cuộc sống và hiểu biết về pháp luật xã hội. Thời lượng một tiết/tuần như thế này rất khó dạy cho học sinh, để thí sinh đạt được điểm 9-10 là rất khó.
Thi học kỳ cũng có đề riêng
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản gửi tới các trường THPT yêu cầu bài kiểm tra cuối học kỳ 1 năm học 2016-2017 của khối 12 sẽ tổ chức kiểm tra các môn theo quy trình như thi THPT quốc gia 2017.
Theo đó, học sinh được phát số báo danh, có đề thi riêng, mỗi phòng thi có giám thị trông thi…
Việc chấm thi bảo đảm theo đúng quy trình, môn ngữ văn tự luận rọc phách, các trường chấm chéo, còn lại tất cả môn thi trắc nghiệm sẽ gửi về sở GD&ĐT để chấm bằng máy.
Theo Zing
'Nhân dân muốn biết còn bao nhiêu lần thay đổi thi cử'
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói như vậy khi báo cáo Quốc hội chiều 16/11, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Báo cáo Quốc hội, Phó thủ tướng khẳng định giáo dục được toàn dân quan tâm. Những vấn đề các đại biểu chất vấn, tranh luận trong sáng nay cũng là những điều người dân chú ý.
Trong báo cáo vắn tắt, Phó thủ tướng đề cập 3 vấn đề chính là chất lượng giáo dục, triết lý giáo dục và đổi mới thi cử.
Bộ giáo dục chuẩn bị 10 năm, 2 năm thí điểm
Ông Đam cho biết Nghị quyết số 29 xác định thi cử là khâu đột phá trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Tuy nhiên, đây cũng là khâu gây bức xúc nhất do hiện tại có quá nhiều kỳ thi và còn tồn tại những bất cập.
Việc thi đại học, cao đẳng còn quá căng thẳng và phức tạp, là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng học lệch, học tủ, cũng như ảnh hưởng chất lượng giáo dục đại học. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có một kỳ thi trung thực, khách quan, học sinh học toàn diện và tuyển sinh vào đại học không quá căng thẳng.
Theo Phó thủ tướng, nhiều nước trên thế giới đã giải quyết vấn đề này thông qua hình thức thi đánh giá năng lực như cách Đại học Quốc gia Hà Nội làm mấy năm qua.
Trắc nghiệm là hình thức phổ biến, song nước ta chưa thể tổ chức ngay một kỳ thi đơn giản như vậy, vì không thể thay đổi đột ngột. Việc này cũng phụ thuộc quá trình đổi mới trong giảng dạy, học liệu và các yếu tố khác.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam báo cáo Quốc hội chiều 16/11. Ảnh: Anh Tuấn.
"Khi bàn bạc về vấn đề này, các chuyên gia thường ví rằng lý tưởng có một chỗ ở mới rồi trên mảnh đất cũ xây ngôi nhà mới hoàn toàn. Nhưng chúng ta không có chỗ ở khác, vì thế chúng ta phải ở đó, con cháu vẫn học hành, sinh hoạt trong quá trình sửa nhà", Phó thủ tướng nói.
Ông Đam nhận định nhìn tổng thể, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã tốt hơn trước rất nhiều và tiến bộ hơn trong năm 2016.
Năm 2017, Bộ GD&ĐT đưa ra những đổi mới căn bản, đồng thời tiếp tục lấy ý kiến dư luận để có kỳ thi thành công, trung thực, đơn giản, giảm áp lực cho xã hội.
Vấn đề này cũng nhận được sự quan tâm của Chính phủ. Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi, Thủ tướng đã chỉ đạo phải ra đề minh họa để học sinh, phụ huynh và giáo viên tham khảo. Phó thủ tướng cho biết ông cũng yêu cầu bộ ra thêm hai đề mẫu để lấy ý kiến chung rồi điều chỉnh phù hợp.
Theo ông Đam, không có phương pháp toàn diện, dù là thi trắc nghiệm hay tự luận. Vấn đề nằm ở trình độ ra đề. Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu, chuẩn bị trong hơn 10 năm và trải qua hai năm thí điểm ở diện rộng. Kết quả phổ điểm cho thấy hoàn toàn có thể tin tưởng vào chất lượng kỳ thi.
