Làm giáo viên chủ nhiệm, tôi chỉ bảo, quan tâm học trò như con
Lứa tuổi các em rất dễ nổi loạn, ương bướng, có thể sa đà vào game, yêu đương, bởi vậy giáo viên chủ nhiệm có phương pháp riêng để hóa giải, cùng tiến bộ.
Mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm giúp học sinh phát triển khả năng vốn có của bản thân, hình thành tính cách và thói quen, phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần.
Làm tốt chương trình mới sẽ giúp các em trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời, có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động cần cù, có tri thức và sáng tạo.
Để đạt được mục đích đề ra của chương trình giáo dục phổ thông mới, vai trò của giáo viên chủ nhiệm vô cùng quan trọng. Người giáo viên chủ nhiệm đòi hỏi có tài năng, năng lực mới đảm nhận được vai trò của mình.
Giáo viên chủ nhiệm không thể áp dụng lề lối quản lý “quyền uy”, theo kế hoạch, theo mệnh lệnh mà phải biết hội tụ, lan tỏa và truyền lửa cho học sinh.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A5 Trường Trung học phổ thông Lê Văn Thịnh (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) đã có những trao đổi hết sức thú vị về công tác chủ nhiệm cũng như cách truyền cảm hứng, động lực cho học sinh, đặc biệt những học sinh cá tính, ham chơi lười học.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm giáo viên chủ nhiệm, khi nói về công tác chủ nhiệm cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt chỉ có thể gói gọn trong hai từ “vất vả”. Nhưng làm giáo viên chủ nhiệm có nhiều điều thú vị bởi bản thân mình cũng phải thay đổi, cập nhật thường xuyên những cái mới để làm công tác chủ nhiệm được tốt hơn.
Giáo viên chủ nhiệm biết dùng mạng xã hội một cách thành thạo, kết bạn với từng học trò để biết các em đang nghĩ gì, làm gì, tâm trạng ra sao sau những status chia sẻ trên trang cá nhân. Ngoài giờ lên lớp, vào ngày nghỉ cuối tuần việc cập nhật tình hình các thành viên trong lớp cũng rất quan trọng trước khi bước vào tuần mới.
Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt luôn được học trò quý mến và xem như người mẹ hiền rất chiều các con nhưng cũng rất nghiêm khắc. Ảnh: NVCC.
Nói rõ hơn về công việc của giáo viên chủ nhiệm, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết: “Mỗi giáo viên chủ nhiệm có phương pháp và cách làm riêng. Đặc biệt đối với lớp có nhiều học sinh cá tính.
Dù bằng phương pháp nào đi nữa, điều quan trọng nhất là giúp học sinh hạnh phúc, vui vẻ đến trường, truyền cảm hứng để các em cố gắng phấn đấu trong học tập và cuộc sống. Công việc của giáo viên chủ nhiệm thật sự bận không khác gì con mọn”.
“Mỗi em một tính cách, như lớp tôi chủ nhiệm có hơn 40 học sinh, tức bấy nhiêu tính cách khác nhau. Bởi vậy, thời gian đầu tôi mất khá nhiều thời gian để dần tìm hiểu các em. Khi có thời gian rảnh tôi tìm hiểu từng hoàn cảnh, gia đình các em ra sao, điều kiện như thế nào…
Khi hiểu các em một phần tính cách và hoàn cảnh gia đình các em mình sẽ có cách xử lý vấn đề được thấu đáo. Đối với học sinh trung học phổ thông giáo viên chủ nhiệm như người mẹ thứ hai, tuổi các em rất dễ nổi loạn, ương bướng.
Bởi vậy giáo viên chủ nhiệm phải thật kiên nhẫn, mềm mỏng, nhưng khi cần cũng phải cứng rắn, nghiêm khắc. Điều quan trọng hơn hết đó là tận tâm với học trò của mình, em nào cá tính mình phải dành nhiều thời gian để giúp đỡ, chia sẻ”, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt nói.
Video đang HOT
Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt tham gia hoạt động trải nghiệm, vui chơi cùng học trò lớp mình chủ nhiệm. Ảnh: NVCC.
Chia sẻ với phóng viên cô Nguyệt cũng cho hay, với phương pháp giảng dạy mới như trường cô đang áp dụng bắt đầu từ khi có kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, giáo viên chủ nhiệm sẽ làm chủ nhiệm mỗi năm một lớp.
