Lãi vay 0% có khả thi?
Ngày càng nhiều kiến nghị, đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 tác động.
Theo chuyên gian, kiến nghị này không dễ thực hiện ngay được mà cần phải có nghiên cứu, đánh giá cụ thể về quy mô gói vay, thời gian cho vay…
Cũng có ý kiến cho rằng Chính phủ cần mạnh dạn với các gói hỗ trợ cho DN như cho vay LS thấp hay 0% vì rất nhiều nước trên thế giới đã thực hiện điều đó.
Chỉ áp dụng với DN đặc thù?
Sở Du lịch TP HCM vừa có đề xuất cho doanh nghiệp (DN) du lịch có quy mô lớn trên 200 lao động được vay vốn với lãi suất (LS) 0% để trả lương. Trước đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng đề nghị hỗ trợ cho vay với LS 0% trong suốt thời gian dịch bệnh Covid-19 và giảm 50% LS cho vay (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) đến ngày liền kề sau 12 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.
Cảnh buôn bán ế ẩm ở chợ Bến Thành (TP HCM) vì vắng bóng du khách. Ảnh: Khả Hòa.
Hay Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cũng đã có kiến nghị Chính phủ phương án hỗ trợ Vietnam Airlines (VNA) theo hướng giải cứu bằng việc thông qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng các nguồn vốn dự trữ và cơ chế tái cấp vốn qua các NH thương mại nhà nước, NH chính sách cho phép VNA được vay khoản ưu đãi với quy mô 12.000 tỷ đồng LS 0% tối thiểu trong 3 năm để đủ thời gian cho đơn vị này khắc phục các ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trường hợp không thực hiện được phương án trên, đề nghị cho VNA vay vốn các NH thương mại, phần nhà nước hỗ trợ cho VNA thông qua bù chênh lệch lãi suất…
Vietnam Airlines từng được kiến nghị cho vay ưu đãi 12.000 tỉ đồng lãi suất 0%. Ảnh: Đậu Tiến Đạt.
Video đang HOT
GS.TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới, nhận định kiến nghị này không dễ thực hiện ngay được mà cần phải có nghiên cứu, đánh giá cụ thể. Chẳng hạn như quy mô gói vay sẽ là bao nhiêu? Thời gian cho vay bao lâu? Nếu cho vay LS 0% thì nhà nước sẽ cấp bù LS là bao nhiêu? DN được phép vay vốn LS 0% được sử dụng làm gì?… Việc Chính phủ phải chi tiền để cấp bù LS có hiệu quả hơn là sử dụng số tiền đó để hỗ trợ trực tiếp các DN hay không? Tại sao phải hỗ trợ đi đường vòng thông qua hệ thống NH thương mại?…
“Nếu áp dụng đại trà hoặc cho nhiều DN vay với LS 0% thì tôi e ngại sẽ làm méo mó chính sách tài chính tiền tệ nói chung của Chính phủ. Do vậy nếu như sau khi nghiên cứu kỹ thì cũng chỉ có thể áp dụng cho một số DN đặc thù nhất định như trường hợp của VNA vì nếu không hỗ trợ hãng sẽ phá sản. Hơn nữa đây cũng là DN nhà nước với ngành nghề đặc thù nên có hỗ trợ riêng. Ngân sách của nhà nước cũng sẽ không đủ để hỗ trợ đại trà cho mọi DN.
Bên cạnh đó, cần phải tính toán về cơ chế đặc thù, minh bạch và công khai nếu áp dụng mà không để xảy ra tình trạng xin cho. Nhưng quan trọng hơn là đẩy mạnh chính sách tài chính để hỗ trợ các DN như giảm hẳn 30% thuế thu nhập DN cho tất cả các đơn vị mà không chỉ gói gọn ở quy định DN có doanh thu dưới 200 tỷ đồng; giảm mạnh hơn các loại thuế phí cũng như cắt giảm nhiều nữa thủ tục, điều kiện liên quan đến DN”, GS.TS Võ Đại Lược nói.