Tuy nhiên, người dân muốn biết đâu là phương án cuối cùng và còn phải trải qua bao nhiêu lần thay đổi mới đến được phương án đó.
"Vì chúng ta có một dự án như việc sửa một ngôi nhà trong một số năm, nhân dân đều muốn biết rằng phương án sau cùng mà chúng ta đi đến ổn định là phương án thi như thế nào, từ lúc này đến khi đó qua bao nhiêu lần thay đổi nữa", ông Vũ Đức Đam nói.
Trước Quốc hội, Phó thủ tướng cho biết ông đã đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ban hành đề án sớm (trước kỳ thi sang năm).
Ông cho rằng đại biểu, người dân, nhất là phụ huynh và học sinh, có thể yên lòng, tiếp tục theo dõi hướng dẫn và đề mẫu của Bộ GD&ĐT để có một kỳ thi trung thực, khách quan, nhẹ nhàng.
Trình độ càng cao kỹ năng càng kém
Đề cập xếp hạng giáo dục của Việt Nam, Phó thủ tướng cho biết không có sự đồng nhất nhưng về cơ bản, Việt Nam đứng ở vị trí từ 60 đến 70. So với trình độ phát triển kinh tế - xã hội (thứ 130), giáo dục đứng trên các nước có trình độ tương đương.
Đặc biệt, giáo dục phổ thông trong top 50. Theo kết quả kiểm định của một số tổ chức quốc tế, bao gồm OECD, Việt Nam đứng ở vị trí từ 20 đến 30.
Tuy nhiên, giáo dục đại học của nước ta lại chỉ đứng khoảng từ 70 đến 75, thậm chí 80.
Thông qua những số liệu này, Phó thủ tướng khẳng định giáo dục nước ta còn một số bất cập nhưng cũng phải nhìn nhận những nỗ lực của ngành trong thời gian qua.
Ông Đam cũng nêu hai khuyến nghị của chuyên gia nước ngoài về giáo dục Việt Nam.
Thứ nhất, giáo dục phổ thông cần đặc biệt lưu ý người dân tộc thiểu số. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT.
Ông khẳng định thời gian tới, Chính phủ và Bộ GD&ĐT sẽ bàn bạc để đưa ra chương trình, chính sách cụ thể hơn về giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai, nhìn chung ở Việt Nam, trình độ càng cao, kỹ năng so với mặt bằng thế giới càng kém.
Theo ông Đam, nếu phân lực lượng lao động thành 3 tầng, 80% người quản lý cấp cao được các công ty đa quốc gia đánh gia chưa đạt yêu cầu, cần bồi dưỡng tiếp. Con số này ở khoảng từ 40% đến 60% đối với nguồn nhân lực kỹ thuật có chuyên môn cao nhưng làm trực tiếp. Ngược lại, khoảng 20% người lao động kỹ thuật đơn giản cần đào tạo tiếp.
Vì thế, giáo dục đại học cần được đổi mới, bắt đầu từ công tác kiểm định chất lượng.
Triết lý giáo dục nằm ở xây dựng đất nước
Trong phiên chất vấn ngày 16/11, một đại biểu đề cập vấn đề triết lý giáo dục. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam có triết lý giáo dục, chỉ là không có những câu trích dẫn kinh điển.
Theo ông, triết lý giáo dục của nước ta nằm ở xây dựng đất nước, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nằm ở việc chúng ta xây dựng con người toàn diện đức trí thể mỹ, có tinh thần dân tộc có lòng yêu nước và có trách nhiệm quốc tế.
Điều này được giải thích rõ ở phần mục tiêu trong đề án phê duyệt chương trình SGK mới.
Theo Zing
Tăng phần kiểm tra năng lực và tuyển thẳng Trong khi nhiều trường ĐH đang tính toán tuyển sinh theo môn thi và bài thi của kỳ thi THPT quốc gia, một số trường ĐH dự kiến tổ chức thêm kỳ thi kiểm tra năng lực. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQG TP.HCM, cho biết bên cạnh kỳ thi THPT quốc gia, năm 2017, ĐHQG TP.HCM...