Với giáo viên chủ nhiệm ngoài truyền đạt kiến thức chuyên môn, việc chỉ bảo, tiếp sức, truyền lửa cho học sinh hướng đến những điều tốt đẹp cũng vô cùng quan trọng. Cô Nguyệt chia sẻ: “Hơn 40 học sinh có hoàn cảnh khác nhau, có tính cách khác nhau việc quản lý sẽ không đơn giản nếu không sát sao, tận tâm.
Đặc biệt, lớp tôi là lớp tập hợp của những học sinh có học lực nằm tốp dưới từ lớp khác chuyển đến. Mỗi năm trường sẽ tổ chức thi sát hạch một lần theo tổ hợp, nếu học sinh nào không đủ điều kiện để học tại lớp đang theo sẽ được chuyển về lớp tôi làm chủ nhiệm.
Tôi vẫn nói vui với các thầy cô và học sinh, lớp tôi làm chủ nhiệm là những học sinh học tốt từ dưới lên của các lớp chuyển về. Điều đó có nghĩa công việc của giáo viên lớp mà học sinh chưa chăm chỉ học hành, cá tính thì công việc của giáo viên chủ nhiệm còn vất vả hơn nhiều. Nhưng sẽ rất vui và hạnh phúc nếu đóng góp của mình giúp học trò tiến bộ.
Có em sau khi được tôi định hướng, trò chuyện, tâm sự để giải quyết vấn đề các em vướng đã học tốt hơn rất nhiều. Cũng có em biết sức học của mình khó có thể vào những trường đại học tốp đầu, tôi cũng khuyên các em nên theo đuổi đam mê, công việc phù hợp với sức mình.
Việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, trò chuyện với học sinh khi các em gặp rắc rối là điều rất quan trọng. Như lớp tôi từng chủ nhiệm, có một học sinh bố mẹ chia tay, em ở với bố và mẹ kế, dù mẹ kế hết mực yêu thương nhưng em rất ngang bướng không nghe lời gia đình, chểnh mảng học hành.
Qua tìm hiểu tôi biết được hoàn cảnh của em và dành thời gian riêng ngồi trò chuyện, tâm sự với học trò để phân tích, chia sẻ giúp em thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực, cố gắng hơn trong học tập và cách ứng xử trong gia đình.
Tôi rất mừng sau đó em đã thay đổi tích cực, mẹ kế của em rất hài lòng”.
Một câu chuyện khác cô Nguyệt chia sẻ: “Có năm tôi làm chủ nhiệm có học sinh thường xuyên bỏ học đi chơi điện tử. Tôi đã mất rất nhiều thời gian để gặp riêng học sinh đó, đồng thời thường xuyên đến nhà để gặp gỡ trò chuyện với phụ huynh cùng tìm cách tháo gỡ. Rất mừng sau đó em đã quyết tâm không chơi điện tử, tập trung học tập.
Hay ở lứa tuổi các em đã biết rung động chuyện tình cảm nam nữ, yêu đương cũng khiến giáo viên chủ nhiệm rất đau đầu. Nếu yêu đương các em cùng bảo nhau học tập thì không sao, nhưng trường hợp học sinh của tôi lại bỏ bê việc học, kết quả sa sút. Gia đình rất lo lắng, chỉ biết nhờ giáo viên chủ nhiệm can thiệp giúp vì đã dùng đủ các cách.
Với trường hợp đó tôi đã tìm hiểu qua bạn bè của các em đó và biểu hiện bằng chứng cụ thể về sự học sa sút đó rồi tâm sự phân tích về cái được và cái mất của việc yêu đương đó với từng em. Sau nhiều lần quan tâm, động viên và nói chuyện, hai em đã quyết định giành thời gian cho việc học và kết quả học đã tốt lên rất nhiều”.
Theo cô Nguyệt để học sinh của mình có thể chia sẻ những câu chuyện thầm kín, khó nói đòi hỏi người giáo viên chủ nhiệm trước tiên phải được các em tin tưởng, tâm lý, tận tâm và đưa ra được những lời khuyên đúng đắn, chân thành.
“Để học sinh có thể thoải mái, vui vẻ chia sẻ với mình những vấn đề đang vướng mắc, tôi cho các em trao đổi hết sức thẳng thắn, được bày tỏ quan điểm một cách cởi mở.
Còn khi các em mắc lỗi như đi học muộn, vi phạm nội quy nhà trường, tôi luôn tôn trọng các em, không nhắc trước lớp mà sẽ gặp riêng để nhắc nhở, hỏi lý do.