Chọn ai, bỏ ai… không đơn giản
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho rằng giải pháp này khó có thể thực thi được bởi nguyên tắc của NH là huy động tiền và trả lãi cho người gửi, sau đó cho khách hàng vay lại. Từ đầu năm đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh LS điều hành, thực hiện cắt giảm các chi phí… để các NH có điều kiện giảm LS huy động, từ đó giảm LS đầu ra. Các NH thương mại huy động tiền của dân với LS khoảng 2,5 – 7,8%/năm thì làm sao cho vay ra 0%, không lẽ họ cho vay lỗ? Còn nếu áp dụng LS vay 0% và Chính phủ phải bỏ tiền ra tài trợ cho mức LS này thì cũng khó khăn.
TS Lê Xuân Nghĩa phân tích: Ở nước ngoài, LS 0% là LS chính sách của NH trung ương, và các DN tiếp cận vốn từ các NH vẫn vay theo LS thương mại. Giải pháp duy nhất có thể thực hiện được, theo ông Lê Xuân Nghĩa, là NH thương mại cho vay LS từ 2 – 3%/năm, phần chênh lệch còn lại ngân sách nhà nước sẽ bù. Dù vậy ông Nghĩa vẫn không đánh giá cao giải pháp này mà cho rằng thay vào đó, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho gói hỗ trợ kinh tế lần 1 được hiệu quả hơn.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế, Tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng nếu áp dụng gói tín dụng LS 0% thì nhà nước phải dùng ngân sách để hỗ trợ bù LS. Trong bối cảnh ngân sách đang hạn hẹp thì chắc chắn phải tính đến quy mô gói tín dụng 0%, chỉ hỗ trợ tập trung những đối tượng bị ảnh hưởng mạnh nhất do dịch Covid-19.
Thế nhưng, đối tượng nào được hỗ trợ LS 0% là cả một vấn đề vì gần như toàn xã hội hiện nay đang bị ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra, người này được ưu tiên mà người kia không được cũng rất khó. Áp dụng LS cho vay 0% để DN trả lương cho người lao động, xét về mặt đạo lý là nhân văn.
Thế nhưng nếu DN vay gói tín dụng LS 0% bị phá sản, không trả được nợ gốc thì lúc đó giải quyết như thế nào? Trong những tháng qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành NH thấp không những đến từ việc các khách hàng ít vay mà một phần do các NH cũng ngại cho vay trong bối cảnh khó khăn, không lường trước được rủi ro, có khả năng làm gia tăng nợ xấu.
“LS cho vay chỉ là một yếu tố, vấn đề NH quan tâm hiện nay là DN vay có trả được nợ hay không. Trong trường hợp các gói tín dụng sử dụng nguồn tái cấp vốn từ nhà nước, nguồn vốn ngân sách để có LS 0%, các NH càng thận trọng hơn với quyết định cho vay bởi ngoài thủ tục tăng lên, NH còn phải chịu trách nhiệm trong trường hợp bị trục lợi hay mất vốn ngân sách…”, TS Nguyễn Đức Độ chia sẻ thêm.
Mạnh dạn hỗ trợ DN
Trái ngược với những quan điểm thận trọng trên, TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP HCM), cho rằng Chính phủ vẫn có thể áp dụng được các gói cho vay với LS thấp để hỗ trợ cộng đồng DN. Cụ thể hơn, Chính phủ có thể phát hành trái phiếu với kỳ hạn 5 – 10 năm để hút tiền về, sau đó cho các DN vay lại đúng bằng LS phát hành trái phiếu. Bởi hiện nay, nhiều đợt phát hành trái phiếu chính phủ với LS còn dưới 2%/năm.
Trong đó đối tượng mua trái phiếu chính phủ nhiều nhất vẫn là các NH thương mại do tăng trưởng tín dụng còn thấp, thanh khoản của các nhà băng dồi dào. Theo TS Lê Đạt Chí, việc huy động vốn và cho vay này như là cái “bơm” để đưa vốn từ nơi thừa đến nơi cần, giúp các DN nhanh chóng khôi phục hoạt động.
Thậm chí, với những ngành bị tác động nặng nề do dịch Covid-19 như hàng không và du lịch, Chính phủ cũng có thể sử dụng nguồn vốn nói trên để cho vay với LS 0% và thực hiện cấp bù LS thông qua NHNN chỉ định các NH thương mại nhà nước.
