Lạm phát tăng gấp đôi mức mục tiêu, Ngân hàng trung ương Canada sắp nâng lãi suất
Tỷ lệ lạm phát của Canada đã tăng trong tháng thứ hai liên tiếp và một số chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo rằng xu hướng này có thể đồng nghĩa với việc Ngân hàng trung ương Canada (BoC) sẽ tăng lãi suất vào tháng tới.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Canada tại Ottawa. Ảnh: THE CANADIAN PRESS/TTXVN
Theo Cơ quan Thống kê Canada, lạm phát đã tăng lên 4% trong tháng 8/2023, mức tăng cao nhất kể từ tháng Tư trong bối cảnh giá thực phẩm và xăng dầu tăng cao. So với cùng kỳ năm ngoái, giá xăng đã tăng 0,8%, trong khi giá thực phẩm, mặc dù đã chậm lại, nhưng vẫn tăng khoảng 6,9%.
Giám đốc bộ phận thị trường vốn Sal Guatieri của Ngân hàng Montreal nhận xét đây là lần thứ hai liên tiếp số liệu lạm phát gây thất vọng cho Canada. Điều đáng lo ngại là lạm phát đã tăng gấp đôi mức mục tiêu 2% của BoC và điều này sẽ làm trầm trọng thêm những mối lo ngại của họ. Ông cho rằng ngoài giá thực phẩm và năng lượng cao, giá cả trong lĩnh vực dịch vụ bao gồm chi phí thuê nhà cũng gây áp lực đối với người dân Canada.
Video đang HOT
BoC dự kiến sẽ đưa ra quyết định lãi suất vào ngày 26/10 tới, sau khi giữ nguyên lãi suất ở mức 5% hồi đầu tháng này.
Một số chuyên gia nhận định rằng chỉ số lạm phát lần này có thể dẫn đến một đợt tăng lãi suất nữa của BoC, trong khi những người khác tin rằng BoC sẽ vẫn giữ nguyên lãi suất chừng nào nền kinh tế còn đang trì trệ.
Chuyên gia kinh tế tại RSM Nguyễn Tú cho rằng số liệu lạm phát của tháng Tám có nghĩa là một đợt tăng lãi suất mới sắp xảy ra. Giám đốc Kathy Lien của BKForex tỏ ra đồng tình với quan điểm này khi cho rằng BoC sẽ đi theo bước chân của Ngân hàng Trung ương châu Âu, nơi vừa thực hiện tăng lãi suất vào tuần trước.
Trong khi đó, người đứng đầu bộ phận kinh tế Canada và Mexico (Mê-hi-cô) Carlos Capistran của Ngân hàng Bank of America cho biết dữ liệu lạm phát mới nhất không làm thay đổi niềm tin của ông rằng BoC đã hoàn thành việc tăng lãi suất, mặc dù vẫn thừa nhận số liệu lạm phát lần này đặt ra vấn đề đáng lo ngại.
Nhà kinh tế Jimmy Jean của Tập đoàn tài chính Desjardins cho rằng khả năng tăng lãi suất là rất thấp vì chu kỳ này đã dừng lại. Nền kinh tế Canada đang chậm lại và con số thất nghiệp dường như đang tăng cao.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo lạm phát trên diện rộng, trong tháng Sáu đã giảm xuống 2,8%, lần đầu tiên nằm trong mục tiêu 1% đến 3% của BoC. Tuy nhiên, kết quả này không kéo dài được lâu khi 2 tháng liên tiếp sau đó, lạm phát đã tăng lần lượt là 3,3% trong tháng Bảy và 4% trong tháng Tám.
Từ tháng 3/2022, BoC bắt đầu chiến dịch tăng lãi suất tích cực nhằm kiềm chế lạm phát. Trước chiến dịch, lãi suất cơ bản của BoC chỉ ở mức 0,25%, nhưng bây giờ nó đang ở mức 5%, cao nhất trong lịch sử 22 năm qua ở Canada.
Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đã đưa ra kế hoạch nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản cho thuê trong bối cảnh khủng hoảng nhà ở. Họ cũng đã làm việc với các chuỗi siêu thị lớn nhất của Canada trong nỗ lực ổn định giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho người dân.
Thực trạng đáng quan ngại của nền kinh tế Canada
Giới quan sát nhận định "sức khỏe" của nền kinh tế Canada đang gợi nhớ về đầu những năm 1990. Nhiều chuyên gia tài chính lo ngại nếu các điều kiện kinh tế được duy trì và chính phủ tiếp tục giữ nguyên các quyết sách như hiện tại, quốc gia Bắc Mỹ này có nguy cơ đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính.
Người dân tại một trung tâm thương mại ở Toronto, Canada, ngày 24/6/2020. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, tỷ lệ nợ/GDP của Canada tăng từ mức 29% năm 1980 lên 67% vào năm 1994. Cũng trong năm 1994, lãi suất cơ bản của Canada được nâng lên 7,5%. Sau đó, nền kinh tế đã rơi vào tình trạng hỗn loạn, tỷ lệ nghèo đói tăng vọt,... Tình hình kinh tế hiện nay cũng có nhiều nét tương đồng với thời kỳ đầu những năm 1990: nợ liên bang/GDP đã tăng từ mức 31% năm 2019 lên khoảng 50% vào năm 2021; bội chi ở mức xấp xỉ 5%, với giả định lãi suất vẫn ở mức như năm 2021. Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương Canada (BoC) đang trong lộ trình mạnh tay tăng lãi suất, với mức tăng 125 điểm cơ bản tính từ đầu năm 2022. Theo mức lãi suất mới, tỷ lệ nợ/GDP có khả năng tăng lên 65% trong vòng ba năm, với giả định xu hướng chi tiêu hiện tại của chính phủ được giữ vững và chi phí đi vay tăng gấp đôi.
Nhiều chuyên gia dự báo BoC sẽ tăng lãi suất lên 6% trước khi lạm phát chậm lại. Điều này có nghĩa là chính phủ có thể phải chi gấp ba lần con số đã hoạch định để trả lãi nợ trong khoảng 3-5 năm.
Giới chuyên môn nhận định không phải tất cả các quốc gia đều phải đối mặt với những thách thức tương tự do đại dịch COVID-19 gây ra. Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các hộ gia đình Canada có tỷ lệ nợ/thu nhập khả dụng cao hơn 65% so với người Mỹ và gần 20% so với ở Anh. Trong khi đó, giá nhà của Canada cao hơn trung bình 15% so với giá nhà ở Mỹ và cao hơn khoảng 25% so với mức trung bình của OECD. Điều này có nghĩa lạm phát cao và lãi suất tăng sẽ làm "tổn thương" người dân Canada nhiều hơn.
Một số chuyên gia đang kêu gọi chính phủ Canada nhanh chóng hành động. Đầu tiên, cần ngay lập tức cắt giảm chi tiêu của chính phủ từ 5-10% để giảm lực cản tài khóa đối với chính sách tiền tệ. Thứ hai, thành lập Bộ chuyển đổi kỹ thuật số để đánh giá và xem xét tất cả các dịch vụ của chính phủ và thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số. Giống như ở khu vực tư nhân, số hóa có thể cắt giảm 10-20% chi tiêu, tạo ra mức tăng năng suất cần thiết, thúc đẩy đầu tư và giải phóng nguồn vốn cho các nhu cầu như chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Cuối cùng, chính phủ phải công bố kế hoạch trả nợ cụ thể, không "neo" nợ vào GDP.
Anh tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 15 năm Ngày 3/8, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã nâng lãi suất chủ chốt lên mức cao nhất trong vòng 15 năm nhằm kiềm chế lạm phát vẫn ở mức cao. Trụ sở Ngân hàng Trung ương Anh ở London. Ảnh: AFP/TTXVN Cụ thể, BoE đã nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm lên 5,25%, đánh dấu đợt tăng lãi suất thứ...