Lái xe của ông Trịnh Văn Quyết được ‘phù phép’ nắm giữ cổ phiếu trị giá 230 tỷ
Từ lái xe cho đến người giữ nhiều chức vụ cao ở hệ sinh thái FLC đều được ông Trịnh Văn Quyết và em gái sử dụng để ký khống nhiều giấy tờ nhằm nâng khống vốn của Công ty Faros, lừa đảo chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ thao túng thị trường chứng khoán mà ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC) và 50 người khác mới bị đề nghị truy tố, có cả lái xe riêng của ông Quyết, là bị can Trương Văn Tài (SN 1969, ở Hà Nội).
Từ tháng 6/2014, ông Tài làm lái xe riêng cho ông Trịnh Văn Quyết. Kết quả điều tra đến nay cho thấy, dù không bỏ tiền mua cổ phần và góp vốn vào Công ty Faros, nhưng theo yêu cầu của em gái ông Trịnh Văn Quyết là bà Trịnh Minh Huế, ngày 19/5/2015, ông Tài đã ký 2 hợp đồng khống nhận chuyển nhượng 2 triệu cổ phần của Nguyễn Văn Mạnh và Trịnh Văn Đại tại Công ty Faros, tương đương 20 tỷ đồng.
Từ ngày 27/5/2015 – 1/12/2015, với danh nghĩa cá nhân, ông Tài ký 10/14 chứng từ với giá trị 302 tỷ đồng/261 tỷ đồng (có 4 giấy nộp tiền mặt giá trị 59 tỷ đồng mang tên Tài nhưng không phải do ông Tài ký) để bà Huế dùng danh nghĩa ông Tài thực hiện các giao dịch nộp tiền, chuyển tiền vào, rút tiền quay vòng góp vốn.
Việc này làm tăng giá trị vốn góp của ông Trương Văn Tài từ 20 tỷ đồng, tương đương 2 triệu cổ phiếu lên 230 tỷ đồng, tương ứng 23 triệu cổ phần trong lần tăng vốn thứ 2, thứ 3, khiến vốn điều lệ của Công ty Faros tăng từ 225 tỷ đồng lên 3.037,5 tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Quyết. Ảnh: Hoàng Hà
Trước khi Công ty Faros được niêm yết, ngày 28/1/2016, theo yêu cầu của bà Huế, ông Trương Văn Tài ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần trả lại 23 triệu cổ phần cho bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Quyết). Kết quả điều tra bổ sung cho thấy, thực tế ông Tài không được nhận tiền.
Giao dịch ảo
Vốn là bạn cùng quê với ông Trịnh Văn Quyết, từ năm 2010, ông Nguyễn Thanh Bình (SN 1975) được bố trí ngồi vào nhiều vị trí như: Thành viên HĐQT, phụ trách công bố thông tin của Công ty CP Tập đoàn FLC, kiêm Phó TGĐ Công ty CP Đầu tư và thương mại KLF (từ năm 2012- 2018); Chủ tịch HĐQT 4 công ty. Từ 16/4/2016- 5/5/2017, ông Bình là thành viên HĐQT Công ty Faros; Chủ tịch Công ty RTS từ ngày 21/6/2014- 21/3/2016.
Video đang HOT
Được bạn giao giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty RTS nhưng ông Bình không hề điều hành hoạt động của công ty. Dù không biết số vốn điều lệ thực góp của các cổ đông là bao nhiêu, nhưng theo chỉ đạo của ông Trịnh Văn Quyết, với danh nghĩa là Chủ tịch HĐQT Công ty RTS, ông Bình vẫn ký biên bản, nghị quyết thông qua chủ trương chuyển nhượng 80 triệu cổ phần của các cổ đông Công ty RTS với số tiền 800 tỷ đồng (thực chất chỉ có 400 tỷ đồng vốn thực góp) cho Công ty Faros.
Việc này làm tăng vốn điều lệ của Faros từ 3.500 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.
Trong lần tăng vốn thứ 3, theo chỉ đạo của ông Quyết và bà huế, tháng 9/2015, với danh nghĩa Chủ tịch HĐQT Công ty KLF, ông Bình ký 1 giấy rút tiền mặt, rút hơn 5 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty KLF để bà Huế nộp vào tài khoản mang tên Trịnh Văn Đại để quay vòng góp vốn khống vào Công ty Faros…
Ngày 18/11/2015, sau khi bà Huế sử dụng danh nghĩa Nguyễn Văn Mạnh chuyển 92,35 tỷ đồng góp vốn vào Faros, bà Huế tiếp tục rút tiền ra khỏi Công ty Faros bằng cách chuyển khoản 92 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty CP Đầu tư tài chính và quản lý tài sản Magnus Capital (tên cũ của Công ty RTS).