Nếu nhắc nhở một hai lần vẫn tái phạm tôi sẽ xử phạt bằng cách yêu cầu học sinh đó mang dụng cụ để vệ sinh lớp học khi hết giờ. Lúc đó các em sẽ vui vẻ chấp hành vì đã được nhắc nhở. Như thế các em mới tâm phục khẩu phục”, cô Nguyệt nói.
Cũng theo cô Nguyệt, việc quan trọng hơn nữa đối với giáo viên chủ nhiệm là hướng nghiệp cho các em. Học đại học không phải con đường duy nhất đến thành công, học sinh hoàn toàn có thể lựa chọn những công việc theo sở thích, đam mê.
Bên cạnh sự nghiêm khắc với học trò, nhưng có sự kiện vui của lớp hay liên hoan, tham quan, cô Nguyệt cũng “cháy” hết mình cùng học sinh. Sự vui vẻ, hòa đồng của giáo viên chủ nhiệm với học trò cũng là sợi dây gắn kết tình thầy trò gần nhau hơn.
“Còn gì tuyệt vời hơn những học trò của mình ra trường thành công, hạnh phúc. Thành tích học tập nếu nói không quan trọng thì không đúng, nhưng một lớp học hạnh phúc là điều tôi hướng đến”, cô Nguyệt nói.
Vũ Phương
Theo giaoduc.net.vn
Phạt kín đáo, khen công khai học sinh
Cần nhiều tình thương để cô giáo có hình thức kỷ luật đặc biệt khiến một nữ sinh đánh cắp điện thoại tuyệt đối không tái phạm, học tốt và yêu quý người đã kỷ luật mình.
Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM vừa tổ chức tọa đàm "Nghệ thuật khen thưởng và kỷ luật học sinh" với sự tham gia của giảng viên một số trường đại học và các nhà quản lý một số trường THPT trên địa bàn TP.
Kỷ luật học trò bằng trái tim
Nói về kỷ luật học sinh, ThS Nguyễn Nguyệt Lệ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Minh Khai, đã chia sẻ một câu chuyện mà bà từng xử lý.
Sự việc xảy ra vào giữa học kỳ 2 năm ngoái. Một nữ sinh lớp 12 đã đánh cắp điện thoại của bạn. "Nếu lấy Thông tư 08 và Thông tư 58 ra để xử lý sự việc thì đúng khung luôn. Em sẽ bị hạnh kiểm yếu và phải thành lập một hội đồng kỷ luật. Thế nhưng em đang học lớp 12, nếu tôi thực hiện theo đúng nguyên tắc thì em sẽ không được tham dự kỳ thi THPT quốc gia" - bà Lệ nói.
Hoàn cảnh của nữ sinh này cũng rất đáng thương. Cha thường công tác xa nhà, em sống với bà ngoại nên thiếu sự dạy dỗ, quan tâm từ gia đình. Sau khi xem xét, bà Lệ đã phối hợp với giáo viên chủ nhiệm tổ chức một buổi nói chuyện thân mật có sự tham gia của các bên liên quan. Tại đây, nữ sinh đã nhận lỗi về hành vi của mình.
"Kỷ luật là phải tỏ thái độ, phải để học sinh nhận khuyết điểm. Tuy nhiên, kỷ luật cũng phải xuất phát từ tình thương và sự cảm hóa. Vì thế, hôm đó, sau buổi làm việc tôi đã ôm em và nói: "Đây là một bài học cho con. Cô và giáo viên chủ nhiệm sẽ có tiếng nói để xin hạnh kiểm cho con với điều kiện từ tháng 3 đến tháng 5 con phải thể hiện sự tiến bộ, không được vi phạm bất cứ hành vi nào. Cô tin rằng con sẽ làm được". Và sự việc được giải quyết một cách kín đáo".
"Trong lễ tri ân trưởng thành, các học sinh 12 sẽ tự làm vòng đeo tay màu tím để tặng cho các thầy cô mà mình yêu thương. Thật bất ngờ, hôm đó em chạy đến đeo vào tay tôi chiếc vòng thân thương ấy. Và sau đó, tại kỳ thi THPT quốc gia, em đã đạt số điểm khá cao. Dịp lễ 20-11 vừa rồi em cũng về trường thăm tôi" - bà Lệ nhớ lại.
Cô Phan Thụy Mộng Thu, giáo viên Trường THCS Lữ Gia, quận 11, tặng quà cho những học sinh đạt kết quả cao trong học tập. Ảnh: MT
Liên hệ với sự việc tại Trường THCS Ngô Quyền, bà Lệ cho biết việc kỷ luật như thế do ban giám hiệu trường quá nguyên tắc, cứng nhắc. Các nhà quản lý trước khi ra kết luận hãy cân nhắc thật kỹ, thậm chí có thể bàn bạc trong liên tịch, trong hội đồng sư phạm, lấy ý kiến từ những nhà tâm lý.