TS Lê Đạt Chí nhấn mạnh: Nếu ai đến trung tâm TP HCM sẽ thấy nhiều khách sạn vẫn đang đóng cửa vì không có khách; hàng loạt DN du lịch, lưu trú bị sụt giảm 95% doanh thu hay VNA cũng kiệt quệ. Chỉ cần công ty du lịch bán được 1 tour cho 1 khách hàng thì nhà nước sẽ thu được 10% thuế giá trị gia tăng song song với việc DN đó có lãi sẽ thu được thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Thậm chí nếu DN chưa có lãi, không thu được thuế TNDN thì Chính phủ vẫn thu được thuế GTGT, đây chính là nguồn thu để bù lại phần LS đã bù khi cho vay 0%. Số thuế này sẽ rất lớn khi doanh số của cả ngành du lịch gia tăng trở lại. Tương tự đối với hoạt động của ngành hàng không, số thuế GTGT luôn lớn hơn thuế TNDN.
Chính phủ cần mạnh dạn với các gói hỗ trợ cho DN như cho vay LS thấp hay 0% vì rất nhiều nước trên thế giới đã thực hiện điều đó. Thậm chí Chính phủ các nước còn chi tiền để phát không cho cả DN lẫn người dân. Việc hỗ trợ bù LS không phải là trợ giá hàng hóa và nhất là trong điều kiện do đại dịch Covid-19, chúng ta không lo ngại vi phạm về các nguyên tác của kinh tế thị trường. Nếu không thực hiện thì khi “lò xo” kinh tế thiếu động lực và muốn phục hồi trở lại thì sẽ càng tốn kém nhiều hơn.
Ngân hàng Nhà nước: Các ngân hàng phải tiếp tục giảm lương thưởng, lợi nhuận để hạ lãi suất
Ngân hàng nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới.
Đây là nội dung có trong văn bản số 5596 /NHNN-VP mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi các đơn vị thuộc, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.
Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) nắm bắt, cập nhật kịp thời các thông tin chính thức về diễn biến mới của dịch Covid-19 và chỉ đạo của các cấp, các ngành và các địa phương để thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch; chủ động áp dụng các biện pháp ứng phó trong từng hệ thống TCTD, đảm bảo hoạt động an toàn, thông suốt, không bị gián đoạn trong mọi trường hợp.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các TCTD tiếp tục hạ lãi suất thực chất
Về hoạt động tín dụng, tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là tín dụng đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông, TCTD cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp... Bố trí nguồn vốn cần thiết để phát triển các sản phẩm cho vay phục vụ đời sống, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Đặc biệt, NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN về tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch. Chấp hành đúng quy định của NHNN về lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.
Các TCTD nói chung và các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, Agribank nói riêng triển khai mạnh mẽ, hiệu quả các chương trình, sản phẩm tín dụng tiêu dùng với lãi suất hợp lý. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN trong cho vay tiêu dùng. Rà soát, hoàn thiện các quy định nội bộ và tăng cương kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và quy định nội bộ của TCTD. Đổi mới, cải cách mạnh mẽ thủ tục cấp tín dụng và dịch vụ ngân hàng; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định cho vay nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật...
Tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Tích cực phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm của các cá nhân và đơn vị trực thuộc.
Các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, các QTDND thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về huy động, cho vay, thu nợ, bảo đảm minh bạch, an ninh, an toàn hoạt động.
Thống đốc cũng yêu cầu các TCTD triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm khác như: Chấp hành nghiêm các quy định của NHNN về an toàn kho quỹ. Làm tốt công tác giám sát, tự kiểm tra nội bộ, tăng cường an ninh, an toàn kho quỹ, ngăn chặn sai phạm trong quản lý tiền tệ, kho quỹ. Chủ động có các biện pháp phòng chống tiêu cực, trộm cướp tại các chi nhánh, phòng giao dịch...
Bật tín hiệu cản trên lãi suất trong mùa "tiền rẻ" Đã sẵn có tín hiệu, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẵn sàng bật thêm trong định hướng bình ổn lãi suất vùng thấp để hỗ trợ nền kinh tế qua đại dịch. Trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại Hà Nội. Tuần qua, sau thời gian dài, tỷ giá USD/VND có bước tăng khá mạnh trên các thị trường. Với tỷ giá trung...