Sau đó, với danh nghĩa Chủ tịch HĐQT Công ty Magnus Capital, ông Bình còn ký 3 ủy nhiệm chi chuyển tiếp 127,35 tỷ đồng sang tài khoản của Công ty FLC Land để bà Huế tiếp tục chuyển tiền sang Công ty Huy Hoàng, sau đó rút tiền mặt nộp vào tài khoản của Mạnh để tiếp tục quay vòng lần 2 góp vốn vào Công ty Faros, giúp nâng khống vốn góp của Mạnh tại Faros.
Theo kết luận điều tra, nhằm hợp thức hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros, tháng 4/2016, ông Bình đứng tên hộ là cổ đông góp vốn vào Công ty Faros bằng hình thức ký hợp đồng (do bà Huế soạn sẵn) mua lại 50.000 cổ phần với giá trị 500 triệu đồng từ bà Đặng Thị Hồng (ông Bình không thanh toán tiền).
Ông Bình còn ký cam kết nắm giữ cổ phiếu ngày 11/7/2016 để bà Huế lập danh sách cổ đông làm hồ sơ đề nghị niêm yết.
Từ tháng 2/2016- 3/2021, với danh nghĩa Chủ tịch HĐQT Công ty RTS, Công ty FLC Quy Nhơn và Công ty KLF, dù không điều hành hoạt động công ty, không có thỏa thuận giao dịch kinh tế, nhưng ông Bình vẫn ký 18 ủy nhiệm chi khống chuyển 582,06 tỷ đồng đến Công ty SCO, Công ty Faros, Công ty Huy Hoàng và Công ty FLC Land để bà Huế sử dụng tạo dòng tiền chạy qua tài khoản của các công ty hạch toán kế toán hợp thức, che giấu việc góp vốn và sử dụng vốn góp khống tại Công ty Faros.
Theo CQĐT, ông Bình đã được ông Quyết cho 66.000 cổ phiếu và ông Bình đã bán toàn bộ số cổ phiếu trên, thu về hơn 2,6 tỷ đồng.
CQĐT cho rằng, hành vi của các ông Tài, Bình cùng những người liên quan đã giúp cho bị can Trịnh Văn Quyết và đồng phạm thực hiện hành vi nâng khống vốn điều lệ để niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo tăng vốn ảo, giải trình không trung thực
Công ty Faros tăng vốn ảo lên hàng ngàn tỷ đồng, nhưng cuối cùng vẫn được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM có quyết định chấp thuận đăng ký niêm yết cổ phiếu ROS.
Theo kết luận điều tra, thời điểm năm 2014, Công ty CP Xây dựng Faros có vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Sau 5 đợt tăng vốn điều lệ trong các năm 2014-2016, Faros có vốn điều lệ 4.300 tỷ đồng. Điều đáng nói, các cổ đông chỉ thực góp hơn 1.197 tỷ đồng, còn lại 3.102 tỷ đồng là "vốn khống".
Ở mỗi lần góp vốn, tiền được nộp vào tài khoản song lại nhanh chóng bị rút ra, nộp lại, quay vòng nhiều lần. Việc rút tiền ra được hợp thức hóa bằng các hợp đồng ủy thác đầu tư, hợp tác kinh doanh, cho vay vốn.
Sau khi nâng khống vốn điều lệ, biết Công ty Faros không đủ điều kiện được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, nhưng ông Trịnh Văn Quyết vẫn chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ gửi các cơ quan quản lý Nhà nước đề nghị đăng ký lưu ký, niêm yết cổ phiếu ROS (của Công ty Faros) tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Theo Cơ quan điều tra, dù biết rõ số vốn góp không đúng với báo cáo tài chính năm 2015- 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, nhưng ngày 20/4/2016, ông Doãn Văn Phương (Chủ tịch HĐQT Công ty Faros) đã ký văn bản gửi Ủy ban CKNN đề nghị xem xét và chấp thuận việc đăng ký công ty đại chúng, kèm theo các hồ sơ liên quan.