Trong khi đó, thầy Hoàng Sỹ Đăng, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, cho hay giáo dục có nghĩa là làm sao khiến điều xấu trở thành điều tốt. Bản chất của kỷ luật là làm sao để các em nhận ra sai lầm của mình và không còn tái phạm. Theo thầy Đăng, khi khen ngợi ai đó thì việc khen ngợi nên diễn ra ở chỗ đông người vì nó sẽ đem lại nhiều tác dụng tích cực. Còn khi chê, kỷ luật một ai đó thì nên diễn ra ở nơi ít người, kín đáo để tránh ức chế cho người đó.
Phải thổi hơi thở của thời đại vào Thông tư 08
Chúng ta phải thổi hơi thở của thời đại vào Thông tư 08. Việc cảnh cáo trước toàn trường và đuổi học một năm không còn phù hợp. Vì khi đuổi học, ai sẽ là người quản lý trực tiếp, dạy dỗ em, khi em quay về trường thì tri thức, kiến thức đã thay đổi hằng ngày, hằng giờ sao em bắt kịp.
ThS NGUYỄN NGUYỆT LỆ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Minh Khai
Động lực từ lời phê "Chúc mừng con"
Tại tọa đàm, vấn đề khen ngợi học sinh ra sao để tạo động lực cho các em cũng được nhiều nhà giáo quan tâm. Thầy Nguyễn Tường Thịnh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, đã kể lại một sự việc.
Sáu năm trước, thầy được phân công chủ nhiệm một lớp. Trong lớp có một em học rất chăm chỉ nhưng bài kiểm tra 15 phút chỉ đạt 5 điểm trong khi nhiều bạn điểm cao hơn. Biết em buồn, tôi lại gần động viên: "Thầy thấy con học hành siêng năng. Thầy mong con hãy tiếp tục hành trình đó và thầy tin rằng điểm kiểm tra những lần khác của con sẽ cao hơn".
Sau đó hai tuần, lớp kiểm tra một tiết. Lần này lớp chỉ có bốn em đạt điểm 10 trong đó có em. Trong bài kiểm tra, thầy có ghi lời phê: "Chúc mừng con, con đã làm được".
"Cuối học kỳ, khi tôi cho học trò viết một bức thư phản hồi về công tác giảng dạy, tôi đã nhận được bức thư của em. Trong thư em viết, khi nhận được lời phê với dòng chữ "Con đã làm được" của thầy, em như được tiếp thêm động lực. Em học hành chăm chỉ hơn. Và thực tế những bài kiểm tra sau đó em đều không có điểm nào dưới 8".
Qua sự việc, thầy Thịnh nêu quan điểm khen ngợi học sinh nhiều khi chỉ là những lời động viên kịp thời cũng tạo nên động lực lớn cho các em.
"Hôm nay, con là một ngôi sao!"
Thầy Nguyễn Tường Thịnh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, cho rằng trường học nên có nhiều phong trào, nhiều hoạt động. Bởi đó là cơ hội để học sinh thể hiện, tạo điều kiện để giáo viên khen ngợi các em. Thầy Thịnh kể:
"Tôi từng dạy một lớp, trong đó có một em học rất yếu môn lý nên em hay mặc cảm về bản thân. Điểm kiểm tra của em bao giờ cũng thấp nhất lớp. Thế nhưng vào một lần khi nhà trường tổ chức hội thảo với đoàn học sinh nước ngoài, em lại thể hiện rất tốt. Em tự tin trong giao tiếp tiếng Anh khiến các bạn trong lớp đều phải trầm trồ. Khi đó tôi đến và nói với em: "Hôm nay con là một ngôi sao". Từ đó em thích thú hơn với việc học".
NGUYỄN QUYÊN
Theo PLO
Học sinh thật sự hạnh phúc khi có được một giáo viên chủ nhiệm giỏi Sự quan tâm, tình thương ấm áp từ thầy cô chủ nhiệm như ngọn đuốc soi đường để những tâm hồn đang trong giai đoạn chông chênh, nổi loạn biết đi con đường sáng Trước hết phải khẳng định rằng, giáo viên chủ nhiệm giỏi không phải là cái danh hiệu mà những giáo viên chủ nhiệm lớp nhận được sau mỗi Hội...