Ông Trịnh Văn Quyết. Ảnh: Hoàng Hà
Tiếp nhận hồ sơ của Faros, Ủy ban CKNN giao Vụ giám sát công ty đại chúng thực hiện việc thẩm định hồ sơ. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, Vụ giám sát công ty đại chúng đề nghị Công ty Faros giải trình làm rõ một số nội dung liên quan đến quá trình góp vốn và sử dụng vốn từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng trong các năm 2014, 2015, 2016; Giải trình nội dung liên quan về các khoản ủy thác đầu tư, cho vay đối với bà Nguyễn Thị Hồng Dung và Lê Thị Thơm...
Dù bà Dung và Thơm là thợ may, lao động tự do, không hoạt động kinh doanh gì, nhưng phía Công ty Faros vẫn giải trình đây là "hai nhà đầu tư uy tín".
Kết quả điều tra làm rõ, ngày 31/5/2016, ông Nguyễn Ngọc Tỉnh (TGĐ Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội) đã ký, ban hành 2 báo cáo kiểm toán của Công ty Faros.
Tuy nhiên trong báo cáo có lưu ý người đọc báo cáo tài chính như sau: "Trong năm 2015, đơn vị ủy thác đầu tư cho một số tổ chức và cá nhân với số tiền là hơn 3.332 tỷ đồng. Một số giao dịch về ủy thác đầu tư trong kỳ phát sinh bằng tiền mặt giá trị lớn..."
Trong khi hồ sơ còn nhiều vấn đề, ngày 24/6/2016, Faros ký văn bản thúc giục Ủy ban CKNN "sớm có văn bản chấp thuận Faros là công ty đại chúng".
Chấp thuận niêm yết Faros
Đến ngày 30/6/2016, bà Nguyễn Thị Thủy (chuyên viên) và ông Lê Công Điền (Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng) đã ký báo cáo kèm tờ trình về hồ sơ Faros gửi lên Chủ tịch UBCK lúc đó là ông Vũ Bằng. Sau đó, ông Vũ Bằng đã có ý kiến: "Đồng ý; Tiếp tục cùng công ty và kiểm toán làm rõ".
Ngày 1/7/2016, Vụ Giám sát công ty đại chúng có văn bản chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng của Faros và đề nghị Công ty Faros tiếp tục giải trình một số nội dung và bổ sung tài liệu liên quan.
Đến ngày 4/7/2016, Vụ Giám sát công ty đại chúng có văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM thông báo về việc tăng vốn của Faros và yêu cầu trường hợp Faros nộp hồ sơ niêm yết, đăng ký giao dịch thì đề nghị các Sở thẩm định chặt chẽ theo thẩm quyền và quy định.
Ngày 24/8/2016, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM có quyết định chấp thuận đăng ký niêm yết cổ phiếu ROS, với số lượng 430 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng, tổng giá trị cổ phiếu theo mệnh giá 4.300 tỷ đồng, giá tham chiếu 10.500 đồng/cổ phiếu.
Cơ quan điều tra làm rõ, từ tháng 9/2016- 3/2022, ông Trịnh Văn Quyết giao cho em gái là bị can Trịnh Thị Minh Huế sử dụng các tài khoản dưới tên Trịnh Văn Quyết và 40 tài khoản chứng khoán nhờ người đứng tên để thực hiện việc mua, bán cổ phiếu ROS.
Ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bà Huế bán hơn 391 triệu cổ phiếu ROS ban đầu hình thành từ vốn góp khống (cổ phiếu không đảm bảo giá trị) thu được 4.818 tỷ đồng. Kết luận điều tra chỉ ra rằng, số tiền các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS bị chiếm đoạt là 3.620 tỷ đồng.
Theo Cơ quan điều tra, đối với các đối tượng thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán, các công ty kiểm toán và các công ty liên quan có dấu hiệu vi phạm, Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng đề nghị Ủy ban CKNN xem xét xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho mượn tài khoản chứng khoán dẫn đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với các cá nhân, pháp nhân.
Vụ án 'thao túng chứng khoán': Doãn Văn Phương bỏ trốn, xuất cảnh sang Anh Theo Kết luận điều tra của cơ quan công an, bị can Doãn Văn Phương (cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC) đã bỏ trốn, được xác định là xuất cảnh sang Vương quốc Anh. Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố ông Trịnh Văn Quyết (Chủ...